Ðức Thánh Cha bế mạc

tuần cầu nguyện hiệp nhất

 

Ðức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất.

Roma (SD 25-1-2010) - Chiều ngày 25-1-2010, lễ thánh Phaolô Tông Ðồ trở lại, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Ðền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Ngài mời gọi tất cả các tín hữu cùng làm chứng cho Chúa Kitô mặc dù vẫn còn những chia cách.

Hiện diện tại buổi cầu nguyện lúc 5 giờ rưỡi chiều, ngoài đông đảo các Hồng Y, Giám Mục, giáo sĩ và giáo dân Roma, còn có nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác.

Ðầu buổi cầu nguyện, Ðức Hồng Y Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người chào mừng Ðức Thánh Cha và nhắc đến kỷ niệm 100 năm Hội nghị truyền giáo với hơn 1 ngàn đại biểu các Giáo Hội Kitô ở thành phố Edinburg.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Ðức Thánh Cha nhắc đến chủ đề tuần hiệp nhất năm nay "Các con là chứng nhân về những điều ấy" (Lc 24,48) và ngài nêu bật nền tảng sứ vụ Tông Ðồ của thánh Phaolô là cuộc gặp gỡ của Người với Ðấng Phục Sinh trên đường đi Damas, khởi đầu các hoạt động truyền giáo không biết mệt mỏi, qua đó thánh nhân dồn mọi năng lực để rao giảng cho dân ngoại Chúa Kitô mà Người đã đích thân gặp gỡ. Và thế là Phaolô, từ một kẻ bách hại Giáo Hội, trở thành nạn nhân của cuộc bách hại vì Tin Mừng: "5 lần bị người Do thái đánh 39 roi đòn; 3 lần bị đánh bằng gậy, một lần bị ném đá..." (2 Cr 11,24-25..).

Ðức Thánh Cha nhận định rằng sự chọn lựa đề tài cho tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô năm nay là một lời mời gọi các tín hữu Kitô cùng làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh, theo mệnh lệnh Chúa đã ủy thác cho các môn đệ. Chứng tá chung này có liên hệ tới kỷ niệm 100 năm Hội nghị truyền giáo tại thành phố Edinburg bên Ecosse mà nhiều người coi như một biến cố quyết định làm nảy sinh phong trào đại kết hiện đại. Mùa hè năm 1910, tại thủ đô xứ Ecosse, hơn 1 ngàn thừa sai thuộc các ngành Tin Lành và Anh giáo, và một đại diện chính thống trong tư cách là khác, đã nhóm họp để cùng nhau suy tư về sự cần thiết phải đạt tới sự hiệp nhất để rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô một cách đáng tin cậy. Thực vậy, chính ước muốn rao giảng Chúa Kitô cho tha nhân và mang lại cho thế giới sứ điệp hòa giải của Chúa làm cho các tín hữu cảm nghiệm sự chia rẽ mâu thuẫn của các Kitô hữu. Thực vậy, làm sao những người không tin có thể đón nhận sứ điệp Tin Mừng nếu chính cách tín hữu Kitô lại mâu thuẫn chia rẽ nhau?

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: "Trong một thế giới dửng dưng đối với tôn giáo và thậm chí càng ngày người ta càng tỏ ra nghi kỵ đức tin Kitô, cần có một hoạt động truyền giáo mới mẻ và nồng nhiệt, không những giữa các dân tộc chưa bao giờ biết Tin Mừng, nhưng cả nơi những dân tộc trong đó Kitô giáo được phổ biến từ lâu đời và là thành phần lịch sử của họ. Rất tiếc là còn có những vẫn đề làm cho các tín hữu Kitô chia cách nhau, và chúng ta hy vọng có thể khắc phục bằng cầu nguyện và đối thoại, nhưng có một nòng cố sứ điệp của Chúa Kitô mà chúng ta có thể cùng nhau loan báo: đó là Thiên Chúa là Cha, chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết qua cái chết trên thập giá và sự sống lại của Ngài, niềm tín thác nơi hoạt động biến đổi của Chúa Thánh Linh".

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Ngoài ra, cũng có những lãnh vực chúng ta có thể làm chứng tá chung, đó là sự bảo tồn thiên nhiên, thăng tiến công ích và hòa bình, bảo vệ vị trí trung tâm của con người, dấn thân chiến thắng lầm than trong thời đại ngày nay, như nạn đói kém cùng cực, nạn mù chữ, và tình trạng thiếu công bình trong việc phân chia tài nguyên.

Và ngài kết luận rằng: "Dấn thân cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không phải chỉ là nghĩa vụ của vài người, cũng không phải là hoạt động phụ thuộc đối với đời sống Giáo Hội. Mỗi người được mời gọi đóng góp phần của mình để thực hiện những bước tiến dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả các môn đệ Chúa Kitô, không bao giờ quên rằng sự hiệp nhất này trước tiên là một hồn ân của Thiên Chúa, cần liên lỷ cầu xin. Thực vậy, sức mạnh thăng tiến hiệp nhất và truyền giáo nảy sinh từ cuộc gặp gỡ phong phú và say mê với Ðấng Phục Sinh, như đã xảy ra đối với Thánh Phaolô trên đường Damas và 11 Tông Ðồ với các môn đệ khác tụ họp tại Jerusalem". (SD 25-1-2010)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page