Vài nét về
Giáo hội chính thống Serbia
Vài nét về Giáo hội chính thống Serbia.
Serbia [La Croix 24/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Sáu 22 tháng Giêng năm 2010, Thượng hội đồng thánh của Giáo hội Chính thống Serbia đã bầu đức cha Irenee, giám mục Nis, làm thượng phụ Giáo hội này. Nhân dịp này, chúng tôi xin được ghi lại vài nét về Giáo hội này.
Nằm trong một thung lũng xanh tươi, cách xa thủ đô Belgrade, tu viện chính thống Rakovica là một trong những trung tâm tĩnh tâm đối với nhiều tín hữu Chính thống Serbia. Tu viện này đã được thành lập vào thế kỷ thứ 14. Chính tại đây mà đức thượng phụ Pavle, qua đời ngày 15 tháng 11 năm vừa qua, hưởng thọ 95 tuổi, đã mong ước được an nghỉ.
Trong sân tu viện, một cây thánh giá bằng gỗ đơn sơ đã ghi dấu nơi chôn cất con người mà các tín hữu Chính thống gọi một cách thân thương là "vị thánh đi bộ", vì ngài luôn từ chối xử dụng xe hơi. Một người cha gia đình đã nói: "Ðức Pavle là người vĩ đại nhứt của Giáo hội chúng tôi. Chính vì thế mà chúng tôi tìm đến đây để tỉnh tâm. Ðối với chúng tôi, ngài là hiện thân của lòng tốt".
Một cặp vợ chồng khác nói: "Chúng tôi không chỉ mất một nhà lãnh đạo tôn giáo, mà là một người cha. Khó có ai có thể thay thế được ngài". Nhưng muốn hay không, kể từ hôm thứ Sáu 22 tháng Giêng năm 2010, Giáo hội Chính thống Serbia đã có tân Thượng phụ.
Khi bầu đức Irenee làm Thượng phụ, giới chức lãnh đạo Giáo hội Chính thống Serbia đã chọn một con người trung dung cho một giai đoạn chuyển tiếp.
Serbia vẫn còn được ghi đậm bởi những cuộc chiến trong thập niên 90 tại Croatia, Bosnia và Kosovo cũng như các cuộc cấm vận của Liên hiệp quốc và những trận dội bom của Liên Minh Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương.
Mặc dù các cuộc xung đột coi như đã được giải quyết xong, nhưng Serbia vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách đố chính trị lớn như: hội nhập vào Âu Châu, gia nhập Liên minh phòng thủ bắc đại tây dương và nhứt là giải quyết hồ sơ gai góc của Kosovo. Cho tới nay, Serbia vẫn không chịu nhìn nhận nền độc lập của quốc gia này.
Ngoài ra, còn có cuộc khủng hoảng trong nội bộ Giáo hội Chính thống Serbia, vốn gắn liền với bản sắc dân tộc. Hai lá cờ lớn của Serbia, được treo trên nóc nhà thờ chính tòa thánh Sava tại Belgrade, nhắc nhở mọi người rằng tại Serbia, Giáo hội và dân tộc là một.
Theo ông Jean Arnault Derens, chủ bút của báo "Courier des Balkans" [người đưa tin vùng vịnh Balkan], Giáo hội Chính thống Serbia đã trực tiếp gắn liền với những thăng trầm bi thảm của sự tan rã Nam Tư. Giáo hội này đôi khi bị tố cáo một cách bất công là đã khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, cho nên luôn cảm thấy khó để xác định lại sứ mệnh cũng như chỗ đứng của mình trong xã hội.
Xét cho cùng, Giáo hội Chính thống Serbia vẫn chưa hoàn toàn được chữa lành khỏi những vết thương của 4 thập niên sống dưới chế độ cộng sản. Cha Momir Lecis, cha sở giáo xứ Alexandre Nevski tại Belgrade nói: "Chúng tôi đã trải qua những ngày rất đen tối. Chúng tôi thường xuyên bị theo dõi. Tài sản chúng tôi hoàn toàn bị cướp đoạt".
Cha Lecis, từng là thư ký của Ðức thượng phụ Pavle cho biết: sau năm 1945, 93 phần trăm tài sản và đất đai của Giáo hội đã bị tịch thu. Tình trạng có cải thiện đôi chút, nhưng rất chậm và không hề có bất cứ luật về hoàn trả nào ở quy mô quốc gia đã được đưa ra. Tuy nhiên, thời kỳ của Tito đã qua. Giáo hội không ngừng củng cố và tạo ảnh hưởng trong xã hội.
Theo một nhà ngoại giao âu châu, hồi mùa hè năm 2009, khi chính phủ Serbia đưa ra luật mới chống lại kỳ thị phái tính, Giáo hội Chính thống đã mạnh mẽ chống lại luật này vì cho rằng nó đi ngược lại những giá trị truyền thống của Chính thống giáo.
Các Ðức giám mục Chính thống không chỉ lên tiếng bày tỏ lập trường trong những vấn đề gia đình hay luân lý. Ngày 11 tháng Giêng năm 2010, Ðức tổng giám mục Amfilohije Radovic đã liên kết với một Ủy ban gồm 200 nhà trí thức để lên tiếng chống lại việc Serbia gia nhập Liên Minh phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương cũng như chống lại việc Kosovo tuyên bố độc lập. Tháng 10 năm 2009, thượng hội đồng thánh của Giáo hội Chính thống Serbia cũng đã kêu gọi người Serbia tại Kosovo tẩy chay các cuộc bầu cử.
Có lẽ người dân Serbia xem Giáo hội Chính thống như cơ cấu duy nhứt có thể bảo đảm bản sắc dân tộc trong một giai đoạn đầy nghi ngờ và xáo trộn. Theo một cuộc kiểm tra dân số mới đây, có đến 80 phần trăm người Serbia tự nhận là tín hữu Chính thống. Phần lớn vẫn còn rất gắn bó với các truyền thống của Giáo hội này.
Từ 9 năm nay, giáo lý Chính thống giáo đã được đưa vào tất cả mọi trường học tại Serbia. Mặc dù các học sinh được tự do chọn lựa các môn tôn giáo, đa số vẫn chấp nhận học giáo lý Chính thống giáo.
Cha Aleksandar Djakovic, một linh mục làm việc tại Belgrade cho biết: sau bao nhiêu năm sống dưới chủ nghĩa vô thần của chế độ cộng sản, văn hóa tôn giáo rất yếu tại Serbia. Nhưng ngày nay tình trạng đã được cải thiện.
Tuy nhiên, xã hội Serbia cũng đang thay đổi, trào lưu tục hóa ngày càng lan rộng. Giáo hội cũng ngày càng xa cách với các tín hữu. Theo ông Zivica Tucic, giám đốc một hãng thông tấn tôn giáo tại Serbia, ngày càng có nhiều người mong rằng Giáo hội nên là một sức mạnh luân lý và đạo đức hơn là một tổ chức dân tộc.
Ngoài ra, mới đây, nhiều giám mục trẻ cũng đòi hỏi hàng Giám mục Chính thống phải cắt đứt các quan hệ với chính trị để tập trung vào sứ mệnh thiêng liêng nhiều hơn.
Chu Văn