Những thách đố của

Thượng hội đồng Giám mục thế giới

về Phi Châu

 

Những thách đố của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu.

Roma [La Croix 2/10/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt lần thứ hai về Phi Châu đã khai diễn chiều Chúa Nhựt 4 tháng 10 năm 2009. Trong gần một tháng làm việc, các nghị phụ của Thượng hội đồng Giám mục thế giới sẽ thảo luận về một văn kiện thường được gọi bằng tiếng Latinh là "Instrumentum laboris", tức tài liệu làm việc. Ðây là chương trình nghị sự của Thượng hội đồng đã được Ðức thánh cha Beneđitô XVI cho công bố tại Yaoundé, Cameroun ngày 19 tháng 3 năm 2009. Tài liệu phác họa một bức tranh thực tế về tình hình tại lục địa Phi Châu.

Kể từ Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi châu lần thứ nhứt hồi năm 1994, Phi Châu và Giáo hội Công giáo tại lục địa này đã bị tổn thương nặng nề vì cuộc diệt chủng tại Rwanda. Ai cũng biết rằng nhiều tín hữu Kitô, trong đó có cả các linh mục và tu sĩ, đã tham gia vào hành động tiêu diệt người anh chị em mình. Ngoài ra, các cuộc khủng hoảng tài chính và môi sinh cũng như dịch bệnh Sida, đang làm tổn thương một Phi Châu vốn luôn rất mong manh trong các cơ cấu gia đình, xã hội và kinh tế.

Như vậy, rõ ràng là lục địa này hiện đang ở vào một khúc quanh quyết liệt. Tài liệu làm việc ghi nhận: "Ðây là thời buổi thuận tiện để mỗi người giao hòa với Chúa và với người khác; đây là một cuộc hòa giải làm phát sinh công lý và hòa bình". Mục tiêu của Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần này thật rõ ràng: "tất cả mọi người cần phải trở thành những con người mới có khả năng thực hiện công cuộc bình định hóa Phi Châu".

Trong cuộc tiếp kiến dành cho các Ðức giám mục Mali hồi năm 2007, Ðức thánh cha cũng đã tuyên bố: "giáo dân phải dấn thân phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình: đây là một mệnh lệnh khẩn thiết".

Về phương diện chính trị, nhiều bước lớn đã được thực hiện tại lục địa này. Ðứng trước tình trạng bất ổn tại Phi châu, sau khi các thế hệ hậu thực dân không còn nữa, "khát vọng của Giáo hội muốn tỏ ra trung lập đã được nhìn nhận và hoan nghênh trong giai đoạn chuyển giao chính trị tại một số quốc gia, qua việc một số Giám mục được mời đứng ra làm chủ tịch các hội đồng quốc gia và xuyên qua những sáng kiến của giáo dân nhằm thăng tiến những cơ cấu dân chủ đích thực".

Ngoài ra cũng cần phải băng bó các vết thương. Về phương diện này, Giáo hội đã và có thể đóng một vai trò xoa dịu cũng như kích thích về nhân quyền. Trong số 8, tài liệu làm việc của Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Phi châu lần này giải thích: "Ủy ban sự thật và hòa giải tại Nam Phi và các nơi khác là một điển hình." Ủy ban này đã xử dụng các yếu tố Kitô, chẳng hạn trong việc tha thứ cho người xưng thú tội lỗi của mình, để tránh cho xứ sở không bị rơi vào hỗn loạn.

Tham nhũng hiện đang là mối ung nhọt đích thực của lục địa Phi Châu. Ngoài ra,chủ nghĩa "bộ tộc" và chủng tộc cũng là những vấn đề lớn của Phi Châu mà các vị nghị phụ sẽ thảo luận để tìm cách chận đứng hầu, --- như tài liệu làm việc trong số 81 mong mõi, -- "nước của phép rửa mạnh hơn máu".

Hiện tượng các giáo phái, bắt nguồn từ các hệ phái Tin lành, cũng được mạnh mẽ tố cáo. Số 9 của tài liệu làm việc nhìn nhận: "thật là một nghịch lý: nỗi khao khát về Thiên Chúa đã được thể hiện qua việc bành trướng các giáo phái".

Theo tài liệu làm việc, "nơi công cộng, Giáo hội Công giáo là đối tượng của sự tấn công thâm độc của các giáo phái Kitô, được giới chính trị xử dụng để đánh đổ những giá trị mà Giáo hội bênh vực như gia đình, sự tôn trọng phẩm giá và tính cách thánh thiên của sự sống con người". Về vấn đề này, các Ðức giám mục Phi Châu tỏ ra bình tĩnh, sáng suốt khi nói về những thiếu sót trong việc rao giảng Tin Mừng. Các ngài nhấn mạnh đến sự trở lại của các tín hữu sau khi thất vọng về những lời hứa hão của các giáo phái.

Trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ nhứt về Phi châu, một trong những vấn đề được các vị nghị phụ quan tâm là sự tự trị về kinh tế của các Giáo hội. Nhưng hiện nay các giáo phận Phi Châu, nhờ ít lệ thuộc vào sự tài trợ của Tây Phương, đã có được những hoạt động kinh doanh mang lại lợi tức. Tuy nhiên các hoạt động này lại được quản lý theo luật pháp địa phương và ít phù hợp với giáo huấn xã hội của Giáo hội. Ðây là những thực hành mà tài liệu làm việc cho là đi ngược lại với tinh thần của Chúa Kitô. Tòa Thánh đôi khi đã phải lên tiếng cảnh cáo và ngay cả đưa ra những biện pháp chế tài. Trong số 62, tài liệu ghi nhận: "việc quản lý tài sản Giáo hội của các vị mục tử đôi khi thiếu sự trong suốt".

Ngoài ra, quan hệ của Giáo hội Công giáo với Hồi giáo cũng là một vấn đề tại Phi châu. Các bản báo cáo gởi về Roma xem ra không đặt nặng vấn đề này. Tài liệu làm việc ghi nhận "khuynh hướng chính trị hóa nguồn gốc tôn giáo" hay "các cuộc xung đột do các cuộc hôn nhân hỗn hợp tạo ra".

Việc huấn luyện, qui chế và cuộc sống của các linh mục cũng sẽ là mối quan tâm đặc biệt của các vị nghị phụ trong Thượng hội đồng Giám mục về Phi Châu lần này. Tài liệu kêu gọi các vị Giám mục Phi Châu nên "bổ nhiệm các linh mục và tu sĩ theo các tiêu chuẩn khách quan chứ không phải dựa vào chủng tộc". Tài liệu cũng yêu cầu phải chọn lựa kỹ càng và huấn luyện vững chắc các linh mục tương lai cũng như những người sống đời thánh hiến.

Liên hệ đến cuộc sống của linh mục, tài liệu làm việc cũng nêu lên vấn đề độc thân.

Cuối cùng, Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu cũng đặt nặng vấn đề chỗ đứng của người phụ nữ trong Giáo hội và xã hội. Ðức thánh cha đã bổ nhiệm khoảng 30 phụ nữ vào số các chuyên gia của thượng hội đồng này. Tài liệu làm việc nhìn nhận: "các phụ nữ và giáo dân nói chung chưa được hội nhập đầy đủ vào các cơ cấu hữu trách của Giáo hội", mặc dù ai cũng biết rằng tại Phi Châu, phụ nữ là chỗ dựa của phát triển, ổn định gia đình và ngay cả sáng kiến kinh tế.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page