Phát biểu của Ðức hồng y

Tổng giám mục Sài Gòn

về mối quan hệ giữa Giáo hội

và nhà nước cộng sản Việt nam

 

Phát biểu của Ðức hồng y Tổng giám mục Sài Gòn về mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước cộng sản Việt nam.

Saigòn, Việt Nam [theo bản tin Vietcatholic 25/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nhựt báo Công giáo Pháp "La Croix", hôm 24 tháng Giêng năm 2010, Ðức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Sài Gòn đã trình bày quan điểm của ngài về một số vấn đề liên quan đến tình hình Giáo hội tại Việt Nam. Chúng tôi xin được gởi đến quý vị và các bạn một vài câu trả lời của Ðức hồng y.

Về mối quan hệ với Nhà nước, Ðức hồng y Tổng giám mục Sài Gòn tuyên bố như sau: "nhờ bài học lịch sử thế giới dạy cho biết lối mòn cũ là thái độ và hành vi đối đầu với dây chuyền những hậu quả đau thương tạo nên nền văn hoá sự chết cho mọi dân tộc, tôi cố gắng đi theo con đường mới Công đồng Vatican II đã mở ra, là đối thoại và hợp tác với mọi tổ chức văn hoá và tôn giáo, kinh tế và chính trị trong cộng đồng xã hội, trên cơ sở sự thật và công ích. Cả hai vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđitô XVI đều nhắc lại con đường này cho các Giám mục Việt Nam trong những lần đi Ad Limina trong thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ ba."

Về tương lai của cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam, Ðức hồng y Mẫn nói: "Ðiều làm cho tôi vững tin vào tương lai của cộng đồng Công giáo tại Việt Nam, là niềm tin Kitô giáo, niềm tin vào Lời Cứu Ðộ, là Ðường dẫn đến Chân Lý tròn đầy, Tình Thương vô biên và Sự Sống dồi dào. Lời được ghi lại trong Sách Thánh, Lời đâm rễ vào trong đời sống Giáo Hội, Lời như hạt giống được gieo vào nền văn hoá của các dân tộc. Lịch sử loài người xác minh chỉ có Lời của Chúa Tạo Thành và Cứu Ðộ tồn tại qua những đổi thay và thăng trầm trong lịch sử, còn mọi sự khác trong trời đất qua đi, cả các nền văn minh, các chế độ xã hội, những gì do trí khôn hữu hạn của con người nghĩ ra, tạo ra.

Ðiều làm cho tôi lo âu là: niềm tin đó, đặc biệt ở nơi người trẻ, nếu không có điều kiện thắp sáng bằng cách mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin, không được nuôi dưỡng bằng Lời ban sức sống mới, dần dần sẽ phai mờ và suy yếu, méo mó và lệch lạc".

Về lý do tại sao có nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa Giáo Hội và Nhà Nước, Ðức hồng y Tổng giám mục Sài Gòn giải thích: "Cơ chế pháp luật Việt Nam sau năm 1975 đã xoá quyền tư hữu của người dân. Tôi không rõ những người làm điều đó có ý gì, xây dựng một xã hội gọi là tiến bộ và công bằng hơn không?... Nhưng thực tế cho thấy điều đó mở đường cho nhiều lạm dụng, bất công và bất ổn ngày càng lan rộng trong xã hội. Nguyên nhân ư? Có lẽ có nhiều. Tôi thấy có một nguyên nhân chính, đó là đi ngược chiều với truyền thống văn hoá cùng những giá trị đạo đức của dân tộc. Nền văn hoá cùng những giá trị đó từ ngàn xưa được xây trên tình nghĩa đồng bào tôn trọng lẫn nhau, tương thân tương trợ lẫn nhau, chứ không phải trên hệ thống quyền lực cùng bạo lực loại trừ đồng bào đồng loại. Lịch sử cho thấy công cuộc phát triển một xã hội tự do và dân chủ, bình đẳng và công bằng, văn minh và khoa học, mà thiếu tình nghĩa đồng bào, thiếu tình huynh đệ đại đồng, luôn để lại nhiều vấn đề nan giải, cản trở sự phát triển toàn diện của con người và đất nước."

Ðược hỏi: chính Ngài có đối thoại với chính quyền về những vấn đế nóng bỏng đó không? Nếu có, ngài nghĩ gì về cuộc đối thoại này? Ðức Phạm Minh Mẫn trả lời: "Về vấn đề đất đai, trước tình hình bất công và bất ổn kéo dài rộng khắp, từ trong hệ thống Nhà Nước, cũng như từ phía các Giám mục Việt Nam, đều có đề nghị sửa đổi luật lệ. Cá nhân tôi cũng có gợi ý xem lại luật lệ và đối chiếu với truyền thống văn hoá dân tộc, với hệ thống thế giới toàn cầu hoá hôm nay. Hiện nay, chưa thấy kết quả cụ thể. Lý do chính có lẽ là chưa có sự thống nhất trong hệ thống Nhà Nước. Ðức Hồng Y Glemp, giáo chủ Ba Lan, dựa vào lời khuyên của Thánh Phaolô và kinh nghiệm bản thân, có lời nhắc nhở là hãy kiên nhẫn và cầu nguyện. Có lẽ dựa vào lịch sử cứu độ, ngài tin rằng việc đổi mới tâm trí con người và liên kết mọi người nên một là công trình của Chúa Thánh Thần, và con người cần cộng tác với tác nhân chính."

