Ðức Gioan Phaolô II

thầy dạy về cuộc tử nạn của Chúa Kitô

 

Ðức Gioan Phaolô II: thầy dạy về cuộc tử nạn của Chúa Kitô.

Roma [Alexander Lucie Smith, Catholic Herald & Cathnews 5/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tin về việc Ðức Gioan Phaolô II, người vừa được Ðức thánh cha nhìn nhận các nhân đức anh hùng và nâng lên bậc "đáng kính" hồi tháng 11 năm 2009, từng dùng nịt da "đánh tội" đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông thế giới.

Vị giáo hoàng này nổi tiếng là một con người hùng dũng, đầy nghị lực, một nhà vô địch của Tin Mừng, một thể tháo gia được giới truyền thông đề cao. Tuy nhiên vào cuối triều đại của ngài, người ta lại thấy một hình ảnh hoàn toàn tương phản: đó là hình ảnh của một con người bệnh hoạn, yếu đuổi, run rẫy. Lần cuối cùng khi xuất hiện từ cửa sổ phòng làm việc, đức Gioan Phaolô II không còn nói được nữa. Tuy nhiên, đó cũng chính là lúc ngài tỏ ra hùng biện hơn bao giờ cả. Và khi ngài hấp hối trên giường bệnh, có lẽ đó cũng là lúc sứ điệp của ngài rõ ràng hơn bao giờ hết. Ngài đã không rút lui khỏi ngai tòa thánh Phêrô, bởi vì chính trong những ngày cuối đời, khi mang thập giá trên vai, ngài đã tỏ ra là vị chủ chăn và thầy dạy hơn bao giờ hết.

Tiết lộ việc ngài xử dụng một giây nịt da để đêm đêm đánh tội là một điều hữu ích, bởi vì thế giới có thể thấy được một khía cạnh khác trong con người của Ðức Gioan Phaolô II. Giữa những tiếng hoan hô "Ðức thánh cha Gioan Phaolô II, chúng con yêu mến ngài", người ta cũng nên thấy được hình ảnh của một con người khiêm tốn và luôn xác tín về thân phận tội lỗi và sự bất xứng của mình trước mặt Chúa.

Ngày nay, đánh tội có lẽ không còn là một thực hành đáng đề cao xét dưới khía cạnh tâm lý lẫn tu đức. Sở dĩ đức Gioan Phaolô II đã làm như thế là chắc chắn ngài phải được "phép" của linh mục giải tội của ngài. Ngày nay, nhiều tác giả tu đức của Giáo hội không tán thành việc "hành xác" và những ai cho phép làm việc này đều nhấn mạnh rằng mục đích của hành động này không phải là tự gây đau đớn cho mình. Ðau đớn tự nó là một sự dữ thể lý. Nhưng nếu được thực hành như một hành động sám hối thì nó có thể gia tăng lòng đạo đức nơi hối nhân.

Mục đích thực sự của việc đánh tội là để nhắc nhở rằng con người mang lấy thân phận phải chết và thân xác trong đó chúng ta đang sống, tuy được tạo thành giống Thiên Chúa, nhưng lại là một thân xác bất toàn và sa ngã. Ðây là điều mà thế giới ngày nay không biết hay đã quên lãng. Ngày nay con người tôn thờ thân xác và bị lừa mị bởi ý tưởng cho rằng mình có những thân xác của thần linh. Thật ra, thân xác con người vốn bất toàn và yếu đuối. Ðánh tội, hành xác hay bất cứ một hình thức khổ chế nào cũng đều là một thực hành để nhắc nhở chân lý ấy. Theo truyền thống thánh Augustino, chúng ta vừa nhận ra sự cao cả của tinh thần lại cũng vừa cảm nhận được tính yếu hèn và mong manh của thân xác.

Ðức Gioan Phaolô II không phải là một "siêu nhân". Ngài hẳn đã không để mình bị "lừa gạt" bởi những lời tung hô. Hơn nữa, theo gương thánh Augustino và biết bao nhiêu vị thánh trong lịch sử Giáo hội, ngài đã thực hành việc hảm xác và đánh tội.

Chúng ta biết rằng thánh Tomas More, có lẽ noi gương các vị tử đạo, cũng đã từng hảm xác và đánh tội. Thánh nhân làm như thế là để được thông phần vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Chính ngài đã viết một cuốn sách về thực hành này.

Sách Gương Phúc Chúa Giêsu, gồm rất nhiều bài viết về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, được viết ra để giúp người tội lỗi nhận ra thân phận yếu hèn của mình khi suy chiêm ngắm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

Với việc đánh tội, đức Gioan Phaolô II cho chúng ta thấy rằng ngài đã xem Thánh Giá như là trọng tâm của mầu nhiệm Kitô giáo. Trong chương ba của thông điệp "Chân lý sáng ngời", ngài trích dẫn lời thánh Phaolô trong thư thứ nhứt gởi cho giáo đoàn Corinto đoạn 1 câu 17 như sau: "đừng để cho thập giá Chúa Kitô trở nên vô hiệu". Ngài muốn đưa ra sứ điệp như sau: nếu chúng ta cho rằng luân lý Kitô giáo quá khó khăn đối với chúng ta, thì chúng ta cũng nói rằng Thập Giá của Chúa Kitô không đủ mạnh để cứu thoát chúng ta.

Ðức Gioan Phaolô II qua đời gần được 5 năm. Nhưng ngài vẫn tiếp tục dạy dỗ chúng ta và ngài dạy dỗ chúng ta không chỉ bằng các thông điệp của ngài, cũng chẳng phải bằng những gì chúng ta đã học được từ hằng trăm năm nay, mà bằng gương sáng và những nhân đức anh hùng của ngài.

Ở vào thời đại chỉ biết tìm kiếm khoái lạc và sự thỏa mãn nhứt thời, ở vào một thời đại đã quên mất rằng hạnh phúc đích thực chỉ có được khi thi hành Ý Chúa, Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại rằng chúng ta mang lấy thân phận mong manh yếu đuối, nhưng đồng thời xuyên qua sự mong manh yếu đuối này, ngài chỉ ra cho chúng ta thấy vinh quang của Chúa Kitô Ðấng Cứu Thế.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page