Huấn đức của Ðức Thánh Cha

trước giờ Kinh Truyền tin

trưa Chúa nhật III Mùa Bốn Mươi

 

Huấn đức của Ðức Thánh Cha trước giờ Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật III Mùa Bốn Mươi.

Vatican (Vat. 7/03/2010) - Phụng vụ hai Chúa nhật đầu Mùa Bốn mươi trùng hợp nhau ở đề tài chiến đấu kháng cự ma quỷ và đề tài Chúa biến hình. Từ Chúa nhựt thứ ba trở đi, các đề tài thay đổi tuỳ năm. Năm nay (thuộc chu kỳ C) các bài Tin mừng chú trọng đến đề tài "cải hoán" với lời kêu gọi cảnh tỉnh ở Chúa nhật thứ ba, với dụ ngôn đứa con hoang đàng trở về nhà Cha ở Chúa nhật thứ bốn, và sự tha thứ phụ nữ ngoại tình ở Chúa nhật thứ năm. Trong khi đó, các bài đọc thứ nhất tiếp tục trình bày những mẫu gương đáp trả lời Chúa: như ông Abraham (Chúa nhật II), ông Moisen (Chúa nhật III), lời tuyên xưng của dân Israel sau khi vào đất hứa (Chúa nhật IV), cuộc hồi cư từ chốn lưu đày (Chúa nhựt V).

Hôm Chúa nhật mùng 7 tháng 3 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto 16 đã có hai cơ hội chú giải các bài đọc sách thánh cho cộng đoàn Dân Chúa: trước hết trong Thánh lễ cử hành tại giáo xứ kính thánh Gioan Thánh giá, nằm ở vùng ngoại ô thành phố Rôma, vào lúc 9 giờ rưỡi sáng; tiếp đến là buổi đọc kinh Truyền tin ở quảng trường thánh Phêrô. Có hai điểm được nêu bật cách riêng: thứ nhất, Thiên Chúa mặc khải Dánh thánh cho ông Mosê với công thức không dễ hiểu ("Ta là kẻ Ta là"; "Ta là kẻ Tự hữu"); thứ hai, sự tách rời tai ương khỏi hình phạt tội lỗi. Xin kính mời quý vị theo dõi bài suy niệm trước khi đọc kinh Truyền tin.

Anh chị em thân mến

Phụng vụ Chúa nhựt thứ ba Mùa Bốn Mươi trình bày cho chúng ta đề tài hoán cải. Trong bài đọc thứ nhất, trích từ sách Xuất hành, khi ông Môsê đang chăn đàn vật thì ông thấy một bụi gai bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi. Ông tiến lại gần để quan sát điều lạ, bỗng một tiếng nói kêu tên ông và mời ông hãy ý thức sự bất xứng của mình, rồi truyền cho ông lột giày bởi vì đó là nơi thánh. Tiếng ấy nói rằng "Ta là Chúa của tổ tiên ngươi, Chúa của ông Abraham, Chúa của ông Isaac, Chúa của ông Giacop", và thêm rằng "Ta là Ðấng Hằng hữu" (Xh 3, 6a.14). Thiên Chúa đã tỏ mình bằng nhiều cách và ngay cả trong cuộc đời của chúng ta. Ðể có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài, cần phải đến với Chúa với một ý thức về nỗi cùng cực của mình và lòng tôn kính sâu thẳm. Nếu không thì ta sẽ không tài nào gặp được Ngài và hiệp thông với Ngài. Như thánh Phaolô đã viết, câu chuyện này được kể lại cho chúng ta như lời cảnh báo: nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa tỏ mình ra, không phải cho những kẻ đầy ắp tự mãn và hời hợt, nhưng là cho kẻ nào nghèo khó và khiêm tốn trước mặt Ngài.

Trong bài Tin mừng hôm nay, đức Giêsu được yêu cầu bình luận về vài câu chuyện tang thương: cuộc tàn sát một số người Galilê ở trong đền thờ do lệnh của tổng trấn Ponxiô Pilatô và chuyện cái tháp sập đè chết vài người đi ngang qua đường (xc. Lc 13,1-5). Thay vì kết luận đơn giản coi sự dữ như là hình phạt của Thiên Chúa, đức Giêsu hồi phục lại hình ảnh chân thực của Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và không thể nào muốn sự dữ; Người còn yêu cầu đừng coi những tai hoạ đó như là kết quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân. Người nói: "Các ông tưởng rằng những người Galilê ấy là những kẻ tội lỗi nhất ở xứ Galilê cho nên mới đáng hình phạt như vậy ư? Không phải đâu; nhưng nếu các ông không hoán cải thì tất cả sẽ bị huỷ diệt hết" (Lc 13,2-3). Ðức Giêsu mời gọi hãy đọc các sự kiện đó dưới một viễn ảnh khác lồng trong bối cảnh của cuộc hoán cải: các tai hoạ, các chuyện tang tóc không nên gợi lên trong ta sự tò mò hoặc suy đoán về đầu mối tội lỗi, nhưng nên để cho chúng trở thành cơ hội để suy nghĩ, để vượt thắng cơn cám dỗ muốn sống mà không cần đến Thiên Chúa, và để nhờ ơn Chúa, khẳng định quyết tâm thay đổi nếp sống. Ðứng trước tội lỗi, Thiên Chúa tỏ ra là Ðấng giàu lòng lân tuất, và không ngần ngại kêu gọi các tội nhân hãy xa tránh tội ác, hãy gia tăng lòng yêu mến, hãy giúp đỡ người thân cận đang gặp quẫn bách, ngõ hầu có thể sống trong niềm vui của ân sủng và không rơi vào sự chết đời đời. Tuy nhiên, khả năng hoán cải đòi hỏi chúng ta hãy biết học cách đọc các sự kiện của cuộc sống trong viễn ảnh của đức tin, nghĩa là được thúc đẩy do lòng kính sợ Chúa. Ðứng trước những sự đau khổ và tang tóc, kẻ khôn là người biết nghiền ngẫm về cuộc đời tạm bợ chóng qua, và biết đọc lịch sử đời người với cặp mắt của Thiên Chúa, Ðấng luôn luôn muốn điều tốt lành cho con cái của mình, và trong kế hoạch yêu thương khôn dò, đôi khi cho phép chúng ta chịu thử thách bởi đau khổ để đưa chúng ta đến điều lành tốt hơn.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy xin Ðức Maria chí thánh đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình mùa Bốn Mươi, ngõ hầu Mẹ giúp mỗi người Kitô hữu thật lòng trở về với Thiên Chúa. Xin Mẹ nâng đỡ lòng quyết chí từ bỏ sự xấu, và lãnh nhận ý Chúa trong cuộc đời chúng ta.

 

Bình Hòa

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page