Bí quyết của

niềm hạnh phúc đích thực là nên thánh

là sống gần Thiên Chúa

 

Bí quyết của niềm hạnh phúc đích thực là nên thánh, là sống gần Thiên Chúa.

Vatican (Vat.27/01/2010) - Thánh Phanxicô thành Assisi là hình ảnh sống động của Chúa Kitô. Người là một vị đại thánh thu hút con người thuộc mọi lứa tuổi và tôn giáo, một người đơn sơ, khiêm tốn, tốt lành, yêu thương Chúa Kitô, yêu thương mọi người và mọi loài thụ tạo nên luôn tươi vui trong mọi hoàn cảnh. Khi nhìn chứng ta của người chúng ta nhận ra bí quyết của niềm hạnh phúc: đó là nên thánh, là sống gần Thiên Chúa.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 5,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ Tư 27 tháng Giêng năm 2010 tại đại thính đường Phaolô VI trong nội thành Vaticăng. Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Phnxicô thành Assisi, mẫu gương của cuộc đối thoại giữa tín hữu Kitô và Hồi giáo.

Ðề cập tới tiểu sử của thánh nhân Ðức Thánh Cha nói: "Một mặt trời sinh ra cho thế giới", với các lời này trong tác phẩm "Hài kịch thiên linh" (Thiên đàng, Bài ca XI) nhà thơ vĩ đại Ý Dante Alighieri ám chỉ biến cố Phanxicô chào đời vào cuối năm 1181 hay đầu năm 1182 tại Assisi. Là con của một gia đình giầu có, thân phụ làm nghề bán vải Phanxicô đã sống tuổi thanh xuân vô tư lự và vun trồng các lý tưởng hiệp sĩ thời đó. Năm lên 20 tuổi chàng tham dự vào một trận chiến và bị bắt làm tù binh, bị bệnh và được trả tự do. Sau khi trở về Assisi, nơi chàng bắt đầu xảy ra một tiến trình hoán cải từ từ dẫn đưa tới chỗ từ bỏ lối sống ăn chơi. Chính vào thời gian này đã xảy ra cuộc găp gỡ của Phanxicô với một người bị phong hủi, chàng xuống ngựa và ôm hôn người phong cùi ấy. Cũng cùng thời gian ấy Chúa Giêsu sống động trên thánh gía tại nhà thờ thánh Damiano nói với chàng ba lần: "Phanxicô, con hãy đi và sửa chữa Nhà Thờ của Cha bị hư hại". Các lời này chứa đựng một biểu tượng sâu xa hơn. Phanxicô lập tức tu sửa nhà thờ thánh Damiano, nhưng tình trạng suy sụp của nó biểu tượng cho tình trạng thê thảm đáng âu lo của chính Giáo Hội thời ấy, có đức tin hời hợt, không đào tạo và biến đổi cuộc sống con người, với hàng giáo sĩ ít hăng say và với tình yêu nguội lạnh. Tình trạng bị hủy hoại bên trong cũng kéo theo sự rữa nát của sự hiệp nhất với các phong trào lạc giáo nảy sinh. Tuy nhiên trong Giáo Hội đổ nát ấy Ðấng chịu đóng đanh trên Thánh Giá vẫn ở trung tâm và lên tiếng mời gọi canh tân Giáo Hội của Chúa Kitô với đức tin triệt để và tình yêu nồng cháy đối với Chúa Kitô.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nhắc lại một biến cố khác minh xác cho sứ mệnh của thánh Phanxicô. Ðó là giấc mơ của Ðức Giáo Hoàng Innocenzo III vào năm 1207 trông thấy đền thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ mẹ của các nhà thờ đang nghiêng đổ và có một tu sĩ bé nhỏ giơ vai đỡ đền thờ. Và Ðức Giáo Hoàng đã nhận ra tu sĩ đó là Phanxicô, khi thánh nhân về Roma xin gặp Ðức Giáo Hoàng. Ðức Giáo Hoàng Innocenzo III là một vị Giáo Hoàng có quyền thế văn hóa thần học cũng như chính trị lớn, nhưng không phải là người canh tân Giáo Hội, mà lại là Phanxicô một tu sĩ bé nhỏ được Thiên Chúa mời gọi. Tuy nhiên phải ghi nhận một sự kiện quan trọng đó là thánh Phanxicô không canh tân Giáo Hội mà không có hay chống lại Giáo Hoàng, nhưng chỉ trong sự hiệp thông với Giáo Hoàng. Hai thực tại đi liền với nhau: Người Kế Vị thánh Phêrô, các Giám Mục, Giáo Hội được xây dựng trên sự tiếp nối của các Tông Ðồ và đặc sủng mới mà Chúa Thánh Thần tạo ra trong lúc đó để canh tân Giáo Hội.

