Việc mục vụ trong giáo phận Roma
Việc mục vụ trong giáo phận Roma.
Một số nhận định của Ðức Hồng Y Agostino Vallini về việc mục vụ trong giáo phận Roma.
Vatican (Vat. 1/03/2010) - Cách đây gần 2 năm ngày 27 tháng 6 năm 2008 Ðức Hồng Y Agostino Vallini đã được Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI chỉ định thay thế Ðức Hồng Y Camillo Ruini làm Giám Quản giáo phận Roma.
Ðức Hồng Y Vallini sinh năm 1940 tại Poli thuộc giáo phận Tivoli, gần Roma. Ngài đã từng làm giáo sư tại Ðại Học Giáo Hoàng Laterano và tại Phân khoa thần học của đại học Napoli nam Italia và cũng từng là phân khoa trưởng tại đây. Tiếp đến cha Vallini đã được Tòa Thánh chỉ định làm Giám Mục phụ tá giáo phận Napoli trong 10 năm trời, rồi làm Giám Mục chính tòa giáo Phận Albano 5 năm. Sau đó Ðức Cha Vallini đã giữ chức Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa thánh 5 năm, trước khi được bổ nhiệm làm Giám Quản giáo phận Roma.
Ðức Thánh Cha là Giám Mục của giáo phận Roma, nhưng vì phải lo cho các hoạt động đa diện của Giáo Hội hoàn vũ và các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, nên ngài chỉ định một Hồng Y thay ngài cai quản giáo phận. Cùng cộng tác với Ðức Hồng Y Giám Quản Vallini hiện có một Giám Mục Tổng Phụ Tá là Ðức Tổng Giám Mục Luigi Moretti và 6 Giám Mục Phụ Tá là: Ðức Cha Armando Brambilla đặc trách mục vụ y tế; Ðức Cha Paolino Shiavon, đặc trách vùng Nam Roma; Ðức Cha Ernesto Mandara, đặc trách vùng Trung Roma; Ðức Cha Benedetto Tuzia, đặc trách vùng Ðông Roma; Ðức Cha Guerino di Torra, đặc trách vùng Bắc Roma; Ðức Cha Giuseppe Marciante đặc trách vùng Ðông Roma. Tổng cộng cả 5 vùng giáo phận Roma có 337 giáo xứ. Theo thống kê năm 2004 giáo phận Roma có 5,390 linh mục trong đó có 1,740 linh mục giáo phận và 3,650 linh mục dòng, 5,630 tu huynh và 21,900 nữ tu.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Hồng Y Agostino Vallini về công tác mục vụ trong giáo phận Roma.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y từ khi làm Giám Quản giáo phận Roma đến nay Ðức Hồng Y đã quyết định dành một ngày trong tuần để gặp gỡ các Linh Mục giáo phận Roma, bắt đầu từ 8 giờ sáng trở đi. Linh Mục nào cũng có thể tới gặp mà không cần phải lấy hẹn trước. Tại sao vây?
Ðáp: Lý do là vì tôi ý thức rằng làm cha sở ngày nay không phải là điều dễ dàng: vị linh mục phải tìm thấy nơi Giám Mục của mình điểm quy chiếu, một người anh, một người cha. Ðây là một kiểu sống gần gũi với nhau, dựa trên tư tưởng Chúa đã chọn các linh mục và tôi chỉ có thể gần gũi các vị trên con đường cuộc sống. Càng có tương quan với nhau bao nhiêu, lại càng có sự hiệp thông và đồng ý với nhau bấy nhiêu. Và điều này tạo thuận tiện cho việc cai quản giáo phận.
