Sứ điệp của thầy Marcel Văn
tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế
Sứ điệp của thầy Marcel Văn, tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế.
Saigòn, Việt Nam [Theo bản tin của Vietcatholic 30/1/2010 và Zenit 31/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong lá thư "hiệp thông" đề ngày 20 tháng Giêng năm 2010, gởi cho cha Vinhson Phạm Trung Thành, bề trên giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt nam, cha Ryszard Bozek, bề trên giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Warsawa, Balan, cho biết ngày thứ Ba mùng 2 tháng 2 năm 2010, tất cả các cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế tại Balan sẽ tổ chức tuần cửu nhựt cầu nguyện cho tỉnh dòng Việt nam. Ðặc biệt cha giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Balan phó thác tỉnh dòng Việt nam cho sự chuyển cầu của tôi tớ Chúa là Thầy Marcel Văn.
Nhân dịp này, chúng tôi xin được gởi đến quý vị và các bạn nội dung bài phỏng vấn của cha Gilles Berceville, dòng Ða minh, dành cho hãng thông tấn Zenit. Cha Berceville là tác giả của cuốn sách có tựa đề "Marcel Văn hay sự nghèo khó vô biên của Thiên Chúa" do hội thân hữu của Thầy Văn xuất bản năm 2009.
Thầy Văn, một tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế Việt nam, sinh năm 1928 trong một làng Công giáo tại miền Bắc Việt nam. Là người say mê con đường tu đức của thánh nữ Terexa Hài Ðồng Giêsu, thầy Văn đã khám phá ra rằng với vị thánh này, ai cũng có thể nên thánh. Chính thánh nữ đã cho thày biết rõ ơn gọi của thầy là thầy sẽ không làm linh mục. Thầy đã học với thánh nữ để làm tông đồ "ẩn danh" của tình yêu, với một khát vọng lớn là làm cho Chúa hiện diện nơi Ngài không hiện diện. Thầy Văn đã qua đời năm 31 tuổi trong một trại tù cộng sản, nơi thày bị kết án lao động khổ sai 15 năm.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Zenit, cha Berceville cho biết: thầy Văn là một cậu bé rất đạo đức, luôn kết hiệp thân tình với Chúa Kitô qua việc tôn thờ Thánh Thể hằng ngày. Thầy xác tín rằng Thiên Chúa là Tình yêu. Thầy cũng rất gắn bó với Ðức Trinh Nữ Maria. Năm 14 tuổi, người thiếu niên đã khám phá được quyển tự thuật có tựa đề "Chuyện một tâm hồn" của thánh nữ Terexa Hài đồng Giêsu. Không bao lâu sau đó, người thiếu niên nghe chính thánh nữ nói chuyện với mình. Cuộc trao đổi mầu nhiệm này kéo dài cho đến khi thầy Văn hoàn tất thời kỳ nhà tập.
Ôn lại tiểu sử của vị tu sĩ tử đạo của dòng Chúa Cứu Thế này, cha Berceville nói rằng đi theo dấu chân của thánh nữ Terexa Hài đồng Giêsu, thầy Văn xác tín rằng Thiên Chúa không phải là Ðấng chỉ nghĩ đến việc trừng phạt chúng ta khi đòi hỏi chúng ta phải làm những điều mà chính chúng ta nghĩ là không thể làm được. Trái lại, Ngài luôn tìm cách giúp chúng ta và một cách nào đó thích nghi với con người chúng ta để giúp chúng ta thích nghi với chính Ngài. Theo cha Berceville, khi đọc "Câu chuyện của một tâm hồn", thầy Văn đã nhận ra đó cũng chính là điều mà thầy đã từng sống. Thầy được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi đối với Chúa. Noi gương thánh nữ Terexa, thầy cũng học được một cách cầu nguyện mới là nói chuyện với Chúa như một đứa trẻ nói chuyện với cha mình.
Cha Berceville nói rằng thầy Văn luôn khao khát được làm cho Chúa hiện diện nơi nào Ngài vắng mặt. Trong thời kỳ thày ở tập viện, các tu sĩ khác hỏi đùa: thầy có thích sống với người cộng sản không. Thầy gật đầu đồng ý. Thật vậy, thầy Văn muốn thực sự yêu mến Chúa nơi những người cộng sản để ít nhứt cũng có một người yêu mến Chúa nơi những người "không có Chúa". Là tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, thầy đã kết hiệp với công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô, đến độ thường cảm thấy cô độc. Trong những năm thỉnh sinh và tập sinh, thầy đã kết hiệp thân tình với Chúa Kitô, nhưng vẫn phải trải qua những cơn cám dỗ, sự khô khan và đêm tối trong tâm hồn.
Là một người Việt nam, thầy Văn cũng đã có một quan hệ phức tạp với nước Pháp. Theo cha Berceville, vì liên đới với đồng bào ruột thịt của mình khi bị người Pháp đô hộ, thầy cũng tự nhiên chống lại người Pháp. Nhưng thầy không quên rằng Giáo hội tại Việt nam được khai sinh và phát triển nhờ các nhà thừa sai Pháp. Nước Pháp là quê hương của thánh Terexa Hài đồng Giêsu. Qua các bài viết của thầy, người ta biết rằng thầy nhận được sứ mệnh phải cầu nguyện để nước Pháp phục vụ cho tình yêu của Chúa Giêsu. Nhưng cha Berceville cho rằng điều thầy Văn nói về quan hệ giữa Việt nam và nước Pháp cũng có tính cách tượng trưng. Không riêng nước Pháp, mà mỗi quốc gia đều có giá trị dưới mắt Chúa. Sứ điệp của thầy Văn do đó cũng là một sứ điệp hòa bình.
Liệu sứ điệp của vị tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế này có tính cách phổ quát không? Cha Berceville trả lời như sau: "Tính phổ quát không phải là một lý tưởng trừu tượng. Trong tình yêu, mọi người đều giúp nhau được thêm giàu có một cách cụ thể. Ðây là điều thầy Văn muốn giúp chúng ta sống. Thầy giúp chúng ta, nhờ Tin Mừng, khám phá ra cuộc gặp gỡ giữa Ðông và Tây. Ðây chính là tính thời sự trong sứ điệp của thầy. Ðây là lần đầu tiên, người ta thấy một tín hữu Kitô Viễn Ðông sống một cách mãnh liệt niềm tin của mình... đến độ một nhà thần học Pháp như tôi phải học tiếng Việt để hiểu Tin Mừng.
Vào thế kỷ 17, Ðức giáo hoàng Innocente XI, người được đức Pio XII tôn phong chân phước, đã nói: "Ðông phương đã cho chúng ta Tin Mừng. Ngày nay, Tây phương cần phải trả lại cho họ". Với thầy Văn, một lần nữa, Ðông phương nói về Tin Mừng cho Tây Phương. Ðây là một thí dụ tuyệt vời về sự trao đổi giữa hai Giáo hội".
Chu Văn