Trở lại tiểu sử của thánh Phanxicô Ðức Thánh Cha cho biết thân phụ của người la mắng chàng vì thấy con qúa quảng đại đối với người nghèo. Thế là Phanxicô quyết định lột bỏ hết quần áo trả lại cho cha trước sự hiện diện của Ðức Giám Mục thành Assisi. Qua cử chỉ biểu tượng đó thánh nhân muốn từ bỏ gia tài của cha, để không còn gì cả mà chỉ có mạng sống do Thiên Chúa ban. Sau đó Phanxicô sống như một ẩn sĩ cho tới năm 1208, khi nghe đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu trong đó Chúa Giêsu sai các tông đồ đi truyền giáo, thánh nhân cảm thấy được mời gọi sống khó nghèo và rao giảng Tin Mừng. Nhiều người khác theo thánh nhân và năm 1209 Phanxicô về Roma để trình bầy với Ðức Giáo Hoàng Innocenzo III chương trình của một hình thức sống đời Kitô mới. Ðược Chúa soi sáng, Ðức Giáo Hoàng trực giác được nguồn gốc thiên linh của phong trào do Phanxicô khởi xướng. Phanxicô hiểu rằng mọi đặc sủng Chúa Thánh Thần ban đều phải phục vụ Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội, vì thế nên thánh nhân luôn luôn hiệp thông trọn vẹn với giáo quyền. Trong cuộc đời các thánh không có chống đối giữa đặc sủng ngôn sứ và đặc sủng cai qủan, và nếu có xảy ra xung khắc thì các vị biết kiên nhẫn chờ đợi thời điểm của Chúa Thánh Thần.

Trên bình diện lịch sử có đúng thật là thánh Phanxicô có tương quan trực tiếp với Chúa Kitô và lời Ngài và muốn triệt để sống chân lý Lời Chúa, tạo ra một phong trào canh tân Dân Chúa mà không có hình thức giáo luật và không có phẩm trật. Nhưng thánh nhân cũng hiểu rằng mọi sự phải ở trong sự hiệp thông với Giáo Hội, với Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục. Người cũng biết rằng Thánh Thể là trung tâm cảu Giáo hội, nơi Mình Máu Thánh Chúa hiện diện. Qua chức Linh Mục Thánh Thể là Giáo Hội. Lời Chúa chỉ cư ngụ nơi đâu chức Linh Mục, Chúa Kitô và sự hiệp thông của Giáo Hội đi chung với nhau.

Càng ngày càng có nhiều tu sĩ gia nhập, thánh Phanxicô và các tu sĩ chọn Porziuncola hay nhà thờ Ðức Bà các thiên thần làm nơi trú ngụ. Tinh thần của dòng lôi cuốn nhiều người, trong đó có cả Chiara thuộc gia đình quyền qúy thành phố Assisi. Và thế là nảy sinh ra dòng Phanxicô thứ hai là các nữ tu kín Chiara, đem lại rất nhiều hoa trái thiêng liêng cho Giáo Hội.

Năm 1218 với tự sắc "Cum dilecti" Ðức Giáo Hoàng Onorio III, yểm trợ sự phát triển của Dòng Anh Em Hèn Mọn bắt đầu mở nhà tại nhiều nước Âu châu và lan sang cho tới Marốc. Năm 1219 thánh Phanxicô được phép sang Ai Cập gặp Sultan Melek el Kamel để rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ðây là thời gian có xung đột giữa Kitô giáo và Hồi giáo, nhưng thánh Phanxicô đã thành công trên con đường đối thoại chỉ nhờ đức tin và lòng khiêm nhường của người. Năm 1220 thánh Phanxicô sang viếng thăm Thánh Ðịa và gieo hạt giống đem lại nhiều hoa trái tại đây: các con cái thiêng liêng của người là các tu sĩ Phanxicô quản thủ Thánh Ðịa hiện nay.

