Nhận định về chuyến viếng thăm

của Ðức thánh cha

tại Hội đường Do thái ở Roma

 

Nhận định về chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha tại Hội đường Do thái ở Roma.

Roma [CNS 8/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cả Tòa thánh lẫn cộng đồng Do thái tại Roma đều xác nhận: vào ngày 17 tháng Giêng năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ viếng thăm Hội đường Do thái tại Roma. Ðây là một biến cố quan trọng trong lịch sử cuộc đối thoại giữa Công giáo và Do thái và đồng thời cũng là một bước đày cam go trong những nỗ lực của Ðức thánh Cha.

Trong một số ra mới đây,một tờ báo của Do Thái bằng tiếng Ý có cho đăng tải một bức hí họa, trong đó người ta thấy Ðức Benedicto XVI đang đi qua dòng sông Tevere trên một sợi giây; vị giáo hoàng đang cố gắng giữ thăng bằng giữa một bên là quả cân có ghi hai chữ "đối thoại" và một bên kia là quả cân có ghi hai chữ "cải đạo".

Vào giữa lúc Ðức thánh cha đang chuẩn bị vượt qua sông Tevere và đi từ Vatican đến hội đường chính của người Do thái tại Roma vào ngày 17 tháng Giêng năm 2010, ai cũng đoán được rằng đây không phải là một chuyến đi dễ dàng.

Về phía cộng đồng Do thái, người ta đã chứng kiến những phản ứng sôi nổi sau khi Ðức thánh cha công bố sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của đức Pio XII để từ đó tiến hành việc tôn phong chân phước cho vị giáo hoàng mà người Do thái cho là đã thinh lặng "đồng lõa" trước cuộc sát tế người Do thái do Ðức quốc xã chủ xướng trong thời đệ nhị thế chiến. Trước đó, cộng đồng Do thái cũng đã tỏ rõ sự bất bình khi Ðức thánh cha tuyên bố rút vạ tuyệt thông cho 4 vị Giám mục Công giáo thủ cựu thuộc huynh đoàn Pio X, trong đó có đức cha Williamson là người phủ nhận trách nhiệm của đức quốc xã trong cuộc sát tế người Do thái. Ngoài ra, cộng đồng Do thái cũng đã bất mãn khi Tòa thánh duyệt lại một lời cầu nguyện cho người Do thái trong nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh theo sách lễ cũ có trước thời công đồng Vatican II.

Người Do thái đã có mặt tại Roma trước khi Chúa Giêsu ra đời. Và trong hằng bao thế kỷ, giữa cộng đồng Do thái tại Roma và Tòa thánh đã có một quan hệ đặc biệt, mà nhiều người cho là xấu hơn tốt.

Ban giám đốc của Bảo tàng viện Do thái tại Roma, nằm trong khuôn viên của Hội đường, đang có kế hoạch tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt để giới thiệu với Ðức thánh cha và du khách một phần của lịch sử này.

Nổi bật nhứt trong cuộc triển lãm là 14 bức tranh của các nghệ sĩ Do thái ghi lại lễ đăng quang của các đức giáo hoàng Clemente XII, Clemente XIII, Clemente XIV và Pio VI vào thế kỷ thứ 17.

Trong hằng trăm năm, cộng đồng Do thái tại Roma bị buộc phải tham dự các lễ nghi đăng quang của các Ðức giáo hoàng, nhiều lúc trong một tư thế "nhục nhã".

Nhiều nhóm Do thái tại đây được lệnh phải trang hoàng nhiều đoạn trên "con đường" của đức giáo hoàng từ Vatican đến vương cung thánh đường thánh Gioan Laterano. Cộng đồng Do thái tại Roma phải chịu trách nhiệm khuếch trưong con đường giữa Hí trường cổ Colosseum và Khải hoàn môn Titus là nơi kỷ niệm chiến thắng của đế quốc La mã trên người Do thái tại Gierusalem vào thế kỷ thứ 1 sau công nguyên. Chiến thắng ấy cũng bao gồm việc phá hủy Ðền Thờ Gierusalem. Khải hoàn môn Titus thì lại vẽ các binh lính La mã mang đi các đồ thờ phượng của người Do thái.

