Các thách đố của Chính thống giáo

 

Các thách đố của Chính thống giáo.

Mascova [La Croix 7/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cách đây một năm, đức Kyrill đã được bầu làm Thượng phụ Chính thống Mascova và toàn nước Nga. Cùng với đức Hieronimos II tại Hy lạp, Ðức Daniel tại Roumani, Ðức Irinee tại Serbia..., Ðức thượng phụ Kyrill là đại diện của một thế hệ lãnh đạo mới của Chính thống giáo có khuynh hướng cởi mở với cuộc đối thoại đại kết và giúp Chính thống giáo thích nghi với thời hiện đại.

Bị làm cho suy yếu dưới thời cộng sản Liên Xô, Giáo hội Chính thống Nga đã hồi sinh dưới sự thúc đẩy của đức cố Thượng phụ Alexix II và mới đây dưới sự lãnh đạo của đức đương kiêm Thượng phụ Kyrill. Trong 20 năm, con số các giáo xứ đã được nhân lên gấp bốn, thêm 45 tu viện được thành lập. Tuy nhiên tình hình Giáo hội Chính thống Nga vẫn còn mong manh: 30 ngàn linh mục vẫn chưa đủ để đáp ứng với nhu cầu thiêng liêng của dân chúng và tỷ lệ thực hành đạo hiện nay không quá 2 phần trăm. Trước kia vốn có thái độ khép kín, nay Giáo hội Chính thống Nga dần dần cởi mở với Tây Phương, nhưng đồng thời vẫn phê bình trào lưu tục hóa tại lục địa này. Việc khai trương một chủng viện Chính thống Nga tại Pháp hồi tháng 11 năm 2009 cho thấy Giáo hội Chính thống Nga muốn đào tạo một hàng giáo sĩ có khả năng đương đầu với trào lưu tục hóa tại âu châu.

Ðó là tình trạng Giáo hội chính thống tại Nga.

Tại Ukraine, năm 1991, Giáo hội Chính thống đã bị chia thành ba Giáo hội: một là Giáo hội tự trị chiếm đa số trực thuộc Tòa thượng phụ Mascova, hai là Tòa thượng phụ Kiev tách lìa khỏi tòa thượng phụ Mascova và ba là Giáo hội Chính thống Nga hải ngoại. Dạo tháng 8 năm 2009, tổng thống Ukraine, ông Viktor Yuchenko, người ủng hộ một Giáo hội quốc gia độc lập tách lìa khỏi Mascova, đã kêu gọi chấm dứt các chia rẽ. Về phần mình, Ðức thượng phụ Kyrill cho rằng Giáo hội Chính thống Ukraine đã hưởng được độc lập rồi. Ngài nhắc lại sự tự trị của Giáo hội Ukraine trong lòng Giáo hội Nga, mà phân nửa các giáo xứ nằm trong lãnh thổ Ukraine. Kể từ tháng 10 năm 2009, một nhóm đã được thành lập để giải quyết cuộc xung đột này.

Sang Ðông Âu, các Tòa thượng phụ Chính thống Rumani và Bulgari đã chịu thử thách nặng nề dưới thời cộng sản. Năm 2007, hai nước này gia nhập vào Liên Âu. Ðể lật qua trang sử này và hội nhập vào Âu Châu, Giáo hội tại mỗi nước chọn một con đường riêng. Tại Rumani, việc bầu chọn Ðức thượng phụ Daniel hồi năm 2007 cho thấy Giáo hội tại đây quyết tâm vượt qua giai đoạn này bằng cách cởi mở với trào lưu hiện đại và cuộc đối thoại đại kết, nhưng đồng thời vẫn không từ bỏ truyền thống Chính thống. Tại Bulgari, thì trái lại, Giáo hội Chính thống vẫn tiếp tục bị chia rẽ trong nội bộ vì có một số Giám mục lên án các quan hệ của Ðức thượng phụ Maxim, năm nay đã 95 tuổi, với chế độ cộng sản trước kia.

Tại Serbia, về Âu Châu và vấn đề Kosovo, các lập trường của Giáo hội Chính thống là tiếng nói quyết định, bởi vì bản sắc của dân tộc gắn liền với Chính thống giáo. Với 80 phần trăm dân số theo Chính thống giáo, dù vậy xã hội Serbia vẫn bị tục hóa và một số người cho rằng Giáo hội chỉ nên lo việc thiêng liêng mà thôi. Nhiều người xem việc đức Irenee được bầu làm Thượng phụ ngày 22 tháng Giêng năm 2010 như một dấu chỉ tích cực. Là người ủng hộ việc hội nhập vào Âu Châu, đức tân Thượng phụ cũng muốn tổ chức một cuộc gặp gỡ đại kết tại Nis, miền đông nam Belgrade vào năm 2013 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 1,500 năm hoàng đế Constantino ban hành chiếu chỉ Milano để thừa nhận Kitô giáo. Nhiều người cũng hy vọng rằng Giáo hội sẽ làm một cử chỉ cụ thể trong việc hòa giải với Hồi giáo và Công giáo trong vùng Balkan.

Tại Hy lạp, được bầu làm Tổng giám mục Athenes năm 2008, Ðức tổng giám mục Hieronymos II là người ít can thiệp vào đời sống chính trị hơn vị tiền nhiệm của ngài là đức Christodoulos. Tập trung vào hoạt động xã hội, Ðức cha Hieronymos II đưa ra những biện pháp táo bạo: xây cất nhà thờ chính tòa mới tại Athenes, bãi nhiệm 52 linh mục quản xứ vì thường xuyên vắng mặt trong giáo xứ... Và đối với chính phủ xã hội đang muốn lợi dụng những tai tiếng của Giáo hội để áp đặt sự tách biệt giữa Nhà Nước và Giáo hội, đức Hieronymos II chấp nhận gia tăng đóng thuế Giáo hội để giúp chính phủ đang bị thâm thủng ngân sách trầm trọng. Hiện ngài đang thương lượng để thiết lập một mô thức cộng tác mới giữa Giáo hội và Nhà nước, trong đó mọi sự phải được "trong suốt", nhứt là trong các vấn đề xã hội.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Giáo hội Chính thống đang chịu nhiều sức ép của chính phủ của một quốc gia có đa số theo Hồi giáo. Chủng viện Halki là một điển hình nói lên tình trạng của Giáo hội Chính thống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ðược mở từ năm 1844, trường thần học này là một trong những cơ sở đào tạo linh mục quan trọng nhứt của Giáo hội Chính thống tại đây. Nhưng năm 1971, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh đóng cửa chủng viện.

Tại Palestine, hôm 6 tháng Giêng năm 2010, nhân dịp lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo, các tín hữu Chính thống tại Bethlehem đã đón tiếp Ðức thượng phụ Theophilos III bằng thái độ thù nghịch. Cảnh sát Palestine đã phải can thiệt để bảo vệ Ðức thượng phụ. Các tín hữu đã có thái độ như thế với Ðức thượng phụ vì họ cho rằng ngài đã bán đất của Tòa thượng phụ cho chính phủ Israel. Người tiền nhiệm của Ðức thượng phụ Theophilos III là đức Irinaios cũng bị tố cáo đã bán đất cho Israel. Vấn đề này còn lâu mới giải quyết được và hiện đang tiếp tục gia tăng những chia rẽ giữa các tín hữu Chính thống Á rập và hàng giáo phẩm mà phần lớn là người Hy lạp.

Tại Antiokia, Ðức thượng phụ Inhaxio IV đã phải hai lần lên tiếng: một lần để lên án việc Hoa kỳ xâm lăng Iraq khiến cho tình trạng của các tín hữu Kitô tại Trung đông trở nên khó khăn hơn, một lần để bày tỏ quan ngại về bài diễn văn của Ðức thánh cha tại đại học Regensburg, bên Ðức, hồi năm 2006. Mặc dù là thiểu số, các tín hữu Kitô Á rập tại đây vẫn đòi hỏi phải được đối xử bình đẳng với người Hồi giáo.

Tại Ai cập, số tín hữu Chính thống hiện nay là 3 trăm ngàn người. Người lãnh đạo Giáo hội Chính thống tại đây mang tước hiệu "Thượng phụ Alexandria và toàn Phi châu". Chính vì ý thức trách nhiệm của mình, mà đức đương kiêm Thượng phụ Theodoros III luôn đẩy mạnh hoạt động truyền giáo sang một số nước Phi châu. Giáo hội gia tăng nhanh cho nên năm 2007, Tòa thượng phụ đã cho mở lại chủng viện Alexandri.

Cuối cùng tại Tây Âu, sự hiện diện của Giáo hội Chính thống gắn liền với các cuộc di dân vào thế kỷ 20. Mỗi cộng đồng Chính thống tại Tây Âu vẫn còn gắn bó với Giáo hội mẹ của mình. Hiện nay các cộng đồng Chính thống tại đây mong mõi thành lập một Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, các Giáo hội Mẹ không xem việc tổ chức các cộng đồng hải ngoại như một ưu tiên, nhưng lại không muốn từ bỏ các cộng đồng này, bởi vì họ là nguồn tài cung cấp tài chính cho các Giáo hội Mẹ.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page