Ðức Thánh Cha tiếp kiến
ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Ðức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.
Vatican (Vat. 11/01/2010) - Sáng ngày 11 tháng Giêng năm 2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, gồm đại diện của 178 quốc gia có quan hệ trên cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.
Quốc gia thứ 178 lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh trên cấp đại sứ và sứ thần là Liên bang Nga hồi cuối tháng 12 năm 2009. Từ khi Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 làm Giáo Hoàng có thêm 4 quốc gia lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Như những lần trước đây, buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn là dịp để Ðức Thánh Cha kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.
Sau lời chào mừng của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Ông Alejandro Lalladares Lanza, Ðại sứ của Honduras, Ðức Thánh Cha chào thăm và gửi lời cầu chúc nồng nhiệt đến các vị Ðại Sứ, chính quyền và nhân dân các nước mà các vị đại diện. Ngài đánh giá cao sứ mạng của các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh, đồng thời nói rằng:
"Tôi cũng nghĩ đến tất cả các nước khác trên trái đất: Người Kế Vị Thánh Phêrô mở rộng cửa cho tất cả mọi người và muốn có những quan hệ với tất cả mọi nước, những quan hệ góp phần vào sự tiến bộ của gia đình nhân loại. Từ vài tuần nay, quan hệ ngoại giao hoàn toàn đã được thiết lập giữa Tòa Thánh và Liên Bang Nga, đây là một động lực mang lại sự hài lòng sâu xa. Cũng vậy, thật là một điều rất ý nghĩa cuộc viếng thăm mà Chủ Tịch Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới thực hiện nơi tôi, một quốc gia tôi rất quí mến, nơi mà Giáo Hội đang mừng kỷ niệm sự hiện diện từ nhiều thế kỷ qua việc cử hành Năm Thánh".
Các khía cạnh của cuộc khủng hoảng môi sinh
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã đi từ cuộc khủng hoảng kinh tế để đề cập đến các khía cạnh khác nhau của nghĩa vụ bảo vệ môi sinh và thiên nhiên, nạn buôn bán võ khí, chiến tranh, và sự gia tăng chi phí quân sự, nạn nghèo đói và thiên tai, các vụ kỳ thị và bách hại tôn giáo. Ngài nói:
"Giáo Hội cởi mở đối với tất cả mọi người, vì trong Thiên Chúa Giáo Hội hiện hữu cho tha nhân! Vì thế, Giáo Hội nồng nhiệt chia sẻ số phận của nhân loại. Trong năm mới bắt đầu này, nhân loại còn phải chịu cuộc khủng hoảng bi thảm đè nặng trên nền kinh tế thế giới, tạo nên một sự bất ổn trầm trọng về mặt xã hội ở các nơi. Trong thông điệp "Bác ái trong chân lý", tôi đã mời gọi tìm kiếm những căn cội sâu xa gây nên tình trạng đó: xét cho cùng, những nguyên nhân ấy là do một não trạng ích kỷ và duy vật nơi nhiều người, họ quên những giới hạn gắn liền với mọi loài thụ tạo. Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh rằng cũng não trạng ấy đang đe đọa thiên nhiên. Có lẽ mỗi người chúng ta đều có thể trưng dẫn một thí dụ về những thiệt hại mà não trạng ấy gây ra cho môi sinh ở các nơi trên thế giới. Trong số các ví dụ đó, tôi có thể trưng dẫn một điều xảy ra trong lịch sử gần đây của Âu Châu: cách đây 20 năm, khi bức tường Berlin sụp đổ và khi các chế độ độc tài vô thần sụp đổ sau nhiều thập niên thống trị tại một phần Âu Châu này, phải chăng người ta đã chẳng thấy rõ những vết thương sâu đậm mà một chế độ kinh tế thiếu những tham chiếu về sự thật con người đã gây ra không những cho phẩm giá và tự do của con người và các dân tộc, nhưng còn cho cả thiên nhiên nữa đó sao, như sự ô nhiễm mặt đất, nước và không khí. Sự chối bỏ Thiên Chúa không những làm biến thái tự do của con người, nhưng còn tàn phá thiên nhiên. Kết quả là sự bảo tồn thiên nhiên không chỉ chủ yếu đáp ứng một đòi hỏi về thẩm mỹ, nhưng còn đáp ứng một yêu sách về luân lý, vì thiên nhiên biểu lộ ý định yêu thương và sự thật đi trước chúng ta và đến từ Thiên Chúa".
