Nhận định của một linh mục Công giáo

thuộc Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc

về sự hiệp nhứt trong Giáo hội tại nước này

 

Nhận định của một linh mục Công giáo thuộc Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc về sự hiệp nhứt trong Giáo hội tại nước này.

Bắc Kinh, Trung Quốc [Asianews 18/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mới đây nguyệt san Công giáo Ý có tên là "Trenta Giorni" [30 ngày], do cựu thủ tướng Ý, ông Andreotti làm chủ bút, lên tiếng phê bình Ðức hồng y Joseph Zen Ze Kiun, cựu Giám mục Hongkong, vì cho rằng vị Giám mục này hiểu sai lá thư của Ðức thánh cha Benedicto XVI gởi cho người Công giáo Trung Quốc. Báo này cũng đề cập đến những chia rẽ giữa Giáo hội chính thức và Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc.

Trong nhiều phản ứng sôi nổi, hãng thông tấn Asianews đã nhận được chứng từ của cha Peter Song Zhichun, một linh mục thuộc Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc. Vị linh mục này không tán thành việc Ðức cha An Shuxin, Giám mục phó giáo phận Baoding, thuộc Giáo hội thầm lặng, đã quyết định gia nhập Hội công giáo Ái Quốc Trung Quốc và được bổ nhiệm làm phó chủ tịch của Hội này. Trong bài viết, cha Zhichun đã đề cao Ðức hồng Zen, nhà vô địch tranh đấu cho tự do của Giáo hội tại Trung Quốc.

Mở đầu bài viết, cha Zhichun nói rằng ngài biết rõ giáo phận Baoding, Hong kong cũng như đã từng tiếp xúc với Ðức cha Francis An Shuxin, Giám mục phó giáo phận Baoding và cả Ðức hồng y Zen Ze Kiun, cựu Giám mục Hongkong. Cha khẳng định: cả hai vị đều là những mẫu gương nên được noi theo.

Cha Zhichun cũng tự giới thiệu: ngài hiện đang là một cha sở, đang cố gắng áp dụng giáo huấn của Ðức thánh cha trong lá thư gởi cho người Công giáo Trung Quốc hồi năm 2007.

Trước hết, đề cập đến những quan hệ khó khăn với chính quyền cộng sản Trung Quốc, cha Zhichun khẳng định: ngài không tin rằng Bộ Truyền Giáo đã tìm cách khuyến dụ Ðức cha An Shuxin để ngài ra khỏi Giáo hội thầm lặng và hợp tác với chính quyền. Theo cha, Tòa thánh để cho mỗi vị Giám mục được tự do hành động trong quyền hạn của mình và không hề buộc các Ðức giám mục Trung Quốc từ bỏ chứng từ "anh hùng" của mình để gia nhập Hội Công Giáo Ái Quốc vốn có chủ trương đi ngược lại giáo lý của Giáo hội khi xây dựng một Giáo hội độc lập và tự trị, tự quản.

Trong thời gian gần đây, cha Zhichun đã nhận thấy nhiều Giám mục thuộc Giáo hội thầm lặng ra khỏi hầm trú, như trường hợp Ðức cha Wei Jingyi, Giám mục Qiqihar hay Ðức cha Li Jingfeng, Giám mục Fengxiang. Ðức cha Jingfeng đã được sự ủng hộ của cộng đồng tín hữu. Riêng Ðức cha Wei hiện đang vận động để được nhà nước nhìn nhận tư cách Giám mục. Bộ truyền giáo theo đúng chỉ thị của Ðức thánh cha, để cho các Ðức giám mục địa phương được tự do quyết định.

Cha Zhichun viết: kinh nghiệm của ngài cho thấy rằng thật khó cho các cộng đồng thuộc Giáo hội thầm lặng được nhìn nhận, ngay cả khi Tòa Thánh muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc để cho vấn đề này được dễ dàng hơn. Phủ quốc vụ khanh Tòa thánh đã làm hết sức có thể nhưng vẫn còn gặp một trở ngại lớn và trở ngại này cũng chính là trở ngại mà Giáo hội thầm lặng phải đương đầu.Trở ngại đó là: hợp thức hóa Giáo hội tự trị là đi ngược lại giáo lý của Giáo hội.

