Chiều kích " sinh thái học"
trong cái nhìn của
Ðức Thánh Cha về thế giới
Chiều kích "sinh thái học" trong cái nhìn của Ðức Thánh Cha về thế giới.
Roma [La croix 11/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Tháng sáng thứ Hai 11 tháng Giêng năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã nhấn mạnh đến chiều kích "sinh thái" trong cái nhìn của ngài về thế giới.
Theo truyền thống, vào mỗi dịp đầu năm, các Ðức giáo hoàng thường tiếp kiến chung các đại sứ bên cạnh Tòa thánh và đọc diễn văn bằng tiếng Pháp. Nội dung bài diễn văn năm 2010 của Ðức thánh cha không gây nhiều ngạc nhiên lắm: ngài chú trọng một cách đặc biệt đến việc bảo tồn thiên nhiên và về điều mà ngài gọi là "một nền sinh thái học nhân bản".
Mở đầu bài diễn văn, Ðức thánh cha nói rằng người kế vị thánh Phero luôn mở rộng cửa để đón tiếp mọi người và ước mong được thiết lập với mọi người những mối quan hệ góp phần vào tiến bộ của gia đình nhân loại. Ðức thánh cha khẳng định: "Giáo hội mở rộng với tất cả mọi người bởi vì trong Thiên Chúa, Giáo hội hiện hữu vì người khác". Ðức thánh cha đặc biệt nhắc đến việc Tòa Thánh và Nga vừa thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ở cấp bậc đại sứ cũng như việc Ngài mới tiếp kiến chủ tịch nhà nước cộng sản Việt nam, ông Nguyễn Minh Triết. Ngài nhấn mạnh đến những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế bi thảm của thế giới, kéo theo bất ổn trầm trọng về xã hội.
Nhắc lại chủ đề của sứ điệp Hòa bình năm 2010 và thông điệp "Bác ái trong sự thật" Ðức thánh cha nói rằng cội rễ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu "nằm trong não trạng ích kỷ và duy vật hiện nay. Não trạng này quên hẳn những giới hạn nội tại của mỗi tạo vật." Ðức thánh cha nói: "chối bỏ Thiên Chúa là bóp méo tự do của con người, đồng thời cũng tàn phá thiên nhiên. Bảo tồn thiên nhiên không chỉ là một đáp trả trước nhu cầu thẩm mỹ, mà còn là một đòi hỏi luân lý, bởi vì thiên nhiên diễn tả một chương trình yêu thương và sự thật vốn có trước chúng ta và xuất phát từ Thiên Chúa".
Theo Ðức thánh cha, sở dĩ Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen đã gặp nhiều khó khăn là bởi vì không nhận ra được mối liên kết giữa "việc bảo vệ môi sinh và bảo vệ sự sống con người, kể cả sự sống trước khi chào đời. Chỉ khi nào biết tôn trọng chính mình con người mới có thể nhận ra ý thức trách nhiệm đối với thiên nhiên". Ðức thánh cha khẳng định: "Ðể xây dựng hòa bình, phải bảo vệ thiên nhiên".
Như đã phát biểu tại hội nghị của tổ chức Lương nông thế giới, Ðức thánh cha lập lại rằng "trái đất có khả năng nuôi sống mọi cư dân". Nhắc đến Phi Châu, ngài nói rằng tất cả các Ðức giám mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu dạo tháng 10 năm 2009 đều lên tiếng tố cáo các thảm trạng như đất đai bị xói mòn, bị sa mạc hóa, bị khai thác thái quá hay ô nhiễm. Ngoài ra, Ðức thánh cha còn ghi nhận rằng nhiều vùng đất bao la tại Châu Mỹ Latinh hay Afghanistan hiện đang được xử dụng để sản xuất ma túy.
Ðức thánh cha cũng lên tiếng tố cáo việc gia tăng chi phí quân sự, duy trì và phát triển kho vũ khí hạt nhân, xuất khẩu khí giới và nạn khủng bố. Biết bao nhiêu tệ nạn khiến cho nhiều người phải rời bỏ quê hương của mình để đi lánh nạn, cách riêng các tín hữu Kitô tại Trung Ðông.
Ngài than phiền rằng trước những tệ nạn ấy, các quốc gia xem ra bất lực và công luận hầu như tỏ ra dửng dưng.
Ðức thánh cha đặc biệt lên án các cơ quan truyền thông và các nền văn hóa Tây phương, vì có thái độ "khinh bỉ" hay "thù nghịch" đối với tôn giáo, cách riêng Kitô giáo. Theo Ðức thánh cha, một thái độ như thế tạo ra đối đầu và chia rẻ, làm tổn thương hòa bình và gây xáo trộn cho nền sinh thái nhân bản.
Trong bối cảnh ấy, Ðức thánh cha kêu gọi Âu Châu phải luôn trở về với cội nguồn của bản sắc Kitô của mình. Than phiền về những xúc phạm đến "nền tảng sinh lý của sự khác biệt giữa hai phái tính", một lần nữa, Ðức thánh cha khẳng định niềm xác tín của ngài như sau: "Ðối với con người, con đường phải đi theo không thể nào được ấn định một cách tùy tiện hay bởi ước muốn, mà đúng hơn, phải phù hợp với cơ cấu do Ðấng Tạo Hóa thiết định".
Tuy nhiên, trong bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn, Ðức thánh cha không chỉ nói đến những khó khăn. Ngài cũng đề cao những thành quả đạt được xuyên qua những cuộc đối thoại có tính xây dựng: như cuộc đối thoại giữa Chili và Argentine cách đây 25 năm, cuộc đối thoại hiện nay giữa Colombia và Ecuador, giữa Croatia và Slovenia, giữa Armeni và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhắc lại chuyến viếng thăm Thánh Ðịa dạo tháng 5 năm 2009, Ðức thánh cha tái khẳng định "quyền của quốc gia Israel được hiện hữu và hưởng hòa bình và an ninh trong những ranh giới được quốc tế nhìn nhận cũng như quyền của dân tộc Palestine được có một tổ quốc có chủ quyền và độc lập, được sống một cách xứng đáng và được đi lại tự do". Ðức thánh cha cũng đồng thời kêu gọi bảo vệ "bản sắc và tính cách thánh thiêng của thành Gierusalem, với một di sản văn hóa và tôn giáo vốn có một giá trị phổ quát".
Ðức thánh cha đặc biệt kêu gọi các quốc gia như Iraq, Pakistan, Ai cập, Iran, Liban, Honduras, Guine và Madagascar hãy "vượt qua các chia rẻ, cơn cám dỗ của bạo động và bất khoan nhượng, để cùng nhau xây dựng tương lai của xứ sở mình". Vì các cộng đồng Kitô cũng muốn góp phần xây dựng đất nước, Ðức thánh cha kêu gọi các nước hãy tôn trọng và bảo đảm an ninh và tự do cho họ.
Xuyên qua bức tranh toàn cảnh về thế giới, Ðức thánh cha nhận ra mối giây liên kết thâm sâu giữa mọi nền sinh thái: nhân bản, tinh thần, chính trị và môi sinh. Ngài kêu gọi mọi người thiện chí hãy hoạt động một cách tin tưởng và quảng đại cho phẩm giá và tự do của con người".
Chu Văn