Thành lập Hàn Lâm Viện Công Giáo Pháp

 

Thành lập Hàn Lâm Viện Công Giáo Pháp.

Pháp [La Croix 22/09/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Ba 22 tháng 9 năm 2009, một tổ chức Công giáo Pháp có tên là "Hàn Lâm Viên Công Giáo Pháp" vừa ra mắt. Theo dự trù, đại hội đầu tiên của Hàn Lâm Viện này sẽ được khai diễn vào ngày 23 tháng 10 năm 2009.

Vào giữa lúc Giáo hội Công giáo tại Pháp ngày càng mất ảnh hưởng trong xã hội, sáng kiến thành lập một Hàn Lâm Viện Công Giáo có lẽ khiến cho một số người bỉu môi cười cợt. Liệu có thể có một tổ chức vừa là "hàn lâm" lại vừa là "Công giáo" không?

Ðây quả là một hành động can đảm của các nhà trí thức Công giáo Pháp.

Dưới cái nhìn của nhiều thành viên của Hàn Lâm Viện cũng như các tổ chức cổ võ việc thành lập Hàn Lâm Viện như 8 phân khoa thần học tại Pháp, Thánh Kinh Học Viện Gierusalem và nhiều tạp chí Công giáo Pháp, đây là một sáng kiến đầy can đảm. Ở vào năm 2009, những người có suy tư và tự nhận mình là người Công giáo cảm thấy có nhu cầu phải gặp nhau hay đúng hơn tỏ rõ căn tính của mình.

Với cái chết của một nhà trí thức Công giáo nổi tiếng là ông René Rémond, thời đại của "trí thức Công giáo" Pháp tưởng như đã chấm dứt. Thật vậy, cho đến năm 1975, người ta vẫn còn thấy nhiều trí thức Công giáo Pháp rất dấn thân trong xã hội và chính trị.

Ông Remond, cựu chủ tịch của Hội khoa chính trị học Pháp, được nhiều người xem như một trí thức Công giáo rất dấn thân trong sinh hoạt chính trị. Theo sử gia Denis Pelletier, ông là hiện thân của một sự "trung gian ba mặt": tức giữa Giáo hội, trong đó ông luôn được kính trọng và giới giáo dân Pháp mà ông là thành viên cũng như với xã hội tục hóa, trong đó mọi người đều nhìn nhận khả năng chuyên môn của ông.

Nhưng gương mặt Công giáo Pháp này xem ra không có người kế thừa. Trong thập niên 90, nhựt báo "Le Monde" có một bài viết với nhan đề "sự thinh lặng của giới trí thức Công giáo". Ðây cũng chính là sự thinh lặng mà ông Remond đã than phiền hồi năm 2000, khi đưa ra nhận xét rằng tư tưởng Kitô đã biến mất trong cuộc tranh luận công cộng.

Chính trong bối cảnh này mà "Hàn Lâm Viện Công Giáo Pháp" chào đời. Nhưng theo cha Philippe Capelle, một triết gia và là một trong những người thành lập Hàn Lâm, mục đích của Hàn Lâm không phải là để "vận động", đưa ra thỉnh nguyện hay bày tỏ lập trường về mọi biến cố thời sự. Mục tiêu của tổ chức không phải là "sự dấn thân" cho bằng là khả năng chuyên môn.

Hàn lâm viện Công giáo Pháp được thành lập theo mô hình của Ðức. Mô hình này nhắm đến cuộc đối thoại của các triết gia, các nhà thần học và khoa học gia. Những người sáng lập Hàn Lâm Viện Công Giáo Pháp cũng nghĩ đến mô hình tại Ý. Tại nước này, tuy với nhiều quan điểm khác nhau, Công giáo vẫn là một đối tác quan trọng trong cuộc tranh luận về tư tưởng.

Tại Pháp hiện nay, người ta khó có thể vẻ được dung mạo chung của người trí thức Công giáo hoặc tập hợp họ lại đằng sau một ngọn cờ chung, bởi vì họ thuộc nhiều tổ chức và khuynh hướng khác nhau.

Ông Edgardo Carosella, một nhà nghiên cứu tại bệnh viện Saint Louis giải thích rằng, với Hàn lâm viện này, giới trí thức Công giáo Pháp muốn mở ra cuộc đối thoại giữa những người thuộc mọi chân trời, với những kiến thức trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Triết gia Remi Brague khẳng định rằng trí thức không có nghĩa là người xử dụng sự hiểu biết của mình để đòi hỏi mọi người phải nhìn nhận uy tín tinh thần của mình. Tuy nhiên, theo ông, một chuyên gia, dù trong lãnh vực rất giới hạn của mình, vẫn có bổn phận phải hướng dẫn người khác về lãnh vực này, nhứt là khi giới truyền thông phổ biến những sai lầm hay những sự thật nửa vời.

Như vậy, tại sao lại tập họp các chuyên gia dưới nhãn hiệu "Công giáo"? Cha Philippe Capelle giải thích rằng Hàn lâm viện Công giáo Pháp sẽ được mở ra cho những người thuộc các tôn giáo khác cũng như những người không có tôn giáo. Cha khẳng định: "Chúng ta đang sống trong một thời kỳ trong đó chúng ta cần phải xác định vị trí cũng như biết đâu là khởi điểm của mình khi lên tiếng".

Tuy nhiên, các thành viên của Hàn lâm viện Công giáo Pháp đều nhìn nhận rằng cần phải tỏ rõ căn tính Công giáo của mình.

Cho dẫu ít được nghe nói tới, các nhà trí thức Công giáo Pháp đã không hoàn toàn biến mất. Hiện vẫn còn có những sản phẩm trí thức có giá trị trong các đại học cũng như các tạp chí. Bà Nathalie Nabert, nguyên khoa trưởng phân khoa văn chương tại Học viện Công giáo Paris nói rằng cần phải tháo gỡ cái nhãn hiệu "bất khoan nhượng" thường đi liền với Công giáo.

Năm 2004, trong tạp chí "Esprit" [tinh thần], cha Philippe Capelle và cha Henri Jerome Gagey đã yêu cầu phải nhìn nhận cuộc gặp gỡ giữa đức tin và lý trí mà truyền thống Công giáo luôn đề cao. Ngoài ra, cũng cần phải đề cao tiếng nói của giáo dân. Từ vài năm nay, công luận có khuynh hướng đồng hóa Giáo hội với hàng giáo sĩ. Triết gia Remi Brague nói: "Chúng tôi muốn cổ võ người trí thức giáo dân lên tiếng, khuyến khích họ ra khỏi khu "biệt lập" mà người Công giáo thường tự nguyện giam mình vào".

Cần phải đợi ba hay bốn năm mới có thể đánh giá về Hàn Lâm Viện Công Giáo Pháp. Tuy nhiên, Hàn Lâm Viện đã xác định được chỗ đứng của mình ngay từ đầu năm nay, khi nổ ra vụ giám mục Williamson, vị giám mục thủ cựu có chủ trương chối bỏ cuộc sát tế người Do thái và được Tòa Thánh rút lại vạ tuyệt thông. Nhân dịp này, Hàn lâm viện Công giáo Pháp đã nói lên được tiếng nói đích thực và đầy thẩm quyền của mình.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page