Ý nghĩa chuyến viếng thăm
Cộng Hòa Tiệp của Ðức Thánh Cha
Ý nghĩa chuyến viếng thăm Cộng Hòa Tiệp của Ðức Thánh Cha.
Roma [La Croix 24/09/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ngày thứ Bảy 26 tháng 9 năm 2009, Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ lên đường viếng thăm Cộng Hòa Tiệp. Trong chuyến viếng thăm này, Ðức thánh cha sẽ nói đến sự đóng góp của người Công giáo cho tương lai của các xã hội Âu châu.
Nhìn từ Roma, chuyến viếng thăm này sẽ được đánh dấu mạnh bởi lịch sử. Ngày thứ Hai 28 tháng 9 năm 2009, dân chúng Tiệp sẽ mừng lể thánh Wenceslas tử đạo, quan thầy của xứ sở. Tại Stara Boleslav là nơi mà quốc vương Wenceslas I chịu tử đạo vào năm 929 và trước sự hiện diện của tổng thống Cộng Hòa Tiệp, ông Vaclav Klaus, Ðức thánh cha sẽ nhắc lại những cội rễ Kitô của quốc gia này.
Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhựt 20 tháng 9 năm 2009, khi loan báo chuyến viếng thăm Cộng Hòa Tiệp, Ðức thánh cha đã khẳng định: "Tôi sẽ tôn vinh các chứng nhân anh hùng của Tin Mừng trong quá khứ cũng như ngày nay và tôi sẽ khuyến khích mọi người tiến bước trên con đương bác ái và sự thật".
Một nhà ngoại giao của Tòa Thánh đặc trách về hồ sơ chuyến viếng thăm này nói rằng, đối với Ðức thánh cha, "văn hóa và nhà nước Tiệp đã được khai sinh trong Kitô giáo".
Ngay từ năm 845,14 đại diện của giới quý tộc Tiệp đã được rửa tội tại Regensburg. Một thế hệ sau, hai vị thánh anh em Cyrillo và Metodio đã đưa vào Moravia văn tự, Kinh Thánh và các sách phụng vụ. Nhưng vào thế kỷ 15, đất nước này đã được ghi đậm dấu ấn của Jean Hus, một nhà thần học tiền hô của Phong Trào Cải Cách đã bị giáo quyền ra vạ tuyệt thông và thiêu sống. Ông đã trở thành một nhà anh hùng dân tộc, tượng trưng cho cuộc tranh đấu vì tự do chống lại đế quốc Áo và chống lại Roma. Theo nhiều nhà quan sát, chính đây là khởi đầu của tiến trình tục hóa vốn vẫn còn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.
Ngày 12 tháng 11 năm 1989, chỉ 5 ngày trước khi bùng nổ cuộc cách mạng thường được mệnh danh là "cuộc cách mạng êm như nhung", đức Gioan Phaolo II đã phong thánh cho thánh nữ Agnes thành Praha, qua đời năm 1282. Hai năm trước đó, Ðức hồng y Frantisek Tomasek, Tổng giám mục thủ đô cộng hòa Tiệp, đã công bố chương trình "10 năm canh tân thiêng liêng của Giáo hội". Ðã có 5 trăm ngàn người ký tên vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu chính quyền cộng sản Tiệp tái lập tự do tôn giáo. Chính phủ cộng sản đã mở ra một cuộc đàn áp dã man.
Ðức thánh cha Benedicto XVI đã chọn thời điểm này để thực hiện chuyến viếng thăm Cộng Hòa Tiệp. Thật vậy,Ngài đến đây để mừng kỷ niệm 20 năm bức tường ô nhục Berlin sụp đổ và, theo lời cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, để mừng "sự hồi sinh ôn hòa của nền dân chủ". Bởi lẽ tại Cộng Hòa Tiệp, chế độ cộng sản đã kiểm soát toàn diện các linh mục và giáo dân; dưới chế độ này, trên 13 ngàn nam nữ tu sĩ bị đi đày, mọi hiệp hội Công giáo bị cấm chế, mọi phương tiện truyền thông đều bị ngăn cấm. Ðó là chưa nói đến việc nhà nước tịch thu tài sản của Giáo hội và đóng cửa mọi cơ sở giáo dục của Giáo hội.
Theo Tòa Thánh, đây chính là yếu tố đã góp phần củng cố não trạng thù nghịch hay dửng dưng của xã hội đối với Giáo hội.
Hiện nay, Cộng Hòa Tiệp là quốc gia Trung Âu có tỷ lệ thực hành đạo thắp nhứt trong lục địa: chỉ có khoảng 5 phần trăm dân số thực hành đạo.
Năm 2005, khi tiếp các Ðức giám mục Tiệp về Roma viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, Ðức thánh cha Gioan Phaolô II nói: "Giáo hội của anh em rất sống động và cảm thấy được mời gọi đóng vai trò "men" trong một xã hội tục hóa".
Một viên chức làm việc tại phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh giải thích: "cho đến năm 1968, chủ nghĩa cộng sản đã chưa thực sự làm suy giảm được sự thực hành đạo. Lúc đó tỷ lệ thực hành đạo tại Tiệp là 50 phần trăm. Nhưng kể từ năm 1968, sau khi Minh ước Varsava thành hình, niềm hy vọng đã sụp đổ. Các cuộc rửa tội và hôn phối suy giảm; người dân như thể đánh mất đức tin lẫn niềm tin vào tương lai".
Chính vì vậy mà trong buổi đọc Kinh truyền tin trưa Chúa Nhựt vừa qua, Ðức thánh cha đã nhấn mạnh: "Cộng hòa Tiệp, xét về mặt địa lý và lịch sử, nằm ở giữa Âu Châu. Sau khi đã trải qua những thảm kịch của thế kỷ trước, nước này, cũng như toàn lục địa Âu châu, cần tìm lại được những lý do để tin tưởng và hy vọng".
Như vậy, theo cha Lombardi, giữa lòng một xã hội tục hóa, Ðức thánh cha sẽ mời gọi thực hiện một công cuộc đại kết chân thành, nhằm mang lại niềm tin và sự khả tin của các tín hữu Kitô trong sự đóng góp vào việc xây dựng một tương lai chung.
Một Âu Châu được giải thoát khỏi bức tường Berlin, sẽ được nhắc đến trong các phát biểu của Ðức thánh cha, để lục địa này "không chỉ quan tâm đến những khía cạnh vật chất và kinh tế, mà còn mang theo những giá trị phong phú để bảo đảm cho phẩm giá con người".
Ngoài ra, bên lề các cuộc cử hành chính thức, Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng sẽ hội kiến với chính quyền Tiệp để bàn về việc trao trả lại những tài sản của Giáo hội đã bị chế độ cộng sản tịch thu. Ðây là vấn đề hiện vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.
Chu Văn