Tòa thánh và việc giải trừ vũ khí

 

Tòa thánh và việc giải trừ vũ khí.

Vienne [Zenit 21/09/2009] - Tòa thánh kêu gọi làm những bước nghiêm chỉnh và cụ thể để tiến tới việc cấm phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Phát biểu tại phiên khoáng đại lần thứ 53 của Cơ quan năng lượng nguyên tử tại Vienne, Áo Quốc, từ ngày 15 đến 18 tháng 9 năm 2009, Ðức cha Marcelo Sanchez Sorondo, trưởng đoàn Tòa Thánh, nói rằng cần phải cương quyết ngăn cấm việc phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân không những để chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân, mà còn để thực hiện một nền văn hóa sự sống và hòa bình có thể thăng tiến một cách hữu hiệu sự phát triển toàn diện của các dân tộc.

Theo vị đại diện của Tòa Thánh, một trong những thách đố mà xã hội ngày nay có thể và phải đối phó là nhu cầu năng lương ngày càng gia tăng và tình trạng buôn bán nguyên liệu hạt nhân một cách bất hợp pháp.

Trích dẫn thông điệp "Bác ái trong sự thật" (Caritas in Veritate) của Ðức thánh cha Beneđitô XVI, Ðức cha Sorondo nói rằng "để nhân loại có thể thực sự chung sống với nhau, cần phải không ngừng bảo vệ và thăng tiến một sự phát triển nhân bản thật sự".

Với mục đích đó, theo Ðức cha Sorondo, một trong những ưu tiên hàng đầu của Cơ Quan năng lượng nguyên tử phải là "khuyến khích và củng cố sự hợp tác về năng lực nguyên tử vì hòa bình và thịnh vượng".

Ngoài ra Ðức cha Sorondo cũng đề cao các kiến thức về hạt nhân trong những lãnh vực khác như y khoa, nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nguồn nước uống. Theo vị đại diện của Tòa thánh, những sinh hoạt này cần phải được đặt vào trong bối cảnh của một sự phát triển rộng lớn hơn luôn đặt con người vào trọng tâm.

Có những dấu hiệu mà vị đại diện của Tòa Thánh cho là tích cực: đó là Hội Nghị lần thứ 8 sẽ diễn ra tại New York vào năm 2010 tới đây để duyệt lại Hiệp Ước cấm phổ biến vũ khi hạt nhân. Hiệp ước này đã đi vào công pháp quốc tế từ năm 1970.

Từ lâu nay, chỉ có 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân trong tay là Hoa kỳ, Anh Quốc , Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Ngoài ra, gần đây, một số nước như Ấn Ðộ, Israel, Pakistan cũng đã phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng đứng bên ngoài Hiệp Ước.

Cứ mỗi năm năm, 188 quốc gia ký tên phê chuẩn Hiệp ước đều gặp nhau để duyệt lại việc thi hành Hiệp Ước.

Hiện nay trên thế giới có hơn 26 ngàn đầu đạn hạt nhân và một số quốc gia đang mong muốn được gia nhập khối các nước có vũ khí hạt nhân.

Hôm 18 tháng 9 năm 2009, lần đầu tiên kể từ gần 20 năm nay, Cơ quan năng lương nguyên tử đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Israel gia nhập Hiệp Ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và cho quốc tế được thanh tra các cơ sở hạt nhân của mình.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page