Ðức thánh cha cám ơn giới trẻ

vì mang lại dấu chỉ hy vọng cho thế giới

 

Ðức thánh cha cám ơn giới trẻ vì mang lại dấu chỉ hy vọng cho thế giới.

Roma [AFP 31/1/2010] - Ðức thánh cha Benedicto XVI cám ơn giới trẻ vì mang lại dấu chỉ hy vọng cho thế giới.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhựt 31 tháng Giêng năm 2010, Ðức thánh cha đã nhắc đến Cận Ðông và thả hai con chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình. Cùng với cử chỉ này, ngài cám ơn giới trẻ hiện diện trong buổi đọc kinh truyền tin. Ngài nói rằng họ là dấu chỉ hy vọng của thế giới.

Ðức thánh cha nói: "Các thiếu niên của Công Giáo Tiến Hành mang lại cho chúng ta một sứ điệp hòa bình. Hỡi các bạn trẻ, cha cám ơn chúng con vì, với "cuộc rước kiệu hòa bình" và những con chim bồ câu mà chúng con sẽ thả bay, chúng con mang lại một dấu chỉ hòa bình cho toàn thế giới".

Ðược biết hằng năm Công Giáo Tiến Hành Ý tổ chức một tháng hòa bình kết thúc bằng một cuộc rước kiệu hòa bình xuyên qua các đường phố Roma.

Nhắc lại ngày thứ hai của tháng cầu nguyện cho hòa bình tại Cận đông, Ðức thánh cha nói rằng ngài "hiệp ý với không biết bao nhiêu người trên thế giới" để cầu nguyện hầu tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

Ngoài ra, Ðức thánh cha cũng đề cập đến những vấn đề kinh tế và xã hội của Ý, cách riêng số phận của các công nhân hãng Fiat và Alcoa, có mặt trong buổi đọc Kinh truyền tin hôm Chúa Nhựt vừa qua. Ngài nói: "cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho nhiều người mất việc làm và tình trạng này đòi hỏi mọi người, doanh nhân, công nhân cũng như chính quyền phải có ý thức trách nhiệm cao."

Trong bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Ðức thánh cha nói rằng tình yêu là dấu chỉ của người tín hữu Kitô và là món quà cao quý nhứt.

Ôn lại bài ca đức ái trong thư thứ nhứt của thánh Phaolo gởi giáo đoàn Corinto, Ðức thánh cha nói rằng thánh Phaolô chỉ ra cho chúng ta "con đường nên thánh". Theo Ðức thánh cha, đây là một trong những trang đẹp nhứt của Tân Ước.

Giải thích lời thánh Phaolô, Ðức thánh cha nói rằng con đường nên thánh không đòi hỏi nhiều đức tính phi thường, mà là phải yêu thương bằng một tình yêu đích thực được Thiên Chúa mạc khải trong Chúa Giesu Kitô.

Ðức thánh cha nói: "Cuối cùng, khi chúng ta diện kiến với Chúa, mọi ân huệ khác sẽ biến mất. Ðiều duy nhứt tồn tại vĩnh viễn chính là tình yêu, bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu và chúng ta sẽ nên giống như Ngài khi được thông hiệp trọn vẹn với Ngài".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page