Nhận định của ÐHY Joachim Meisner
về sự sụp đổ của bức tường Berlin
Nhận định của Ðức hồng y Joachim Meisner về sự sụp đổ của bức tường Berlin.
Koln,
Ðức [CWN, National Catholic Reporter 30/09/2009] - Kính thưa quí vị,
các bạn thân mến. Năm 2009 đánh dấu 20 năm bức tường ô
nhục Berlin sụp đổ và các chế độ cộng sản Ðông Âu cáo
chung.
Ðức hồng y Joachim Meisner Tổng giám mục Koln, Ðức quốc. |
Các vị Giám mục đã từng lãnh đạo Giáo hội dưới thời cộng sản ra khỏi hang toại đạo, lần lượt ra đi hay rút lui khỏi sân khấu. Chẳng hạn, trong chuyến viếng thăm Cộng Hòa Tiệp vừa qua của Ðức Thánh Cha, Ðức hồng y Miloslav Vlk, Tổng giám mục Praha, loan báo ngài sẽ về hưu vào năm 2010.
Một trong những gương mặt nổi bật dưới thời cộng sản khác là Ðức hồng y Joachim Meisner, đương kim Tổng giám mục Koln, năm nay 76 tuổi và như vậy cũng đã quá tuổi phải về hưu. Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy Ðức thánh cha sẽ chấp thuận đơn xin từ chức của ngài, Ðức hồng y Meisner cũng biết rằng ngài sẽ phải rút lui để nhường chỗ cho một người mới.
Ðức hồng y Meisner đã trải qua tuổi thanh xuân và thi hành sứ vụ linh mục dưới thời cộng sản tại Ðông Ðức trước khi được thuyên chuyển đến Koln hồi cuối năm 1988.
Mới đây, ngài đã dành cho tờ báo của giáo phận một cuộc phỏng vấn qua đó ngài nhìn lại cuộc đời phục vụ của mình dưới thời cộng sản cũng như 20 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức hồng y Tổng giám mục Koln nhắc lại giai thoại ngài và các bạn ngài đã đốt sách để phản đối việc bị cưỡng bách phải học tiếng Nga.
Ký giả của Báo "The National Catholic Reporter", xuất bản tại Hoa kỳ, ghi nhận rằng "Ðức hồng y Meisner nổi tiếng là một người sống thẳng nói thật. Những ai chỉ biết ngài sau năm 1989 đều bị ấn tượng mạnh khi ngài giải thích rằng ngài đã trải qua nhiều năm để cân nhắc cẩn thận từng lời ăn tiếng nói dưới chế độ cộng sản. Nhưng ngài nói rằng ngày nay ngài không muốn có giọng điệu "ngoại giao" nữa".
Tuy nhiên, theo các sử gia, một trong những điểm đáng chú ý nhứt trong nhận định của Ðức hồng y Meisner là: có sự tương phản rõ rệt trong đường lối ngoại giao của Tòa thánh với các nước cộng sản Ðông Âu dưới thời Ðức Phaolo VI và dưới thời Ðức Gioan Phaolo II. Dưới thời đức Phaolo VI, chính sách thường được mệnh danh là "Ostpolitik" do đức cố Hồng y Agostino Casaroli thực hiện, có chủ trương hòa hoản và thích nghi với Liên Xô và các nước cộng sản Ðông Âu. Trong khi đó, đức Gioan Phaolo II lại có đường lối cứng rắn và thách đố đối với các chế độ cộng sản. Có người còn cho rằng đức Phaolo VI có khuynh hướng hiếu hòa, còn đức Gioan Phaolo II lại có cung cánh "diều hâu".
Theo các sử gia, sở dĩ có sự khác biệt như thế là vì tư cách của hai vị giáo hoàng: đức Phaolo VI xuất thân là một nhà ngoại giao, trong khi đó đức Gioan Phaolo II đã từng là một nhà lãnh đạo "kháng cự" với chế độ cộng sản tại Ba Lan.
Tuy nhiên, Ðức hồng y Meisner đưa ra một giải thích khác. Ngài nói rằng đức Phaolo VI, cũng như ngài và hầu như mọi người vào thời kỳ đó, cho rằng các chế độ cộng sản tại Ðông và Trung Âu có thể kéo dài thêm "hai hay ba trăm năm nữa", do đó Giáo hội cần phải thích nghi với họ, nếu không, sẽ có nguy cơ bị bóp nghẹt. Ðức Gioan Phaolo II thì trái lại, tin rằng các chế độ cộng sản đã tới thời cáo chung và chỉ cần một cái đẩy nhẹ cũng đủ làm cho hệ thống này sụp đổ dưới sức nặng của nó.
Thật vậy, Ðức hồng y Meisner xem việc ngài được đức Gioan Phaolo II bổ nhiệm làm Tổng giám mục Koln, Tây Ðức vào cuối năm 1988 như một trực giác của vị Giáo Hoàng này.
Ðức hồng y nói như sau: "Tôi cũng như bất cứ ai khác, kể cả tất cả các chính trị gia Ðức, đều không bao giờ tưởng tượng được rằng chế độ cộng sản sắp sụp đổ". Như thế, khi bổ nhiệm một người Ðông Ðức làm Tổng giám mục tại Tây Ðức, đức Gioan Phaolo II đã gởi đi một tín hiệu rõ ràng như sau: "Thưa quí vị, hãy chú ý, một biến cố sắp xảy ra".
Và quả đúng như vậy: Ðức hồng y Meisner nhậm chức Tổng giám mục Koln dạo tháng Hai năm 1989 và vào tháng 11 năm đó, bức tường Berlin sụp đổ.
Nhìn lại sự kiện mình được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Koln, Ðức hồng y Meisner cho rằng sự khác biệt giữa Ðức Phaolo VI và đức Gioan Phaolo II không phải là sự khác biệt giữa một bên là bồ câu và một bên là diều hâu. Sự khác biệt giữa hai vị Giáo Hoàng này chính là cái nhìn về thời gian tính của các chế độ cộng sản. Sở dĩ đức Gioan Phaolo II thấy trước sự cáo chung của các chế độ cộng sản là vì ngài nhận ra chỗ nối mong manh nhứt trong sợi xích sắt của Liên Xô. Chỗ nối đó chính là Balan. Ðây là nơi mà sự kháng cự của dân chúng làm cho người ta thấy rõ thế yếu của chế độ cộng sản và sự kiện một người Balan được bầu vào chức vụ chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ làm cho chỗ nối ấy càng thêm mong manh hơn mà thôi. Và như lịch sử đã chứng minh, khi chỗ nối ấy bị bẻ gẫy, toàn bộ sợi xích sắt mà Liên Xô đã dùng để trói buộc bao nhiêu dân tộc tại Ðông và Trung Âu cũng bị vỡ tung.
Chu Văn