Quan hệ giữa Giáo hội Công giáo

và Giáo hội Chính thống

dưới thời Ðức Benedicto XVI

 

Quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống dưới thời Ðức Benedicto XVI.

Roma [Chiesa on line 25/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như chúng tôi đã loan tin, Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo khẳng định rằng hiện chưa có văn kiện chính thức nào được Ủy ban hổn hợp Công giáo và Chính thống đưa ra. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai Giáo hội đã đạt được nhiều tiến bộ kể từ khi đức thánh cha Benedicto XVI được bầu làm chủ chăn Giáo hội hoàn vũ.

Cuộc đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống thuộc truyền thống Byzantin đã bị bế tắc vào thập niên 90. Lúc đó, có sự "đụng độ" giữa hai Giáo hội về vấn đề thường được gọi là "những người hiệp nhứt". Cụm từ này chỉ các cộng đồng Công giáo đông phương, tuy duy trì các truyền thống đông phương, nhưng lại chấp nhận quyền bính của Ðức giáo hoàng. Nổi bật nhứt là Giáo hội Công giáo đông phương tại Ukraine.

Tại Balamond, Liban, cuộc đối thoại giữa hai Giáo hội hoàn toàn bế tắc. Tòa phượng phụ Chính thống Mascova và toàn nước Nga không thể dung chấp điều mà Tòa thượng phụ này gọi là cuộc "xâm lăng" của các nhà thừa sai Công giáo do Ðức Gioan Phaolô II sai đến. Vấn đề lại trở nên nhậy cảm hơn, bởi vì các nhà thừa sai này lại là người Balan, dân tộc vẫn còn bị người Nga xem như kẻ thù.

Cuộc đối thoại giữa hai Giáo hội chỉ được nối lại vào năm 2005, khi Ðức hồng y Ratzinger, người Ðức, được bầu lên kế vị thánh Phêrô. Ngài là vị giáo hoàng được Ðông phương ca ngợi, nhưng lại bị Tây Phương chỉ trích chỉ vì tỏ ra gắn bó với Truyền Thống Ðông Phương.

Ủy ban hỗn hợp quốc tế về cuộc đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống đã được tái tục: lần đầu tiên tại Belgrade vào năm 2006 và lần thứ hai tại Ravenna, Ý vào năm 2007.

Vấn đề gai góc được đem ra thảo luận tại hai cuộc gặp gỡ nói trên là quyền tối thượng của người kế vị thánh Phêrô. Ðây vốn là vấn đề chia cách hai Giáo hội Ðông và Tây.

Văn kiện chung kết được đưa ra tại Hội nghị Ravenna khẳng định rằng "quyền tối thượng và công đồng tính tương thuộc nhau". Văn kiện nói đến những điểm đồng thuận và khác biệt giữa hai Giáo hội như sau: "Hai bên đồng ý rằng Roma, với tư cách là Giáo hội "chủ trì trong đức ái" theo kiểu nói của thánh Inhaxio Antiokia, chiếm chỗ nhứt trong Giáo hội hoàn vũ và do đó Giám mục Roma là người chiếm chỗ nhứt trong hàng ngũ các Thượng phụ. Tuy nhiên, hai bên không đồng ý với nhau về cách giải thích liên quan đến chứng từ lịch sử về những đặc ân của Giám mục Roma xét như là người thứ nhứt, như đã được hiểu bằng nhiều cách khác nhau trong thiên niên kỷ thứ nhứt".

Mặc dù không có cùng một quan điểm về cách giải thích liên quan đến vị trí "thứ nhứt" của Giám mục Roma, các cuộc thảo luận về những điểm gây tranh cải vẫn tiếp diễn với một mức độ nhanh chóng. Ðặc biệt, Ủy ban hỗn hợp đã bắt đầu khảo cứu cách giải thích khác nhau của các Giáo hội Ðông phương và Tây Phương về vai trò của Giám mục Roma trong thiên niên kỷ thứ nhứt, tức thời kỳ hai Giáo hội còn hiệp nhứt với nhau.

