Tệ nạn phá thai trong

cộng đồng gốc Phi Châu tại Hoa kỳ

 

Tệ nạn phá thai trong cộng đồng gốc Phi Châu tại Hoa kỳ.

Hoa kỳ [InsideCatholic và Zenit 1/3/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tổng thống Hoa kỳ, Barack Obama, vừa triệu tập các lãnh tụ Quốc Hội để kêu gọi đẩy mạnh cuộc cải tổ y tế do chính phủ của ông đề ra. Mặc dù gặp nhiều chống đối, cách riêng của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, tổng thống Obama vẫn cương quyết duy trì điều khoản cho phép xử dụng Quỹ liên bang, tức tiền đóng thuế của dân để tài trợ cho việc phá thai. Các Ðức giám mục Hoa kỳ vẫn luôn ủng hộ chương trình cải tổ y tế của tổng thống Obama nhưng với điều kiện là chương trình này phải tôn trọng sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên.

Ðiều khoản cho phép xử dụng Quỹ Liên Bang để tài trợ cho việc phá thai có nhiều hệ lụy, nhứt là đối với người Mỹ gốc Phi Châu.

Một bài phân tích trên trang mạng "InsideCatholic" [bên trong giáo hội Công giáo] cho biết: mặc dù người Mỹ gốc Phi Châu chỉ chiếm 13 dân số Hoa kỳ, 40 phần trăm các vụ phá thai tại nước này lại do các phụ nữ gốc Phi Châu thực hiện. Các thai nhi Phi Châu bị sát hại với một tỷ lệ cao như thế, nhưng lại không được các dân biểu thuộc đảng dân chủ và chính phủ của tổng thống Obama quan tâm tới.

Nhưng một bài viết mới đây trên báo The New York Times cho rằng cái giá không cân xứng mà cộng đồng da đen tại Hoa kỳ phải trả cho nạn phá thai vốn được Hiệp Hội Kế Hoạch Hóa Gia Ðình chủ trương, đã không thể tiếp tục qua mắt mọi người được nữa. Theo bài báo, hồi năm 2009, bà Catherine Davis, điều hợp viên của tổ chức có tên là Quyền Sống tại bang Georgia đã thực hiện một vòng thăm viếng các nhà thờ của người da đen trong toàn bang. Bà Davis đã nói thẳng cho người da đen biết rằng "phá thai là một khí cụ chủ yếu trong một âm mưu kéo dài hàng bao thập niên qua nhằm tiêu diệt người da đen".

Từ lâu nay, những người tranh đấu trong phong trào bảo vệ sự sống đều biết rõ rằng bà Margaret Sanger, sáng lập viên của Hiệp Hội Kế Hoạch Hóa Gia Ðình, đã minh thị xem phá thai như một phương tiện để tiêu diệt các sắc dân thiểu số, trong đó nổi bật nhứt là người Mỹ gốc Phi Châu.

Chính vì vậy mà sau một vòng viếng thăm các nhà thờ của người da đen trong toàn bang Georgia, tổ chức "Quyền sống" đã cho dán các bích chương với nội dung "các trẻ em da đen là một chủng loại đang có nguy cơ biến mất".

Một người triệt để chống phá thai khác là ông Mark Crutcher, chủ tịch tổ chức có tên là "Life Dynamics" đã cho sản xuất cuốn phim có tựa đề "Maafa 2". Ðây là một cuốn phim tài liệu về những cội rễ của phong trào đòi quyền phá thai tại Hoa Kỳ và ảnh hưởng của phong trào này đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu.

Trên trang mạng của tổ chức, ông Crutcher viết rằng khi chế độ nô lệ chấm dứt, người nô lệ không còn được xử dụng nữa. Những thành phần giàu có tại Hoa kỳ liền quyết định tiêu diệt họ. Và điều chúng ta đang chứng kiến hiện nay là kết quả của một âm mưu đã có từ 150 năm trước đây.

Hiệp hội "Các linh mục vì sự sống" cũng đã theo dõi sát vấn đề này từ nhiều năm qua.

Mới đây, ông Trent Franks, dân biểu bang Arizona thuộc đảng cộng hòa, đã tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi trên toàn quốc khi ông tuyên bố rằng "tình trạng của người Mỹ gốc Phi Châu ngày ngày còn tồi tệ hơn vào thời nô lệ". Dân biểu Franks tố cáo con số phá thai rất cao nơi người Mỹ gốc Phi Châu. Ông nói rằng nếu lịch sử nô lệ của hàng triệu người Phi Châu đã để lại những vết thương không thể xóa nhòa được trong tâm hồn người Mỹ, thì nay có một nửa thai nhi Mỹ gốc Phi Châu không được sinh ra. Dân biểu Franks khẳng định: "Các chính sách ngày nay hủy hoại cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu còn hơn cả những chính sách gắn liền với chế độ nô lệ".

Tiếp theo việc tổ chức "Quyền Sống" tại bang Georgia cho gắn 80 tấm bảng trên đó có một khuôn mặt của một trẻ em da đen với hàng chữ "các trẻ em da đen là một chủng loại đang có nguy cơ bị diệt chủng" hoặc "các phụ nữ da đen sát hại con mình gấp ba lần các phu nữ da trắng", nhiều dân biểu Mỹ còn gọi tệ nạn phá thai trong cộng đồng da đen là "một nạn diệt chủng".

Bà Catherine Davis còn nói: "Dân tôi đang chết mà không có một ai màng tới. Tôi muốn mọi người thấy điều đó". Thật vậy, tại bang Georgia, trong năm 2008 có tất cả 35 ngàn phụ nữ phá thai. Trong số này 21 ngàn người là người da đen. Hơn nữa, trên toàn quốc Hoa kỳ, 37 phần trăm những vụ phá thai là của các phụ nữ da đen.

Những người tổ chức chiến dịch chống phá thai tại thành phố Atlanta đã hướng mũi dùi vào bà Margaret Sanger, sáng lập viên và chủ tịch của Hiệp Hội Kế Hoạch Hóa Gia Ðình, bởi vì hầu hết các trung tâm phá thai của tổ chức này đều nằm trong các khu vực của người da đen.

Mặc dù những người ủng hộ quyền được phá thai của phụ nữ khẳng định rằng cộng đồng da đen là nơi có nhiều vụ mang thai ngoài ý muốn nhứt do đó tỷ lệ phá thai cũng cao nhứt. Nhưng những người tranh đấu cho quyền sống thì lại cho rằng tỷ lệ phá thai cao nơi người da đen là kết quả của "chủ trương tiêu diệt người da đen" mà bà Sanger đã ủng hộ ngay từ thập niên 30.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page