Các nhà khoa học và nông dân
viết thư cho các nghị phụ
Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu
Các nhà khoa học và nông dân viết thư cho các nghị phụ Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu.
Roma [Zenit 28/09/2009] - Các nhà khoa học và đại diện của nông dân Phi Châu gởi thư đến các vị nghị phụ trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu để đề nghị phát triển nông nghiệp và thực hiện hòa bình tại lục địa.
Tưởng cũng nên nhắc lại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu sẽ khai diễn tại Roma từ ngày 4 đến 25 tháng 10 năm 2009.
Lá thư của các nhà khoa học và đại diện nông dân Phi Châu gởi các vị nghị phụ trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu đã được đưa ra hôm thứ Năm 24 tháng 9 năm 2009, vào lúc kết thúc một ngày hội thảo với chủ đề "tiến tới một cuộc cách mạng xanh tại Phi Châu; phát triển là danh hiệu mới của hòa bình", được tổ chức tại Ðại học "Nữ vương các tông đồ" của Hội Ðạo binh Chúa Kitô.
Những người ký tên vào lá thư đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Ðức thánh cha Beneđitô XVI và Giáo hội Công giáo vì các hoạt động bác ái và thăng tiến con người do các nhà thừa sai, hàng giáo sĩ, các dòng tu cũng như các tổ chức thiện nguyện chuyên cổ võ viện trợ, giáo dục và phát triển của dân tộc Phi Châu.. thực hiện.
Cùng với lòng biết ơn , lá thư nhấn mạnh đến nghịch lý của Phi Châu: Lục địa này là nơi Chúa đã quảng đại ban phát nhiều tài nguyên thiên nhiên nhứt, nhưng đồng thời cũng là nơi mà các dân tộc bị xếp vào hạng nghèo nàn nhứt trên hành tinh.
Theo các nhà khoa học và đại diện của nông gia Phi châu, "sự khan hiếm lương thực, tình trạng kém phát triển kinh tế, thiếu đầu tư và hạ tầng cơ sở, làm phát sinh những hoàn cảnh sống không xứng với phẩm giá con người, khiến cho nhiều người phải rời bỏ quê hương và tạo ra các cuộc xung đột võ trang".
Những người ký tên vào lá thư gởi cho các vị nghị phụ của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu cũng cho rằng "để tránh thất vọng, cổ võ niềm hy vọng và đưa ra những lý do để đẩy mạnh một cuộc phát triển toàn diện cho Phi Châu", cần phải có những trường học và học viện cho việc đào tạo.
Các nhà khoa học và đại diện các nông dân Phi Châu nhắc lại rằng con người "là tư bản đầu tiên cần phải được bảo vệ và đánh giá cao" và công cuộc phát triển được "quyết định bởi tính nhân bản của các tác nhân".
Theo các học giả Phi Châu, vốn liếng nhân bản và xã hội tùy thuộc vào sự hiệp nhứt và ổn định của định chế gia đình. Do đó cần phải có những chính sách bảo vệ và nâng đỡ các gia đình.
Riêng về việc phát triển nông nghiệp tại Phi Châu, những người ký tên vào lá thư gởi các nghị phụ của Thượng hội đồng Giám mục thế giới, khẳng định rằng để cho nông nghiệp trở thành động lực phát triển, cần phải gia tăng năng xuất tại những vùng đã được canh tác và đầu tư vào nghiên cứu.
Ngoài ra các học giả Phi Châu cũng xác tín rằng bảo vệ môi sinh là một vấn đề huyết mạch tại lục địa này.
Dựa theo giáo huấn của Ðức thánh cha, những người ký tên vào lá thư gởi các vị nghị phụ Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi châu nhắc lại rằng "con người, gia đình và tự do giáo dục" là những giá trị không thể mang ra thương lượng được.
Chu Văn