Nhận định về cuốn sách
của cáo thỉnh viên vụ án
phong chân phước cho đức Gioan Phaolo II
Nhận định về cuốn sách của cáo thỉnh viên vụ án phong chân phước cho đức Gioan Phaolo II.
Roma [Zenit 16/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mới đây, cha Slawomir Oder, người Bal an, cáo thỉnh viên vụ án phong chân phước cho đức Gioan Phaolo II, đã cho ấn hành một cuốn sách có tựa đề "tại sao ngài là thánh?" Cuốn sách gây ra nhiều phản ứng sôi nổi vì nói đến việc vị giáo hoàng này dùng roi da đánh tội.
Cuốn sách "Tại sao ngài là thánh", một tác phẩm chung của cha Oder và ký giả Ý Saverio Gaeta, giám đốc nguyệt san "Gia đình Kitô" gồm có ba chương: chương một trình bày chân dung của con người đức Gioan Phaolo II, chương hai nói đến vị giáo hoàng với những biến cố chính trong triều đại của ngài và chương ba được dành cho đời sống thiêng liêng, lòng yêu mến Thánh Thể và tôn kính của Ðức Gioan Phaolo II đối với Ðức Trinh nữ Maria.
Ba đề tài trong cuốn sách đã tạo ra những phản ứng sôi nổi của các cơ quan truyền thông là: việc đức Gioan Phaolo II dùng roi da đánh tội, hai là lá thư được viết năm 1994 trong đó vị giáo hoàng này khẳng định sẽ từ chức nếu mắc một chứng bệnh bất trị hay bị ngăn trở không thể thi hành chức vụ của người kế vị thánh Phêrô và ba là lá thư ngỏ gởi cho Ali Agca, người đã mưu sát ngài tại quảng trường thánh Phêrô ngày 13 tháng 5 năm 1981.
Ðức hồng y Jose Saraiva Martins, cựu bộ trưởng bộ phong thánh, đã đưa ra vài nhận định về cuốn sách nói trên.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo Zenit, Ðức hồng y Martins cũng đề cập đến 3 điểm trên đây.
Về việc đức Gioan Phaolo II dùng roi da để đánh tội, Ðức hồng y cựu bộ trưởng bộ phong thánh nói rằng đây chỉ là một giả thuyết, bởi vì cho tới nay chưa có ai có thể nói đích xác mình đã chứng kiến điều đó. Nơi trang 192, tác giả của cuốn sách "tại sao ngài là thánh" viết rằng trong tủ áo của ngài, giữa các chiếc áo chùng, có treo một chiếc nịt da, mà ngài xử dụng như roi và luôn mang theo mỗi khi đến Castel Gandolfo". Theo Ðức hồng y Martins, tác giả không cho biết thêm chi tiết.
Một số ký giả cho rằng việc đức Gioan Phaolo II đánh tội có thể ngưng lại hồ sơ phong chân phước. Một số khác thì lại tuyên bố rằng việc hãm xác đền tội của đức Gioan Phaolo II là biểu hiện của một tâm lý không quân bình.
Trước những khẳng định trên đây, Ðức hồng y cựu bộ trưởng bộ phong thánh giải thích rằng đánh tội là một thể hiện tốt đẹp nhứt của tinh thần Kitô, của đức tin nơi một người muốn nên giống Chúa Kitô là Ðấng đã bị đóng đinh. Liệu một thực hành như thế có cần thiết để nên thánh không? Ðức hồng y Martins trả lời rằng thánh là người phải "đánh tội một cách thiêng liêng", nghĩa là phải luôn luôn có tinh thần sám hối và hy sinh, biết dâng hiến sự đau đớn trong thể xác và tinh thần.
Ðức hồng y nhấn mạnh rằng trong trường hợp các vị thánh tự ghép mình vào việc sám hối, những thực hành như thế không hề là một thể hiện của một tâm lý thiếu quân bình. Ngài khẳng định: "các thánh trước hết là những con người rất bình thường, nếu không các ngài không thể trở thành thánh".
Nhận định về việc đức Gioan Phaolo II có ý định từ chức, Ðức hồng y Martins nhắc đến một đoạn trong đó cha Oder, tác giả của cuốn sách "tại sao ngài là thánh", viết rằng "Trong Giáo hội không hề có chỗ cho một cựu giáo hoàng". Cuốn sách cho in lại lá thư mà đức Gioan Phaolo II đã viết hồi năm 1994, khi ngài sắp được 75 tuổi, tuổi mà các Ðức giám mục phải làm đơn từ chức. Trong lá thư, đức Gioan Phaolo II nói đến việc ngài có thể từ chức nếu bị ngăn trở nặng về thể lý hay tinh thần, nhưng lúc nào cũng muốn vâng theo thánh ý Chúa.
Về vấn đề này, Ðức hồng y Martins khẳng định rằng cuốn sách của cha Oder không có gì mới mẽ cả. Ðức Gioan Phaolo II chỉ làm theo những dự liệu được chính Ðức Phaolo VI đưa ra. Vị giáo hoàng này cho biết ngài sẽ xin từ chức nếu mắc phải một chứng bệnh nan y hay bị ngăn trở nặng về tâm lý khiến ngài không thể thi hành chức vụ của người kế vị thánh Phêrô.
Riêng về lá thư ngỏ gởi cho Ali Agca, người mưu sát đức Gioan Phaolo II, Ðức hồng y cựu bộ trưởng bộ phong thánh nói rằng chẳng có gì phải ngạc nhiên về nội dung lá thư, bởi vì ai cũng biết rằng ngài đã tha thứ cho kẻ sát nhân, ngay cả khi anh ta không hề mở miệng xin tha thứ.
Nhận định về thời điểm của cuốn sách, Ðức hồng y Martins nói rằng việc ấn hành cuốn sách không hề ảnh hưởng đến đến tiến trình tôn phong chân phước cho đức Gioan Phaolo II. Cuốn sách chẳng hề làm cho hồ sơ bị trì hoãn hay nhanh hơn, bởi vì ngày 19 tháng 12 năm 2009, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã cho công bố sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Ðức Gioan Phaolo II. Kể từ nay ngài được gọi là "bậc đáng kính".
Trong hồ sơ xin phong chân phước, cáo thỉnh viên là người thu thập các chứng từ và thông tin chứng minh sự thánh thiện của người được đề nghị tôn phong chân phước. Phán quyết cuối cùng thuộc về bộ phong thánh. Phải chăng cha Oder đã thiếu khôn ngoan khi cho ấn hành cuốn sách "tại sao ngài là thánh?" Trả lời câu hỏi này, Ðức hồng y Martins nói rằng cáo thỉnh viên là người có thể nói những gì mình muốn nói và cuốn sách không ăn nhập gì đến vụ án, nghĩa là không ngăn cản cũng không đẩy mạnh hồ sơ.
Theo Ðức hồng y cựu bộ trưởng bộ phong thánh, cuốn sách chỉ nhằm mục đích đáp lại những tiếng tung hô của dân chúng trong tang lễ đức Gioan Phaolo II khi họ hô lớn: "hãy phong thánh cho ngài tức khắc".
Chu Văn