Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16
nhân ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 25
Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 nhân ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 25.
Vatican (Vat. 15/03/2010) - Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 nhân ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 25 sẽ cử hành ngày Chúa nhật Lễ Lá 28-3-2010:
"Thưa Thầy nhân lành, con phải là gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp" (Mc 10,17)
Các bạn thân mến,
Năm nay chúng ta mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Ngày Quốc Tế giới trẻ, mà Ðấng Ðáng Kính Gioan Phaolô 2 đã muốn như một cuộc hẹn hằng năm của các tín hữu trẻ trên toàn thế giới. Ðây là một sáng kiến tiên tri đã mang lại nhiều thành quả dồi dào, giúp các thế hệ Kitô trẻ gặp gỡ nhau, lắng nghe Lời Chúa, khám phá vẻ đẹp của Giáo Hội và sống những kinh nghiệm nồng nhiệt về đức tin, làm cho nhiều người đi tới quyết định tận hiến cho Chúa Kitô.
Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 25 năm nay là một giai đoạn tiến về Ðại Hội Giới Trẻ thế giới sẽ diễn ra vào tháng 8 năm 2011 tại Madrid, nơi mà tôi hy vọng sẽ có đông đảo các bạn đến sống biến cố hồng phúc này.
Ðể chuẩn bị cho cuộc cử hành ấy, tôi muốn đề nghị với các bạn một vài suy tư về đề tài năm nay: "Thưa Thày nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Mc 10,17), rút từ giai thoại Tin Mừng về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với chàng thanh niên giàu có; đề tài này đã được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 bàn đến hồi năm 1985 trong một Lá Thư rất hay, lần đầu tiên được gửi đến giới trẻ.
1. Chúa Giêsu gặp chàng thanh niên
Phúc Âm thánh Marco kể lại: "Trong khi Chúa Giêsu đi đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Chúa Giêsu đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các giới răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy tôn kính cha mẹ". Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, con đã tuân giữ từ thủa nhỏ. Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: Anh chỉ thiếu một điều, là hãy bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi". Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải" (Mc 10,17-22).
Trình thuật này diễn tả sống động sự quan tâm đặc biệt của Chúa Giêsu đối với người trẻ, đối với các bạn, đối với những mong đợi, hy vọng của các bạn và chứng tỏ Chúa nồng nhiệt đích thân gặp các bạn và đối thoại với mỗi người trong các bạn. Thực vậy, Chúa Kitô dừng lại để trả lời câu hỏi của người đối thoại, biểu lộ sự hoàn toàn sẵn sàng đối với chàng thanh niên, và Ngài cảm động vì ước muốn nồng nhiệt của anh mong được nói với" Thầy Nhân Lành". Qua đoạn Phúc Âm này, vị Tiền Nhiệm của tôi muốn khuyên mỗi người các bạn "hãy phát triển cuộc đối thoại riêng với Chúa Kitô - một cuộc đối thoại có tầm quan trọng cơ bản và thiết yếu đối với một người trẻ" (Thư gửi giới trẻ, số 2).
2. Chúa Giêsu nhìn anh và đem lòng yêu mến
Trong trình thuật Phúc Âm, thánh Marcô nhấn mạnh điều này "Chúa Giêsu nhìn anh và đem lòng yêu mến" (Xc Mc 10,21). Trong cái nhìn của Chúa có trọng tâm cuộc gặp gỡ rất đặc biệt và toàn thể kinh nghiệm Kitô giáo. Thực vậy, Kitô giáo trước tiên không phải là một nền luân lý, nhưng là cảm nghiệm Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đích thân yêu thương chúng ta, dù già hay trẻ, nghèo hay giầu; Ngài cũng yêu chúng ta khi chúng ta quay lưng lại với Ngài.