Hội đường chính của người Do thái tại Roma nằm tại một khu phố cách Vatican không quá 3 cây số. Ðây là nơi mà người Do thái buộc phải sống trong "Ghetto". Ghetto là một từ tiếng Ý để chỉ nơi mà người do thái bị buộc phải sống với nhau.

Năm 1556, khi người Do thái bị trục xuất ra khỏi Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Anh Quốc và Pháp, Ðức giáo hoàng Phaolo IV đã công bố một sắc chỉ ra lệnh cho người Do thái tại Roma và trong các lãnh thổ giáo hoàng "phải sống hoàn toàn bên cạnh nhau trong những khu phố hoàn toàn cách ly với các tín hữu Kitô".

Vị giáo hoàng này nói rằng việc người Do thái được phát triển thịnh vượng trong một vùng đất Kitô là một điều hoàn toàn vô lý, bởi họ đã bị Thiên Chúa kết án phải vĩnh viễn sống trong nô lệ vì không chịu tin nhận Chúa Giêsu.

Người Do thái tại Roma đã bị buộc phải sống trong "Ghetto" mãi cho đến khi các lãnh thổ giáo hoàng bị tan rã vào năm 1870. Lúc đó, dân số Do thái tại đây chỉ có tối đa khoảng 5 ngàn người.

Chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha tại Hội đường Do thái ở Roma vào ngày 17 tháng Giêng tới đây sẽ trùng hợp với Ngày Ðối thoại "Công giáo và Do thái" do Hội đồng Giám mục Ý thiết lập. Năm nay (2010) ngày này cũng trùng hợp với Ngày Shevat 2 theo lịch Do thái: đây là ngày cộng đồng Do thái tại Roma tưởng niệm một phép lạ đã diễn ra trong "Ghetto" của họ.

Cho rằng các thành viên của cộng đồng Do thái tại Roma đã đưa các lý tưởng và tự do của cuộc Cách Mạng Pháp nhằm tách biệt Nhà nước và Giáo hội, cho nên năm 1793, một nhóm người Roma đã nổi lửa đốt một trong những cửa ra vào Ghetto của người Do thái để tiêu hủy nhà cửa của họ. Nhưng trời bỗng đổ mưa xuống và dập tắt ngọn lửa. Người Do thái tin đó như một phép lạ.

Năm 1870, các cánh cửa của Ghetto đã được mở ra. Và vào đầu thế kỷ 20, người Do thái đã xây cất một hội đường mới. Ðây chính là hội đường mà Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ viếng thăm.

Cách hội đường vài chục thước là nhà thờ Thánh Gregorio, trên đó người ta thấy có ghi câu trích từ Sách tiên tri Isaia được viết bằng tiếng Latinh và Do thái như sau: "Suốt ngày Ta đã chìa tay ra cho một dân tộc nổi loạn, đang đi trên những con đường xấu xa và chạy theo những tư tưởng xấu xa của chúng". Câu trích trên đây nói lên thái độ của người Công giáo đối với người Do thái trong hằng bao thế kỷ qua. Giữa năm 1572 và năm 1848, những nhà thờ gần Ghetto của người Do thái cũng thường lên tiếng kêu gọi người Do thái trở lại Kitô giáo. Mỗi Chiều thứ Bảy, theo sắc chỉ của Ðức giáo hoàng, người Do thái bị buộc phải nghe các linh mục mượn chính các bài đọc của họ để thuyết phục họ trở lại Công giáo. Nhiều người Do thái đành phải dùng sáp để bịt tai lại khi linh mục thuyết giảng.

Trong thế kỷ vừa qua, nhờ giáo huấn của công đồng Vatican II và những nỗ lực của Ðức Gioan Phaolo II, các mối quan hệ giữa Công giáo và Do thái đã được cải thiện rất nhiều.

Tuy nhiên, bức tranh biếm họa về đức Benedicto XVI được đăng trên báo Do thái trên đây, làm cho người ta không thể quên được lịch sử của những quan hệ "có một không hai" giữa cộng đồng Do thái tại Roma và các Ðức giáo hoàng của thời quá khứ.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page