Ðối thoại giữa Công giáo
và Chính thống tại Trung Quốc
Ðối thoại giữa Công giáo và Chính thống tại Trung Quốc.
Qiqihar, Trung Quốc [Ucanews 11/09/2009] - Một vị Giám mục Công giáo tại Miền Ðông Bắc Trung Quốc đang tìm cách gia tăng đối thoại giữa Công giáo và Chính thống.
Sau khi một nhà thờ Chính thống Nga được thánh hiến tại một thị xã thuộc tỉnh Heilongjiang, đông bắc Trung Quốc, Ðức cha Joseph Wei Jingyi, Tổng giám mục Qiqihar, ghi nhận rằng hiện chưa có nhiều tiếp xúc giữa hai Giáo hội tại thành phố Eerguna, nằm sát biên giới Nga.
Ðức cha Jingyi hy vọng rằng sau khi nhà thờ Chính thống nói trên được khánh thành, quan hệ giữa hai Giáo hội sẽ tốt đẹp hơn.
Ðức cha nói rằng hiện vẫn chưa biết rõ có bao nhiêu tín hữu Chính thống Nga tại Eerguna, nhưng tổ tiên của họ đã đến lập nghiệp tại đây từ hơn một thế kỷ qua.
Nhà thờ nói trên là nhà thờ Chính thống đầu tiên được thánh hiến tại Trung Quốc trong vòng 50 năm qua. Ðây là một trong bốn nhà thờ Chính thống được chính phủ cộng sản Trung Quốc nhìn nhận.
Cha Mikhail Wang Quansheng, một vị linh mục Chính thống già từ Thượng Hải đến, đã chủ sự nghi thức thánh hiến nhà thờ, bởi vì hiện nay nhà thờ mới chưa có linh mục.
Theo Giáo hội Chính thống tự trị Trung quốc, Giáo hội Chính thống Nga đã đến Trung Quốc vào năm 1685, nhưng mãi cho đến hậu bán thế kỷ 19 mới thu hút được nhiều tín hữu.
Năm 1949, tức năm Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được thành lập, có tất cả 106 nhà thờ Chính thống tại Trung Quốc. Phần lớn tín hữu Chính thống là người Nga tỵ nạn. Số tín hữu người Trung Hoa chỉ có khoảng 10 ngàn người. Tuy nhiên, cuộc cách mạng văn hóa do Mao Trạch Ðông chủ xướng đã hầu như quét sạch Giáo hội Chính thống tại Trung Quốc.
Cuộc hồi sinh của Giáo hội này chỉ bắt đầu vào giữa thập niên 80. Nhà thờ tại Harbin đã được mở cửa đầu tiên và một số người Nga tỵ nạn và tín đồ Trung Quốc đã được phép thực hành đạo từ năm 1986.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc và Giáo hội Chính thống Nga thảo luận với nhau về những vấn đề liên quan đến Giáo hội Chính thống tự trị Trung Quốc như: gởi các chủng sinh Trung Quốc sang Nga để được đào tạo, tình trạng thiếu linh mục tại Trung Quốc và việc hoàn trả lại cho Giáo hội các tài sản đã bị tịch thu.
Chu Văn