Khi bình luận về cảnh tượng này, ÐGH Gioan Phaolô 2 ngỏ lời với các bạn trẻ và thêm rằng: "Cha cầu chúc các con cảm nghiệm được một cái nhìn như thế! Cha cầu chúc các con cảm nghiệm chân lý này: Chúa Kitô đang thương mến nhìn các con!" (Thư gửi giới trẻ, số 7). Một tình thương được biểu lộ trên Thập Giá một cách đầy đủ và trọn vẹn như thế, khiến thánh Phaolô kinh ngạc viết lên: "Người đã thương yêu và nạp mình vì tôi" (Gl 2,20). Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 còn viết: "Ý thức rằng Chúa Cha vẫn luôn yêu thương chúng ta trong Con của Ngài, và Chúa Kitô yêu thương mỗi người và mãi mãi, điều ấy trở thành một điểm vững chắc nâng đỡ toàn thể cuộc sống nhân trần của chúng ta" (Thư gửi giới trẻ, số 7), và giúp chúng ta vượt thắng mọi thử thách: sự khám phá tội lỗi chúng ta, đau khổ, nản chí.
Trong tình thương ấy có nguồn mạch toàn thể đời sống Kitô giáo và lý do nền tảng của công cuộc rao giảng Tin Mừng: nếu chúng ta thực sự đã gặp Chúa Giêsu, chúng ta không thể không làm chứng về Ngài cho những người chưa được gặp cái nhìn của Ngài!
3. Khám phá dự phóng đời sống
Nơi người trẻ trong Phúc Âm, chúng ta có thể nhận thấy một hoàn cảnh rất giống tình trạng mỗi người trong các bạn. Cả các bạn cũng có nhiều phẩm tính, nghị lực, ước mơ, hy vọng: đó là những nguồn tài nguyên các bạn có dồi dào! Chính tuổi trẻ của các bạn cũng là một sự phong phú lớn lao không những cho các bạn, nhưng còn cho cả người khác nữa, cho Giáo Hội và thế giới.
Chàng thanh niên giàu có hỏi Chúa Giêsu: "Con phải làm gì?". Giai đoạn hiện nay trong cuộc sống của các bạn là thời kỳ khám phá những hồng ân mà Thiên Chúa rộng ban cho các con và khám phá những trách nhiệm của các bạn. Cũng vậy, đây là giai đoạn thực hiện những chọn lựa cơ bản để xây dựng dự phóng cuộc sống của các bạn. Vì thế, đây là lúc các bạn hỏi mình về ý nghĩa đích thực của cuộc sống và tự hỏi: "Tôi có thỏa mãn về cuộc sống của tôi hay không? Có thiếu cái gì nữa không?"
Như chàng thanh niên trong Phúc Âm, có lẽ các bạn cũng sống trong những hoàn cảnh bấp bênh, xáo trộn hoặc đau khổ, khiến các bạn khao khát một cuộc sống không tầm thường và các bạn tự hỏi: một cuộc sống thành đạt hệ tại điều gì? Tôi phải làm gì? Dự phóng cuộc sống của tôi có thể như thế nào? "Tôi phải làm gì để cuộc sống của tôi có giá trị và ý nghĩa trọn vẹn?" (Ibid. số 3).
Các bạn đường sợ đương đầu với những câu hỏi như thế! Chúng không đè nặng các bạn, nhưng biểu lộ những khát vọng cao cả, hiện diện trong tâm hồn các bạn. Vì thế, hãy lắng nghe chúng. Những câu hỏi ấy đang chờ đợi những câu trả lời không hời hợt, nhưng có khả năng thỏa mãn những mong đợi đích thực của các bạn về sự sống và hạnh phúc.
Ðể khám phá dự án cuộc sống có thể làm cho các bạn thực sự hạnh phúc, các bạn hãy lắng nghe Chúa, Ðấng có một dự phóng yêu thương cho mỗi người các bạn. Với lòng tín thác, các bạn hãy hỏi Chúa: "Lạy Chúa, đâu là dự phóng Chúa là Ðấng Tạo Hóa và là Cha dành cho cuộc đời của con? Ðâu là ý Chúa? Con muốn chu toàn ý Chúa". Các bạn hãy tin chắc Chúa sẽ trả lời cho các bạn. Các bạn đừng sợ câu trả lời của Chúa! "Thiên Chúa lớn hơn trái tim của chúng ta và thấu suốt mọi sự" (1 Ga 3,20)