Trong cuộc gặp gỡ diễn ra tại Paphos, đảo Chypre, từ ngày 16 đến 23 tháng 10 năm 2009, Ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống đã thảo luận về một bản văn đã được soạn thảo tại Ðảo Creta đầu mùa thu năm 2008.

Ủy ban đã nghiên cứu về việc thánh Phêrô và thánh Phêrô rao giảng tại Roma, cuộc tử đạo của hai ngài và sự hiện diện của mộ các ngài tại Roma, mà thánh Irene thành Lyon xem như là dấu chứng của quyền bính trổi vượt của giáo phận Roma.

Kế đó, Ủy ban thảo luận về lá thư của Ðức giáo hoàng Clemente gởi cho các tín hữu Corinto, về chứng từ của thánh Inhaxio thành Antiokia, là người khẳng định rằng Giáo hội Roma chủ trì trong đức ái, về vai trò của các đức giáo hoàng Anicetus và Victor trong cuộc tranh luận xung quanh Ngày lễ Phục Sinh, về lập trường của thánh Cypriano thành Carthage trong cuộc tranh luận có nên hay không nên rửa tội lại những người đã "sa ngã", về ý nghĩa của các tín hữu Kitô bị buộc phải tế thần ngoại giáo để được sống.

Mục đích của các cuộc thảo luận là để xem liệu cách hiểu về quyền tối thượng của Giám mục Roma trong kỷ nguyên thứ nhứt có thể được xem như mẫu mực để tìm lại sự hiệp nhứt trong thiên niên kỷ thứ ba này không.

Trong thiên niên kỷ thứ hai, cách giải thích về quyền tối thượng của Giám mục Roma tại Tây Phương đã không được Ðông phương chấp nhận. Ðây là điểm gai góc trong cuộc thảo luận. Nhưng các phái đoàn của hai Giáo hôi đều không sợ đương đầu với vấn đề. Chính Ðức thánh cha cũng đã nhìn nhận điều này trong bài huấn đức trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần sáng thứ Tư ngày 20 tháng Giêng năm 2010. Ngài cho biết Ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống đã bắt đầu thảo luận về vai trò của Giám mục Roma trong sự thông hiệp Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ nhứt.

Ðược biết Ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống sẽ tiếp tục thảo luận trong khóa họp sắp tới tại Vienne, Áo Quốc từ ngày 20 đến 27 tháng 9 năm 2010.

Trong những năm vừa qua, cầm đầu phái đoàn Tòa thánh là Ðức hồng y Walter Kasper, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo. Về phía Chính thống, người cầm đầu phái đoàn là Ðức cha Johannis Zizioulas, Tổng giám mục Pergamon, một nhà thần học có uy tín của Chính thống giáo, được chính Ðức thánh cha đánh giá cao.

Gần đây, các mối quan hệ giữa Tòa thánh và Tòa thượng phụ Mascova cũng đã được cải thiện. Tại hội nghị Ravenna, phái đoàn Chính thống Mascova đã bỏ ra về vì không chấp nhận sự hiện diện của phái đoàn Giáo hội chính thống Estoni mà Tòa thượng phụ Mascova không nhìn nhận.

Nhưng dạo tháng 10 năm 2009, tại Paphos, Chypre, phái đoàn Chính thống Mascova đã có mặt và hiện nay, Tòa thượng phụ Mascova đã có những quan hệ thân thiện với Tòa thánh. Một trong những bằng chứng của tình thân hữu này là cách đây vài tháng, Tòa thượng phụ Mascova đã cho ấn hành một cuốn sách thu thập các bài viết của Ðức thánh cha Benedicto XVI. Sáng kiến này cũng đã được Tòa Thánh đáp trả một cách tích cực khi cho in một cuốn sách thu thập các bài viết của Ðức thượng phụ Kyrill.

Một cuộc gặp gỡ giữa Ðức thánh cha Benedicto XVI và Ðức thượng phụ Kyrill rất có thể sẽ diễn ra trong một tương lai gần đây.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page