Bài giảng trong thánh lễ tạ ơn
của Ðức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi
tại Tuy Hòa ngày 9 tháng 2 năm 2010
Bài giảng trong thánh lễ tạ ơn của Ðức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi tại Tuy Hòa ngày 9 tháng 2 năm 2010.
(Ed
3, 16-21; 2 Cr 5, 14-20; Ga 10, 11-16)
Thánh lễ tạ ơn của Ðức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi tại Tuy Hòa ngày 9 tháng 2 năm 2010. |
Ðoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của người mục tử mà hình ảnh đại diện là chính Ðức Tân Giám Mục của chúng ta đây, hôm nay đến với cộng đoàn, trước hết để cùng với cộng đoàn giáo hạt Phú Yên tạ ơn Chúa và kế đến cũng với mục đích để "chiên của ta biết ta", như trích đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Có thể nhiều người trong chúng ta "Kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình", nghe tiếng ngài đã lâu nhưng chưa được chiêm ngắm dung nhan. Vậy thì dịp lễ hôm nay cũng là dịp tốt để nghe tiếng ngài, nhìn ngắm ngài cho thoả lòng mong uớc, như trong Sách Diễm Tình Ca 3,4 nói rằng: "Nào! xin cho được thấy mặt, nào! xin cho được nghe tiếng; vì tiếng thì ngọt ngào mà mặt thì duyên dáng".
Nhưng chúng ta không dừng lại ở việc nghe tiếng biết mặt mà còn yêu mến ngài nữa vì người ta cũng thường nói "vô tri bất mộ", không biết thì không yêu mến, mà đã biết rồi thì đưa đến yêu mến, tri rồi thì đưa đến mộ. Mà cũng từ nay, không chỉ có "tri" và "mộ" thôi mà còn "tùng" nữa: chúng ta cần phải đi theo sự hướng dẫn của ngài vì đã thuộc về đàn chiên của ngài. "Con chiên ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng theo ta". Từ nay, sự an toàn của chúng ta sẽ là mối bận tâm của ngài đến nỗi nếu cần ngài sẽ hy sinh ngay cả mạng sống mình như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe: "Người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên". Thật vậy, đó là ý nghĩa thâm sâu của cả cuộc sống và sứ vụ Giám Mục, người hy sinh ngay cả mạng sống mình vì Ðức Kitô, vì Giáo Hội, vì đoàn chiên mà từ nay ngài đã được đặt lên làm người chăm sóc. Ðó cũng chính là điều mà bắt đầu từ cách đây 2000 năm cho đến hiện nay, Giáo hội vẫn còn sống đúng như vậy tại nhiều miền đất trên thế giới, đâu đó vẫn còn có những môn đệ của Ðức Kitô chứng minh cho đức tin của mình, cho tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, tình yêu của mình đối với đàn chiên, dầu phải đổ cả máu mình ra.
Hy sinh đó là điều dễ nói nhưng khó làm, và nhất là hy sinh mạng sống mình cho người khác thì lại càng khó hơn nữa. Tuy nhiên, với tình yêu thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Trong khi trong tiếng Việt quanh đi quẩn lại chỉ có một từ để diễn tả "tình yêu", thì tiếng Hy Lạp có 3 lựa chọn từ ngữ để nói về tình yêu: erôs nhắm đến tình yêu trai gái, một tình yêu chiếm đoạt,vị kỷ; philia nhắm đến tình bạn hay sự yêu thích tự nhiên; và cuối cùng agapè, mà tiếng Latinh dịch là caritas, đó là một tình yêu vô vị lợi, tự do và nhưng không. Ðây cũng chính là từ mà Chúa Giêsu đã dùng khi hỏi: "Phêrô con có yêu mến thày không?". Và chính Phêrô đã dùng lại từ này khi đáp lại: Thầy biết con yêu mến thầy" (scis quia te amo), và đây cũng chính là khẩu hiệu Giám mục của Ðức Cha Chính Phêrô của chúng ta. Chỉ có tình yêu-agapè này mới chuyển tải được hết ý nghĩa, hết tính chất của chuyển động kép nơi tình yêu: tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.
Và có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý khi đây cũng chính là từ "tình yêu" mà Ðức Tân Giám Mục đã chọn làm khẩu hiệu giám mục của ngài: "Caritas Christi urget nos - Tình yêu Thiên Chúa thúc bách chúng tôi" (2 Cr 5,14). Quả là tư tưởng lớn luôn gặp nhau, cả hai Giám Mục giáo phận chúng ta đều chọn cùng một nhiên liệu cho cổ máy hoạt động trong sứ vụ mình là "tình yêu-agapè", một tình yêu nhưng không và vô vị lợi. Và không gì thiết thực hơn khi chúng ta nghe lại chính Ðức Tân Giám Mục đã giải thích khẩu hiệu của ngài rằng: "Tôi chọn câu Thánh Kinh này vì sự thúc bách của nhu cầu truyền giáo tại Việt Nam nói chung và tại giáo phận Qui Nhơn nói riêng... Công cuộc truyền giáo được thúc bách bởi chính Tình Yêu Ðức Kitô chứ không phải bởi bất kỳ một động lực nào khác và không riêng vị Giám mục hay các linh mục, tu sĩ, mà mọi thành phần Dân Chúa đều phải tham gia trong sự cộng tác và chia sẻ trách nhiệm".
Thế
thì đã rõ, chúng ta làm việc cho Thiên Chúa là do động
lực tình yêu chứ không phải do sợ hãi, mặc dầu sợ hãi
cũng là một trong những lý do để chúng ta làm việc cho
Thiên Chúa, vì sợ bị phán xét trong ngày sau hết. Ngay
trước đoạn 2 Cr 5, 14 mà Ðức Tân Giám Mục đã lấy làm
khẩu hiệu, chỉ cách 3 câu thôi, trong 2 Cr 5,11, thánh Phaolô
nói đến sự kính sợ Thiên Chúa. "Vậy, vì kính sợ
Chúa, chúng tôi cố gắng thuyết phục người ta". Như vậy,
sợ bị phán xét cũng là một lý do khiến chúng ta làm việc
cho Thiên Chúa. Chúng ta kính sợ Thiên Chúa vì chính Ngài sẽ
là Thẩm Phán tương lai của chúng ta. Thế nhưng, nếu chỉ muốn
kết án con người thì Thiên Chúa đâu cần phải xuống thế
để chịu chết trên Thập Giá, chỉ nhẫn nha rung đùi ngồi
chờ chúng ta sập bẩy như những con chuột nhắt, để rồi hả
hê nhặt lên từng con và quẳng vào lò lửa cho xứng đáng
với cái tội phá phách của nó. Không, Thiên Chúa đã
chứng minh tình yêu của ngài dành cho chúng ta bằng cái chết
của Ðức Kitô trên thập giá. Thế là sự sợ hãi đã
được tình yêu Thiên Chúa bao bọc lấy, che lấp đi và cuối
cùng chỉ còn là tình yêu, tình yêu và tình yêu.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính đang giảng trong Thánh lễ tạ ơn của Ðức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi tại Tuy Hòa ngày 9 tháng 2 năm 2010. |
Nhưng ỷ lại vào tình yêu Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta ngũ quên trên chiến thắng và mất cảnh giác. Vì thế Chúa Giêsu luôn kêu mời chúng ta hãy tỉnh thức, hãy canh chừng. Và nếu trong giáo hội, có người nào đó luôn phải tỉnh thức, phải luôn canh chừng, cảnh giác thì người đó chính là giám mục. Ngài là người canh chừng mà Thiên Chúa đã trao nhiệm vụ qua miệng tiên tri Ezechiel mà chúng ta nghe đọc trong bài đọc thứ nhất: " Hỡi con người, ta đặt con làm người canh chừng cho nhà Isra#l. Khi ngươi nghe lời nào xuất phát từ miệng ta, thì ngươi hãy thay mặt ta mà cảnh báo cho dân Israel" (Ez. 3, 17). Như vậy, bổn phận của giám mục là cảnh báo dân Chúa, cho những người cùng thời đại mình về những băng hoại của một xã hội. Chẳng những chính mình phải tỉnh thưc mà còn phải canh chừng cho tất cả mọi người thuộc quyền. Chính nguyên ngữ của tiếng giám mục đã nói lên điều đó: giám mục là gì? "giám" là gì nếu không phải là giám sát, là canh chừng. Theo tiếng Hy Lạp, giám mục là "episcopos". Episkopos là người có tầm nhìn (skopos) ở bên trên (epi) và bao quát trên đám đông. Người có tầm nhìn trên mọi người thì chắc phải là người có chiều cao như Ðức Tân Giám Mục của chúng ta đây. Nếu hiểu như vậy thì chỉ có Ðức Tân Giám Mục chúng ta đây mới có đủ tiêu chuẩn làm giám mục. May mắn thay không hoàn toàn đúng như vậy, người có tầm nhìn trên mọi người hiểu theo nghĩa bóng chính là ngưòi có nhiệm vụ chăm sóc cho mọi người, tỉnh thức canh chừng cho mọi người yên giấc và trên hết là người chủ toạ cuộc hội họp và là trung tâm điểm của cuộc hội họp của cộng đoàn. Ngài phải là người canh thức, là người quan tâm giúp đỡ mọi người chuẩn bị để tiếp đón ngày Chúa đến. Và sự chuẩn bị này được thể hiện qua tất cả chiều kích của đời sống Giáo Hội: bằng việc lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh, trong Giáo Lý, trong việc cầu nguyện và trong cử hành bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, trong việc hướng dẫn đời sống Giáo Hội. Ngài giúp cho Giáo Hội và thế giới có một cái nhìn được soi dẫn bằng đức tin.
