Thánh giá là cờ vua chiến thắng
Thánh giá là cờ vua chiến thắng.
Thái
Bình, Việt Nam (12/01/2010) - Gần đây, những chuỗi sự kiện
đau thương tại núi thờ xứ Ðồng Chiêm làm đau lòng
những người công chính và nhất là anh chị em tín hữu theo
đạo Chúa Kitô. Mở đầu là cuộc đập phá Thánh Giá -
biểu tượng linh thiêng trọng đại của Chúa Kitô, rồi tới
những cuộc xung đột đẫm máu làm thương tổn biết bao
người vô tội; đó là chưa kể đến những dằn vặt tra
tấn, áp lực về tinh thần đối với những người liên
quan.
Thánh giá là cờ vua chiến thắng. Thánh giá bằng tre được dựng lên tại Núi Thờ, Giáo Xứ Ðồng Chiêm sau khi Thánh Giá Bêtông bị công an cộng sản Việt Nam đập phá. |
Lập tức có một số người trong chúng ta đã vội kêu lên như thách đố Chúa, bắt chước những tên lính xưa kia trên núi Calvario: Nếu ông là con Chúa Trời hãy xuống khỏi Thập Giá để chúng tôi tin hoặc ông hãy làm một dấu lạ từ trời... và sinh ra tư tưởng bi quan rằng Thánh giá chẳng qua là hai thanh gỗ bắt chéo vào nhau được dựng trên những nấm mồ; và bi thảm hơn nữa: lóng lánh trên người các ca sỹ diễn viên hoặc "tòng teng" trên đôi tai của phụ nữ, và cho rằng Thánh Giá - như lời phát biểu của nhân vật trong tiểu thuyết "Ruồi trâu": cho một búa là tan. Cho nên, cũng có ít người rơi vào tình trạng bi quan chán nản trước những mảnh vụn của cây Thánh Giá bị đập vỡ và cho như thế là hết rồi.
Ðúng thật như vậy, vì trên đồi Calvario, nếu chỉ có cây Thánh Giá cắm sâu vào lòng đất giữa hai người trộm cướp, thì Chúa Giêsu bị thất bại hoàn toàn và công trình của Người đến chỗ chấm dứt.
Hoặc cao trọng hơn nữa, một số người đề cao Thánh Giá như biểu tượng của tình yêu thương và tha thứ, nên cắn răng nhịn nhục chịu đựng tất cả.
Có biết đâu, Thánh Giá còn là cờ vua chiến thắng, là chìa khóa mở cửa vào sự sống đời đời. Cây Thánh Giá với tất cả vẻ tốt lành đẹp đẽ của nó sẽ dẫn chúng ta từ Calvario tới phục sinh vinh hiển. Chúng ta đã có nhiều bài ca tụng quyền năng và sức mạnh của cây Thánh Giá, theo như giáo lý Giáo hội đã dạy chúng ta (như bài của Gioan Lê Quang Vinh: "cờ Thánh giá phải được giương cao", và "vì sao người công giáo dành cho cây Thánh giá một địa vị vô cùng đặc biệt" của cha Enmanuel Nguyễn Vinh Gioang, được đăng trên vietcatholic.net ngày 10/01/2010). Cũng có câu chuyện về một cuốn sách hay nhất ở mọi nơi mọi thời, rồi cuốn sách đó có thể thu tóm lại ở một chương, và một chương đó có thể thu tích lại trong một trang, một trang đó lại thu tích vào trong một dòng, và trong một dòng đó có thể thu tích vào một chữ, đó là Thánh Giá.
Nhưng trong thực tế cuộc đời và lịch sử, chúng ta cũng thấy rõ, Thánh giá không phải tượng trưng cho sự thất bại mà là nơi khơi nguồn ân sủng. Những chứng tích ấy, chúng ta không thể nào nói hết trong một chữ, một dòng, một chương, hay một cuốn sách. Lịch sử đạo Chúa Kitô đã phô bày những gương tích sáng lạn về vấn đề này: Thánh giá là cờ vua chiến thắng (Vexilla Regis) là niềm hy vọng độc nhất (Spes unica). Vua Clovis là vua đầu tiên của Pháp đã dùng cờ Thánh Giá đi đánh đông dẹp bắc và trở thành một vị vua gương mẫu. Chúng ta cũng thấy lịch sử gần đây, hình ảnh đồi Calvario và đồi thánh giá ở Lithunia (thuộc Liên Xô cũ, nay trở thành nước Cộng Hòa độc lập) làm chứng sức mạnh của Thánh giá, không chỉ nhẫn nhục yêu thương và tha thứ mà còn là sức mạnh của phục sinh vinh hiển (xem bài "Ðồi Thập Giá xưa và nay" của Ðinh Văn Tiến Hùng, vietcatholic.net ngày 10/01/2010).
Ngay trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, chúng ta vừa kỷ niệm trọng thể ngày thành lập hai giáo phận đầu tiên và hàng giáo phẩm Việt Nam tại Sở Kiện - nơi sinh ra các đấng thánh tử đạo, những đấng đã cam đảm không bước qua Thánh giá để làm tròn tình nghĩa tử đối với Ðức Kitô phục sinh; chúng ta khai mạc Năm Thánh trên mảnh đất đã thấm mồ hôi và máu cha ông chúng ta trong những năm đầu Giáo hội tại Việt Nam. Và cây Thánh Giá đã được cắm tại Cửa Bạng (Thanh Hóa) đúng ngày lễ thánh cả Giuse, đã được nhân lên gấp triệu triệu và dù cho qua bao giông tố bão bùng vẫn hiên ngang mọc trên các Thánh đường, cắm trên các nấm mộ... như ngón tay chỉ đường về trời, loan báo sự phục sinh của vũ trụ mọi loài, cho đến ngày chung cuộc với trời mới và đất mới. Nhất là được cắm sâu trong lòng mỗi người tín hữu; và không chừng, nơi một số người Việt Nam thiện chí nữa.
Và cũng tình cờ, chúng ta cũng được xem trên truyền hình quốc tế có chiếu lại cảnh 60 năm kỷ niệm bức tường Berlin sụp đổ, và nhất là hình ảnh của các vị đứng đầu nước Nga (thủ tướng và tổng thống) sốt sáng làm dấu Thánh giá trong lễ Giáng sinh của Ðạo Chính Thống (vào ngày Lễ Ba Vua của chúng ta), và sau lễ các ngài đã lần lượt được vị giáo phụ ôm hôn trước mặt tất cả mọi người (không chừng thân nhân gia đình các vị đã có người vào đội quân đập phá Thánh Giá ở đồi Lithunia chăng? Bây giờ, chính các ngài lại tôn vinh Thánh Giá trước con mắt mọi người trên thế giới).
Thế thì Thánh giá chẳng phải là cờ vua chiến thắng sao? So với mấy chục năm trước đây, Thánh Giá đã bị đập phá cách tàn bạo ở nhiều nơi trên đất nước của họ.
Ôi lạy Thánh Giá là niềm hy vọng duy nhất của đời chúng con, xin nâng đỡ và an ủi chúng con là con cái Chúa trên mảnh đất Việt Nam yêu thương này, nhất là anh chị em tín hữu và những người liên quan tại giáo xứ Ðồng Chiêm. Thánh Giá bên ngoài đã bị phá đi nhưng sẽ triển nở trong các tâm hồn, như hạt giống làm thành cây Ðức tin vĩ đại. Mong được như vậy. Amen.
Thái Bình, ngày 12 tháng 01 năm 2010
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang