Huấn đức của Ðức Thánh Cha
trước giờ Kinh Truyền tin
trưa Chúa nhật thứ IV Mùa Bốn Mươi
Huấn đức của Ðức Thánh Cha trước giờ Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật thứ IV Mùa Bốn Mươi.
Vatican (Vat. 14/03/2010) - Chúa nhật thứ tư Mùa Bốn Mươi được đặt tên là Chúa nhựt "Vui mừng" dựa theo lời mở đầu ca-nhập-lễ trong tiếng latinh "Laetare". Thực ra nỗi vui mừng bắt nguồn từ một lý do khác, đó là chúng ta đã đi được một nửa chặng đường thống hối rồi. Ðể hiểu được tâm trạng này, nên biết rằng vào thời xưa, kỷ luật thống hối Mùa Bốn Mươi rất khắt khe: các tín hữu buộc phải kiêng thịt và giữ chay trong suốt thời kỳ này. Cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Vatican II chuyển niềm vui mừng sang một chiều hướng khác: niềm vui vì đã gần đến lễ Phục sinh, niềm vui vì được cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Ðiều này được diễn tả trong lời nguyện và cách riêng là trong bài đọc trích từ chương 15 Tin mừng thánh Luca, thuật lại niềm vui của thiên quốc khi tội nhân trở về. Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin, Ðức thánh cha Benedicto 16 đã chú giải đoạn văn này và nói rằng mỗi lần đọc lại dụ ngôn về người cha với hai đứa con, chúng ta khám phá ra nhiều điều mới. Thực vậy, điểm then chốt của dụ ngôn này không phải là đúa con hoang đàng, nhưng là tình thương lân tuất của Cha. Ngoài ra, bài dụ ngôn này cũng có thể đọc dưới khía cạnh tâm lý tôn giáo, mô tả tiến trình trưởng thành về lòng đạo: từ lòng đạo ấu trĩ cho đến lòng đạo trưởng thành. Trên tiến trình này, thái độ tự lập tự quyết trong cách sống đạo có thể là một bước tiến tích cực để giúp phát triển mối tương quan với Thiên Chúa một cách có ý thức hơn. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.
Anh chị em thân mến,
Vào chúa nhựt thứ tư Mùa Bốn Mươi, bài Tin mừng thuật lại dụ ngôn về người cha và hai đứa con, quen gọi là dụ ngôn "đứa con hoang đàng" (Lc 15,11-32). Trang sách này của thánh Luca là tuyệt đỉnh của linh đạo và văn chương của hết mọi thời đại. Thực vậy, nếu không có mặc khải về Thiên Chúa là Cha giàu lòng khoan nhân thì thử hỏi văn hóa, nghệ thuật và rộng hơn nữa, nền văn minh của chúng ta sẽ ra thế nào? Ðoạn văn này không ngừng gây xúc động cho chúng ta, và gợi lên nhiều ý nghĩa mới mỗi lần ta nghe hoặc đọc lại. Nhất là đoạn Tin mừng này có sức nói về Thiên Chúa, cho chúng ta biểt khuôn mặt của Người, nói đúng hơn, cho chúng ta biết tấm lòng của Người. Sau khi đức Giêsu đã kể lại về Chúa Cha lân tuất, thì mọi sự không còn như trước nữa, từ nay chúng ta đã biết Thiên Chúa rồi: Người là Cha của chúng ta, Ðấng vì yêu thương đã dựng nên chúng ta và ban cho chúng ta có ý thức, Ðấng đã chịu đau xót nếu chúng ta lạc mất và mở tiệc nếu chúng ta trở về. Vì thế mối tương quan với Chúa được cấu kết bằng một lịch sử, tương tự như chuyện xảy ra giữa mỗi người con với cha mẹ của mình: vào lúc đầu, đứa con còn lệ thuộc vào cha mẹ, kế đó nó đòi hỏi được tự quyết; và sau cùng - nếu được phát triển tích cực - thì sẽ đưa đến tương quan trưởng thành, dựa trên việc nhận thức và yêu mến hỗ tương.
Qua những chặng ấy, chúng ta có thể đọc ra những giai đoạn của hành trình con người trong tuơng quan với Thiên Chúa. Có thể có một giai đoạn thơ ấu: một thứ tín ngưỡng được thúc đẩy bởi nhu cầu, bởi sự lệ thuộc. Ðến khi con người dần dần lớn lên và tự lập, thì nó muốn thoát ly khỏi sự phục tùng và nó muốn được tự do, có khả năng tự quyết định độc lập, và lựa chọn tuỳ ý, nghĩ rằng mình có thể không cần Thiên Chúa nữa. Giai đoạn này thật là tế nhị: nó có thể đưa đến tình trạng vô tín ngưỡng, nhưng không thiếu lần nó có thể hàm chứa đòi hỏi muốn khám phá khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. May thay, Thiên Chúa không từ bỏ lòng trung tín, và dù chúng ta xa cách và lạc lối, Người vẫn tiếp tục theo dõi chúng ta bằng tình thương, tha thứ những lỗi lầm của chúng ta và thì thầm trong lương tâm của chúng ta để kêu gọi chúng ta trở về. Trong dụ ngôn, cách xử sự của hai đứa con tương phản nhau: thằng em ra đi và càng ngày càng xuống dốc, còn thằng anh thì ở nhà, nhưng mối tương quan của nó với người cha cũng chẳng trưởng thành gì. Thật vậy, khi đứa em trở về, thì người anh không được sung sướng như là người cha, ngược lại, hắn còn bực bội và không muốn bước vào nhà. Cả hai đứa con tượng trưng cho hai hình thức thiếu trưởng thành trong tương quan với Thiên Chúa: thái độ ươn ngạnh và thái độ tùng phục ấu trĩ. Tất cả hai hình thức được vượt thắng nhờ cảm nghiệm của lòng lân tuất. Chỉ khi đã cảm nhận được sự tha thứ, nhận biết mình được yêu thương vô vị lợi, với tình thương lớn hơn sự hèn hạ của mình, cũng như lớn hơn quan niệm về công bằng của mình, thì chúng ta mới có thể có một tương quan chân thực và hiếu thảo với Thiên Chúa.
Các bạn thân mến, chúng ta hãy suy gẫm dụ ngôn này. Chúng ta hãy đối chiếu mình với hai người con, và nhất là chúng ta hãy ngẫm nghĩ về tấm lòng của Cha. Chúng ta hãy lao mình vào vòng tay của Cha, và để cho tình thương lân tuất của Cha làm ta hồi sinh. Nguyện xin Ðức Maria, người mẹ khoan nhân, giúp đỡ chúng ta.
Bình Hòa
(Radio Vatican)