4. Hãy đến và theo Thầy!
Chúa Giêsu mời gọi chàng thanh niên giàu có hãy đi xa hơn việc thỏa mãn những khát vọng và dự phóng bản thân của anh và nói: "Hãy đến và theo Thầy!" Ơn gọi Kitô giáo phát sinh từ một đề nghị yêu thương của Chúa và chỉ có thể được thực hiện nhờ một câu trả lời yêu thương: "Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hiến toàn thân, không tính toán và so đo theo phàm nhân, nhưng với lòng tín thác không chút dè dặt nơi Thiên Chúa. Các thánh đón nhận lời mời gọi yêu sách ấy và ngoan ngoãn bước theo Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Sự trọn lành của các vị, theo tiêu chuẩn đức tin, đôi khi thực là khó hiểu theo cái nhìn của con người. Sự trọn lành ấy hệ tại không đặt mình ở vị thế trung tâm nữa, nhưng quyết định đi ngược dòng sống theo Tin Mừng" (Biển Ðức 16, bài giảng nhân lễ phong thánh, Oss. Rom., 12-13.10.2009, tr.6).
Hỡi các bạn quí mến, noi gương bao nhiêu môn đệ của Chúa Kitô, các bạn cũng hãy hân hoan đón nhận lời mời gọi theo Chúa, sống nồng nhiệt và phong phú trong thế giới này. Thực vậy, qua bí tích rửa tội, Chúa gọi mỗi người trong các bạn bước theo Ngài bằng những hành động cụ thể, yêu mến Ngài hơn mọi sự và phụng sự Ngài nơi các anh chị em mình. Rất tiếc là chàng thanh niên giàu có không đón nhận lời mời của Chúa Giêsu và ra đi trong buồn sầu. Anh ta không tìm được can đảm rời bỏ những của cải vật chất để tìm được điều thiện hảo lớn hơn do Chúa Giêsu đề nghị.
Sự buồn rầu của chàng thanh niên giàu có trong Phúc Âm là điều nảy sinh trong tâm hồn của mỗi người khi họ không có can đảm theo Chúa Kitô, thực hiện những chọn lựa đúng đắn. Nhưng không bao giờ quá trễ để trả lời Chúa.
Chúa Giêsu không bao giờ ngừng hướng cái nhìn yêu thương và mời gọi trở thành môn đệ của Ngài, nhưng Ngài đề nghị với một số người một sự chọn lựa quyết liệt hơn. Trong Năm Linh Mục này, tôi muốn khuyên các người trẻ và thiếu niên hãy chăm chú nếu Chúa mời gọi họ đón nhận một hồng ân trọng đại hơn, trong đời sống linh mục thừa tác, và sẵn sàng quảng đại, hăng hái đón nhận dấu hiệu yêu thương đặc biệt ấy, cùng với một linh mục, với vị linh hướng, bắt đầu hành trình phân định cần thiết. Rồi, hỡi các bạn trẻ nam nữ quí mến, các bạn đừng sự nếu Chúa gọi các bạn vào đời sống tu trì, đời đan tu, thừa sai hoặc thánh hiến đặc biệt: Ngài biết ban niềm vui sâu xa cho những người can đảm đáp lại!
Ngoài ra, tôi cũng mời tất cả những người cảm thấy ơn gọi sống đời hôn nhân hãy đón nhận ơn gọi ấy trong đức tin, dấn thân đặt những nền tảng vững chắc để sống một tình yêu lớn lao, chung thủy và cởi mở đón nhận sự sống, là sự phong phú và ân phúc cho xã hội và cho Giáo Hội.
5. Hướng về đời sống vĩnh cửu
"Con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?". Câu hỏi này của chàng thanh niên trong Phúc Âm có vẻ xa vời đối với những bận tâm của nhiều người trẻ ngày nay, vì như Vị Tiền Nhiệm của tôi đã nhận xét, "chúng ta chẳng phải là thế hệ mà thế giới và sự tiến bộ trần thế chiếm trọn chân trời cuộc sống sao?" (Thư gửi giới trẻ, số 5). Nhưng câu hỏi về "sự sống đời đời" xuất hiện đặc biệt trong những lúc đau thương của cuộc sống, khi chúng ta bị mất người thân cận hoặc khi chúng ta sống kinh nghiệm thất bại.
Nhưng "sự sống đời đời" mà chàng thanh niên giàu có nói đến là gì? Chúa Giêsu giải thích điều này khi Ngài nói với các môn đệ và quả quyết: "Thầy sẽ gặp lại các con và tâm hồn các con sẽ vui mừng và không ai có thể tước đoạt niềm vui của các con" (Ga 16,,22). Ðó là những lời cho thấy một đề nghị phấn khởi về hạnh phúc vô tận, về niềm vui được tràn đầy tình thương của Chúa mãi mãi.
Việc tự hỏi về tương lai chung kết đang chờ đợi mỗi người chúng ta mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống, vì nó hướng dẫn dự phóng cuộc sống về những chân trời không bị giới hạn và phù du, nhưng bao la và sâu xa, làm cho ta yêu mến thế giới, vốn được Thiên Chúa yêu thương dường nào, hiến thân cho việc phát triển thế giới ấy, nhưng luôn giữ niềm tự do và niềm vui phát sinh từ đức tin và từ đức cậy. Ðó là những chân trời giúp chúng ta không tuyệt đối hóa những thực tại trần thế, cảm thấy rằng Thiên Chúa chuẩn bị chúng ta đến một viễn tượng lớn lao hơn, và lập lại như thánh Augustino: "Chúng ta cùng mong ước quê hương thiên quốc, chúng ta khao khát quê hương thiên quốc, chúng ta cảm thấy mình là lữ khách trên trần thế này" (Chú giải Phúc Âm thánh Gioan, Bài giảng 35, 9). Mắt hướng nhìn về sự sống vĩnh cửu, chân phước Pier Giorgio Frassati, qua đời năm 1925, lúc mới 24 tuổi, đã nói: "Tôi muốn sống thực chứ không sống vất vưởng!" và trên tấm hình chụp một cuộc leo núi, gửi cho một người bạn, chân phước viết: "Hướng lên cao", ám chỉ sự trọn lành Kitô giáo, nhưng cũng ám chỉ đời sống vĩnh cửu.
Các bạn trẻ thân mến, tôi khuyên các bạn đừng quên viễn tượng này trong dự phóng đời sống các bạn: chúng ta được kêu gọi sống vĩnh cửu. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để mãi mãi ở với Ngài. Ngài sẽ giúp các bạn mang lại một ý nghĩa trọn vẹn cho những chọn lựa của các bạn và mang lại phẩm chất cho cuộc đời các bạn.
6. Các giới răn, con đường yêu thương đích thực
Chúa Giêsu nhắc nhở chàng thanh niên giàu có về 10 giới răn như những điều kiện cần thiết để "được sự sống đời đời làm gia nghiệp". Các giới răn là những điểm tham chiếu thiết yếu để sống trong tình yêu thương, để phân biệt rõ ràng thiện ác và kiến tạo một dự phóng cuộc sống vững chắc và lâu bền. Cả các bạn, Chúa Giêsu cũng hỏi xem các bạn có biết các giới răn không, các bạn có quan tâm huấn luyện lương tâm của mình theo luật Chúa và mang ra thực hành hay không.
Chắc hẳn đây là những câu hỏi đi ngược dòng so với não trạng ngày nay vẫn đề nghị một thứ tự do không bị các giá trị, luật lệ và các qui luật khách quan ràng buộc, và kêu mời phủ nhận mọi giới hạn được đề ra cho những ước muốn trong lúc này. Nhưng loại đề nghị như thế, thay vì dẫn đến tự do đích thực, chỉ dẫn con người đến chỗ trở thành nô lệ cho chính mình, cho các ý muốn nhất thời, cho những thần tượng như quyền hành, tiền bạc, lạc thú vô độ và những cám dỗ của thế giới, làm cho họ không còn khả năng theo ơn gọi yêu thương bẩm sinh nữa.
Thiên Chúa ban cho chúng ta các giới răn vì Ngài muốn giáo dục chúng ta về tự do đích thực, vì Ngài muốn cùng với chúng ta xây dựng một Vương quốc tình thương, công lý và hòa bình. Nghe và mang các giới răn ra thực hành không có nghĩa là trở nên tha hóa, nhưng tìm được con đường tự do và yêu thương đích thực, vì các giới răn không giới hạn hạnh phúc, nhưng chỉ dẫn cách tìm được hạnh phúc. Ðầu cuộc nói chuyện với chàng thanh niên giàu có, Chúa Giêsu đã nhắc nhở rằng luật do Thiên Chúa ban là tốt lành, vì Thiên Chúa là Ðấng Tốt Lành.
7. Chúng tôi cần các bạn
Ngày nay ai sống thân phận người trẻ thì thường phải đương đầu với nhiều vấn đề phát sinh từ nạn thất nghiệp, thiếu những tham chiếu lý tưởng chắc chắn và viễn tượng cụ thể cho tương lai. Ðôi khi người ta có cảm tưởng bất lực đứng trước những khủng hoảng và sự trôi dạt ngày nay. Tuy có khó khăn, nhưng các bạn đừng nạn chí và đừng từ bỏ những ước mơ của mình! Trái lại hãy vun trồng trong tâm hồn những ước muốn cao thượng về tình huynh đệ, công lý và hòa bình. Tương lai nằm trong tay người nào biết tìm kiếm và thấy được những lý do mạnh mẽ để sống và hy vọng. Nếu các bạn muốn, thì tương lai nằm trong tay các bạn, vì những năng khiếu và sự phong phú mà Chúa giữ trong tâm hồn mỗi người trong các bạn, được uốn nắn nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, có thể mang lại hy vọng đích thực cho thế giới! Chính niềm tin vào tình thương của Chúa làm cho các bạn mạnh mẽ và quảng đại, mang lại cho các bạn can đảm thanh thản tiến bước trên đời đời và đảm nhận trách nhiệm gia đình và nghề nghiệp. Hãy dấn thân xây dựng tương lai của các bạn qua những hành trình nghiêm túc của sự huấn luyện bản thân và học hànhk để phục vụ công ích một cách khéo léo và quảng đại.
Trong Thông điệp mới đây về sự phát triển nhân bản toàn diện, Caritas in veritate (Bác ái trong chân lý), tôi đã liệt kê một số thách đố hiện nay, rất cấp thiết và quan trọng đối với cuộc sống của thế giới này: đó là sự sử dụng các tài nguyên trái đât và tôn trọng môi sinh, sự phân chia đúng đắn các của cải và sự kiểm soát các cơ cấu tài chánh, tình liên đới với những nước nghèo trong khuôn khổ gia đình nhân loại, cuộc chiến chống nghèo đói trên thế giới, thăng tiến phẩm giá lao công của con người, phục vụ nền văn hóa sự sống, kiến tạo hòa bình giữa các dân tộc, đối thoại liên tôn, sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội.
Ðó là những thách đố mà các bạn được kêu gọi trả lời để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Ðó là những thách đố đòi một dự phóng cuộc sống có nhiều yêu sách và làm say mê, trong đó cần đặt tất cả những phong phú của các bạn theo kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mỗi người trong các bạn. Ðây không phải là thực hiện những cử chỉ anh hùng hoặc ngoại thường, nhưng là hành động bằng cách làm cho những năng khiếu và khả năng của mình được sinh lợi, dấn thân tiến bộ liên tục trong tin yêu.
Trong Năm Linh Mục này, tôi mời gọi các bạn hãy tìm hiểu cuộc đời các thánh, đặc biệt là các thánh linh mục. Các bạn sẽ thấy rằng Thiên Chúa hướng dẫn họ và họ đã tìm được con đường của mình, ngày này qua ngày khác, trong niềm tin, cậy, mến. Chúa Kitô kêu gọi mỗi người các bạn dấn thân với Ngài và đảm nhận những trách nhiệm của mình để kiến tạo nền văn minh tình thương. Nếu các bạn sống theo Lời Chúa, thì cả con đường của các bạn cũng sẽ chiếu sáng rạng ngời và dẫn các bạn đến những mục tiêu cao cả, mang lại vui mừng và ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống.
Xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, tháp tùng các bạn qua sự che chở của Mẹ. Tôi hứa nhớ đến cạc bạn trong kinh nguyện và thân ái chúc lành cho các bạn.
Vatican ngày 22 tháng 2 năm 2010
Biển Ðức 16, Giáo Hoàng
(G. Trần Ðức Anh, OP chuyển ý)
(Radio Vatican)