Cuộc chiến đấu

chống bệnh phong cùi tại Ấn Ðộ

 

Cuộc chiến đấu chống bệnh phong cùi tại Ấn Ðộ.

Một vài nhận định của Linh Mục Vijay Rayarala, thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, về nỗ lực của các thừa sai trong cuộc chiến đấu chống bệnh phong cùi tại Ấn Ðộ

Roma (Asianews 30-1-2010; 29-1-2005) - Chúa Nhật 31-1-2010 là Ngày Quốc Tế Phong Cùi lần thứ 57. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin lúc 12 giờ trưa Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI cũng đã nhắc tới ngày này và nói: "Chúa Nhật cuối cùng của tháng Giêng là Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân Phong Cùi. Tự nhiên chúng ta nghĩ tới Linh Mục Damiano De Veuster, là người đã tận hiến cuộc đời cho các anh chị em này, và đã được tôn phong hiển thánh tháng 10 năm 2009. Tôi phó thác cho sự chở che thiên quốc của Ngài tất cả những người rất tiếc còn đang phải khổ đau vì căn bệnh này, cũng như các nhân viên y tế và các người thiện nguyện xả thân trợ giúp để cho thế giới không còn bệnh phong cùi. Tôi đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội Bạn Người cùi Raoul Follereau".

Trong sứ điệp gửi ngày này, Ðức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh mục vụ y tế kêu gọi cộng đồng quốc tế và chính quyền mọi quốc gia phát huy và củng cố các kế hoạch cần thiết giúp chống lại bệnh phong cùi, làm sao để chúng được hữu hiệu và được phổ biến rộng rãi, nhất là tại những nơi còn có nhiều người mắc bệnh phong cùi. Ngoài ra cũng cần cổ võ các chiến dịch giáo dục và gây ý thức để giúp người phong cùi ra khỏi tình trạng bị gạt ngoài lề xã hội. Ðây là một căn bệnh cổ xưa, nhưng không vì thế mà ít tàn phá về mặt thể lý và thường khi cả trên bình diện tinh thần nữa. Trong mọi thời đại và trong mọi nền văn hóa số phận của người bệnh là bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, không được tham gia bất cứ hình thức cuộc sống xã hội nào và bị kết án nhìn thân thể mình tàn lụi cho đến chết.

Dấn thân của ông Raoul Follereau, của nhiều cơ quan, tỗ chức giáo hội và tổ chức phi chính quyền chống bệnh phong cùi, công việc tuyệt diệu của Thánh Damiano de Veuster và biết bao nhiêu vị Thánh và những người thiện chí, đã giúp thắng vượt các thái độ tiêu cực đối với các bệnh nhân phong cùi, bằng cách thăng tiến phẩm giá và các quyền của họ, đồng thời phát huy một tình yêu thương đại đồng hơn đối với các bệnh nhân. Sứ điệp của Ðức Tổng Giám Mục Zimowski cũng ghi nhận rằng tuy ngày nay có các thuốc chữa, nhưng bệnh phong cùi vẫn lan tràn, vì nhiều lý do trong đó có tình trạng nghèo túng cá nhân và tập thể, bao gồm việc thiếu vệ sinh, thiếu dinh dưỡng, đói ăn thường xuyên, không được săn sóc thuốc men nhanh chóng. Trên bình diện xã hội vẫn còn có sự sợ hãi xa lánh vì thiếu hiểu biết khiến cho gánh nặng khổ đau của các anh chị em này càng nặng hơn, cả khi họ đã lành bệnh.

Nhân danh Giáo Hội hoàn vũ Ðức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Mục Vụ Y Tế kêu gọi các Giáo Hội địa phương, hàng giáo sĩ tu sĩ, các thừa sai, người thiện nguyện và tất cả mọi tổ chức hiệp hội dấn thân chống lại bệnh phong cùi, yêu thương trợ giúp các bệnh nhân để tái trao ban cho họ phẩm giá, niềm vui và sự hãnh diện được đối xử như là người.

Từ hơn 2,000 năm qua noi gương của chính Chúa Giêsu Kitô yêu thương chữa lành người phong cùi, Giáo Hội Công Giáo là tổ chức dấn thân hàng đầu trong công tác trợ giúp các anh chị em phong cùi trên thế giới. Theo thống kê năm 2005 Giáo Hội điều khiển 825 trung tâm phong cùi, trong đó có 349 trung tâm tại Á châu. Riêng Ấn Ðộ có hơn 263 trung tâm, Senegal 116, Brasil 43, và đã săn sóc cho 817,321 bệnh nhân. Theo thống kê của tổ chức Sức Khỏe Thế giới trong thập niên 1980 trên thế giới có 12 triệu người phong cùi sống tại 122 quốc gia, nhưng vào năm 2002 chỉ còn lại 14 nước, trong đó bệnh phong cùi vẫn tiếp tục là vấn đề sức khỏe công cộng. Và hằng năm vẫn có hơn 250 ngàn người mắc bệnh này.

