Nhận định về thông điệp của

Ðức thượng phụ đại kết Constantinople

 

Nhận định về thông điệp của Ðức thượng phụ đại kết Constantinople.

Thổ Nhĩ Kỳ [Catholic on line 3/3/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thông điệp được Ðức thượng phụ đại kết Bartolomeo I, Thượng phụ Chính chính thống Constantinople cho công bố hôm Chúa nhựt 28 tháng 2 năm 2010 đã tạo được nhiều tiếng vang bên ngoài Giáo hội Chính thống. Trong thông điệp, Ðức thượng phụ đại kết tố cáo những người mà ngài gọi là những thành phần chính thống "cuồng tín" đang chống lại những nỗ lực đại kết của Giáo hội Chính thống.

Muốn hiểu được bức thông điệp, thiết tưởng cần nhìn lại lịch sử của Giáo hội Chính thống trong thế kỷ vừa qua. Giáo hội này đang thoát ra khỏi thời kỳ bách hại kéo dài hàng bao thế kỷ đối với Chính thống Hy lạp, gần một thế kỷ đối với Chính thống Nga và Ðông Âu. Mặc dầu đang khởi sắc tại Trung Ðông, Giáo hội Chính thống vẫn còn chịu nhiều áp lực nặng nề của hồi giáo. Tại những nơi khác như Phi Châu, Nam dương, Mỹ Châu, Tây Âu, Giáo hội này đang lớn mạnh.

Hiện nay Constantinople và Mascova là hai Tòa thượng phụ quan trọng nhứt trong Chính thống giáo. Riêng Tòa thượng phụ Mascova đang giữ thế mạnh. Tòa thượng phụ Constantinople vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo. Các nhóm hồi giáo cực đoan đã tấn công Tòa thượng phụ và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tịch thu tài sản và nhiều nguồn lợi khác của Tòa thượng phụ.

Chính trong bối cảnh này mà Ðức thượng phụ đại kết Constantinople cho công bố thông điệp hôm Chúa Nhựt 28 tháng 2 năm 2010.

Tất cả mọi Giáo hội Kitô truyền thống đều hiểu rằng Tin Mừng có tính phổ cập. Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ của Ngài: "Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Tin Mừng vượt qua ranh giới của quốc gia, chủng tộc và bộ tộc. Tin Mừng được ngỏ với toàn thể nhân loại.

Trong tiếng Hy lạp, từ được dùng để chỉ tính phổ cập là "Katholicos", có nghĩa là "theo toàn thể". Kể từ thời công đồng Nice, Katholicos được dùng trong Kinh Tin Kính để chỉ "Giáo hội duy nhứt, công giáo và tông truyền."

Người Công giáo thuộc Giáo hội Roma hiểu chữ "Katholicos" hay "Công giáo" theo nghĩa địa lý, nghĩa là chỉ Giáo hội trên khắp hoàn cầu và hiệp nhứt dưới quyền lãnh đạo của Ðức giáo hoàng. Trong khi đó, đối với các tín hữu Chính thống, từ này chỉ sự hiệp nhứt trong đức tin được diễn tả qua phụng vụ, thờ phượng và cách sống vốn giống nhau tại mọi nơi trên thế giới. Riêng các tín hữu Tin lành thì lại hiểu tính phổ cập ấy như cộng đồng tín hữu vượt lên trên mọi biên giới của các Giáo hội.

Trong những năm gần đây, Tòa thượng phụ Constantinople hiểu từ "Katholicos" gần giống như Giáo hội Công giáo Roma. Theo nghĩa này, Tòa thượng phụ Constantinople có quyền tối thượng trên mọi Tòa thượng phụ Chính thống khác, kể cả những cộng đồng Chính thống không trực thuộc một Tòa thượng phụ nào, như trường hợp các cộng đồng Chính thống tại Hoa kỳ chẳng hạn.

Cách hiểu này tạo ra vấn đề cho Tòa thượng phụ Constantinople. Nếu giáo lý Chính thống giới hạn quyền tài phán của Tòa thượng phụ vào lãnh thổ của thành phố Constantinople, thì làm sao Tòa thượng phụ này lại đòi quyền trên các Tòa thượng phụ khác?

Tòa thượng phụ Constantinople giải thích rằng người Hy lạp đã mang lại cho thế giới triết lý Hy lạp và Kitô giáo. Kế đó, Tòa thượng phụ đại kết là cơ chế duy nhứt được xem như hiện thân của gia sản lịch sử phong phú này. Do đó, Tòa thượng phụ này cũng phải có quyền trên các dân tộc khác.

Trong cái nhìn của Tòa thượng phụ Constantinople, danh xưng "Hy lạp" trong Giáo hội Chính thống Hy lạp cũng quan trọng như "tính Chính thống". Và bởi vì các tín hữu Chính thống Hy lạp tản mác khắp nơi trên thế giới, cho nên quyền tối thượng của Tòa thượng phụ Constantinople cũng trải dài trên toàn thế giới.

Dĩ nhiên, Tòa thượng phụ Mascova và hầu hết các Giáo hội Chính thống khác không chấp nhận cái nhìn này.

Thật ra,chỉ từ năm 1453, khi thành Constantinople rơi vào tay Hồi giáo, Tòa thượng phụ Constantinople mới trở thành biểu tượng hiệp nhứt của những người Hy lạp. Ðây là yếu tố giúp họ tránh khỏi sự đồng hóa của người Hồi giáo.

Cộng đồng tôn giáo nào cũng có những người tin rằng ơn Chúa không bị giới hạn trong ranh giới của cộng đồng. Nhưng trong Chính thống giáo thì trái lại, nhiều người cho rằng ơn Chúa chí có trong cộng đồng của mình mà thôi. Ðây chính là những người mà trong thông điệp vừa rồi, Ðức thượng phụ Bartolomeo I gọi là những kẻ "cuồng tín", bởi vì họ không chấp nhận cái nhìn của Tòa thượng phụ Constantinople về quyền của tòa thượng phụ này trên họ cũng như không đồng ý với cuộc đối thoại đại kết mà Tòa thượng phụ này đang mở ra với Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Kitô khác.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page