Chỗ đứng của Kitô giáo tại Âu Châu

 

Chỗ đứng của Kitô giáo tại Âu Châu.

Hoa Kỳ [Zenit 11/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. "Kitô giáo: một sự hiện diện xa lạ hay là nền tảng của Tây Phương" là đề tài của bài thuyết trình mới đây của Ðức hồng y Christoph Schonborn, Tổng giám mục Vienne, Áo Quốc, tại Ðại học Công giáo Hoa Kỳ.

Ðức hồng y Schonborn, dòng Ða minh, thụ phong linh mục năm 1970, đã từng là sinh viên của Ðức thánh cha Benedicto XVI khi ngài còn làm giáo sư đại học. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Vienne năm 1995, Ðức hồng y Schonborn đã làm giáo sư thần học tín lý tại Ðại học Fribourg, Thụy Sĩ. Ngài được nâng lên bậc hồng y năm 1998.

Mở đầu bài thuyết trình, Ðức hồng y Tổng giám mục Vienne đưa ra ba điểm nền tảng làm nên di sản Kitô tại Tây phương: một là nền luân lý Kitô, hai là quan niệm về nhân loại như một đại gia đình và ba là ý niệm về tự do.

Nhiều người cho rằng con người thời đại đã có được tự do là nhờ chiến đấu chống lại Giáo hội. Họ nói rằng không phải Kitô giáo mà là chủ nghĩa "khai sáng" tại Âu Châu mới mang lại tự do và phẩm giá cho con người.

Theo Ðức hồng y, ngày nay tại Âu Châu, Kitô giáo vừa là một tôn giáo xa lạ vừa là cội rễ của lục địa này. Nhưng cho dẫu có là một thực tại xa lạ, Kitô giáo vẫn mãi mãi gợi lên cho nhiều người Âu Châu một ngôi nhà chung đày luyến nhớ.

Ðức hồng y Tổng giám mục Schonborn nói: "Tại Âu Châu, ngày càng có nhiều người, sau khi đã trải qua một cuộc sống hoàn toàn tục hóa, lại hướng về niềm tin Kitô.Và những người này mô tả sự khám phá của họ về Kitô giáo như một "sự trở về nhà".

Nhắc đến thánh Augustino, Ðức hồng y Tổng giám mục Vienne giải thích rằng sức mạnh của Kitô giáo chính là cái nhìn về tư cách "song tịch" của người tín hữu Kitô: vừa là công dân của xã hội trần thế, vừa là công dân Nước Trời. Tư thế này mời gọi người tín hữu Kitô đảm nhận trách nhiệm đối với đô thị trần thế. Sở dĩ họ hăng hái tham gia xây dựng xã hội trần thế là bởi vì ý thức rằng mình cũng là công dân nước trời.

Chính niềm xác tín vừa là công dân trần thế vừa là công dân nước trời của người tín hữu Kitô mà Kitô giáo bị các chế độ toàn trị, nhứt là các chế độ toàn trị của thế kỷ 20 thù ghét. Ðức hồng y Schonborn khẳng định: "Kitô giáo là một tôn giáo tự do. Người tín hữu Kitô tự do đối với Nhà nước, bởi vì họ không chỉ là công dân của Nhà nước. Sự tự do này đã được thể hiện trọn vẹn trong các chế độ Phát xít, cộng sản và đức quốc xã hồi thế kỷ trước: đã có hàng triệu triệu tín hữu Kitô làm chứng cho đức tin bằng cái chết tử đạo".

Theo Ðức hồng y Schonborn, chính nguyên tắc tự do này mà Kitô giáo có thể cóng hiến cho Âu Châu ngày nay. Ngài giải thích: "Tự do, tức thoát khỏi những võ đoán của đám đông, khỏi điều được gọi là "đúng đắn về mặt chính trị" hay khỏi mọi áp lực của thời thượng. Ðó chính là sự tự do của Kitô giáo".

Ðể chứng minh cho sức mạnh của tự do này, Ðức hồng y Tổng giám mục Vienne đan cử sự chấn hưng đạo đức, phát huy kinh tế và văn hóa do các tu viện thời Trung cổ phát động. Theo Ðức hồng y, chỉ trong vòng 200 năm, cuộc cải tổ trong đời sống tu dòng tại Âu Châu đã nâng con số tu viện tại Âu Châu lên đến 4 ngàn. Ðây là một mạng lưới vĩ đại trên toàn Âu Châu, với những tiềm năng to lớn trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật và tinh thần. Các cuộc cải tổ không ngừng trong các dòng tu, từ tu viện Cluny đến Cistercien, rồi qua các dòng khất thực do thánh Phanxico và thánh Ða minh thành lập, mỗi một phong trào tu đức trong Giáo hội tại Âu Châu đều mang lại những đóng góp lớn lao cho các xã hội văn hóa và dân sự tại lục địa này.

Ngay từ đầu, Kitô giáo đã cho phép con người làm một bước lớn để ra khỏi trật tự trần thế và chính trị. Trước kia, người công dân của đế quốc La mã chỉ biết vâng phục hoàng đế. Với Kitô giáo, họ phải vâng phục Thiên Chúa hơn là con người. Ý tưởng này chắc chắn đã góp phần làm phát sinh tự do trong xã hội.

Ðức hồng y Schonborn khẳng định rằng qua dòng thời đại, chính tự do có thể đi theo Chúa Kitô một cách triệt đễ đã thổi một luồng sinh khí mới, tung ra những năng lực lớn lao vào xã hội tây phương.

Ðức hồng y rất vui mừng bởi vì ngày nay cũng đang xuất hiện trong Giáo hội những phong trào mới. Ngài tự hỏi: "Phải chăng lịch sử không đang lập lại?" Theo ngài, các phong trào Giáo hội là một dấu chỉ rất sống động. Ngài đặc biệt nhắc đến một số phong trào canh tân như Opus Dei, tân dự tòng, hiệp thông và hòa giải.

Ðức hồng y Tổng giám mục Vienne cũng không quên nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa trào lưu tục hóa ngày nay và Kitô giáo là một tiến trình cần thiết cho thanh luyện và trưởng thành. Ngài nói: "Kitô giáo cũng cần có tiếng nói phê bình của một Âu Châu thế tục vốn đang đặt ra những câu hỏi khó khăn, đôi khi gây khó chịu. Ðó là những câu hỏi mà chúng ta không thể tránh né hay lẫn trốn". Theo ngài, Kitô giáo cần phải lắng nghe những câu hỏi của xã hội và đón nhận đó như một thách đố để đương đầu. Chính nhờ đó mà các tín hữu Kitô mới được thức tỉnh và kích thích.Chính nhờ đó mà Kitô giáo mới có thể tái khẳng định tính khả tín của mình.

Kết thúc bài thuyết trình tại Ðại học Công giáo Hoa Kỳ, Ðức hồng y Tổng giám mục Vienne nói: "Tự do Kitô giáo là một nguồn mạch vô tận. "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Lời này của Chúa Giêsu là sức mạnh vĩ đại nhứt của Kitô giáo."

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page