Vài nét về việc tôn kính

Chúa Giêsu Hài Ðồng tại Cộng hòa Tiệp

 

 

Tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng tại Cộng hòa Tiệp

(Infant Jesus of Prague - "Santo Nino")

 

Vài nét về việc tôn kính Chúa Giêsu Hài Ðồng tại Cộng hòa Tiệp.

Praha [Zenit 15/09/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ viếng thăm Cộng hòa Tiệp từ ngày 26 đến 28 tháng 9 năm 2009.


Tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng tại Cộng hòa Tiệp (Infant Jesus of Prague) đã được trang hoàng lộng lẫy tại Thánh Ðường Ðức Mẹ Toàn Thắng (The Church of Our Lady Victorious) ở Thủ đô Prague, chuẩn bị để đón tiếp ÐTC đến viếng thăm.


Chuyến tông du hải ngoại lần thứ 13 của Ðức thánh cha có chủ đề "Tình yêu Chúa Kitô là sức mạnh của chúng ta". Theo chương trình, ngày 26 tháng 9 năm 2009, Ðức thánh cha sẽ đặt chân đến thủ đô Praha. Tại đây ngài sẽ viếng thăm nhà thờ Ðức Bà Chiến Thắng và tôn kính tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng. Bức tượng hiện đang được tôn kính tại rất nhiều nơi trên thế giới, cách riêng tại Phi Luật Tân là nơi bức tượng được gọi bằng tiếng Tây Ban Nha là "Santo Nino".

Ðể giúp hiểu về xã hội và Giáo hội tại Cộng Hòa Tiệp, chúng tôi xin được gởi đến quí vị và các bạn nội dung bài phỏng vấn mà cha Peter Sleich, bề trên đan viện dòng kín Chúa Giêsu Hài Ðồng tại Praha đã dành cho Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo hội đau khổ.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tổ chức Trợ Giúp các Giáo hội đau khổ, cha bề trên tu viện Dòng Kín Chúa Giêsu Hài Ðồng tại thủ đô Praha, nói rằng Chúa Giêsu Hài Ðồng là niềm hy vọng cho Cộng Hòa Tiệp. Hiện nay có đến 40 phần trăm dân số Tiệp là vô thần. Tỷ lệ giữ Ngày Chúa Nhựt tại Tiệp được xem là thấp nhứt so với các nơi khác trên thế giới. Trong tổng số dân khoảng 10 triệu người, gần 40 phần trăm theo Công giáo.

Mặc dù đưa ra những chỉ số trên đây, cha Sleich vẫn tỏ ra lạc quan. Cha nói: "Tất cả đều có thể thay đổi nhanh chóng. Ðó là điều mà tất cả chúng tôi đều đã chứng kiến cách đây 20 năm, khi bức màn sắt sụp đổ".

Theo cha bề trên tu viện Chúa Giêsu Hài Ðồng, "nhiều người không tin chắc rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào biến cố ấy, nhưng điều đó không hẳn là họ không có đức tin. Hơn nữa, nhiều người Tiệp tự nhận là "không có đức tin", lại rất thích tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng Praha".

Cha bề trên tu viện dòng kín Chúa Giêsu Hài Ðồng giải thích rằng "trái tim con người vốn nhậy cảm với biểu tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng. Ðược biết trong bức tượng, Chúa Giêsu được trình bày vừa như một hài nhi vừa như một vị vua.

Cha Sleich giải thích: đây là một hài nhi lôi kéo con người đến với mình. Và những người "nhìn thấy Thiên Chúa như một hài nhi chắc chắn không có bất cứ sự sợ hãi nào đối với Ngài". Trái lại, trước biểu tượng này, con người nhận ra rằng hài nhi này "cần có tình yêu, trái tim, đôi tay và sự giúp đỡ của chúng ta".

Nhưng đồng thời, Hài Nhi Giêsu cũng được trình bày như một vị vua. Quả địa cầu trên bàn tay trái của Hài nhi tượng trưng cho toàn thể vũ trụ, được đặt dưới dấu thánh giá và nằm trong bàn tay của Hài Nhi Giêsu.

Theo cha Sleich, hình ảnh này xuất phát trực tiếp từ Tin Mừng. Thật vậy, theo cha, "sau khi Chúa Giêsu sinh hạ, nhiều người từ xa đã đến triều bái vị vua mới sinh". Vào cuối cuộc sống dương thế, khi Chúa Giêsu vào thành Gierusalem, Ngài được đám đông tung hô như một vị vua và cũng chính với tư cách là vua mà Ngài bị đóng đinh.

Hiện nay tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng được đặt trong nhà thờ Ðức Bà Chiến Thắng, trong khu có tên "Cạnh Nhỏ" tại thủ đô Praha. Mỗi năm có đến hằng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng bức tượng. Trung Tâm hành hương hiện được đặt dưới sự trông coi của 5 linh mục dòng kín: hai vị người tiệp, hai vị người ấn độ và một vị người Ý.

Bức tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng này đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử nước Tiệp. Người ta kể lại rằng bức tượng là một món quà được thánh nữ Terexa Avila tặng cho một nhà quí tộc Tây Ban Nha. Bức tượng lại được tặng làm quà cưới cho người con gái của người này và được mang đến Praha. Kể từ năm 1628, bức tượng được tôn kính trong nhà thờ của các linh mục dòng kín.

Trong cuộc chiến tranh thường được mệnh danh là "cuộc chiến 30 năm", tức cuộc chiến vì tôn giáo tại Âu Châu sau cuộc Cải Cách của Tin Lành, bức tượng đã bị cách binh sĩ tin lành xúc phạm: họ đã chắt hai cánh tay của bức tượng và ném bức tượng vào một đóng rác đằng sau bàn thờ. Một linh mục Dòng Kín người Luxembourg đã tìm thấy bức tượng. Không bao lâu, bức tượng đã được cả thế giới tôn kính.

Thánh nữ Terexa Hài Ðồng Giêsu và thánh nữ Edith Stein có lòng tôn kính đặc biệt đối với bức tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng Praha này. Ðại thi hào Pháp Paul Claudel đã làm một bài thơ nổi tiếng về bức tượng này.

Phi Luật Tân có lẽ là nước có truyền thống tôn kính Hài Nhi Giêsu được gọi là Santo Nino một cách đặc biệt nhứt. Năm 1521, nhà thám hiểm Magellan đã khám phá ra đảo Zulu. Ông đã tặng cho hoàng hậu đảo này bức tượng Santo Nino. Ngày nay, bức tượng được tôn kính trong tiểu vương cung thánh đường Santo Nino tại thành phố Cebu.

Tòa Thánh đã cho phép giáo hội tại Phi Luật Tân mừng lễ Santo Nino với một phụng vụ đặc biệt vào Chúa Nhựt thứ ba của tháng Giêng.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page