Tường thuật Khóa họp

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II

ngày 5/10/2009

 

Tường thuật Khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II ngày 5/10/2009.

Vatican (Vat. 6/10/2009) - Sáng ngày 5-10-2009, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 đã nhóm khóa họp khoáng đại đầu tiên tại Hội trường Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới ở nội thành Vatican, trước sự hiện diện của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cùng với các nghị phụ, các dự thính viên, các đại biểu Giáo Hội Kitô anh em.

Công nghị Giám Mục Phi châu này đã được long trọng khai mạc sáng chúa nhật 4-10-2009 với thánh lễ do ÐTC Biển Ðức 16 chủ sự cùng với 239 nghị phụ và 55 linh mục tại Ðền thờ Thánh Phêrô.

Phiên họp bắt đầu lúc 9 giờ sáng với kinh Chúa Thánh Thần và kinh giờ Ba. Ðức Hồng Y Francis Arinze, người Nigeria, nguyên Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích và là 1 trong 3 Hồng Y Chủ tịch thừa ủy đã chủ tọa phiên họp. Cách đây 15 năm, cũng Ðức Hồng Y Arinze đã chủ tọa phiên họp khoáng đại đầu tiên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ I vào ngày 11-4 năm 1994.

Suy niệm của Ðức Thánh Cha

Trong bài suy niệm ứng khẩu, ÐTC đã dựa vào Thánh Ca của kinh giờ Ba để giải thích việc cầu xin 3 hồng ân chủ yếu của Chúa Thánh Linh. Hồng ân thứ nhất là tuyên xưng, được hiểu như một sự nhìn nhận thân phận bé nhỏ của con người trước Thiên Chúa, từ sự bé nhỏ yếu đuối đó nảy sinh tất cả những tật xấu phá hủy hệ thống xã hội và an bình trên thế giới. Sự tuyên xưng ấy cũng là một lời cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn lành của Ngài và đồng thời là một sự dấn thân làm chứng tá. ÐTC nhận định rằng: "Những điều thuộc về khoa học, kỹ thuật tốn phí đòi những đầu tư lớn, những phiêu liêu tinh thần và vật chất, tốn kém và khó khăn. Nhưng Thiên Chúa ban nhưng không.

Những sự cao cả trong cuộc sống, Thiên Chúa, tình thương, sự thật đều là nhưng không, và chúng ta phải suy tư thường xuyên về điều này: về sự nhưng không của Thiên Chúa, về sự kiện không cần những năng khiếu lớn về vật chất và trí thức để được gần gũi Thiên Chúa: Thiên Chúa ở trong tôi, trong tâm hồn và trên môi miệng tôi".

ÐTC nói tiếp: Hồng ân thứ 2 chúng ta cầu xin Chúa là: xin cho con người khám phá cuộc sống thân mật với Thiên Chúa, để có thể làm chứng về Chúa với trọn con người của mình. Phải làm chứng chân lý về lòng bác ái của Thiên Chúa vì đây chính là nòng cốt của Kitô giáo. "Ðiều quan trọng là Kitô giáo không phải là một mớ các ý tưởng, một triết lý, một lý thuyết, nhưng là một lối sống, là bác ái, là tình thương. Chỉ như thế, chúng ta mới trở thành Kitô hữu.

"Hồng ân thứ ba là cần phải loan truyền lòng bác ái của Thiên Chúa cho nhân loại, cho mỗi người, tha nhân là người thân cận, là anh chị em của Kitô hữu." ÐTC nhấn mạnh rằng: "Ðức bác ái không phải là một điều cá nhân, nhưng có tính chất hoàn vũ, và cụ thể. Cần thực sự mở rộng biên cương giữa các bộ lạc, chủng tộc, tôn giáo, hướng về tình thương yêu đại đồng của Thiên Chúa, trong các môi trường sống của chúng ta, với tất cả sự cụ thể. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để Chúa Thánh Linh ban các ơn đó cho chúng ta, xin Ngài ban cho chúng ta một Lễ Hiện Xuống mới, giúp chúng ta trở thành những người phục vụ Chúa trong thế giới hiện nay".

Phúc trình của Ðức Tổng Giám Mục Eterovic

Sau bài suy niệm ứng khẩu của ÐTC, là bài tường trình dài của Ðức Tổng Giám Mục Nicola Eterovic, người Croát, từ 5 năm nay là Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, đã nồng nhiệt chào mừng ÐTC, và các tham dự viên gồm 244 nghị phụ có tên trong danh sách, trong đó có 78 vị tham dự do chức vụ, 129 vị được bầu lên và 36 vị do ÐTC bổ nhiệm.

Trong số các nghị phụ có 33 Hồng Y, 79 Tổng Giám Mục và 156 Giám Mục. Xét về chức vụ của các vị có 37 vị Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, 189 Giám Mục chính tòa, 4 Giám Mục phó, 2 Giám Mục phụ tá và 8 Giám Mục hồi hưu. Ngoài ra có các đại biểu anh em của 6 Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội. Thêm vào đó có 29 chuyên gia và 49 dự thính viên.

Sau lời chào mừng trên đây, phúc trình của Ðức Tổng Giám Mục Eterovic lần lượt đề cập đến ý nghĩa cuộc Tông du của ÐTC tại Phi châu hồi tháng 3 năm 2009, một số dữ kiện thống kê, việc triệu tập Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2, việc chuẩn bị cho công nghị Giám Mục này, và sau cùng là một số nhận xét về phương pháp tiến hành Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu hiện nay.

Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục nói: "Chúng ta cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa nhân lành và từ bi vì bao nhiêu ơn lành mà Giáo Hội tại Phi châu đã nhận lãnh và sử dụng để phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ túng thiếu nhất. Nhất là chúng ta cảm tạ Chúa vì sức sinh động mạnh mẽ của Giáo Hội tại đại lục này, như các con số thống kê cho thấy.

Trong số hơn 6 tỷ 617 triệu dân trên thế giới, có 1 tỷ 147 triệu tín hữu Công Giáo, tức là 17.3%. Riêng tại Phi châu, tỷ lệ Công Giáo cao hơn: trong số 934 triệu dân tại đại lục này, có 165 triệu tín hữu Công Giáo, tức là 17.5%. Sự gia tăng này càng ý nghĩa nếu chúng ta để ý rằng khi Ðức Gioan Phaolô 2 bắt đầu làm Giáo Hoàng hồi năm 1978, số tín hữu Công Giáo tại Phi châu là 55 triệu người. Ðến năm 1994, khi ngài triệu tập và tiến hành Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ I, số tín hữu Công Giáo tại Phi châu là 103 triệu người, tức là chiến 14.6% dân số tại đây.

Ơn gọi Linh Mục và tu sĩ tại Phi châu trong thời gian đó cũng gia tăng đáng kể. Nhờ ơn Chúa, sự gia tăng ấy đều diễn ra trong mọi lãnh vực, nhất là các nhân viên mục vụ gồm các Giám Mục, Linh Mục, phó tế, nữ tu, giáo dân dấn thân, đặc biệt là các giáo lý viên.

Ðức Tổng Giám Mục Eterovic đã so sánh con số nhân sự và cơ sở của Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu năm 1994 so với năm 2007 là thống kê mới nhất hiện đó. Chẳng hạn số giáo phận tại Phi châu tăng 16.2% tức là từ 444 lên 516 giáo phận. Số Giám Mục tăng 28%, từ 513 lên 657 vị. Số LM tăng hơn 49% tức là từ 23,260 vị lên 34,660 vị. Số nữ tu tăng hơn 32%, đặc biệt số các thừa sai giáo dân tăng hơn 94% tức là từ 1,847 lên gần 3,600 người. Số chủng sinh tăng hơn 44% và hiện có gần 24,730 người.

