Nhận định về lời tuyên bố
của thủ tướng Việt nam
liên quan đến nhà đất tôn giáo
Nhận định về lời tuyên bố của thủ tướng Việt nam liên quan đến nhà đất tôn giáo.
(Radio Veritas Asia 22/09/2009) [theo bản tin của Ðài VOA và Vietcatholic] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Theo một bản tin của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA mới đây, thủ tướng Việt nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố rằng chính phủ Việt nam sẽ không chấp nhận yêu cầu của Tòa Thánh Vatican đòi giao hoàn cho Giáo hội Công giáo những tài sản đã bị chính phủ tịch thu.
Ông Dũng đã cho biết như thế tại Budapest hôm thứ Sáu, 18 tháng 9 năm 2009, sau cuộc thảo luận về vấn đề thương mại với Thủ tướng Hungary, Gordon Bajnai.
Khi trả lời các câu hỏi của phái viên đài VOA, ông Nguyễn Tấn Dũng đã bênh vực cho việc chính phủ ông ngăn không cho Giáo hội Công giáo lấy lại đất đai và tài sản đã bị nhà nước tịch thu từ năm 1954.
Thủ tướng Việt nam tuyên bố như sau:
"Việt Nam bảo đảm mọi người Việt Nam tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, có tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng. Việc tài sản đất đai của các tôn giáo ở Việt Nam phải thực hiện đúng theo hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Ở Việt Nam tôi xin nói rõ với các bạn là không có tài sản của Vatican ở Việt Nam. Trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có đất đai của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của nhà nước Việt Nam. Không có bất cứ một tài sản nào của tôn giáo ở nước ngoài của Vatican là ở Việt Nam. Những cái đòi hỏi cái gọi là tài sản của Vatican là một đòi hỏi vô lý và không phù hợp với hiến pháp và pháp luật của Việt Nam."
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết như thế trong lúc có tin là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ đến nước Ý vào tháng 11 hoặc tháng 12 năm 2009 để hội kiến Ðức Giáo hoàng Benedicto 16 trong khuôn khổ của những nỗ lực nhằm tái lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Tòa thánh Vatican.
Sau đây, chúng tôi xin được trích đọc hầu quí vị và các bạn nhận định của tác giả Ðỗ Hữu Nghiêm trong bài một bài viết đăng trên Trang mạng Vietcatholic số ra ngày 20 tháng 9 năm 2009.
Theo tác giả, "ở bất cứ quốc gia hay lãnh thổ nào, trong suốt dòng lịch sử, người công dân một nước có quyền tự nhiên được cư ngụ ổn định một cách có tình có lý trên một miếng đất mình sở hữu từ gia đình do kế thừa, mua bán hay khai thác hợp pháp, nhân bản của quốc gia ấy.
Trong một quốc gia độc lập, thì quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân của quốc gia ấy, nhưng nhà nước quản lý nhân dân phải uyển chuyển phân bố lại đất đai ấy theo hoàn cảnh cụ thể của từng thành phần.
Nhà đất theo truyền thống và tập quán của từng nơi có nhiều cách phân bố theo chế độ sở hữu tư nhân, sở hữu công điền thổ hay chế độ sở hữu hỗn hợp uyển chuyển theo thời gian, diện tích, loại đất đai và nhu cầu thực tế, được phân bố cho người sở hữu.
Trước khi Phương Tây có quan hệ với Việt nam, toàn thể đất đai của quốc gia đều theo lệ công điền thổ theo quân cấp từ làng xã, tổng huyện, tỉnh hay triều đình. Truyền thống chế độ công điền thổ về nguyên tắc, rất hợp lý, vì ai có nhu cầu nhiều thì được cấp nhiều, nhưng có rất nhiều bất công vì các quan lại và địa chủ thâm lạm khiến cho kế hoạch quân cấp điền thổ rất bất bình đẳng.
Trong chế độ hiện nay, chính quyền giành quyền độc lập lý luận đất đai là thuộc chủ quyền quốc gia và người quản lý quốc gia có toàn quyền phân phối ruộng đất theo nguyên tắc về nhu cầu công ích phối hợp với quyền sống và lao động của công dân.
Nguyên tắc chỉ đúng khi những người cầm quyền quản lý luôn luôn có phán đoán chính xác và có đạo lý công tâm, nhân bản trong việc xử dụng và phân phối đất đai. Nhưng trong quá trình đấu tranh dành độc lập, lực lượng kháng chiến đã áp dụng nhiều biện pháp giành quyền kiểm soát đất đại theo chế độ "cải cách ruộng đất theo kiểu đấu tố", đầy tàn ác và phi nhân, bất công. Sau này, áp dụng chính sách "người cày có ruộng" một cách nghiệt ngã khiến người dân bám vào đất đai mà không đủ sống và không có phương tiện phát triển cuộc sông được. Thực trạng đó đã được nhiều nhân chứng phanh phui quá hiển nhiên.
Chính vì thực tế và lập luận mâu thuẫn đó mà không chỉ một mình Công giáo mà tất cả mọi tôn giáo và nhân dân bị hàm oan ở Việt nam hiện đang nổi lên ở hầu như tại khắp nơi, phản ứng lại nhà nước. Mới nhất là vụ Bát Nhã, Tâm Tòa, Loan Lý. Nhưng khi nắm được chính quyền thì nhà nước đã cấu kết với tư bản nước ngoài ký những hợp đồng giả mạo để chia chác tiền đầu tư, đầu cơ bán đất lại cho người khác làm lợi riêng cho bản thân và gia đình hay phe nhóm.
Những vụ đầu cơ đủ loại tham nhũng về đất đai bị báo chí phanh phui đã bị nhà nước dùng bạo lực, công an và quân đội, tòa án và du côn trấn áp đánh đập, ngăn chặn".
Trong bài tường thuật về diễn biến mới đây tại Giáo xứ Loan Lý, nhóm "linh mục Nguyễn Kim Ðiền" đã đưa ra nhận định như sau: "Việc cưỡng chiếm một tài sản của tư nhân, nhất là của tập thể tôn giáo, dù để làm một công trình công cộng nào đó [như Tòa khâm sứ, linh địa Thái Hà, đã bị biến thành công viên...] vẫn là một hành vị bất công, không thể nào biện minh được, vì xâm phạm quyền tư hữu chính đáng và vì chính tài sản đó của tôn giáo cũng nhắm phục vụ cộng đồng... Việc chiếm một ngôi trường của tôn giáo để làm một ngôi trường công cộng cũng không thể chấp nhận được và ngoài ra, còn là một hành vi phản giáo dục hoàn toàn.
Phần các giáo dân giáo xứ Loan Lý [vốn còn gọi là Luân Lý, nghĩa là lấy đạo làm gốc, làm trọng, sống bác ái công bình], họ chỉ biết sống đời hiền lương từ bao năm nay, đêm nhà không đóng cửa, ngày vườn không hàng rào. Tuy nhiên, họ vẫn quyết bênh vực sự thật. Qua việc bảo vệ tài sản Giáo hội, họ chỉ muốn đấu tranh cho một cái gì rộng lớn hơn: đó là dân chủ nhân quyền, và tự do tôn giáo.
Chu Văn