Tuy có các vấn đề mới

phong trào đối thoại đại kết

đã đạt nhiều tiến bộ

 

Tuy có các vấn đề mới, phong trào đối thoại đại kết đã đạt nhiều tiến bộ.

Vatican (Vat. 20/01/2010) - Trong 50 năm qua cuộc đối thoại đại kết đã đạt nhiều tiến bộ. Có những vấn đề cũ đã mất đi trọng lượng của chúng, nhưng cũng có các vấn đề và các khó khăn mới nảy sinh. Vì thế cần phải luôn kiên trì cầu nguyện để được Chúa thanh tẩy khiến cho chúng ta có khả năng hiệp nhất với nhau.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trước 8,000 tín hữu tham dự buổi gẵp gỡ chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ Tư 20 tháng Giêng năm 2010.

Vì đang trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã đề cập tới đề tài này. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Anh chị em thân mến, chúng ta đang ở trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô, một sáng kiến đại kết đã được cấu trúc từ hơn một thế kỷ qua và hàng năm lôi kéo sự chú ý về một đề tài, là sự hiệp nhất hữu hình giữa các kitô hữu, lôi cuốn lương tâm và khích lệ dấn thân của những người tin nơi Chúa Kitô. Nó được thực thi trước hết với lời mời cầu nguyện, noi gương Chúa Giêsu xin Thiên Chúa cha cho các môn đệ Người được hiệp nhất: "Xin cho chúng nên một để thế giới tin" (Ga 17,21). Việc nhắc nhở kiên trì cầu nguyện cho sự hiệp thông trọn vẹn giữa các người theo Chúa diễn tả hướng đi đích thực và sâu thẳm của toàn phong trào đại kết... Ngoài nỗ lực phát triển các tương quan huynh đệ và thăng tiến đối thoại để minh xác và giải quyết các khác biệt gây chia rẽ giữa các Giáo Hội và các cộng đoàn giáo hội, cần phải cùng nhau tin tưởng khẩn cầu Chúa.

Ðức Thánh Cha đã nhắc tới đề tài cho Tuần cầu nguyện năm nay là một câu trong chương 24 Phúc Âm thánh Luca: "Các con là chứng nhân của tất cả mọi điều ấy". Chương 24 trình thuật kinh nghiệm gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Kitô tử nạn và phục sinh cũng như sứ mệnh làm chứng mà Ngài giao cho họ. Vì thế "tất cả những điều ấy" trước hết ám chỉ Thập Giá và sự Sống Lại, ám chỉ mầu nhiệm của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, chết, sống lại, sống luôn mãi và bảo đảm cho cuộc sống vĩnh cữu của chúng ta. Khi biết Chúa Kitô là chúng ta biết Thiên Chúa, vì Chúa Kitô là mạc khải của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha khẳng định rằng con người thuộc mọi thời đại đều nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa duy nhất nhưng xa vời và không tự tỏ hiện. Nhưng nơi Chúa Kitô Thiên Chúa đã tự tỏ hiện và trở thành gần gũi với con người. Ngài lôi kéo mọi người tới với Ngài và hiệp nhất toàn nhân loại trong thực tại của cuộc sống bất tử.

Nhưng chúng ta có thể làm chứng cho tất cả những điều ấy như thế nào? Chúng ta chỉ có thể là các chứng nhân, khi biết Chúa Kitô và biết Chúa Kitô cũng là biết Thiên Chúa. Việc hiểu biết Chúa Kitô chắc chắn bao gồm một chiều kích trí thức, nhưng nhất là một tiến trình hiện sinh, một tiến trình rộng mở cái tôi, tiến trình của việc biến đổi do sự hiện diện và sức mạnh của Chúa Kitô; và như thế nó cũng là một tiến trình rộng mở cho tất cả mọi người khác, là thân mình của Chúa Kitô. Như vậy hiểu biết Chúa Kitô cũng là một tiến trình biến chúng ta trở thành chứng nhân. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể là chứng nhân của Chúa Kitô, nếu có kinh nghiệm gặp gỡ riêng tư với Chúa. Giáo Hội đã quy tụ và tóm tắt điều chính yếu mà Chúa đã ban cho trong Mặc Khải, nơi Kinh tin Kính niceno costantinopolitano, là kết qủa của hai Công Ðồng Chung (325 và 381). Giáo Lý xác định rằng Kinh tin Kính này "cho tới nay là chung cho tất cả các Giáo Hội lớn của Ðông Phương và Tây Phương (CCC, s.195). Trong Kinh Tin Kinh ấy có các chân lý đức tin mà kitô hữu có thể cùng nhau tuyên xưng và làm chứng để thế giới tin, bằng cách biểu lộ ý muốn tiến bước về sự hiệp thông trọn vẹn, sự hiệp nhất của Thần Mình Chúa Kitô, với ước muốn dấn thân thắng vượt các khác biệt hiện có.

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô cũng giúp nhìn lại các khía cạnh quan trọng đối với phong trào đại kết. Trước hết là sự tiến bộ lớn đã đạt được trong các tương quan giữa các Giáo Hội và các cộng đoàn giáo hội sau Hội nghị triệu tập tại Edimburg bên Ecốt cách đây một thế kỷ, trong các ngày 13 tới 24 tháng 6 năm 1910. Trong số các đề tài được thảo luận hồi đó có các khó khăn khách quan trong việc loan báo Tin Mừng khi các kitô hữu còn chia rẽ nhau. Phong trào đại kết đã phát triển và trở thành yếu tố quan trọng trong cuộc sống Giáo Hội. Nó không chỉ tạo thuận lợi cho các tương quan huynh đệ giữa các Giáo Hội và Cộng đoàn giáo hội trong việc đáp trả lại giới răn yêu thương, mà còn khích lệ việc tìm hiểu thần học nữa. Ngoài ra nó cũng lôi cuốn cuộc sống cụ thể của các Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội liên quan tới mục vụ và cuộc sống bí tích như việc thừa nhận bítích Rửa Tôi của nhau, các vấn đề hôn nhân hỗn hợp vv... cũng như giúp nới rộng các tương quan với các phong trào pentecostal, tin lành và đặc sủng thánh linh để hiểu biết nhau nhiều hơn.

Ðề cập tới phần đóng góp của của Giáo Hội Công Giáo cho phong trào đại kết Ðức Thánh Cha nói: Từ Công Ðồng Chung Vaticăng II trở đi, Giáo Hội công giáo đã bước vào các tương quan huynh để với tất cả các Giáo Hội Ðông Phương và các Cộng đoàn giáo hội Tây Phương, đặc biệt bằng cách cùng với đa số các Giáo Hội và Cộng đoàn đó tổ chức các cuộc đối thoại thần học song phương, giúp tìm các tương đồng và đồng thuận trong nhiều điểm cũng như đào sâu các mối dây của sự hiệp thông. Với các Giáo Hội Chính Thống Ủy ban đối thoại thần học hỗn hơp đã nhóm họp khóa XI tại Paphos trên đảo Chypre hồi tháng 10 năm 2009 về một đề tài nòng cốt: "Vai trò của GM Roma trong sự hiệp thông của Giáo Hội trong ngàn năm thứ nhất", tức khi các kitô hữu Ðông Phương và Tây Phương sống sự hiệp nhất tràn đầy với nhau. Với các Giáo Hội Chính Thống Ðông Phương khác như Copte, Etiopi, Siri, Armeni Ủy ban hỗn hợp đã nhóm họp trong các ngày từ 26 tới 30 tháng giêng năm ngoái.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Cũng vào năm ngoái Giáo Hội Công Giáo đã cùng với các Cộng đoàn giáo hội Tây Phương duyệt xét các thành qủa đã đạt được trong các cuộc đối thoại kéo dài 40 năm qua, đặc biệt với Cộng đoàn Anh giáo, Liên hiệp Luther thế giới, Liên Minh cải cách thế giới và Hội Methodist thế giới. Hội Ðồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu kitô đã thực hiện một nghiên cứu liệt kê các điểm tương đồng giúp đối thoại song phương, đồng thời cũng liệt kê các vấn đề còn bỏ ngỏ cần thảo luận trong tương lai.

Ðức Thánh Cha đã nhắc tới một vài biến cố gần đây như Tuyên ngôn chung về giáo lý sự công chính hóa giữa Công Giáo và Luther ngày 31 tháng 10 năm 2009 để khích lệ việc tiếp tục đối thoại; chuyến viếng thăm của Ðức Tổng Giám Mục Canterbury Rowan Williams và tình hình của Cộng đoàn Anh giáo. Tuy có các vấn đề đối chọi giữa hai bên nhưng dấn thân chung tiếp tục các tương quan và đối thoại là một dấu chỉ tích cực. Trong cuộc đối thoại đại kết có chiều kích trách nhiệm của các tín hữu kitô phải làm tất cả những gì có thể để đạt sự hiệp nhất, nhưng cũng có chiều kích thiên linh, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sự hiệp nhất cho Giáo Hội. Các kết qủa thực tế đã đạt được là do sự cộng tác và tình huynh đệ của 50 năm đối thoại đại kết. Nhưng công việc đại kết không phải là một tiến trình theo đường thẳng. Có các vấn đề cũ trong bối cảnh của thời đại khác mất đi trọng lượng của chúng, nhưng cũng có nhiều vấn đề và khó khăn mới nảy sinh. Vì thế phải luôn luôn sẵn sàng đối với tiến trình thanh tẩy để Chúa khiến cho chúng ta có khả năng hiệp nhất với nhau. Ðức Thánh Cha xin mọi người tiếp tục cầu nguyện nhiều cho cuộc đối thoại đại kết và ơn hiệp nhất các tín hữu kitô.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Ðức Thánh Cha khuyến khích diễn tả lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất bằng các cử chỉ cụ thể, hoạt động cho hòa bình và hòa giải, dâng khổ đau cầu nguyện cho sự hiệp thông giữa các tín hữu kitô và sống ơn gọi gia đình trong sự tâm đầu ý hợp.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Ðức Thánh Cha cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page