Ðức thánh cha lên án chế độ cộng sản
Ðức thánh cha lên án chế độ cộng sản.
Stara Boleslav [Reuters, AFP 28/09/2009] - Ðức thánh cha Beneđitô XVI lên án chế độ cộng sản.
Hôm thứ Hai 28 tháng 9 năm 2009, vào lúc kết thúc chuyến viếng thăm Cộng Hòa Tiệp, Ðức thánh cha tuyên bố rằng chế độ cộng sản từng nỗ lực tiêu diệt tôn giáo, thì nay việc sụp đổ của chế độ này chứng tỏ rằng Thiên Chúa không thể bị loại bỏ ra khỏi cuộc sống công cộng.
Ðức thánh cha đã đưa ra lời tuyên bố trên đây trong thánh lễ cử hành tại Stara Boleslav, quê hương của thánh Wenceslas, tử đạo, quan thầy của Cộng hòa Tiệp.
Nói trước một đám đông 50 ngàn người mà phần lớn là giới trẻ nhân dịp Cộng Hòa Tiệp chuẩn bị kỷ niệm 20 năm cuộc cách mạng êm như nhung lật đổ chế độ cộng sản, Ðức thánh cha tuyên bố như sau: "Những nhân vật quyền lực rõ ràng là đã lên tới đỉnh cao không ai đạt được. Rồi bỗng nhiên chính họ thấy quyền lực của mình bị người ta đánh đổ".
Ngài kêu gọi dân chúng Tiệp như sau: "Ngày nay cần có những tín hữu sẵn sàng đi đến mọi nơi trong xã hội để rao giảng các nguyên tắc Kitô giáo và những lý tưởng mà họ hằng ấp ủ".
Chuyến viếng thăm kéo dài ba ngày của Ðức thánh cha Benedicto XVI đã thu hút đông đảo dân chúng. Ðã có khoảng 120 ngàn người tham dự thánh lễ do Ðức thánh cha cử hành tại thành phố Brno.
Ðức thánh cha đã trở về Ý hôm thứ Hai 28 tháng 9 năm 2009.
Trước khi máy bay đưa Ðức thánh cha về lại Roma cất cánh, tổng thống Cộng Hòa Tiệp, ông Vaclav Klaus, nói với các ký giả như sau: "Tôi hoàn toàn xác tín rằng chuyến viếng thăm này đã đạt thành công lớn và củng cố các quan hệ giữa Tòa Thánh và cộng hòa Tiệp. Các quan hệ tốt đẹp này sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai".
Với dân số hiện nay là 10 triệu rưỡi người, trong số này có 3 triệu người theo Công giáo, Cộng Hòa Tiệp vẫn chưa có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Các chính trị gia nước này vẫn bác bỏ đề nghị trao trả lại cho Giáo hội các tài sản đã bị tịch thu dưới chế độ cộng sản. Sau cuộc hội kiến với Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, thủ tướng Cộng hòa Tiệp, ông Jan Fischer cho biết vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, hai bên đã thỏa thuận tạm gác chuyện đòi lại tài sản và sẽ thảo luận lại trong một dịp thuận tiện.
Chu Văn