Máu nhuộm sân chùa

 

Máu nhuộm sân chùa.

"Máu nhuộm sân chùa": đây là đề tài của chuyên mục công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi.

(Radio Veritas Asia 1/10/2009) - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Chuyện xảy ra tại Chùa Bát Nhã, Lâm Ðồng, trong những ngày vừa qua, không thể không làm cho chúng ta quan ngại. Khi diễn ra vụ việc Thái Hà, Ðức cha Cao Ðình Thuyên, giám mục Vinh tuyên bố: "chuyện của Thái hà cũng là chuyện của Vinh". Trong sự hiệp thông Giáo hội, người Công giáo nào cũng có thể nói: "chuyện Thái Hà, chuyện Tam Tòa, chuyện Loan Lý hay bất cứ chuyện gì xảy ra trong bất cứ cộng đồng nào ở Việt nam cũng là chuyện của mình". Và trong tình liên đới, có lẽ đã đến lúc người Công giáo cũng có thể nói: "Chuyện Bát Nhã cũng là chuyện của mình". Làm sao khi đứng trước bất công, xúc phạm đến nhân phẩm, người môn đệ của Chúa Kitô có thể tỏ ra dửng dưng được.

Trong tình liên đới và cảm thông, thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu vụ việc.

Ðược biết Tu Viện Bát Nhã Lâm Ðồng, gắn liền với tên tuổi của một thiền sư nổi tiếng của Việt nam là Thích Nhất Hạnh, người sáng lập tu viện Làng Mai tại Pháp từ năm 1982.

Mấy chục năm sau, hạt giống Làng Mai đã trở thành một ngành tu riêng có bản sắc và đầy sức sống trong đời sống tâm linh của người Việt nam hải ngoại cũng như người ngoại quốc.

Ðầu tháng 12 năm 2005, thầy Nhất Hạnh về nước với 100 tăng thân Làng Mai đã làm dậy lên luồng dư luận chống và ủng hộ từ nhiều phía.

Cũng trong thời kỳ nầy, thầy Ðức Nghi sang Làng Mai tu tập và được ủy thác cho việc xây tu viện Bát Nhã trên mảnh đất sẵn có của thầy tại Lâm Ðồng có quy mô đủ cho 500 người tu học. Dĩ nhiên, thầy Ðức Nghi được quỹ Làng Mai tài trợ những khoản tiền xây dựng rất lớn tương xứng với công trình xây dựng.

Ngày 7 tháng 7 năm 2006, qua công văn số 525, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chấp nhận cho tăng ni tu viện Bát Nhã tu tập theo pháp môn Làng Mai. Sau đó, gần 400 tu sĩ, hầu hết là trẻ tuổi đã đến tu học tại đây.

Ngày 10 tháng 9 năm 2008, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ tố cáo tăng ni Làng Mai vi phạm luật pháp và vài ngày sau đó thì công an Lâm Ðồng chỉ thị trục xuất 400 tu sĩ Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã. Thế nhưng lệnh trục xuất được hoãn lại khi một phiên họp khẩn cấp được tổ chức tại Sài Gòn với đầy đủ đại diện chính quyền các ban ngành liên hệ nhưng lại không có đại diện Làng Mai.

Thời gian tiếp theo, 400 tăng ni vẫn ẩn nhẫn nghiêm trì tu học. Nhưng đến ngày 27, 28 và 29 tháng 6 năm 2009 thì có khoảng vài trăm người tuổi trẻ, hành động theo kiểu xã hội đen đến tu viện Bát Nhã, xông vào đập phá đồ đạc, vứt bỏ đồ ăn và vật dụng của tu sĩ, khoá cửa ra vào và cúp hết điện nước. Theo hình ảnh và thông tin của các thông tấn xã nước ngoài, đám người tấn công tu viện Bát Nhã bằng lời lẽ nhục mạ qua loa phóng thanh và biểu ngữ "đả đảo Làng Mai..." Tu viện hoàn toàn bị cô lập. Tăng ni lên mạng lưới vi tính kêu cứu khắp toàn cầu. Thầy Ðức Nghi lên tiếng kêu gọi tăng ni phải rời khỏi tu viện càng sớm càng tốt.

Trước sự việc nầy, hẳn nhiên Ban Tôn giáo và thầy Ðức Nghi đều hiểu rõ rằng, một khi đã phát nguyện xuất gia, người tu sĩ đã vứt bỏ lại tất cả mọi tiện nghi vật chất, nhà cửa, gia đình lại đằng sau. Mái chùa là nơi duy nhất để một nhà tu nương thân. Xưa nay, kẻ xuất gia chỉ chuyển chùa chứ không có trường hợp bị đuổi ra khỏi chùa không nơi trú ngụ. Ðẩy nhà tu ra khỏi mái chùa duy nhất là một hình thức hủy diệt môi trường sinh hoạt của họ. Các tăng ni không còn sự lựa chọn nào hơn là tiếp tục khiêm nhẫn tu hành dưới áp lực nặng nề của một hoàn cảnh đầy đe dọa.

Giữa tháng 8 năm 2009, giới thẩm quyền nhà nước Việt Nam xác nhận là sẽ trục xuất các tăng sinh và giáo thọ Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã sau ngày 2 tháng 9 năm 2009 nếu họ không chịu tự động bỏ chùa ra đi. Lý do trục xuất được nêu ra là: Các tu sĩ Làng Mai có những vấn đề "nội bộ bất ổn" như thầy Ðức Nghi với tư cách chủ chùa, từ chối tiếp tục bảo lãnh cho các tăng ni ở lại tu học trong phạm vi nhà chùa. Lý do trục xuất khác được nêu lên rằng, nội dung các bài giảng theo tinh thần thiền sư Nhất Hạnh là "bất hợp pháp" và không được giáo hội cho phép!