Hỏi: Công tác mục vụ trong giáo phận Roma tiến hành theo các đường hướng nào thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Chúng tôi đang làm một cuộc kiểm thực mục vụ nảy sinh từ một đòi hỏi cấp thiết: vì cách đây 10 năm giáo phận Roma đã sống một thời điểm mạnh mẽ liên quan tới căn tính và tính cách hữu hình của mình, qua chiến dịch truyền giáo với sự tham gia của 10,000 thừa sai trong tất cả mọi lãnh vực cuộc sống. Trong các năm sau đó mục vụ giáo phận đã tập trung vào các đề tài quan trọng như: gia đình, giới trẻ, việc giáo dục. Khi được chỉ định làm Giám Quản tôi đã tự hỏi làm sao để hòa mình vào lộ trình ân sủng và sự thánh thiện này của giáo phận để có thể hướng dẫn nó. Và tôi đã hiểu rằng địa bàn là Công Nghị giáo phận đã sống. Vì thế với sự khích lệ của Ðức Thánh Cha chúng tôi đã quyết định làm một cuộc kiểm thực: thực tại của thành phố Roma đã thay đổi, và không còn có thể coi đức tin như là một giả thiết nữa. Chúng tôi khởi hành từ câu hỏi này: "Tín hữu giáo phận Roma ý thức mình là Giáo Hội như thế nào, và họ có cảm thấy trách nhiệm loan báo Chúa Kitô hay không?" Có 5 đề tài cần được kiểm thực: việc tham dự các buổi cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật; việc làm chứng cho tình bác ái; việc khai tâm cuộc sống Kitô; mục vụ giới trẻ; và mục vụ gia đình. Hai lãnh vực đầu đang được kiểm chứng trong năm nay, không phải chỉ tại các giáo xứ mà trong mọi thực tại của cuộc sống giáo phận.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, giáo phận Roma có gương mặt như thế nào?
Ðáp: Tại trung tâm Roma nơi có các dinh thự của các cơ cấu chính quyền người dân sống nhưng không ở trong các vùng này và các giáo xứ thường nhỏ. Nhưng khi đi ra các vùng chung quanh xa lộ vòng đai thì các cộng đoàn lớn hơn, có khi tới 45.000 người, và công tác mục vụ cũng phong phú hơn. Sau cùng có những vùng Giáo Hội đã làm việc từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa xây được các nhà thờ. Hiện có 8 vùng còn đang được xây dựng và cần phải mở thêm 10 vùng khác. Trong một năm rưỡi vừa qua tôi đã viếng thăm được 90 giáo xứ, và tôi thấy các giáo xứ này sinh động và có ý nghĩa đối với khu vực dân cư chung quanh. Ðược như thế là nhờ sự dấn thấn của công tác mục vụ trung tâm cầu nguyện. Tại nhiều vùng ngoại ô giáo xứ là điểm quy tụ và có các đề nghị sinh hoạt duy nhất.
Hỏi: Tương quan giữa giáo phận, Tòa Giám Quản với Ðức Thánh Cha như thế nào thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Roma, trung tâm của Kitô giáo với Tòa của Người Kế Vị Thánh Phêrô có một tinh thần đại đồng, mà các giáo phận khác có thể ít cảm thấy hơn. Thật là một vinh dự đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn khi nhân danh Ðức Thánh Cha cai quản và điều hợp công việc của giáo phận này.
Tôi được đặc ân thường được Ðức Thánh Cha tiếp riêng để báo cáo cho Người biết các vấn đề quan trọng nhất trong lãnh vực mục vụ và nhận các chỉ thị của Ðức Thánh Cha. Hàng năm Ðức Thánh Cha thường viếng thăm một số giáo xứ và người có buổi gặp gỡ các linh mục vào dịp bắt đầu Mùa Chay và khai mạc đại hội giáo phận với diễn văn đề ra đường hướng mục vụ cho cả năm.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y Giám Quản, tại Romna có nhiều Ðại Học Giáo Hoàng. Sinh hoạt của các đại học này có gây cản trở cho việc nhìn thấy các viễn tương khác hay không?
