Người Công giáo tại Malaysia

và cuộc xung đột xung quanh

việc xử dụng từ Allah để nói về Thiên Chúa

 

Người Công giáo tại Malaysia và cuộc xung đột xung quanh việc xử dụng từ Allah để nói về Thiên Chúa.

Malaysia [La Croix 8/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Bộ nội an Malaysia ra lệnh người ngoài Hồi giáo không được xử dụng từ Allah để chỉ Thiên Chúa. Tổng giáo phận Kuala Lumpur làm đơn khiếu kiện. Tòa án tối cao tại nước này đưa ra phán quyết cho phép người ngoài Hồi giáo được xử dụng từ Allah. Liền sau đó nổ ra nhiều cuộc tấn công nhắm vào các nhà thờ Kitô. Cha Lawrence Andrew, chủ bút của tuần báo Công giáo duy nhứt tại Malaysia, tỏ ra lạc quan về giải pháp cho cuộc xung đột. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây dành cho nhựt báo Công giáo Pháp La Croix, cha Andrew nói rằng cuộc xung đột xung quanh việc xử dụng từ Allah tại Malaysia cần phải được giải quyết một cách rốt ráo. Tuy nhiên, vị linh mục Dòng Tên này luôn tỏ ra hòa hoãn.

Ngài cho biết: "một tháng sau khi Tòa án tối cao cho phép xử dụng từ Allah, tiếp theo đó là những cuộc bạo động nhắm vào các nhà thờ Kitô giáo và việc chính phủ Malaysia làm đơn kháng cáo, chúng tôi đã cùng với đức cha Murphy Pakiam, Tổng giám mục Kuala Lumpur quyết định không xử dụng từ Allah cho đến khi nào vụ án được giải quyết".

Hiện nay, người ta chưa biết được khi nào Tòa án sẽ xét đơn kháng cáo của chính phủ và đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ và trao đổi ngầm để xoa dịu các căng thẳng. Cha Andrew nhìn nhận rằng chính phủ đang lúng túng và tìm cách ngăn cản các cuộc bạo động. Theo cha, khởi đầu là một tranh luận có tính cách tôn giáo và văn hóa, nay vấn đề đang mang mầu sắc chính trị.

Về phần mình, Ðức cha Pakiam cho biết ngài đang thương lượng với chính phủ để tìm kiếm một giải pháp "có lợi cho công ích của đất nước".

Liên bang Malaysia là một quốc gia có 26 triệu dân. Chính thức thì đây là một nhà nước thế tục, nhưng lại xem Hồi giáo như quốc giáo. Ðây chính là nguyên nhân tạo ra những vấn đề về bản sắc, chủng tộc và tôn giáo kể từ khi độc lập hồi năm 1957. Tôn giáo không ngừng bị chính trị hóa, bởi vì tôn giáo gắn liền với dân tộc. Chính vì vậy mà theo bà Sophie Lemiere, một chuyên gia về Hồi giáo tại Malaysia, hiện đang nghiên cứu tại Trung Tâm chính trị học tại Singapore, "các cuộc tranh luận về luân lý như "chối đạo", uống rượu, đồng tính hay ngay cả việc xử dụng từ Allah đều có một chiều kích vượt qua cuộc tranh cãi về tôn giáo hay ngay cả ngữ học". Kết quả các cuộc bầu cử tại Malaysia đều tùy thuộc ở lập trường của các đảng phái chính trị đối với những vấn đề trên đây.

Ông Anwar Ibrahim, cựu thủ tướng Malaysia, hiện nay đang là dân biểu đối lập, cũng nhìn nhận rằng "hiện các chính trị gia "thối nát" đang muốn tiếp tục nắm quyền, do đó xử dụng tôn giáo để chống lại các tín hữu Kitô".

Cựu thủ tướng nước này lấy làm tiếc là một lần nữa Malaysia được thế giới chú ý đến vì những lý do xấu. Nhiều đảng chính trị, ngay cả một số đảng Hồi giáo, cũng chống lại bạo động và các cuộc căng thẳng. Do đó, ông Ibrahim kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội dân sự hãy gặp nhau để đưa ra một sứ điệp hòa giải và hòa bình. Ông khẳng định: "Theo tôi, đã rõ ràng là Hồi giáo không được độc quyền về từ Allah."

Tuy tỏ ra uyển chuyển trong hình thức, nhưng các nhà lãnh đạo Công giáo không muốn nhượng bộ. Cha Andrew tuyên bố: "Chúng tôi không tranh đấu để lấy lại một đặc ân, mà là đòi lại một thực hành cổ xưa có trước cả Hồi giáo và phù hợp với các quyền được ghi khắc trong Hiến Pháp của Liên Bang Malaysia".

Ðược thành lập năm 1994, năm sau tuần báo "The Herald Catholic Weekly" đã bắt đầu cho in một trang bằng tiếng Bahasa, Tamoul và Trung Hoa để có thể đến tay mọi cộng đồng Công giáo trên toàn quốc. Dần dần số trang bằng tiếng Bahasa được nâng lên 8 trang, trong đó từ Allah đã được xử dụng ngay từ đầu để chỉ Thiên Chúa.

Cha Lawrence kể lại: "Vào lúc đó, người ta đã cho chúng tôi biết là không được phép xử dụng từ này. Nhưng sau khi thương lượng với thủ tướng Mahatir, chúng tôi đã có thể tiếp tục xử dụng từ này. Nhưng người kế nhiệm ông Mahatir bắt đầu gởi thư cảnh cáo và cuối cùng ra lệnh ngăn cấm, khiến chúng tôi phải đưa nội vụ ra tòa". Thật ra, những quyển Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Bahasa do Hội thừa sai Paris dịch tại Hongkong vào cuối thế kỷ 19 đều có chứa đựng từ Allah. Các quyển Kinh Thánh này được du nhập vào Malaysia mà không gặp bất cứ vấn đề nào.

Ngay cả ngày nay, người Công giáo Malaysia cũng nhận được Kinh Thánh bằng tiếng Bahasa đến từ Indonesia là nơi, mặc dù có trên 2 trăm triệu tín đồ Hồi giáo, nhưng không hề cấm xử dụng từ Allah. Cha Lawrence giải thích rằng người Công giáo Malaysia không có quyền ấn hành Kinh Thánh trong nước cho nên phải nhập từ bên ngoài vào và đôi khi bị quan thuế chận lại.

Dù vậy, linh mục chủ bút tuần báo The Herald Catholic Weekly vẫn tỏ ra lạc quan. Cha nói: "Dĩ nhiên, với vụ việc này, chúng tôi đang ở vào một khúc quanh lịch sử: hoặc là chúng tôi tiến tới một xã hội đa nguyên có thể chấp nhận các quyền của chúng tôi, hoặc là chúng tôi thối lui vào một xã hội toàn trị do Hồi giáo thống trị... Nhưng tôi không thể tưởng tượng ra giả thiết này".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page