Nguồn tin 400 tăng ni tu viện Bát Nhã bị đuổi ra khỏi chùa đã làm chấn động môi trường truyền thông đại chúng ở hải ngoại. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan tới vấn đề đâu là nguyên nhân và động cơ chủ yếu của sự việc xuất hiện tấp nập trên mạng lưới truyền thông. Những câu hỏi và câu trả lời mang nặng tính giả định không làm ai thỏa mãn. Tuy nhiên, vai trò của thiền sư Nhất Hạnh trong nội tình Làng Mai Bát Nhã và hướng giải quyết của Thầy như thế nào vẫn là câu hỏi xuất hiện hàng đầu trong chuỗi thắc mắc, trao đổi và luận đàm càng ngày càng dồn dập.

Mới đây, sáng Chúa nhật (27 tháng 9 năm 2009) tin tăng ni Làng Mai ở tu viện Bát Nhã bị những toán người bạo động mang xe và gậy gộc tới cưỡng bức tăng ni lên xe và vứt ra khỏi chùa. Giữa cảnh ban ngày ban mặt, các tu sĩ bị những toán người hành hung đánh đập thô bạo và hốt lên xe trước sự chứng kiến dửng dưng, gần như đồng lõa của các lực lượng an ninh và nhân viên công lực. Cảnh bất nhẫn ấy đã làm dấy lên nhiều câu hỏi và những phản ứng lương tri sâu xa về vai trò chính quyền, giá trị đạo lý, sự hành xử pháp lý và quyền sống căn bản nhất của con người là sự an toàn về mạng sống tại Việt Nam hiện nay.

Vụ Làng Mai Bát Nhã không phải là một trường hợp tình cờ đột biến. Ðây là một diễn tiến kéo dài, xảy ra từng bước theo trình tự thời gian và kéo theo sự quan sát, theo dõi rộng rãi của người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Ðây cũng không phải đơn thuần là một sự việc mang tính "nội bộ xung đột" giữa Làng Mai và Bát Nhã; giữa thầy Ðức Nghi và tu sĩ theo pháp môn Làng Mai của thầy Nhất Hạnh; giữa Ban Tôn giáo Nhà nước và nhóm "dị giáo". Nhưng đây chính là uy tín, là bộ mặt, là biểu tượng nói lên bản chất và bản lĩnh của sự lãnh đạo nhà nước Việt Nam, thông qua các thành viên ban bệ như Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và Giáo hội Phật giáo được chính quyền ủng hộ. Tính nhân bản trong cách giải quyết vấn đề nói lên bản chất; và tính tổ chức trong cách giải quyết vấn đề nói lên bản lĩnh của thế lực lãnh đạo. Ðáng tiếc thay, tính nhân bản và tính tổ chức hầu như đã vắng bóng trong sự cố Làng Mai Bát Nhã, khi sự trục xuất biến thành "giống như là" cuộc trấn áp và bạo hành.

Trả lời cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Á Châu Tự Do, RFA, giáo sư Trần Kiêm Ðoàn đã nhận định như sau:

"Một chính quyền lành mạnh trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có hiến pháp là phải đem luật pháp làm chỗ dựa. Tôn trọng luật pháp để bảo vệ người dân là tiêu chí hàng đầu trong vai trò lãnh đạo. Tu viện Bát Nhã và 400 tăng ni tu theo pháp môn Làng Mai là cơ sở vật chất và tổ chức nhân sự hợp pháp được chính quyền Việt Nam cho phép xây dựng và sinh hoạt. Khi có hiện tượng được xem là bất thường hay phi pháp xảy ra trong một tổ chức hợp pháp, vấn đề cần phải được giải quyết thông qua các cơ chế luật pháp phân minh và văn hoá, như thảo luận, hội nghị, toà án... để xử lý rạch ròi những sự chông chênh, sai trái theo luật định. Trường hợp Làng Mai Bát Nhã, nếu có chăng những biểu hiện sai lệnh từ phía tăng sinh và giáo thọ theo quan điểm của chính quyền, tại sao họ không được phép giải thích và biện minh công khai, trước khi nhận những chỉ thị trục xuất mang tính cách áp đặt một chiều từ phía giới chức có thẩm quyền?"

Trong một lá thư gởi cho các cấp lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt nam, một nhà báo tự do ký tên là Hoàng Hưng cũng nêu lên vấn đề: "ôi không thể tin được rằng một việc bất nhẫn, tàn bạo tầm cỡ như thế có thể ngang nhiên xảy ra trên một đất nước có pháp luật, có sự lãnh đạo toàn diện và triệt để của một Ðảng luôn tự khẳng định là đại diện cao quí của nhân dân. Nhất là, theo các chứng nhân nói trên các phương tiện truyền thông, một lời kêu cứu đến lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng, huyện Bảo Lộc, đều bị lạnh lùng từ chối".

Tác giả lá thư lo ngại về việc mình lên tiếng như sau: "Tôi không thể cầm nổi lòng mình, buộc phải viết thư này gởi đến các vị, mặc dù biết rằng có thể sẽ gây thù chuốc oán với một số người, có thể gặp khó khăn nguy hiểm cho chính bản thân. Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi gian nguy cho bản thân, chỉ mong tiếng nói nhỏ nhoi này đến được tai các vị".

Thiết tưởng đây cũng phải là tâm tình của những người môn đệ Chúa Kitô khi đứng trước bất công: dám nói lên tiếng nói của mình, dù biết "có thể gặp khó khăn cho chính bản thân".

Chúng tôi xin tạm ngưng chuyên mục công giáo và nhân quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quí vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page