Ðáp: Ý thức của giáo phận đã được củng cố đặc biệt trong 50 năm qua, tức từ thời Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII trở đi. Ðể đạt mục đích này chính Ðức Gioan XXIII đã ước muốn di chuyển tòa Giám Quản về bên cạnh Ðền thờ thánh Gioan Laterano, là Nhà Thờ Chính Tòa của giáo phận Roma. Chiều kích rộng rãi và to lớn của giáo phận khiến cho việc cai quản công tác mục vụ phức tạp hơn. Nhưng các cơ cấu tổ chức theo giáo luật bù đắp cho vấn đề này.
Cuộc sống mục vụ được suy tư trong các giáo xứ và giáo hạt, rồi lên cao hơn là trong từng vùng có một Giám Mục Phụ Tá đặc trách. Các lựa chọn quan trọng của việc cai quản giáo phận đều được thảo luận trong hội đồng giáo hạt. Ðây là các cơ cấu của việc tham dự sinh động thực sự.
Hỏi: Ngày xưa người ta nói Roma là thủ đô của Kitô giáo. Ngày nay nó có còn thật như vậy nữa không, thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Ngày nay Roma vẫn còn có ý thức là Giáo Hội mẹ, với tất cả các khó khăn gắn liền với thời đại chúng ta đang sống. Số tín hữu tham dự thánh lễ Chúa Nhật được khoảng 20%, các ơn gọi ít so với nhu cầu mục vụ, nhưng bù lại có các linh mục sinh viên theo học tại các Ðại Học Giáo Hoàng ở Roma, giúp một tay. Tuổi trung bình của các linh mục giáo phận Roma không cao, vào khoảng 50. Cuộc sống chung của hàng giáo sĩ trong các giáo xứ là một sự phong phú. Và tôi phải hài lòng nhấn mạnh rằng bên cạnh các trung tâm quốc gia và quốc tế của các hiệp hội và phong trào khác nhau, sự hiện diện của hàng ngũ giáo dân được chuẩn bị và có phẩm chất cao gia tăng và lớn mạnh trong các giáo xứ. Các giáo xứ Roma soạn thảo các đề nghị rao truyền Tin Mừng chung quanh nhân tố nền tảng của chương trình mục vụ.
Ngoài ra trong giáo phận Roma còn có ý thức bác ái rất cao. Cha Luigi Di Liego, Giám Ðốc Caritas Roma, đã để lại dấu vết các hoạt động của ngài. Tổ chức Caritas Roma có khoảng 400 nhân viên và mấy ngàn thiện nguyện viên làm việc trong các hợp tác xã do Caritas gợi hứng trong mọi lãnh vực.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, mới đây Ðức Hồng Y đã kêu gọi ông Alemano thị trưởng Roma tìm ra các phương thế giúp giải quyết tệ nạn những người thất nghiệp đứng ở các ngã tư đường chùi xe. Trong một thành phố có đa chủng tộc sinh sống như Roma, đâu là kiểu chung sống có thế có thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Giữa ông thị trưởng Roma và Tòa Giám Quản có sự cộng tác thân tình. Dĩ nhiên cần phải làm việc nhiều để rộng mở cho sự đại đồng và tiếp đón người thuộc mọi chủng tộc. Tại Roma không có nạn kỳ thị chủng tộc, nhưng đây đó cũng có vài dấu chỉ của sự bất khoan nhượng. Vì thế cần phải tỉnh thức để tạo thuận tiện cho tính cách hợp pháp của những người sinh sống tại đây, và cùng nhau ý thức về các bổn phận nhân bản và Kitô trong việc tiếp đón người nước ngoài.
Trong một thông cáo mới đây tôi có than phiền về các thái độ khai thác bóc lột, lạm dụng và tăng giá cả có hại cho người di cư tị nạn và các giai tầng yếu kém trong xã hội. Chẳng hạn như việc bắt người ta trả 500 Euros cho một chỗ ngủ là một hành động không có tinh thần Kitô.
(Jesus, Febbraio 2010, trang 7476)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)