Ðiều may mắn là giáo phận chúng ta có những giám mục là người của giáo phận, luôn đồng hành và gắn bó với giáo phận. Chính Ðức Tân Giám Mục cũng đã nói lên điều đó: "Cuộc đời của tôi từ lúc chào đời đến nay hoàn toàn gắn bó với quê hương và giáo phận nhà. Tôi tha thiết mong sao cho dân tình được ấm no, cho cuộc sống đạo ngày càng phát triển # Xin mọi người giúp lời cầu nguyện cho tôi được trở nên một mục tử như lòng Chúa mong ước, để cùng với mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận phục vụ Nước Chúa và hạnh phúc của đồng bào". Những lời này nói lên cả một tấm lòng đối với giáo phận, với đàn chiên mà từ nay đã được giao phó cho mình. Những lời này làm sống dậy lời của Thánh Augustino nói với giáo dân của mình: "Với anh em tôi là Kitô hữu, cho anh em tôi là giám mục". Những lời này cũng thôi thúc chúng ta gắn bó hơn với vị chủ chăn của chúng ta. Vào thế kỷ thứ 2, Thánh Ignace d'Antioche, khi sắp chịu tử đạo ở Roma, đã viết thư khuyên nhủ các tín hữu Êphêsô hãy gắn bó với giám mục của mình như những sợi dây đàn gắn liền với cây đàn. Một sợi dây đàn lạc lõng bên ngoài thì chỉ là một sợi dây vô tác dụng, cả cây đàn cũng thế nếu không có dây đàn gắn vào. Nhưng khi gắn dây vào thân đàn thì mọi chuyện đã đổi khác. Chỉ có gắn bó như thế, dây đàn và cây đàn, thì khi khảy vào những dây đàn, cả cây đàn mới rung lên, mới bật thành những âm giai hoà hợp của tình cảm, vang lên những hoà âm của tình yêu, và như thế, cả giáo hội mới có thể ca ngợi Thiên Chúa.
Trọng kính Ðức Cha,
Lời Chúa nới với tiên tri Giêrêmia rất có ý nghĩa: "Ta đã đặt con làm tiên tri các dân tộc [...] con sẽ đi đến với những người ta sẽ gởi đến cho con và con sẽ nói tất cả những gì ta truyền cho con nói [...] Ta ở với con " (Jr 1, 5-8). Thật sự, chúng con biết rằng Thiên Chúa đã không bao giờ để Ðức Cha phải đơn độc trong công việc. Ðồng thời với ân huệ của Thiên Chúa, có biết bao vị thánh sẵn sàng nâng đở Ðức Cha, có Ðức Mẹ, Thánh Giuse, có biết bao vị thánh cả, nhất là thánh bổn mạng Matthêô của Ðức Cha. Bên cạnh đó có biết bao vị thánh tử đạo Việt Nam, những vị thánh đã từng gắn bó với đất nước này và nhất là các thánh của riêng giáo phận: Thánh Giám mục Cuénot Thể, Thánh Anrê Năm Thuông, và Chân phước Anrê Phú Yên. Chúng con tin rằng những ước nguyện của Ðức Cha đối với giáo phận sẽ sớm trở thành hiện thực. Lời cuối, chúng con xin kính chúc Ðức Cha Ad multos annos! Trẻ mãi không già!
Nhà thờ Tuy Hoà, ngày 09 tháng 02 năm 2010
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính