Ðức Thánh Cha chia sẻ với tín hữu
một số cảm tưởng và kinh nghiệm
chuyến viếng thăm của ngài tại Tchèques
Ðức Thánh Cha kêu gọi Âu châu tìm lại căn cội Kitô và đừng sợ hãi chân lý.
Ðức Thánh Cha chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng và kinh nghiệm chuyến viếng thăm của ngài tại Cộng Hòa Tchèques.
Roma (Vat. 30/09/2009) - Âu châu cần tìm lại côi nguồn kitô của mình, không sợ hãi chân lý và dấn thân sống chứng tá tin mừng làm sao để tình yêu và sự sống chiến thăng trong gia đình và ngoài xã hội.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung gần 30,000 tín hữu và khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 30-9-2009.
Như qúy vị và các bạn đã biết Ðức Thánh Cha vừa công dụ mục vụ Cộng Hòa Tchèques về. Vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng và kinh nghiệm chuyến viếng thăm của ngài. Trước hết Ðức Thánh Cha đã cảm tạ Thiên Chúa cho ngài hoàn thành chuyến hành hương tại quốc gia này. Ðề cập đến ý nghĩa chuyến viếng thăm Ðức Thánh Cha nói:
Ðó đã thực sự là một cuộc hành hương, đồng thời cũng là một việc truyền giáo giữa lòng Âu châu: hành hương vì từ hơn một ngàn năm nay Boemia và Moravia là vùng đất của đức tin và sự thánh thiện; truyền giáo vì Âu châu cần tái tìm lại nơi Thiên Chúa và tình yêu thương của Ngài nền tảng vững vàng của niềm hy vọng. Không phải tình cờ mà các thánh Cirillo, Metodio, các vị truyền giáo của các dân tộc này là bổn mạng của Âu châu cùng với thánh Biển Ðức. Khẩu hiệu của chuyến công du là "Tình yêu của Chúa Kitô là sức mạnh của chúng ta". Nó vang vọng đức tin của biết bao nhiêu chúng nhân anh hùng của qúa khứ xa xưa và gần đây. Tôi đặc biệt nghĩ tới các chứng nhân anh hùng của thế kỷ vừa qua, nhưng đặc biệt khẩu hiệu ấy muốn diễn tả xác tín của các Kitô hữu ngày nay. Phải, sức mạnh của chúng ta là tình yêu của Chúa Kitô. Một sức mạnh gợi hứng và linh hoạt các cuộc cách mạng đích thực, an bình và giải phóng, và nâng đỡ chúng ta trong những lúc gặp khủng hoảng, cho phép chúng ta đứng lên, khi sự tự do được tái chiếm với biết bao nhiêu mệt nhọc, có nguy cơ bị lạc mất.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã gợi lại thứ tự các sinh hoạt viếng thăm của ngài. Trước hết là gặp gỡ tổng thống và các giới chức đạo đời của nước Tchèques, rồi ngài kính viếng tượng Chúa Hài Ðồng Praha trong nhà thờ Ðức Bà Chiến Thắng. Tượng nhắc nhớ biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người và ở gần chúng ta. Ðức Thánh Cha nói ngài đã cầu nguyện cho tất cả mọi trẻ em và cha mẹ chúng, cũng như cho tương lai của gia đình. Sự chiến thắng đích thật mà chúng ta xin với Mẹ Maria đó là sự chiến thắng của tình yêu và sự sống trong gia đình và xã hội.
Tiếp đến là lâu đài Praha bao gồm nhiều dinh thự, đài kỷ niệm và cơ cấu quốc gia, trong đó nhà thờ chính tòa chung sống hòa hợp với lâu đài, quảng trường và công viên, trong sự khác biệt. Trong buổi gặp gỡ các vị lãnh đạo chính trị và dân sự Ðức Thánh Cha đã nhắc lại mối dây liên kết không thể phân rẽ giữa sự tự do và chân lý. Không cần phải sợ hãi chân lý, vì nó là bạn của con người và của sự tự do. Còn hơn thế nữa chỉ trong việc chân thành kiếm tìm chân thiện mỹ con người mới thực sự cống hiến một tương lai cho người trẻ ngày nay và cho các thế hệ đến sau. Chính vẻ đẹp luân lý lịch sử và tôn giáo thu hút du khách tới viếng thăm Praha. Vì thế những người có trách nhiệm trong lãnh vực chính trị, giáo dục phải biết kín múc từ ánh sáng chân lý đó tia sáng sự Khôn Ngoan vĩnh cửu của Ðấng Tạo Hóa và được mời gọi làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Chỉ có sự dấn thân trí thức và luân lý nghêm chỉnh mới xứng đáng với hy sinh của biết bao nhiêu người đã trả giá mắc mỏ cho sự tự do!
