Bênh vực nhân quyền để giải quyết
cuộc khủng hoảng tài chính
Bênh vực nhân quyền để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính.
Geneve [Zenit 4/3/2010] - Tòa thánh kêu gọi bênh vực nhân quyền để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Trong bài phát biểu tại khóa 13 của Hội đồng nhân quyền hôm 3 tháng 3 năm 2010, Ðức cha Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại các tổ chức của Liên Hiệp quốc ở Geneve, tuyên bố rằng việc bênh vực các quyền con người có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Ðức cha Tomasi nói: "phái đoàn Tòa thánh muốn tái khẳng định niềm xác tín rằng việc bảo vệ nhân quyền đóng góp một cách tích cực vào việc giải quyết cuộc hoảng hoảng tài chính hiện nay".
Theo vị đại diện của Tòa thánh, mặc dù hiện đang có những dấu chỉ rõ ràng cho thấy có sự tiến bộ, cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục làm cho hàng triệu người không thỏa mãn được những nhu cầu nền tảng của cuộc sống.
Ðức cha Tomasi khẳng định: cần phải có những qui luật mới và một hệ thống quản lý toàn cầu mới để bảo đảm cho mọi người một sự phát triển toàn diện và lâu bền.
Theo đại diện thường trực của Tòa thánh tại các tổ chức của Liên Hiệp Quốc ở Geneve, đây là cơ hội độc nhứt để loại bỏ những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng bằng cách đưa vấn đề nhân quyền lên ngang tầm với kinh tế, dân sự và chính trị.
Nhắc đến bản báo cáo của Liên hiệp quốc về các hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng, Ðức cha Tomasi nói đến nạn đói, những bất bình đẳng ngày càng gia tăng trên thế giới, hàng triệu triệu người thất nghiệp, hàng triệu triệu người trở thành những người nghèo mới, sự sụp đổ các tổ chức, vô số thành phần dễ bị tổn thương nhứt trong xã hội không được an sinh xã hội.
Trích dẫn thông điệp "Bác ác trong sự thật" của Ðức thánh cha Benedicto XVI, Ðức cha Tomasi nhấn mạnh rằng nguyên nhân của những bất bình đẳng trên đây chính là "tách lìa hoạt động kinh tế mà mục đích chỉ là sản xuất của cải vật chất với hoạt động chính trị mà mục đích là tìm kiếm công lý bằng sự phân phát công bình".
Theo Ðức cha Tomasi, "công minh và công lý là những tiêu chuẩn thiết yếu của kinh tế toàn cầu".
Trong bài phát biểu tại hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc, vị đại diện của Tòa thánh cũng kêu gọi đề cao cảnh giác trước những phương thuốc chỉ nhằm cải tổ hệ thống tài chính hay những mô hình kinh tế mà không màng tới những nhu cầu của con người. Ngài nhấn mạnh rằng cần phải bảo đảm cho mọi người được hưởng mọi phương tiện để cải thiện cuộc sống của họ và xử dụng tài năng của mình để phục cộng đồng địa phương và công ích thế giới.
CV.