Trong số các quốc gia có nhiều bệnh nhân phong cùi nhất có Ấn Ðộ với 70% tổng số bệnh nhân trên thế giới, Brasil, Myanmar, Angola, cộng hòa Congo, Mozambic, Tanzania, Guinea, Liberia, Madagascar và Nepal. Hiện nay còn có 3 triệu người bị bênh và 6 triệu người chịu hậu qủa thể lý xã hội của căn bệnh này.

Theo Hội Bạn người cùi Raoul Follereau, để có thể chiến thắng bệnh phong cùi cần phải cố gắng phát hiện sớm các trường hợp bị bệnh, đào tạo nhiều nhân viên y tế chuyên biệt tại các nước có nhiều bệnh nhân nhất, cải tiến tình trạng vệ sinh và dinh dưỡng, và nhất là đẩy mạnh việc thông tin tức hữu hiệu giữa dân chúng. Tuy là bệnh ít lây nhưng tại các nước nghèo rất thường khi không có các điều kiện kể trên nên khi các bệnh nhân đến trình diện tại các trạm y tế thì đã qúa muộn, khiến cho việc chữa trị ít công hiệu.

Linh Mục Carlo Torriani, người Ý, thuộc Hiệp Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, viết tắt là PIME, làm việc tại Ấn Ðộ từ 41 năm qua cho biết tại Ấn Ðộ tình hình đã tiến triển rất nhiều. Hiện tượng sợ hãi, khinh rẻ xa lánh các bệnh nhân phong cùi đã giảm nhiều nhờ dấn thân của các thừa sai. Chính quyền đã đứng ra lo cung cấp thuốc men và quy tụ các bệnh nhân vào các cơ cấu công cộng mà không gạt bỏ họ ngoài lễ xã hội như trước. Theo cha có hai yếu tố nền tảng giúp chiến thắng bệnh cùi: đó là phải làm sao đẩy mạnh nghiên cứu để sáng chế ra thuốc chích ngừa bệnh phong cùi, và phổ biến giáo dục y tế hữu hiệu sâu rộng trong dân chúng.

Cha Torriani đặc trách tổ chức kiểm soát bệnh phong cùi có tên gọi là "Lok Seva Sangam - Phục vụ người dân" trong khu phố Chembur Kurla tỉnh Mumbai. Từ 33 năm nay tổ chức Lok Seva Sangam chuyên việc kiểm soát bênh phong cùi và trong nhiều năm đã săn sóc tất cả mọi thứ bệnh ngoài da để kịp thời khám phá ra bệnh cùi. Nhưng hiện nay nhờ sự dấn thân của chính quyền công việc đã bớt nặng nhọc hơn. Hiện nay vẫn còn có 36 nhân viên gồm các bác sĩ và y tá làm việc cho tổ chức này.

Hồi thập niên 2000 cha đã thành lập một trung tâm tĩnh niệm tại Taloja cách Mumbai 40 cây số có tên gọi là "Ashram Swarga Dwar - Trung tâm tĩnh niệm Thiên Môn hay Cổng Trời". Taloja là làng hồi giáo duy nhất trong vùng có đa số dân theo Ấn giáo sinh sống. Trung tâm "Cổng Trời" hiện có khoảng 30 người già đã khỏi bệnh nhưng tàn tật và 10 trẻ em.

Cha Torriani coi các anh chị em phong cùi như là các ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa nhắc nhớ cho mọi người biết số phận phải chết của mình. Nhưng như bệnh phong cùi không diễn tả điểm chấm dứt cuộc sống, cái chết cũng không phải là cùng tận cuộc đời mà chỉ là cánh cửa dẫn vào Nước Trời. Tại trung tâm tĩnh niệm Cổng Trời cha Torriani làm một nhà nguyện đại kết với biểu hiệu của mọi tôn giáo. Các buổi cầu nguyện và thánh lễ Chúa Nhật cha dâng cho tín hữu có sự tham dự của gia đình các bệnh nhân, cũng như tín hữu Kitô các làng lân cận và anh chị em các tôn giáo khác. Ngoài ra trung tâm Cổng Trời cũng thăng tiến giáo dục bằng cách chia sẻ các trợ giúp nhận được để xây cho làng bên cảnh một trường học.

 

Sau đây là vài nhận định của Linh Mục Vijay Rayarala, cũng thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, về nỗ lực của các thừa sai trong cuộc chiến đấu chống bệnh phong cùi tại Ấn Ðộ. Cha Rayarala hiện là giám đốc Trung tâm tĩnh niệm nói trên. Hồi tháng giêng năm nay 2010 cha đã được Hội Bạn người cùi Raoul Follereau Italia, viết tắt là AIFO, mời diễn thuyết tại một số các giáo xứ và trường học, về công tác trợ giúp người Phong Cùi tại Ấn Ðộ.

Hỏi: Thưa Cha Rayarala, Ấn Ðộ hiện là một cường quốc kinh tế đang lên. Thế mà bệnh phong cùi vẫn còn là một vấn đề tại Ấn Ðộ hay sao?

Ðáp: Vâng, rất tiếc nó vẫn là một vấn đề trầm trọng. Chính quyền đã tuyên bố là bệnh phong cùi đã bị nhổ tận gốc rễ tại Ấn Ðộ, nói theo tiêu chuẩn của tổ chức Sức Khỏe Thế Giới có nghĩa là cứ 100,000 dân mới có 1 người bị bệnh. Nhưng các trường hợp của các bệnh nhân cũ què cụt, tuy đã khỏi nhưng luôn cần được phục hồi và săn sóc. Và đó là điều chúng tôi đang làm tại trung tâm "Cổng Trời", trong đó có khoảng 40 người phong cùi sinh sống và làm việc. Với công việc của mình họ sản xuất đủ gạo và sữa cho nhu cầu thường nhật.

Hỏi: Cha có thể cho biết một chút về căn bệnh này hay không?

Ðáp: Bệnh phong cùi là một loại bệnh do vi trùng Hansen gây ra. Bác sĩ Hansen đã khám phá ra vi trùng này hồi năm 1873. Vi trùng Hansen hủy hoại các dây thần kinh chung quanh nhiều phần trong cơ thể đặc biệt là chân tay, khiến cho chúng mất cảm giác, rồi gặm nhấm từ từ khiến cho chúng bị biến dạng rữa nát và rơi rụng. Ðây là một trong các căn bệnh cổ xưa của nhân loại khiến cho con người rất sợ hãi và khinh rẻ những người bị bệnh. Nhưng hiện nay bệnh phong cùi có thể được chữa trị hữu hiệu bằng ba loại thuốc phối hợp với nhau là Solfone, Rifampicina và clofazimina. Rất tiếc là vẫn chưa có thuốc chủng ngừa chống bệnh phong cùi. Vì thế chiến thuật chống căn bệnh này là kiểm soát bằng cách chẩn bệnh và chữa sớm.

Hỏi: Thưa cha, tại sao các thừa sai đã luôn luôn dấn thân săn sóc các anh chị em phong cùi như vậy?

Ðáp: Việc săn sóc các người phong cùi đã luôn luôn có khía cạnh tôn giáo và một ý nghĩa biểu tượng. Theo ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu đã tự trở thành người phong cùi trên thập giá để cứu rỗi nhân loại. Ðối với Chúa Giêsu săn sóc các người phong cùi đã là dấu chỉ của Nước Trời. Nó như là việc uốn thẳng lại một bất công hoàn vũ. Vì thế các môn đệ của Chúa Giêsu đã luôn luôn săn sóc các anh chị em phong cùi. Thánh Phanxicô thành Assisi đã ôm hôn người cùi và trở thành một hình ảnh của truyền thống Kitô. Cha Damiano de Veuster đã giam mình trên đảo Molokai để săn sóc cuộc sống thiêng liêng cho các anh chị em phong cùi, và đã được coi như là một vị thánh trước khi được tôn phong hiển thánh. Ðược thúc đẩy bởi gương của Chúa Giêsu thánh Phanxicô, cha Damiano và hàng trăm nhà truyền giáo khác trên toàn thế giới đã chọn việc săn sóc các người phong cùi như dấu chỉ chứng tá Kitô. Nhưng bên Ấn Ðộ chúng ta cũng nên nhắc tới gương của Mahatma Gandhi là người đã đưa việc kiểm soát bệnh phong cùi vào trong chương trình xây dựng xã hội của mình, và tự tay săn sóc một người cùi tên là Parchure Sastri trong trung tâm tĩnh niệm Wardha của ông.

(Asianews 30-1-2010; 29-1-2005)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page