Vẻ đẹp rạng ngời của nhà thờ chính tòa kính thánh Vito, Venceslao và Adalberto biểu tượng cho tổng hợp giữa chân và mỹ. Tại đây Ðức Thánh Cha đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể với hàng giáo sĩ tu sĩ và đại diện các phong trào giáo dân. Ðối với các cộng đoàn Trung và Ðông Âu đây là một giai đoạn khó khăn sau mùa đông đài phải sống dưới chế độ độc tài vô thần gây ra các hậu qủa tàn hại của chủ trương tục hóa và cộng sản đông âu. Nhưng Ðức Thánh Cha đã khuyến khích mọi người kín múc năng lực mới nơi Chúa Phục Sinh để là men Tin Mừng trong xã hội và dấn thân trong các hoạt động bác ái giáo dục và học đường.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ rằng ngài đã trải dài sứ điệp hy vọng dựa trên lòng tin nơi Chúa Kitô đó, trên toàn thể Dân Chúa trong hai thánh lễ cử hành tại Brno, thủ phủ vùng Moravia, và tại Stará Boleslao, nơi thánh vương Vencceslao, Bổn mạng nước Tchèques, tử đạo. Moravia nhắc nhớ tới hai thánh Cirillo và Metodio là các người đã rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc Slaves, và cũng nhắc nhớ tới sức mạnh vô tận của Tin Mừng, như một dòng sông của nước chữa lành chảy qua lịch sử và các đại lục đem sự sống và ơn cứu độ tới khắp nơi. Trên cánh cửa nhà thờ chính tòa Brno có khắc câu nói của Chúa Giêsu: "Các con là những kẻ mệt nhọc và bị áp bức hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ bổ sức cho" (Mt 11,28). Cuộc sống của của các thánh bổn mạng của các nước khác nhau như thánh Venceslao là dấu chỉ hùng hồn chức là Chúa ơn thánh và lòng thương xót của Chúa Kitô. Ðức Thánh Cha đã ca ngợi gương sống của thánh vương Venceslao như sau:
Venceslao đã đặt để nước trời trước sự hấp dẫn của quyền bính trần gian và đã luôn luôn sống trong tim người dân Tchèque, như là mẫu gương và vị bảo trợ trong các biến cố lịch sử. Tôi đã mời gọi đông đảo người trẻ đến từ các nước lân cận hiện diện trong thánh lễ kính thánh Venceslao, nhận ra nơi Chúa Kitô người bạn đích thật thỏa mãn được các khát vọng sâu thẳm nhất của trái tim con người.
Trong chuyến viếng thăm Ðức Thánh Cha cũng có hai cuộc găp gỡ khác: thứ nhất là cuộc gặp gỡ đại kết trong tòa tổng giám mục Praha với đại diện các cộng đoàn Kitô khác tại Cộng Hòa Tchèques và vị đặc trách Do thái giáo. Trong lịch sử nước này đã có các xung khắc mạnh mẽ giữa các Kitô hữu, nhưng cảm tạ Chúa đã cho mọi người giờ đây gặp gỡ nhau trong lòng tin và niềm vui để cùng nhau đương đầu với các thách đố hiện tại và hướng tới chỗ hiệp nhất hữu hình trong Chúa Kitô. Nó khích lệ cùng nhau dấn thân tái khám phá ra gốc rễ Kitô của Âu châu.
Tiếp tục bái huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Tìm lại nguồn gốc Kitô của Âu châu đã là điều Ðức Gioan Phaolo II rất lưu tâm, và Ðức Thánh Cha đã đề cập tới vấn đề này trong cuộc gặp gỡ đại diện các đại học, các giáo sư và giới sinh viên cũng như giới trí thức văn hóa. Ngài đã nhấn mạnh vai trò của đại học là một trong các cơ cấu hướng dẫn Âu châu. Ðại học Carlo Praha là một trong các đại học cổ kính và uy tín nhất Âu châu, do vua Carlo IV cùng thành lập với Ðức Giáo Hoàng Clemente VI. Ðại học là môi trường sống động đối với xã hội, nó bảo đảm cho sự tự do và phát triển như đã xảy ra trong cuộc cách mạng êm như nhung cách đây 20 năm. Nó đã tái đề nghị nền giáo dục nhân bản toàn vẹn, dựa trên sự hiệp nhất và hiểu biết đâm rễ sâu nơi chân lý để chống lại một sự độc tài mới của chủ trương tương đối hóa đồng hành với kỹ thuật. Nền văn hóa nhân bản và khoa học gắn liền nhau, và là hai mặt của cùng một chiếc mề đai. Các nhân vật tên tuổi của nước Tchèques như nhà văn Kafka và viện phụ Mendel, người đi tiên phong trong nghành di truyền học, nhắc nhớ cho biết điều đó.
Ðức Thánh Cha đã không quên cám ơn tổng thống, chính quyền và các giới chức đạo đời Tchèques đã đón tiếp ngài rất nồng hậu cũng như tất cả mọi người đã góp phần làm cho chuyến hành hương của ngài diễn ra tốt đẹp.
Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)