"Vì thế, tôi chia sẻ những âu lo sâu đậm mà những cản trở về mặt kinh tế và chính trị đang gây ra cho cuộc chiến chống lại sự suy thoái môi sinh. Ðây là những khó khăn mà người ta có thể nhận thấy mới đây, trong khóa họp thứ 15 của Hội đồng các quốc gia tham dự Hiệp Ước cơ bản của Liên Hiệp Quốc về những thay đổi khí hậu, nhóm tại Copenhagen từ ngày 7 đến 18 tháng 12 năm 2009. Tôi cầu mong rằng trong năm nay, trước tiên tại thành phố Bonn, rồi đến Mêhicô, người ta có thể đạt tới một hiệp định để đương đầu với vấn đề thay đổi khí hậu một cách hữu hiệu. Vấn đề này càng quan trọng vì nó liên hệ tới số phận của một số nước, đặc biệt là một số quốc gia hải đảo.
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Ðiều thích hợp là sự quan tâm và dấn thân cho môi sinh như thế được phối hợp một cách có thứ tự trong toàn bộ những thách đố lớn đang đề ra cho nhân loại. Nếu chúng ta muốn kiến tạo một nền hòa bình đích thực, thì làm sao lại tách biệt hoặc đối nghịch sự bảo vệ môi sinh với sự bảo vệ sự sống con người, kể cả sự sống của những thai nhi trước khi sinh ra? Chính trong sự tôn trọng của con người đối với chính mình mà trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên được biểu lộ. Vì như thánh Tômasô Aquino đã dạy, con người đại diện cho những gì cao quí nhất trong vụ trụ (Cf. Summa Theologiae, I, q.29, a.3). Ngoài ra, tôi đã nhắc lại tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới mới đây của tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) về lương thực rằng "trái đất có đủ khả năng nuôi sống tất cả mọi người dân" (Diễn Văn ngày 16-11-2009, n.2), miễn là lòng ích kỷ không dẫn tới sự vơ vét của một số người đối với những tài nguyên dành cho tất cả mọi người!
Quản lý đúng đắn các tài nguyên thiên nhiên
"Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng sự bảo vệ thiên nhiên bao hàm sự quản lý đúng đắn các tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia, trước tiên là những nước có nền kinh tế kém may mắn. Tôi nghĩ đến Phi châu mà tôi đã vui mừng viếng thăm hồi tháng 3 năm ngoái trong cuộc du hành sang Camerun và Angola, đại lục mà Thượng Hội Ðồng Giám Mục khóa đặc biệt mới đây đã bàn tới. Các nghị phụ đã lo lắng nói đến sự hao mòn và sự sa mạc hóa những lãnh thổ canh tác rộng lớn vì sự khai thác quá nhiều và sự ô nhiễm môi sinh (Ðề nghị 22). Tại Phi châu cũng như ở nơi khác, cần phải đề ra những chọn lựa chính trị và kinh tế "đảm bảo những hình thức sản xuất nông nghiệp và công nghệ tôn trọng trật tự thiên nhiên và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của mọi người" (Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 2010, n.10).
"Làm sao có thể quên rằng, một đàng cuộc chiến đấu để đạt tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguyên nhân gây ra xung đột, như tại Phi châu, và đàng khác cũng là một nguồn gây ra rủi ro trường kỳ trong những trường hợp khác? Vì thế, tôi mạnh mẽ lập lại rằng để vun trồng hòa bình, cần phải bảo vệ thiên nhiên! Ðàng khác, còn có những vùng rộng lớn như tại Afganistan hay tại một số nước Mỹ châu la tinh, nơi mà đáng tiếc là nông nghiệp còn gắn liền với việc sản xuất ma túy, và đó là một nguồn lớn lao mang lại công ăn việc làm và phương tiện sinh sống cho dân chúng. Nếu muốn hòa bình, ta cần phải bảo tồn thiên nhiên bằng cách biến cải các hoạt động ấy và một lần nữa tôi muốn thỉnh cầu cộng đồng quốc tế đừng có thái độ cam chịu trước nạn buôn bán ma túy và những vấn đề trầm trọng về mặt luân lý và xã hội mà nó gây ra".
Chống gia tăng chi phí quân sự
Tiếp tục diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Ðức Thánh Cha nói đến một trong những thách đố lớn đối với hòa bình đó là sự gia tăng các chi phí quân sự cũng như sự duy trì và phát triển kho võ khí hạt nhân. Ngài nói:
"Những nguồn tài nguyên kinh tế khổng lồ bị hút vào vào những mục tiêu như thế, trong khi lẽ ra những tài nguyên ấy phải được dùng để phát triển các dân tộc, nhất là những người nghèo. Vì thế, tôi mạnh mẽ hy vọng rằng trong Hội nghị cứu xét hiệp ước chống lan tràn võ khí hạt nhân sẽ nhóm vào tháng 5 tới đây tại New York, sẽ có những quyết định hữu hiệu được đề ra để giải trừ dần dần, nhắm giải thoát trái đất khỏi các võ khí hạt nhân. Tổng quát hơn, tôi lấy làm tiếc vì sự sản xuất và xuất khẩu các võ khí góp phần kéo dài vô tận các cuộc xung đột và bạo lực, như tại miền Darfur, tại Somalia, hoặc Cộng hòa dân chủ Congo. Ngoài sự bất lực của các phe liên hệ trực tiếp thoát ra khỏi cái vòng bạo lực và đau thương do các cuộc xung đột ấy gây ra, còn có sự bất lực của các nước khác và các tổ chức quốc tế trong việc mang lại hòa bình, không kể thái độ dửng dưng hầu như cam chịu của dư luận quần chúng thế giới. Không cần phải nhấn mạnh rằng những cuộc xung đột ấy làm thương tổn và làm suy thoái môi sinh dường nào. Sau cùng, làm sao có thể không đề cập đến nạn khủng bố gây nguy hiểm cho bao nhiêu sinh mạng vô tội và tạo nên sự lo lắng của bao nhiêu người? Trong dịp long trọng này, tôi muốn lập lại lời kêu gọi đã đưa ra hôm 1-1 vừa qua, trong buổi đọc kinh truyền tin, nhắm tới những người thuộc các nhóm võ trang, dù thuộc thành phần nào đi nữa, xin họ hãy từ bỏ con đường bạo lực và mở rộng tâm hồn cho niềm vui của hòa bình.
"Những bạo lực trầm trọng mà tôi vừa nhắc đến, cùng với thảm họa nghèo đói, và thiên tai, sự tàn phá môi sinh, góp phần làm gia tăng số người rời bỏ quê hương của họ. Ðứng trước sự xuất hành như thế, tôi muốn khuyến khích các chính quyền dân sự, có liên hệ dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, hãy hoạt động trong tinh thần công bằng, liên đới và sáng suốt. Ðặc biệt ở đây tôi muốn nhắc đến các tín hữu Kitô tại Trung Ðông. Bị vây bủa bằng nhiều cách, kể cả vì tự do thực hành tôn giáo, họ phải rời bỏ quê cha đất tổ, nơi mà Giáo Hội nguyên thủy đã phát triển. Chính vì để nâng đỡ và giúp họ cảm thấy sự gần gũi của anh chị em đồng đạo nên tôi đã triệu tập Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt về Trung Ðông vào mùa thu tới đây".
Khía cạnh luân lý
Ðức Thánh Cha nói với các vị đại sứ rằng: "Tôi chỉ nhắc lại đây vài khía cạnh liên quan tới việc bảo vệ môi sinh. Tuy nhiên, những căn cội của tình trạng mà tất cả chúng ta đều thấy thuộc về lãnh vực luân lý và vấn đề này cần phải được giải quyết trong khuôn khổ nỗ lực giáo dục bao quát, để cổ võ một sự thay đổi não trạng thực sự và thiết lập những lối sống mới. Cộng đồng các tín hữu có thể và muốn tham gia vào tiến trình đó. Nhưng để làm được như vậy, thì vai trò công cộng của họ phải được công nhận. Ðáng tiếc là tại một số quốc gia, nhất là tây phương, trong giới chính trị và văn hóa, cũng như trong các cơ quan truyền thông, người ta có tâm tình ít coi trọng và đôi khi còn tỏ ra thù nghịch, nếu không muốn nói là khinh rẻ đối với tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo. Rõ ràng là nếu chủ thuyết duy tương đối được coi là yếu tố thiết yếu cấu thành nền dân chủ thì người ta có nguy cơ coi đặc tính đời như một sự loại trừ hay đúng hơn là sự phủ nhận tầm quan trọng của sự kiện tôn giáo về mặt xã hội. Thái độ như thế tạo ra sự đối đầu và chia rẽ, làm thương tổn hòa bình, gây xáo trộn cho môi sinh nhân sự và khi loại bỏ trên nguyên tắc những thái độ khác với mình, thì nó trở thành một ngõ cụt. Vì thế, cần cấp thiết xác định đặc tính đời tích cực, cởi mở, dựa trên sự tự lập chính đáng của lãnh vực trần thế và lãnh vực thiêng liêng, cổ võ sự cộng tác lành mạnh và tinh thần đồng trách nhiệm. Trong viễn tượng ấy, tôi nghĩ đến Âu Châu, với Hiệp ước Lisboa bắt đầu có hiệu lực, mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình thống nhất, mà Tòa Thánh tiếp tục theo dõi trong sự tôn trọng và quan tâm quí chuộng. Tôi hài lòng ghi nhận Hiệp ước dự trù Liên hiệp Âu Châu tiếp tục duy trì sự đối thoại cởi mở trong sáng và đều đặn với các Giáo Hội (art. 17), tôi cầu mong rằng trong việc xây dựng tương lai, Âu Châu luôn biết kín múc nơi nguồn mạch căn tính Kitô của mình.
Ðức Thánh Cha không quên tố giác những đạo luật hoặc những dự án, nhân danh cuộc chiến chống kỳ thị, muốn xóa bỏ nền tảng sinh lý về sự khác biệt phái tính, như tại một số nước Âu Châu và Mỹ châu. Thánh Colomban đã nói "Nếu bạn loại bỏ tự do, bạn sẽ loại bỏ phẩm giá" (Epist., N. 4 ad Attela, in S. Colombani Opera, Dublin, 1957, p.34). Tuy nhiên, tự do không thể là tuyệt đối, vì con người không phải là Thiên Chúa, nhưng là hình ảnh Thiên Chúa, là thụ tạo của Ngài. Ðối với con người, con đường phải theo không thể được xác định do ý chí độc đoán, nhưng phải đáp ứng cơ cấu đã được Ðấng Tạo Hóa mong muốn".
Ðức Thánh Cha cũng kêu gọi tình liên tới quốc tế đối với các nạn nhân bị thiên tai trong năm 2009, gây chết chóc, đau thương và tàn phá như tại Phi luật tân, Việt Nam, Lào, Campuchia, và Ðài Loan, các nạn nhân bị động đất ở miền Abruzzo Italia. Ðứng trước những biến cố ấy không bao giờ được thiếu sự trợ giúp quảng đại, vì chính sự sống của các thụ tạo của Thiên Chúa bị thương tổn".
Tuy nhiên, ngoài tình liên đới, sự bảo tồn thiên nhân còn cần sự hòa hợp và ổn định của các quốc gia. Khi xảy ra những tranh chấp và đố kỷ giữa các nước, để bảo vệ hòa bình, họ phải kiên trì theo đuổi con đường đối thoại xây dựng. Trong bối cảnh này, Ðức Thánh Cha bày tỏ vui mừng vì việc giải quyết tranh chấp giữa Colombia và Ecuador, giữa Croát và Sloveni, hiệp định giữa Arméni và Thổ Nhĩ Kỳ tái lập quan hệ ngoại giao. Riêng về Israel và Palestine ngài nói:
"Một lần nữa tôi lên tiếng để mọi người nhìn nhận quyền hiện hữu của Quốc gia Israel và quyền được hưởng hòa bình và an ninh trong lãnh thổ được quốc tế công nhận. Cũng được nhìn nhận như thế quyền của dân tộc Palestine có một tổ quốc có chủ quyền và độc lập, sống trong phẩm giá và được tự do di chuyển. Ngoài ra, tôi muốn kêu gọi sự hỗ trợ của tất cả mọi người để căn tính và tính chất thánh thiêng của thành Jerusalem được bảo vệ, cũng như gia sản văn hòa và tôn giáo vốn có giá trị phổ quát của thành này. Chỉ như thế thành thánh duy nhất, và bị chao đảo này mới có thể là dấu chỉ và là điều tiên báo hòa bình mà Thiên Chúa mong muốn cho toàn thể nhân loại".
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)