Vị Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục cũng ghi nhận một sự kiện đau lòng, đó là từ năm 1994 đến 2008, đã có 521 nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo bị sát hại tại Phi châu, kể cả 248 nhân viên gồm Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và giáo dân bị giết hồi năm 1994 tại Ruanda, và 40 tiểu chủng sinh bị sát hại tại Burundi. Các nhân viên ấy không phải chỉ gồm những người bản xứ, nhưng có cả nhiều thừa sai khác từ nước ngoài.

Ðức Tổng Giám Mục nhận xét rằng với con mắt đức tin, đằng sau các dữ kiện thống kê ấy, chúng ta có thể nhận ra sức sinh động truyền giáo mạnh mẽ tại Phi châu, thúc đẩy các nhân viên mục vụ quảng đại dấn thân đến độ hy sinh tính mạng.

Ngoài các hoạt động rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu còn dấn thân hăng say trong lãnh vực bác ái, y tế, giáo dục, và nói chung là trong các sáng kiến thăng tiến con người. Ví dụ Ngân Qũy trợ giúp vùng Sahel được Ðức Gioan Phaolô 2 thành lập năm 1984, Năm Thánh Cứu Ðộ. 8 năm sau đó, có Ngân Quỹ Người Samaritano Nhân lành cũng được Ðức Cố Giáo Hoàng thành lập để nâng đỡ các bệnh nhân túng thiếu nhất, đặc biệt là các bệnh nhân Sida. Tại Phi châu còn có Caritas quốc tế và Caritas tại 53 quốc gia, các Ủy ban công lý và hòa bình... Về việc mục vụ sức khỏe, Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu hiện diện và hoạt động trong 16,178 trung tâm y tế, trong đó có 1,074 bệnh viên, và gần 5,400 bệnh xá...

Về bệnh HIV-Sida ở mức độ đáng báo động ở Phi châu, 26% các cơ cấu y tế trợ giúp và săn sóc các bệnh nhân trong lãnh vực này là do các tổ chức Công Giáo đảm trách. Giáo Hội Công Giáo đi hàng đầu trong cuộc chiến đấu chống sự lan tràn của bệnh Sida, nhưng phương pháp gọi là DREAM do Cộng đồng thánh Egidio chứng tỏ.

Tuy nhiên, cũng không nên quên rằng các thống kê cho thấy bệnh sốt rét ngã nước là nguyên nhân lớn gây ra tử vong tại Phi châu. Những người có thế giá trong cộng đồng quốc tế cần dành nhiều năng lực và phương tiện hơn để phòng ngừa sự lan tràn cũng như tìm ra phương dược hữu hiệu chữa trị căn bệnh kinh khủng rất phổ biến này, mỗi năm làm cho 1 triệu người chết trên thế giới, trong đó có 85% là trẻ em dưới 5 tuổi.

Tiến trình triệu tập và chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu II

Về việc triệu tập Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2, Ðức Tổng Giám Mục Eterovic cho biết đây là một tiến trình được chín mùi qua nhiều năm trời. Ðức Gioan Phaolô 2 đã công khai nói về công nghị này ngày 15-6 năm 2004 và nhận định rằng sự tăng trưởng ngoại thường của Giáo Hội tại Phi châu, sự thay đổi mau lẹ các vị chủ chăn, các thách đố mới của đại lục này đòi phải có những câu trả lời, không những tiếp tục nỗ lực mà việc thi hành Tông Huấn Giáo Hội tại Phi châu đòi hỏi, nhưng còn mang lại sinh lực mới mẻ và niềm hy vọng được củng cố cho đại lục Phi châu đang gặp khó khăn.

Ðức Gioan Phaolô 2 đã đón nhận các đề nghị của Hội đồng Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ I nhóm tại Roma hồi năm 2004 và chính thức loan báo ý định triệu tập công nghị kỳ 2 của các Giám Mục Phi châu với mong ước rằng Công nghị này có thể củng cố niềm tin nơi Chúa Kitô Cứu Thế và thăng tiến một sự hòa giải đích thực tại Phi châu.

2 tháng sau khi được bầu làm Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ hồi tháng 4-2005, ÐTC Biển Ðức 16 đã tái khẳng định chủ ý của vị Tiền Nhiệm về việc triệu tập Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2, và ngày 28-6 năm 2007 ngài chính thức ấn định đề tài cho công nghị này là "Giáo Hội tại Phi châu phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình. Các con là muối đất... là ánh sáng thế gian". Công nghị sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 4 đến 25-10-2009.

Tiến trình tham khảo ý kiến các nơi qua tài liệu Ðề cương Lineamenta đã được tiến hành. Tỷ lệ trả lời từ các nơi gửi về khác biệt nhau: hơn 83% các Hội Ðồng Giám Mục đã trả lời góp ý, 56% các cơ quan trung ương Tòa Thánh và 100% Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam cũng gửi bản trả lời về trung ương. Dựa theo các bản góp ý đó, Tài liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 đã được soạn thảo và được chính ÐTC công bố tại Camerun ngày 19-3 năm 2009.

Trong giai đoạn kế tiếp, ÐTC đã bổ nhiệm các vị Chủ tịch thừa ủy, các chức sắc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này, và sau cùng ngài bổ nhiệm các thành viên, các chuyên gia và dự thính viên.

Qui tắc tiến hành

Trong phần cuối của phúc trình, Ðức Tổng Giám Mục Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới nhắc đến một số qui tắc và phương pháp điều hành khóa họp hiện nay của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu.

Theo quyết định của ÐTC, đương nhiên là thành viên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này gồm tất cả các Hồng Y Phi châu, không giới hạn tuổi tác, cũng như các vị chủ tịch của 36 Hội Ðồng Giám Mục Phi châu, các vị thủ lãnh của 2 Giáo Hội Công Giáo Ðông phương là Copte Ai Cập và Etiopia. Về các nghị phụ được bầu lên, qui luật dự trù cứ 5 Giám Mục hoặc dưới 5 Giám Mục thì được bầu 1 Giám Mục đại biểu, và làm sao để mỗi nước có ít là một đại biểu dự công nghị Giám Mục này.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 sẽ gồm 20 phiên họp khoáng đại và 9 cuộc họp trong nhóm nhỏ. Mỗi nghị phụ được phát biểu tối đa 5 phút để có sự tham phần của tất cả mọi người. Ngoài ra, vào cuối phiên khoáng đại ban chiều, từ 6 đến 7 giờ, sẽ có 1 giờ thảo luận tự do. Ngày đầu tiên, như chiều hôm qua, thì cuộc thảo luận này được kéo dài hơn để trình bày những suy tư về việc áp dụng Tông huấn Giáo Hội tại Phi châu, đúc kết khóa họp kỳ I, 15 năm trước đây.

Trong các cuộc thảo luận tự do, các nghị phụ được yêu cầu xoay quanh chủ đề của Công nghị Giám Mục này mà thôi.

Và khi phát biểu ý kiến, các nghị phụ phải cho biết mình lên tiếng về phần nào trong Tài liệu làm việc. Việc sắp xếp thứ tự các nghị phụ phát biểu sẽ theo thứ tự dàn bài của Tài liệu làm việc, tức là từ chương I rồi đến chương II, chương III, v.v.

Có 4 sinh ngữ được dùng để thảo luận là Pháp, Ý, Anh và Bồ đào nha và sẽ được thông dịch trực tiếp.

Về việc soạn các đề nghị đúc kết công nghị Giám Mục này, các nghị phụ được yêu cầu ngắn gọn, chính xác và tránh lập lại những đạo lý đã được mọi người biết rồi. Các nghị phụ nên đưa ra những đề nghị hoặc lời khuyên nhắm canh tân đời sống Giáo Hội, việc mục vụ của Giáo Hội, thăng tiến việc rao giảng Tin Mừng và con người, nhất là về vấn đề hòa giải, công lý và hòa bình.

Cũng trong phiên họp sáng thứ Hai, 5-10-2009, Ðức Hồng Y Turkson, người Ghana, Tổng tường trình viên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 đã trình bày các vấn đề cần được đề cập và thảo luận tại Công nghị Giám Mục này.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page