Tình trạng các tín hữu Kitô tại Iraq
Tình trạng các tín hữu Kitô tại Iraq.
Iraq [Catholic on line, Asianews 25/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mới đây, vụ sát hại một người Công giáo thuộc nghi lễ Syri và hai người con trai của ông ngay tại nhà ông trong vùng Mossul, Bắc Iraq, đã khiến cho dư luận thế giới quan tâm đến số phận của các tín hữu Kitô tại Iraq.
Trên toàn vùng Trung Ðông là nơi Kitô giáo đã khai sinh và là nơi các tín hữu Kitô đã duy trì sự hiện diện của mình từ 2 ngàn năm qua, hiện nay con số tín hữu ngày càng giảm sút, nhứt là tại Iraq. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này dĩ nhiên là sự gia tăng hoạt động của phong trào hồi giáo cực đoan với chủ trương tiêu diệt Kitô giáo trên toàn thế giới.
Ðức cha Emil Shimoun Nona, Tổng giám mục Mossul thuộc nghi lễ Calde đã nói với hãng thông tấn Asianews rằng "mới hôm qua đây, chỉ nội trong một ngày có đến hàng trăm gia đình rời bỏ thành phố để đi lánh nạn: họ bỏ lại đàng sau nhà cửa, tài sản, tiệm buôn".
Ðức cha Nona nói đến một "đàng thánh giá không bao giờ cùng" của các tín hữu Kitô. Ngài cũng lên tiếng tố cáo sự thay đổi "phương pháp" hoạt động của các nhóm vũ trang. Ðức cha Nona giải thích: "trong quá khứ, chúng tôi bảo các tín hữu Kitô hãy vào nhà đóng cửa lại. Nhưng nay họ lại bị tấn công ngay trong nhà mình". Ðức tổng giám mục Mossul ám chỉ đến vụ sát hại một người chủ tiệm buôn Công giáo và hai đứa con trai của ông tại Mossul hôm 23 tháng 2 năm 2010: các nhóm vũ trang đã vào thẳng nhà ông Aishwa Morosi, bắn gục ông và hai cậu con trai của ông trước sự chứng kiến của vợ và con gái ông.
Ðức cha Nona lo sợ rằng rồi đây không còn bóng dáng của bất cứ một tín hữu Kitô nào tại Mossul. Nhiều người đã đi lánh nạn tại đồng bằng Niniveh và một số nơi khác được xem là an toàn hơn.
Ðức tổng giám mục Mossul cho biết sẽ lên đường đi Bagdad để gặp gỡ với các chính trị gia và chính phủ trung ương để yêu cầu can thiệp. Ðức cha lo sợ rằng sẽ không tín hữu Kitô nào dám đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 7 tháng 3 năm 2010.
Về phần mình, Ðức cha Louis Sako, Tổng giám mục Kirkuk, cũng ở miền Bắc Iraq, cho biết: trong vài ngày sắp tới, ngài sẽ ăn chay để đánh động cộng đồng thế giới về "cuộc tàn sát các tín hữu Kitô tại Iraq" và chấm dứt bạo động trong xứ sở. Ðức cha Sako yêu cầu phải chấm dứt chủ trương muốn bứng các tín hữu Kitô ra khỏi Mossul. Ngài nói rằng các tín hữu kito hiện đang là nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực giữa người Á rập và người Kurd. Ngài cho biết, các nhà lãnh đạo Kitô luôn chống lại việc đẩy các tín hữu Kitô vào đồng bằng Niniveh và giam họ vào tình trạng "Ghetto". Sự đoàn kết dân tộc đã tan biến trong các cuộc xung đột giữa các sắc tộc, tôn giáo và ảnh hưởng của ngoại bang. Ðức cha khẳng định rằng mặc dù có nguy cơ bị xem như công dân hạng hai, các tín hữu Kitô tại Iraq vẫn muốn tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.
Cuộc tổng tuyển cử dự trù vào ngày 7 tháng 3 năm 2010 đang khiến cho bạo động leo thang. Các phe tranh giành nhau như Sunni, Shiite và Kurd, không từ bỏ bất cứ phương pháp nào, ngay cả xử dụng bạo lực để tìm kiếm lãnh thổ. Bagdad, cũng như Mossul và Kirkuk, vì trử lượng dầu hỏa của nó, vẫn luôn là miếng mồi đầy cám dỗ cho các phe phái. Các cuộc bạo động tại Mossul xem ra không có liên hệ đến tổ chức khủng bố Al Qaeda, mà phát sinh do các "thế lực mạnh" liên kết với các đảng phái chính trị, các tôn giáo hay các bộ lạc đang xâm nhập vào quân đội và cảnh sát. Ngoài những căng thẳng nội bộ còn có các áp lực từ các nước láng giềng, đặc biệt là Iran. Các nguồn tin từ Bagdad cho hãng tin Asianews biết rằng "Tehran đã nhúng cả hai tay vào nội bộ chính trị của Iraq". Sự can thiệp này cũng ảnh hưởng đến các lãnh vực kinh tế, chính trị và tôn giáo tại Iraq.
Theo Ðức cha Sako, Iraq có một quốc gia, một quê hương và các chia rẽ tôn giáo là một sự kiện hiễn nhiên. Các tín hữu Kitô không quan tâm đến các trò ma đầu chính trị; họ cũng không màng đến sức mạnh kinh tế. Họ chỉ muốn thấy có một Quốc Gia trong đó các nhóm chủng tộc khác nhau có thể chung sống hòa bình với nhau. Ðây là một mục tiêu cần phải đạt được. Nhưng theo Ðức tổng giám mục Kirkuk, để đạt được mục tiêu này thì trước tiên cần phải có sự hiệp nhứt của cộng đồng tín hữu và các nhà lãnh đạo Kitô. Cộng đồng Kitô và các nhà lãnh đạo Kitô cần phải hiệp nhứt với nhau để tạo nên một sức mạnh hầu thương lượng với chính phủ trung ương và các thế lực chính trị trong nước.
Các tín hữu Iraq là một phần của các cộng đồng bản địa vốn đã hiện diện tại vùng ngày nay được gọi là Iraq ngay từ thời Chúa Giêsu. Họ đã có mặt tại đây trước người Hồi giáo nhiều thế kỷ. Và cộng đồng Kitô đã khai sinh tại đây sau khi thánh Toma tông đồ tiến về hướng đông để rao giảng Tin Mừng vào năm 35.
Phần lớn các tín hữu Kitô tại đây theo nghi lễ Calde. Hiện có 10 giáo phận Calde tại Iraq, 4 tại Iran và 4 giáo phận Calde khác rải rác tại Trung Ðông.
Nhưng nay, sau gần 2 ngàn năm, các tín hữu Kitô Iraq đang bị săn đuổi, bách hại và buộc phải ra đi. Họ bị bách hại vì nhiều lý do. Một số bị gán cho tội chạy theo Liên quân do Hoa kỳ lãnh đạo. Một số khác trở thành mục tiêu tấn công chỉ vì họ không theo luật Hồi giáo vốn cấm xử dụng bia rượu và buộc phụ nữ phải trùm khăn trên đầu. Ngoài ra, một số bị tấn công chỉ vì họ là chủ các tiệm buôn.
Chu Văn