Cha Zhichun nêu lên câu hỏi: "Làm sao Giáo hội có thể chối bỏ chính mình? Như Ðức thánh cha đã tái khẳng định trong lá thư gởi cho người Công giáo Trung Quốc: tự đặt mình lên trên các Ðức giám mục và hướng dẫn cuộc sống của cộng đồng Giáo hội là điều không phù hợp với Giáo lý Công giáo".

Sau khi Ðức thánh cha cho công bố lá thư, nhiều người tỏ ra lạc quan về các mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ. Trong thực tế, theo nhận định của cha Zhichun, điều Ðức thánh cha nhắm tới trong lá thư không phải là mối quan hệ với Nhà nước cộng sản, mà là sự hiệp nhứt của Giáo hội tại Trung Quốc. Cha Zhichun viết: "Với tư cách là một linh mục thuộc Giáo hội thầm lặng, tôi đã từng mong ước được thực thi chức vụ trong xã hội Trung Quốc bằng cách làm chứng cho niềm tin Công giáo trước mặt bạn bè, những người đồng môn thời thơ ấu. Nhưng tôi cảm thấy cần phải chấp nhận hy sinh để sống chui như Chúa Giêsu đã đón nhận thập giá, một cách kiên nhẫn, bằng lời cầu nguyện và tha thứ, chấp nhận sự Quan Phòng của Cha trên trời".

Nhận định về việc Ðức cha An Shuxin quyết định gia nhập Hội công giáo ái quốc Trung Quốc và làm phó chủ tịch của Hội với hy vọng bình thường hóa đời sống của giáo phận Baoding, cha Zhichun viết: "nhiều người không ngừng tranh cãi về những lý do khiến cho vị Giám mục này được trả tự do hay chấp nhận làm phó chủ tịch của Hội công giáo Ái quốc Trung Quốc. Họ nói rằng hành động của Ðức cha tạo thêm chia rẽ trong giáo phận". Về phần mình, cha Zhichun nói rằng ngài không hề lên án quyết định của Ðức cha Shuxin, mặc dù đây là một sai lầm.

Nhận định về những nỗ lực của Ðức hồng y Zen, cựu Giám mục Hongkong, cha Zhichun nói rằng nhờ bản toát yếu về lá thư của Ðức thánh cha do Ðức hồng y biên soạn, các linh mục Trung quốc có thể đào sâu những chỉ đạo của Ðức thánh cha. Theo cha, sau khi lá thư được công bố, Giáo hội công khai và Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc dần dần xích lại gần nhau hơn và hợp tác với nhau. Cha khẳng định: "chúng tôi sẳn sàng cứu vãn sự hiệp nhứt của Giáo hội, dù có gặp những trở ngại về chính trị".

Về Ðức hồng y cựu Giám mục Hongkong, cha Zhichun khẳng định: "Ðức hồng y Zen đáng được kính trọng. Ngài có một tiếng nói quan trọng tại Hongkong; tiếng nói của ngài cũng vang dội khắp thế giới. Ngài là một người bênh vực cho nhân quyền và tính chính đáng của Giáo hội Công giáo.

Kết thúc bài viết, cha Zhichun kêu gọi: "Chúng tôi cần sự cộng tác chân thành của tất cả anh chị em trong Chúa Kitô, bên trong cũng như bên ngoài lục địa, để giúp Giáo hội Trung Quốc tìm lại được hiệp nhứt. Mọi tố cáo vô bổ không những không giúp cho Giáo hội mà còn trở thành một dụng cụ trong tay của Hội công giáo Ái quốc Trung Quốc.Tại Trung Quốc, vì hòa giải và tha thứ, chúng tôi phải thăng tiến tinh thần tử đạo, tức sẵn sàng thí mạng vì Ý Chúa và sự hiệp nhứt của Giáo hội. Chúng tôi phải học phương pháp đối thoại do Công Ðồng Vatican II để lại , ngõ hầu một ngày kia tất cả chúng tôi đều có thể cùng nhau cầu nguyện "Lạy Cha chúng con".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page