Sứ điệp của Ðức Thánh Cha

dành cho giới trẻ Tiệp

 

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha dành cho giới trẻ Tiệp.

Praha [La Croix 28/09/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Sáng thứ Hai 28 tháng 9 năm 2009, vào cuối chuyến viếng thăm Cộng Hòa Tiệp, Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã giao phó tương lai của xứ sở cho giới trẻ Tiệp.

Sứ điệp nhắn gởi giới trẻ Tiệp được Ðức thánh cha đưa ra trong cuộc gặp gỡ tại Stara Boleslav, cách thủ đô Praha khoảng 30 cây số.

Ðây là chính nơi mà ngày 28 tháng 9 năm 935, thánh Wenceslas đã chịu tử đạo. Theo truyền thuyết, người em của thánh nhân là một con người ham muốn quyền lực. Trong khi đó, được bà ngoại là thánh Ludmila dạy dỗ, thánh Wenceslas luôn có tâm tình hiếu hòa. Chính vì không chấp nhận bản chất hiếu hòa này của thánh nhân mà người em đã lập mưu sát hại anh mình.

Ðược so sánh với thánh Clovis, vua nước Pháp, thánh Wenceslas là cột trụ của miền Bohemia. Trong bài giảng thánh lễ, Ðức thánh cha nhấn mạnh rằng ngài là "hoàng tử muôn năm của người dân Tiệp", bởi vì đã sống cho đến cùng các mối phúc thật.

Chính tại nơi thánh nhân chịu tử đạo mà Ðức thánh cha đã ngỏ lời với giới trẻ Tiệp hôm 28 tháng 9 năm 2009, ngày kỷ niệm thánh nhân qua đời và đồng thời cũng là lễ Quốc Khánh của Cộng Hòa Tiệp.

Khoảng 40 ngàn bạn trẻ đã tập trung tại đây để lắng nghe Ðức thánh cha. Theo cha Jan Balik, giám đốc phòng thông tin của Giáo hội Công giáo Tiệp, Bohemia cũng như toàn cộng hòa Tiệp đều chìm ngập trong bầu khí tục hóa.

Theo một cuộc thăm dò mới đây, 31 phần trăm người trẻ Tiệp nói rằng họ tìm kiếm Chúa trước tiên trong chính bản thân họ. Mỗi năm khoảng 1,500 người trẻ xin chịu phép rửa. Chính với những người trẻ này cũng như giới trẻ trên toàn lục địa Âu Châu, mà Ðức thánh cha muốn ngỏ lời với. Ngài hiểu được những nhu cầu thiết yếu của họ và nói với họ bằng một cách thế họ hiểu được.

Thật vậy, Ðức thánh cha đã tạo được phấn khởi nơi giới trẻ Tiệp khi ngài nói: "giáo hoàng cảm thấy trẻ lại khi được ở giữa các bạn". Sau đó, ngài liền nhắn nhủ: "Thiên Chúa gõ vào cánh cửa tự do của các bạn và xin được các bạn đón tiếp như một người bạn. Niềm tin Kitô là thế đó: tức là gặp gỡ Chúa Kitô, một con người sống động đang mở ra một chân trời mới cho cuộc sống".

Trích lời thánh Augustino, Ðức thánh cha nói: "trái tim mỗi người sẽ không được an nghỉ bao lâu chưa tìm thấy điều mình tìm kiếm trong sự thật".

Trước đó, cũng trong bài giảng tại nhà thờ thánh Wenceslas, Ðức thánh cha đã kêu gọi mọi người hãy đi theo con đường của các thánh. Ðây là một con đường đòi hỏi nhưng lại vừa tầm mọi người. Ðức thánh cha nói: "Gương sáng của các ngài khuyến khích những ai tự nhận là kito hữu phải trở thành khả tín, sống phù hợp với những nguyên tắc và niềm tin mình tuyên xưng. Chỉ sống tốt và lương thiện bên ngoài thôi chưa đủ. Cần phải thực sự sống tốt và lương thiện. Người tốt và lương thiện là người không dùng ánh sáng của Chúa để che đậy cái tôi của mình, là người không tự mình đi trước Chúa, mà là người để cho Chúa được tỏ hiện".

Tại phi trường, trước khi lên máy bay trở về Roma, Ðức thánh cha đã trích dẫn một câu nói của văn sĩ Franz Kafka như sau: "Bất cứ ai có thể nhìn thấy cái Ðẹp đều không bao giờ già". Ðây là những lời cuối cùng của Ðức thánh cha trên đất Tiệp. Ngài muốn kêu gọi "xây dựng một thế giới có thể phản ánh một cách nào đó vẽ đẹp của Thiên Chúa và giúp cho các thế hệ tương lai cũng làm như thế".

Theo cảm tưởng chung của mọi người thì cuộc viếng thăm Cộng Hòa Tiệp của Ðức Benedicto XVI là một chuyến đi thành công. Các cơ quan truyền thông Tiệp nhấn mạnh rằng thánh lễ tại thành phố Brno hôm Chúa Nhựt 27 tháng 9 năm 2009 là thánh lễ quan trọng nhứt chưa từng có trong lịch sử nước này. Dĩ nhiên, buổi cử hành đã đáp ứng đúng những truyền thống vốn được dân chúng Tiệp trân quí.

"Veritas liberavit vos" [sự thật sẽ giải phóng các ngươi]: đây là những lời được Ðức thánh cha nắn nót viết vào sổ vàng của Ðại học danh tiếng Charles, vốn là đại học cổ xưa nhứt tại Trung Âu. Tại đây, chiều Chúa Nhựt 27 tháng 9 năm 2009, trong đại thính đường Wenceslas của Lâu đài Praha, đã diễn ra cuộc gặp gỡ của Ðức thánh cha với giáo sư và sinh viên đại học. Những lời trên đây của Chúa Giêsu đã tóm tắt ý nghĩa của chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Cộng Hòa Tiệp.

Tại đây, hơn cả đức Benedicto XVI, những người lắng nghe ngài chú trọng đến tính liên tục của giáo huấn của ngài và giáo huấn của Ðức Gioan Phaolo II là người đã viếng thăm cộng hòa Tiệp ba lần.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đức Benedicto XVI không nói nhiều đủ về Jean Hus, một nhà cải cách Tin lành mà tư tưởng đã ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Tiệp, nhưng cuối cùng bị chính Giáo hội Công giáo đưa lên dàn hỏa thiêu.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page