Nhận định về sự hổ trợ của Tòa Thánh trong vấn đề này, Ðức hồng y Tổng giám mục Sài Gòn cho biết: "Tòa thánh Vatican nhắc nhở chúng tôi trung thành với đường lối của Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, tránh chạy theo lối mòn cũ, đừng để phe hữu phái tả lôi cuốn đi sai lệch con đường cứu độ của Chúa."

Ký giả của báo La Croix nêu lên vấn đề: "Các thành viên Dòng Chúa Cứu Thế của giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Sài Gòn đã nói về vụ việc Bauxite trên Internet. Chánh văn phòng của Toà Tổng Giám Mục Giáo phận Hà Nội đã nói về vụ việc Ðồng Chiêm rằng "chúng ta hãy cầu nguyện cho đất nước được thực sự công bằng, dân chủ và văn minh." Chả lẽ ngài không nghĩ rằng người Công Giáo đã trở thành thành phần đối lập chính trị khi họ bình luận công khai như thế về những vấn đề nhạy cảm và khi họ nói công khai về dân chủ trong một đất nước cộng sản?"

Ðức hồng y cho biết ý kiến của ngài như sau: "Tôi nghĩ rằng mọi người trong trường hợp như câu hỏi đã nêu, đều bị chính quyền coi là chống đối Nhà Nước, còn chính họ thì coi mình là công dân có tự do và trách nhiệm vừa đấu tranh cho quyền làm người, vừa góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hơn... Có một thời, người Công giáo đã được dạy làm công dân như vậy. Tấm gương đấu tranh chống hình thức cường lực và bạo lực của chính quyền hiện nay cũng là bài học cho gia đình và các tổ chức xã hội noi theo.

Ngày nay, giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt qua Ðức Bênêđitô XVI, dạy người Công giáo trước tiên hãy trở nên người Công giáo tốt. Khi là Công giáo tốt thì tất nhiên là công dân tốt trong thế giới hôm nay. Như thế, người Công giáo cần quên đi bài học cũ, và học cùng hành bài học mới này.

Giới hữu trách đạo và đời, với thiện chí hợp tác xây dựng và phát triển đất nước, đều có trách nhiệm liên đới tạo điều kiện cho mọi công dân học và hành bài học mới này. Một điều kiện tối cần là liên kết gia đình, nhà trường cùng các tổ chức trong xã hội chung sức giáo dục con người trong xã hội hôm nay sống tốt đạo làm người, con người sẽ là công dân tốt trong xã hội ngày mai. Một điều kiện tối cần khác là hệ thống giáo dục trong đất nước không phải chỉ lo truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật, song trước tiên là truyền đạt vừa kiến thức vừa kỹ năng sống đạo làm người cho thế hệ hôm nay và ngày mai. Và điều kiện tiên quyết là giới hữu trách cần xác định rõ nội dung cùng định hướng của môn học sống đạo làm người, và cần được mọi người thống nhất. Chu toàn nhiệm vụ giáo dục này, đất nước này sẽ xây thêm nhiều nhà trường đồng thời giảm đi con số nhà tù hay trại cải tạo".

Nhận định về hiện tình truyền thông tại Việt nam, Ðức hồng y Tổng giám mục Sài Gòn nói: "Chức năng truyền thông xã hội là giúp mọi người tiếp cận với sự thật tròn đầy, sự thật phản ảnh thực tại cách trung thực. Thực tế cho thấy phương tiện truyền thông thường truyền cho xã hội một nửa sự thật, sự thật một chiều, hoặc sự thật bị cắt xén, bị bóp méo, sao cho có lợi cho người thông tin, cho việc tuyên truyền. Do đó việc đối thoại cùng hợp tác trên cơ sở sự thật và công ích, đòi hỏi các đối tác phải thường xuyên có mặt tại chỗ để lắng nghe từ nhiều phía, để theo dõi diễn biến ở nhiều mặt, để hiểu được lối nói và cách làm tại chỗ có ý nghĩa gì đối với sự thật và công ích. Như thế, sự hiện diện của đại diện Vatican tại Việt Nam sẽ giúp cho Vatican thi hành cách có hiệu quả hơn nhiệm vụ đồng hành với cộng đồng công giáo tại Việt Nam trên con đường đối thoại và hợp tác phát triển toàn diện con người cùng đất nước Việt Nam."

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page