Huấn đức của Ðức Thánh Cha

trước giờ Kinh Truyền tin

trưa Chúa nhựt 17/01/2010

 

Huấn đức của Ðức Thánh Cha trước giờ Kinh Truyền tin trưa Chúa nhựt 17/01/2010.

Vatican (Vat. 17/01/2010) - Mặc dù mùa Giáng sinh đã kết thúc từ chúa nhựt tuần trước với lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa, nhưng bài Tin mừng được đọc vào Chúa nhựt thứ hai thường niên vẫn còn nằm trong mầu nhiệm Hiển Linh. Thực vậy, tuy rằng người ta thường gắn lễ Hiển linh với việc ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa, nhưng truyền thống phụng vụ liên kết mầu nhiệm Chúa tỏ mình với ba biến cố: Chúa tỏ mình cho ba nhà đạo sĩ, Chúa tỏ mình tại sông Giorđanô, và Chúa tỏ mình tại tiệc cưới Cana. Theo thánh Gioan tông đồ, phép lạ Cana là dấu chỉ đầu tiên mà Chúa Giêsu tỏ vinh quang, nghĩa là tình thương của ngài cho nhân loại. Tuy nhiên, bài huấn dụ trưa Chúa Nhựt 17 tháng Giêng năm 2010 của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 chỉ đả động đến bài Tin mừng trong những lời chào các phái đoàn hành hương bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, để nhắc nhở rằng chúng ta đừng để tâm hồn bị đè nặng bởi những xao xuyến nghi nan, nhưng hãy tin tưởng vào quyền năng của tình yêu Chúa có thể làm thay đổi tất cả. Ðiều cần là hãy nghe lời nhắn nhủ của Mẹ Maria với các môn đệ: "các con hãy làm điều Chúa dạy".

Trọng tâm của bài huấn dụ được dành cho 4 ý chỉ cầu nguyện mang tính thời sự và khẩn trương: trước hết là ngày quốc tế di dân, thứ hai là cuộc viếng thăm hội đường Do thái Rôma vào ban chiều, thứ ba là tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu được hợp nhất, sau cùng là các nạn nhân động đất ở Haiti. Chúng tôi xin nhắc qua vài chi tiết lịch sử của các biến cố vừa nói.

Ý chỉ thứ nhất là ngày thế giới dành cho người di dân tị nạn lần thứ 96. Nguồn gốc của nó phát xuất từ giáo hội Italia. Hồi thế kỷ trước, nhiều người Italia đã rời bỏ quê hương để di cư lập nghiệp ở các quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ. Ngày này được lập ra nhằm gây ý thức tương trợ giữa những đồng bào ruột thịt, về tinh thần và vật chất. Sự hỗ trợ tinh thần được cụ thể hoá qua việc thành lập hai dòng tu (một nam một nữ) để phụ trách mục vụ các người di dân. Vào giữa thế kỷ XX, thì ngày di dân được mang tầm mức quốc tế. Toà thánh đã thiết lập một cơ quan phụ trách người di cư thuộc mọi dân tộc trên toàn thế giới. Năm nay, chủ đề suy tư và hoạt động nhằm đến các thiếu nhi.

Tuần lễ từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng được dành để cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Sáng kiến này được nảy ra cách đây 102 năm (năm 1908), được chọn giữa lễ kính thánh Phêrô lập toà Antiôkia (sau công đồng, lễ này gom lại với lễ kính toà thánh Phêrô ngày 22 tháng 2), và lễ thánh Phaolô trở lại. Sự hợp nhất Giáo hội được dựa trên giáo huấn nền tảng của hai thánh tông đồ. Ðặc biệt năm nay kỷ niệm 100 năm khai mở phong trào đại kết, được đánh dấu với Hội nghị các hội truyền giáo Tin lành tại Edinburgh vào tháng 6 năm 1910. Dựa trên tập tục này, Hội đồng Giám mục Italia đã chọn ngày 17 tháng Giêng (ngày hôm trước khi bắt đầu tuần lễ Hợp nhất các Kitô hữu) làm ngày đối thoại với người Do thái. Ðức Thánh Cha đã chọn ngày này để thăm hội đường Do thái tại Rôma, một cộng đoàn đã hiện diện tại Rôma từ trước Công nguyên, 24 năm sau cuộc thăm viếng của đức Gioan Phaolô II.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ:

Anh chị em thân mến

Chúa nhật hôm nay là ngày thế giới cầu nguyện cho người di cư tị nạn. Trải qua thời gian, Giáo hội luôn gần gũi những người di cư tị nạn, và đạt tới vài dấu mốc vào đầu thế kỷ vừa qua: chi cần nhắc đến chân phúc giám mục Gioan Scalabrini và thánh nữ Francesca Cabrini. Trong sứ điệp gửi vào dịp này, tôi đã lưu ý đến các người di dân còn ở tuổi thiếu nhi. Chúa Giêsu, khi vừa sinh ra, đã nếm cảnh di cư bởi vì những đe doạ của vua Herot, và Chúa dạy các môn đệ hãy đón tiếp các thiếu nhi với lòng tôn trọng và yêu mến. Thực vậy, các nhi đồng, cho dù thuộc quốc tịch màu da nào đi nữa, cần được đối xử tiên vàn như là những nhân vị, hình ảnh của Thiên Chúa, cần được bảo vệ khỏi mọi hình thức kỳ thị hoặc khai thác. Cách riêng, cần lo liệu để các thiếu nhi buộc phải sống ở đất lạ quê người được bảo đảm trên phương diện pháp luật, và cần được đồng hành khi phải đương đầu trước vô số vấn đề mà các em phải đối diện. Ðang khi tôi nhiệt liệt cỗ võ các cộng đoàn Kitô hữu và các cơ quan dấn thân trong việc phục vụ các thiếu niên di cư tị nạn, tôi muốn kêu gọi tất cả hãy nhạy bén đối với chuyện giáo dục đào tạo cho các em, dựa theo tinh thần Kitô giáo.

Sau gần 24 năm kể từ cuộc viếng thăm lịch sử của vị giáo hoàng đáng kính Gioan Phaolô II, chiều này tôi sẽ đến Hội đường Do thái tại Rôma, được gọi là "Ðại Ðền thờ" để gặp gỡ Cộng đoàn Do thái tại Rôma và đạt thêm một bước trong tiến trình hoà giải và hữu nghị giữa những người Công giáo và Do thái. Thực vậy, bất chấp nhiều vấn đề và nhiều khó khăn, nhưng giữa những tín đồ của hai tôn giáo vẫn có một bầu khí tôn trọng và đối thoại, chứng tỏ cho thấy mối liên lạc đã được chín muồi, cũng như nỗ lực trong những điều liên kết đôi bên: tiên vàn là niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, rồi đến việc bảo vệ sự sống và gia đình, khát vọng hướng đến công bình xã hội và hòa bình.

Sau cùng, tôi muốn nhắc lại rằng ngày mai bắt đầu Tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Hằng năm, đối với những người tin vào Chúa Kitô, đây là cơ hội thuận lợi để làm sống lại tinh thần đại kết, để gặp gỡ nhau, hiểu biết nhau, cầu nguyện và suy nghĩ với nhau. Ðề tài Kinh thánh được chọn cho năm nay, trích từ Tin mừng thánh Luca, nhớ lại lời của Chúa Phục sinh nói với các môn đồ: "Các con hãy làm chứng cho Thầy về tất cả những điều này" (Lc 24,48). Việc loan báo Tin mừng của Chúa Kitô sẽ mang tính khả tín và hữu hiệu nếu chúng ta đoàn kết với nhau trong tình yêu của Chúa, như là những anh chị em. Vì thế tôi xin mời các giáo xứ, các cộng đoàn tu sĩ, các hội đoàn, các phong trào hãy cầu nguyện không ngừng, cách riêng trong các buổi cử hành Thánh Thể, để xin cho các Kitô hữu được hợp nhất trọn vẹn.

Tôi xin ký thác ba ý chỉ vừa nói - các anh chị em di dân tị nạn, cuộc đối thoại với đạo Do thái, sự hợp nhất các Kitô hữu - cho lời chuyển cầu của Ðức Trinh nữ Maria, người mẹ của Chúa Kitô và là mẹ của Giáo hội.

Sau khi ban phép lành Toà thánh, Ðức Thánh Cha đã thêm ý chỉ cầu nguyện cho nhân dân Haiti, đã bị gánh chịu nhiều thiệt thại sau cuộc động đất tuần qua, trong đó chính đức tổng giám mục thủ độ cũng bị thiệt mạng. Ngài kêu gọi lòng quảng đại để giúp đỡ những người bị thương, những người không cửa không nhà.

Vào buổi chiều, Ðức Bênêđictô XVI đã viếng thăm hội đường Do thái. Biến cố này sẽ được tường thuật trong buổi phát lần tới.

 

Bình Hòa

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page