Sau khi trở về Italia Phanxicô giao quyền hướng dẫn dòng cho thầy Pietro Cattani và dòng được Ðức Giáo Hoàng giao phó cho sự che chở của Ðức Hồng Y Ugolino sau này sẽ là Ðức Giáo Hoàng Gregorio IX. Thánh Phanxicô thì lo việc rao giảng và soạn Luật dòng được Ðức Giáo Hoàng chấp thuận sau đó. Năm 1224 tại Verna thánh nhân nhận đươc 5 dấu thánh của Chúa và người qua đời chiều ngày mùng 3 tháng 10 năm 1226 tại Porziuncola. Hai năm sau Ðức Giáo Hoàng Gregorio IX phong thánh cho người. Một vương cung thánh đường đã được xây để dâng kính thánh nhân và trở thành nơi hành hương nổi tiếng, nơi tín hữu có thể kính viếng mộ người.

Ðề cập đến hình ảnh của thánh Phanxicô Ðức Thánh Cha nói: Người ta đã nói rằng thánh Phanxicô diễn tả một Chúa Kitô khác. Người thật là hình ảnh sống động của Chúa Kitô. Người cũng được gọi là "em của Ðức Giêsu". Thật thế lý tưởng của ngừơi đã là giống Chúa Giêsu: chiêm ngưỡng Chúa Kitô của Phúc âm, yêu mến Chúa mạnh mẽ và bắc chước các nhân đức của Chúa. Thánh nhân đã muốn trao ban cho sự khó nghèo nội tâm và bên ngoài một giá trị đặc biệt và dậy các con cái thiêng liêng của người sống gía trị đó. Nơi thánh nhân tình yêu đối với Chúa Kitô cũng được diễn tả ra bằng việc chầu Thánh Thể... Người nhắn nhủ các linh mục như sau: "Khi cử hành Thánh Lễ các vị phải trong sạch và tôn kính hiến lễ đích thực của Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (Francesco diAssisi, Scritti, 399). Thánh Phanxicô luôn luôn tôn trọng các linh mục và nhắn nhủ mọi người kính trọng các vị, cả khi cá nhân các vị ít xứng đáng. Lý do là vì các linh mục đã nhận được ơn thánh hiến Thánh Thể. Sự thánh thiện của Thánh Thể đòi buộc các linh mục phải trong trắng và sống trung thực với Mầu Nhiệm mình cử hành.

Từ tình yêu đối với Chúa Kitô nảy sinh ra tình yêu đối với con người và mọi thụ tạo của Thiên Chúa. Ðây là một đặc thái khác trong linh đạo phan sinh: ý thức về tình huynh đệ đại đồng và tình yêu đối với thụ tạo gợi hứng cho người sáng tác bài ca vạn vật. Thánh Phanxicô dạy cho chúng ta biết thiên nhiên cho thấy sự khôn ngoan và lòng lành của Thiên Chúa. Một sự phát triển chỉ có thể chịu đựng nổi khi biết tôn trọng thiên nhiên và không phá hoại môi sinh. Ðức Thánh Cha kết Luận bài huấn dụ như sau: Phanxicô đã là một vị thánh lớn và một con người tươi vui. Sự đơn sơ, khiêm tốn và niềm tin của người nơi Chúa Kitô, lòng tốt đối với mọi người đã khiến cho thánh nhân sống tươi vui trong mọi hoàn cảnh. Giữa sự thánh thiện và niềm tươi vui có một tương quan thân thiết không thể tách rời. Một văn sĩ pháp đã nói rằng trên đời này chỉ có một nỗi buồn thôi: đó là nỗi buồn không nên thánh, nghĩa là không ở gần Thiên Chúa. Khi nhìn chứng tá của thánh Phanxicô chúng ta hiểu rằng bí quyết của niềm hạnh phúc đích thật là nên thánh, là gần gũi Thiên Chúa. Sau khi chào các nhóm bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha cầu chúc tín hữu những ngày hành hương sót sáng và hữu ích. Rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page