Vai trò của tôn giáo

trong chính sách đối ngoại của Hoa kỳ

 

Vai trò của tôn giáo trong chính sách đối ngoại của Hoa kỳ.

Hoa Kỳ [CNS 23/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Một bản phúc trình mới đây kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hãy quan tâm đến vai trò của tôn giáo trong chính sách ngoại giao của mình. Bản phúc trình nói rằng nếu Hoa kỳ muốn dấn thân vào chính trường thế giới một cách hữu hiệu và có ý nghĩa hơn thì nước này cần phải mở rộng tầm nhìn về vai trò của tôn giáo tại các nước khác thay vì chỉ chú trọng đến khủng bố và các chiến lược chống khủng bố.

Bản phúc trình nói trên được "Hội đồng Các vấn đề thế giới" có trụ sở tại Chicago cho công bố hôm 23 tháng 2 năm 2010. Trong một cuộc họp báo tại trường đại học Georgetown, dân biểu Scott Appleby, giám đốc của "Viện nghiên cứu hòa bình thế giới John Kroc" thuộc trường đại học Công giáo Notre Dame, nói rằng Bản phúc trình cung cấp cho các nhà ngoại giao và những nhà soạn thảo chính sách một số chỉ dẫn nền tảng để đáp ứng một cách tốt đẹp hơn với ảnh hưởng ngày lớn mạnh của tôn giáo trong các vấn đề thế giới.

Với tựa đề "Hợp tác với các cộng đồng tôn giáo thế giới: một tiêu lệnh trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ", bản phúc trình viết rằng đã đến lúc chính phủ Hoa kỳ cần phải "hiểu và đáp ứng với các tác nhân và các biến cố tôn giáo như thế nào để hổ trợ họ thực thi điều thiện, cô lập những người lợi dụng kinh thánh để gieo rắc bạo động và hổn loạn".

Ông Appleby nói rằng bản phúc trình kêu gọi nên có một sự tiếp cận mới về ngoại giao để thúc đẩy các tác nhân tôn giáo trên thế giới dấn thân. Ông khẳng định rằng nếu không quan tâm đến các tác nhân tôn giáo thì các nhân viên chính phủ làm việc trong các lãnh vực y tế, phát triển, giải quyết các cuộc xung đột... sẽ bị bỏ lại đàng sau; các cơ hội để giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình có thể mất.

Ông Richard Cizik, đồng chủ tịch của Ủy ban đặc nhiệm soạn thảo bản phúc trình, chủ tịch của Hiệp hội Tin lành vì Công ích, nói rằng hiểu được vai trò của tôn giáo trong các xã hội trên thế giới sẽ giúp mang lại một sự phát triển rộng lớn hơn cho mọi người.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS, dân biểu Appleby cho biết, chính ông ta và ông Cizik cùng những người góp phần soạn thảo bản phúc trình, đã thảo luận với ông Joshua Dubois, giám đốc Văn Phòng của Tòa Bạch Ốc đặc trách về các tổ chức xây dựng trên niềm tin tôn giáo.

Bản phúc trình đã được một ủy ban đặc nhiệm gồm 32 thành viên soạn thảo trong hơn một năm. Các thành viên này gồm có các nhà lãnh đạo tôn giáo, các viện sĩ Hàn lâm, các nhà soạn thảo chính sách, các nhà lập pháp và chuyên gia truyền thông.

Bản phúc trình viết rằng việc hoạch định chính sách ngoại giao đòi hỏi phải biết chi tiết về các cộng đồng tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các trào lưu, vốn vượt qua mô thức ngoại giao truyền thống giữa các nước.

Ủy ban đặc nhiệm soạn thảo bản phúc trình đề nghị một loạt những hành động mà chính phủ Hoa kỳ cần thực hiện để nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo trong hoạt động của Hoa kỳ tại các nước.

Trước hết, bản phúc trình yêu cầu nên huấn luyện các nhân viên chính phủ và giới chức ngoại giao về vai trò của tôn giáo trên thế giới. Bản phúc trình cũng khuyên nên xử dụng kinh nghiệm và kỹ năng của các cựu chiến binh và dân sự trở về từ hai nước Iraq và Afghanistan.

Ủy ban đặc nhiệm gợi ý rằng tổng thống Hoa kỳ nên giải thích rõ ràng rằng tu chánh án một trong Hiến Pháp Hoa kỳ không hể ngăn cấm các viên chức chính phủ làm việc với các cộng đồng tôn giáo ở nước ngoài.

Trong tiến trình kêu gọi các cộng đồng tôn giáo tại các nước dấn thân vào việc giải quyết các vấn đề thế giới, Ủy ban đặc nhiệm thúc giục chính phủ Hoa kỳ nên hợp tác chặt chẽ hơn với các trường học, bệnh viện, các dịch vụ xã hội, các chương trình cứu trợ, phát triển và bênh vực nhân quyền được các tổ chức tôn giáo bảo trợ. Bản phúc trình viết rằng mặc dù có thể không có tính cách chính trị, nhưng các hoạt động này có một ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống và suy nghĩ của dân chúng. Hỗ trợ cho các hoạt động này, chính phủ Hoa kỳ có thể giúp xây dựng thiện chí trong các cộng đồng tôn giáo và liên lạc trực tiếp với dân chúng hơn là với các chế độ.

Ngoài ra, bản phúc trình cũng kêu gọi Hoa kỳ hãy bắt tay với các đảng phái "tôn giáo" ngay cả khi họ chống lại chính sách ngoại giao của Hoa kỳ. Dĩ nhiên bản phúc trình cũng yêu cầu chính phủ Hoa kỳ phải tái khẳng định cam kết bảo vệ tự do tôn giáo và minh định thế nào là tự do tôn giáo.

Bản phúc trình kết thúc như sau: "Nếu không làm việc nghiêm chỉnh với tôn giáo xuyên qua một loạt những vấn đề và tác nhân, chính sách ngoại giao của Hoa kỳ sẽ đánh mất những cơ hội quan trọng. Lịch sử lâu dài của Hoa kỳ trong việc giúp hiểu biết về dân chủ và nhân quyền trên thế giới sẽ bị mai một".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page