Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt

Một người Việt Nam có tâm hồn Costa Rica

 

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt, Một người Việt Nam có tâm hồn Costa Rica (Un Vietnamita muy tico).

Costa Rica (30/09/2009) - Lời người dịch: Trong một cuộc trò chuyện và phỏng vấn Ðức Sứ Thần Toà Thánh tại Costa Rica, một quốc gia nằm ở Trung Mỹ, nữ phóng viên Ángela Ávalos của trang điện tử quốc gia đã viết lên cuộc sống thật đơn sơ, chân tình của một người Việt Nam có tâm hồn Costa Rica. Ðó chính là Ðức Tổng Giáa Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt. Người Việt Nam chúng ta thật tự hào vì đã từng có Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nắm giữ chức Chủ tịch Hội Ðồng Công Lý và Hoà Bình (tương đương chức Bộ Trưởng), và nay, Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt từng làm Sứ Thần Toà Thánh (tức là Ðại sứ) ở các nước Phi Châu và hiện nay là Sứ Thần Tòa Thánh nước Costa Rica. Chúng ta cùng theo dõi bài viết này. Nếu quí vị nào muốn đọc nguyên văn bằng tiếng Tây Ban Nha, Xin vào trang điện tử này: http://www.nacion.com/proa/2009/septiembre/20/proa2090992.html).


Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Toà Thánh tại Costa Rica.


Có hai chú ngỗng và một bàn thờ dâng kính Ðức Mẹ Ðen (Bổn mạng của người dân Costa Rica) trong vườn Toà Khâm Sứ. Một người Việt Nam thuộc dòng dõi của một thánh tử đạo, đó là Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Toà Thánh tại đất nước Costa Rica xinh đẹp.

Cách đây 60 năm Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt được sinh ra ở miền Nam Việt Nam và hiện nay được biết đến với tên Việt Nam. Ngài sinh ra trong một gia đình đông con và nơi cư trú của gia đình ngài cách Sài Gòn 2 cây số.

Về con người Ðức Tổng

Khi nhớ về quê hương của mình, Ðức cha Tốt kể lại rằng Miền Nam Việt Nam trước đây so với Costa Rica có nhiều điểm tương đồng là cùng vĩ độ trên bản đồ, khí hậu giống nhau, rất nhiều cây ăn quả giống nhau cho đến cách đối nhân xử thế cũng giống nhau.

Vậy, phải chăng Ðức Tân Sứ Thần có nhiều điều tâm đắc với xứ sở Costa Rica?

Chưa đầy 1 năm rưỡi đảm nhận công tác như một Sứ thần Toà Thánh ở đất nước này và dù thế nào chăng nữa khi nói về ngài trong vài phút mọi người đều nhận thấy rằng từ ngôi nhà mới của ngài toả lan tình thương mến.

"Tôi rất thích bầu khí tự nhiên và tình người ở đây. Có rất nhiều sự yên tĩnh nơi này!", Ðức cha Tốt đã chia sẻ như vậy vào sáng thứ Năm ngày 20 tháng 8 năm 2009.

Toà Khâm Sứ toạ lạc ở Rohrmoser, Pavas, và Ðức Cha Phêrô Tốt là chủ sở hữu từ lúc Ðức Benedicto XVI bổ nhiệm ngài là Sứ Thần Toà Thánh. Ngài là vị Sứ thần thứ 14 được Toà Thánh bổ nhiệm kể từ khi Costa Rica và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1933, kế nhiệm Ðức cha Osvaldo Padilla, Tổng giám mục người Phi-luật-tân làm Sứ Thần từ năm 2003 đến năm 2008 trước khi được chuyển đến Hàn Quốc.

Các nữ tu Ðaminh thuộc cộng đoàn Betania thuật lại rằng Ðức Sứ Thần rất thích một số món ăn của xứ sở Costa Rica mà lần đầu tiên ngài ăn thử. Ngài cũng mang một số hương vị thức ăn của Việt Nam như hoa sen trong việc pha chế cho các món ăn của mình.

Những người cộng tác rất gần gũi với ngài đều nhận thấy rằng vị Tân Sứ Thần đã có tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với họ tại văn phòng ngoại giao hiện nay cũng như chưa từng bao giờ có được sự gần gũi và cởi mở với những người láng giềng và các tín hữu Công giáo.

Tính cách


Năm 1983 Ðức Giáo Hoàng John Paul II đã ngủ trên chiếc giường này.


Có một điểm đáng chú ý ở đây là dinh thự Rohrmoser - một trong những dinh thự khác biệt nhất trong thủ đô -, đó là Toà Khâm Sứ vẫn còn là một bức màn bí ẩn sau những sau những bức tường xám.

Ðược bao quanh bởi những khu vườn, toà nhà này là văn phòng đại diện ngoại giao chính thức của Giáo Hội Công giáo tại Costa Rica. Có biểu tượng của Toà Thánh.

Toà Khâm Sứ đầu tiên là một dinh thự cổ bằng gỗ, khá đơn giản toạ lạc ở Paseo Colón, San José mà hiện nay biến thành một trạm bán xăng.

Gia đình Rohrmoser đã hiến một trong những vườn ươm cây cà phê cho việc xây dựng toà nhà hiện nay do nhà thiết kế người Ý Humberto Bertolini đảm trách. Ðây cũng là toà nhà mà hiện giờ Ðức Cha Tốt đang cư ngụ và làm việc.

Với quyết định của Ðức Sứ Thần Toà Thánh, ngôi nhà nguyện của Toà Khâm Sứ mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu và có thánh lễ vào lúc 7: 30 sáng. Các ngày Chúa nhật có thánh lễ vào lúc 9: 00 sáng và luôn nhận những lời xin khấn.

Ðức Cha Phêrô Tốt cũng luôn có mặt ở nhà để sẵn sàng đón tiếp những ai đến viếng thăm hay công vụ. "Nếu anh chị em muốn nói chuyện với tôi, hãy đến mà không cần hẹn gì cả" Ðức Cha Tốt cam kết với nụ cười rạng rỡ trên môi.

Chúng tôi hỏi ngài: Và nếu ai muốn xưng tội với Ngài?

- "Thì cứ đến thôi! Anh chị em có thể đến trước hay sau thánh lễ. Chúng tôi sẵng sàng lắng nghe mà", Ngài trả lời rất tự nhiên.

Dù các cổng của Toà Khâm Sứ luôn phải đóng do vấn đề an ninh, cho nên tốt nhất là bấm chuông để các Sơ mở cửa và tiếp khách. "Công việc của tôi là đại diện cho Ðức Thánh Cha để càng ngày càng gần gũi với mọi người", ngài giải thích trong một cố gắng để nói lên sự gần gũi của ngài. Bởi vì nếu người ta muốn, họ có thể đến ngắm và hái hoa ở Toà Khâm Sứ. Vườn hoa này do ông José Mora và con trai ông Olivier trồng, nhưng cũng có nhiều loài hoa sặc sỡ được mang từ châu Phi là trạm dừng chân cuối cùng của Ðức Cha Tốt trước khi đến làm Sứ Thần ở Costa Rica.

Cạnh văn phòng ngoại giao có một bàn thờ kính Nữ vương các thánh Thiên Thần. Bàn thờ này được lợp mái bằng rơm và hiện giờ được biết đến như là "Nhành liễu của Ðức Bà Ðen" và hầu như ngày nào cũng có người đến đọc kinh và dâng hoa kính Mẹ.

Vào ngày 2 tháng 8 năm 2009, chính Ðức Sứ Thần và một số người hàng xóm vùng Rohrmoser cùng hiệp dâng thánh lễ mừng kính thánh bổn mạng Ðức Bà Ðen.

Chưa bao giờ trước đây có một buổi cử hành như thế cho việc tôn kính Ðức Bà Ðen trong một bầu khí ngoại giao trang trọng như thế. Mọi người ở đây rất thích tượng Ðức Bà Ðen và cả Ðức Cha Tốt nữa khi biết rằng bàn thờ Ðức Bà Ðen sẽ mãi được đặt ở đó trong khí Ðức Thánh Cha tiếp tục bổ nhiệm Ðức Cha Phêrô Tốt làm Sứ Thần Thần Toà Thánh tại đây.

(Chúng ta cũng nên nhớ rằng người châu Mỹ Latin rất tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria giống như người Việt của Chúng ta vậy. Bởi thế, các nhà truyền giáo cần lưu ý điểm này để có thể gần gũi với người dân khi muốn rao truyền Lời Chúa cho họ. Nhờ Mẹ Maria họ có thể đến với Chúa. Chú thích người dịch).

"Bất cứ ai cũng có thể đến để tôn thờ Ðức Mẹ Ðen. Nơi đây luôn mở rộng để đón các tín hữu". Ðức Cha Tốt bộc bạch thêm.

Chi tiết

Các nữ tu Ðaminh thuộc cộng đoàn Bêtania thường lo buổi điểm tâm cho Ðức cha. Quyển lịch công tác với bức ảnh của Toà Khâm Sứ ghi rằng "rất hiếm xem các trận bóng đá". Trong bức tường bên cạnh có treo một bức hình khác của Thủ Khoa Nobel Hoà Bình, vị tổng thống đương nhiệm của Costa Rica là ông Oscar Aria Sánchez.


Phái đoàn Việt Nam chụp hình chung với Ðức Tổng Giám Mục trước Tòa Khâm Sứ.


Ngài cũng thường tản bộ trong khu vườn có đồng cỏ xanh ngát và băng qua công viên thành phố với sự đồng hành của các thiên thần. Ngài cười đùa và nói rằng các thiên thần luôn canh giữ ngài.

Một trong những thú vui của ngài là đi chợ trung tâm để thử món kem lạnh đặc biệt của vùng này. Dù không có nhiều thời giờ để thực hiện các cuộc kinh lý nhưng ngài cũng cố gắng để đi vòng quanh khắp nước tìm hiểu các giáo phận và thăm viếng các giám mục. Ðây là một trong những nhiệm vụ chính của ngài.

"Trong những chuyến viếng thăm của tôi, tôi rất thích tản bộ để ngắm những phong cảnh tuyệt vời của miền đất thánh thiêng này, có rất nhiều những kỳ quan và con người ở đây rất là thân thiện". Ðức cha nói thêm.

Khi có thời giờ nhãn rỗi, ngài cũng thường thăm viếng những người già yếu, bệnh tật. "Tôi rất thích Ðại Lộ Trung Tâm (Avenida Central) vì tôi tìm thấy ở đó những khám phá mới mẻ" ngài nói như thế và mong một ngày nào đó sẽ quay lại vào dịp cuối năm để thăm lại nơi này. Ngài yêu mến Costa Rica vì nó làm ngài nhớ lại rất nhiều về nước Việt thân yêu của ngài.

Ðức Cha Phêrô Tốt là một vị đại sứ rất thích những gì đơn giản: Hoa và áo sơ-mi sản xuất tại Việt Nam hoặc chính ở Costa Rica. Ngài là một người rất bình thường, giản dị.

Căn nhà tạm thời của ngài trông bề ngoài cỏ vẻ sang trọng nhưng nội thất khá giản dị và khu hành lang thoáng mát để hít thở không khí. Tất cả những gì ở đây đều được mang đến từ Italia cách đây gần 50 năm và bây giờ vẫn được giữ nguyên vẹn. Phòng ngủ của ngài khá đơn sơ nằm ở tầng hai, và cũng chính căn phòng này vào tháng 3 năm 1983, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II trong chuyến thăm Trung Mỹ đã nghỉ ngơi tại đây.

Ðức Sứ Thần Phêrô Tốt không phải là một người đam mê các kỹ thuật hiện đại. Ngài chỉ dùng Internet để thông tin khi cần thiết. Ngài chẳng phải là một tín đồ của công nghệ hiện đại của thời đại thông tin hiện nay: ngài không dùng điện thoại đi động, không Webcam... ngoài con dấu kỹ thuật số mà thôi.

Ngài cũng không xem truyền hình nhiều ngoài việc xem tin tức, phim tài liệu về lịch sử và văn hoá - và ngài cũng không đến các rạp chiếu bóng, cũng chẳng đến các trung tâm thương mại lớn.

Ngài không dùng các mạng lưới điện toán kỹ thuật cao như Facebook hay Hi5, và dù ngài có một hộp thư email của gmail, nhưng ngài thích dùng hộp thư chính thức của Toà Khâm Sứ là nuapcr@racsa.co.cr.

Thật là thoải mái khi trò chuyện tại phòng khách vì từ đó có thể nhìn ra bãi cỏ xanh ngát bên ngoài.

Gắn liền với mảnh đất này

Phía sân sau của Toà khâm Sứ, 2 con ngỗng được đặt tên là Cachí và Caché mà Ðức Sứ Thần đem về nuôi có nhiệm vụ canh gác trong vườn và luôn tôn trọng ông chủ của chúng.

Ðức Cha Phêrô Tốt có thói quen đi dạo trong vườn để quan sát sự phát triển các loài hoa ngài đem về từ Châu Phi. Ngài rất thích gieo trồng các loài hoa. Trong ban-công của ngài có các chậu hoa đang lớn lên do chính tay ngài gieo hạt. Chính ban-công này là nơi Ðức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II vẫy tay chào đám đông sau chuyến đi từ Nicaragua trở về vào một buổi tối tháng 3 cách đây 26 năm.


Từ trái sang phải: ÐTGM Hugo Barrantes Urena của Costa Rica, Chủ Tịch hạ Viện Costa Rica, ÐTGM Nguyễn Văn Tốt, Thứ Trưởng Ngoại Giao của Costa Rica, Ðại Sứ Argentina tại Costa Rica.


Ðức Cha Phêrô Tốt rất dễ ăn uống, ngài ăn được tất cả các món nhưng ngài công nhận rằng món cơm với đậu hỗn hộp đậm tính Costa Rica là một trong những món ăn mà ngài thích nhất trong các chuyến viễn du như là một nhà ngoại giao của Toà Thánh trong nhiều nước khác nhau trên thế giới.

Và thế là ngài đã ra đi!

Vừa được bổ nhiệm làm Sứ Thần Toà Thánh, thì quốc gia đầu tiên được sai đến là Panama. Sau đó qua Brasil và vòng quanh nhiều nước của lục địa châu Phi.

Ðể trở thành Sứ Thần Toà Thánh, ngài phải chuẩn bị một chương trình ngoại giao lâu dài mà khởi đầu tại Ðại Chủng Viện ở Sài Gòn.

"Tôi đã trải qua 8 năm học ở Ðại Chủng Viện, sau đó tôi được gởi qua Italia học Triết và Thần học. Tôi chịu chức linh mục năm tôi được 25 tuổi". Ngài thuật lại.

Ngài bắt đầu hành nghề ngoại giao như là một thư ký tại một Toà Khâm Sứ. Chức vụ này ngài đã miệt mài làm việc trong gần 20 năm cho đến khi nhận được vinh dự làm Ðại sứ của Ðức Giáo Hoàng. "Tôi bắt đầu học ở Rôma. Tại đây tôi được tiếp xúc với các vị Giáo Hoàng như Ðức Phao-lô VI, Gioan Phao-lô I, Gioan Phao-lô II, và hiện nay là Ðức Bê-nê-đi-tô XVI".

Ngài là một trong 4 linh mục là hoa trái của thánh tử đạo Mát-thêu Lê Văn Gẫm, được Ðức Gioan Phao-lô II phong hiển thánh năm 1988.

"Tôi đã đón nhận nhiệm vụ này để đảm bảo sự hiện diện của Ðức Thánh Cha tại những quốc gia này. Costa Rica là một quốc gia thân thiện, mộ đạo và đầy niềm tin tưởng vào Chúa. Có sự bình an và mọi người rất chăm chỉ làm việc", ngài chia sẻ như thế.

Khi còn sống ở Pa-na-ma, ngài là nhân chứng của sự sụp đổ của chế độ độc tài của tướng Manuel Antonio Noriega (1989). Ngài cũng từng sống ở Ruanda một thời gian ngắn chứng kiến tội diệt chủng mà đánh động toàn thế giới. "Ðây là nơi mà người ta nhận ra được sự quan phòng của Thiên Chúa. Tôi đã giúp được rất nhiều trong những năm khó khăn này". Ngài nói như vậy.

Những vị khách

Costa Rica đã trở lại căn tính Kitô giáo của mình dù vẫn còn xa vời.

Sự nghiệp chính trị như là Sứ Thần Toà Thánh là cánh cửa mở rộng trong một giai đoạn mà Giáo hội Công giáo đã nhận nhiều chỉ trích từ khoảng trống lịch sử vừa qua.

Cậu Olivier, con trai của người làm vườn là người đã có thâm niên 7 năm chăm sóc hoa và cây cảnh của văn phòng này, mô tả Ðức Sứ Thần là một con người hăng say và có một niềm tin đầy xác tín. Ba của cậu, ông José, phụ trách về thi hành nhiệm vụ của Ðức Sứ Thần để xây dựng bàn thờ kính Ðức Bà Ðen. Elizabeth Pantalone, một phụ nữ Venezola gốc Ý, phụ trách ở văn phòng thư ký từ 3 năm qua có lời nhận xét rằng Ðức Sứ Thần là một con người "rất đặc biệt".

Ðức Cha Phêrô Tốt nói được 6 thứ tiếng (Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Ðức, Bồ Ðào Nha, và dĩ nhiên, tiếng Việt). Ngài biết cười duyên và bắt tay trong tất cả các ngôn ngữ, một đặc tính cần thiết trong lĩnh vực ngoại giao.

Một người hiểu biết những trọng trách lớn phải là người hiểu những nhân viên khác trong văn phòng ngoại giao.

Trong vai trò của mình như là Ðại sứ, ngài đã đón tiếp Tổng thống Óscar Arias Sánchez, các bộ trưởng và các giám mục thuộc Hội Ðồng Giám mục Costa Rica.

Ví dụ, ngài đã thực hiện nhiệm vụ đó trong ngày lễ của Ðức Giáo Hoàng khi cử hành ngày lễ kính thánh Phao-lô và Phêrô (29/6), và khi phải tiếp đón các vị đồng nhiệm viếng thăm Toà Khâm Sứ nữa.

Ở tầng 1 của văn phòng Toà Khâm Sứ có một phòng khách lớn đủ chỗ để tiếp khách. Ngoài ra cũng có một phòng khác khá rộng ở ngay lối vào.

3 nữ tu người Co-lom-bi-a thuộc Dòng Ðaminh phụ trách công việc bếp núc và nội trợ. Trong toà khâm sứ chỉ có 5 người thường trực ở đây là Ðức Sứ Thần, 3 nữ tu và một thư ký do Toà Thánh bổ nhiệm. Ðức Sứ Thần không rõ là ngài sẽ ở đây đến bao lâu vì tùy quyết định của Ðức Thánh Cha. Tuy nhiên, thông thường thì các Sứ Thần được bổ nhiệm làm việc ở Costa Rica là 6 năm. Có 2 vị Sứ Thần làm việc tại đây lâu nhất là Ðức cha Lajos Kada (1975-1989) và Ðức Cha Pier Giacomo de Nicoló (1984-1993). Nhưng điều đó chẳng mấy quan trọng vì Ðức Cha Phêrô Tốt sẽ tiếp tục thưởng thức món cơm nấu với súp đậu và những cuộc tản bộ qua La Sabana có các thiên thần đồng hành, và các thiên thần ấy chính là những người lính bảo vệ tốt nhất của ngài.

 

(Nguồn: http://www.nacion.com/proa/2009/septiembre/20/proa2090992.html, người chuyển ngữ Lm. Trần Xuân Sang, SVD)

Lm. Trần Xuân Sang, SVD

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page