Hồi ký Ðức Cố Giám Mục Lê Ðắc Trọng
Hiện tình tôn giáo sau năm 1975
Hồi ký Ðức Cố Giám Mục Lê Ðắc Trọng - Hiện tình tôn giáo sau năm 1975.
I. Nhà Nước Với Tôn Giáo
Phật Giáo đấu tranh mạnh và nhiều với Nhà Nước, song Nhà Nước không sợ họ bằng sợ Công Giáo. Vì cho rằng Công Giáo đoàn kết hơn, giáo lý vững chắc, hậu thuẫn là cả một Giáo Hội hoàn vũ cũng vững chắc, cấu kết mạnh mẽ, một lực lượng tinh thần mạnh nhất trên thế giới (Họ không biết Thiên Chúa mới là Ðá Tảng). Nếu phân biệt fond và forme trong mối quan hệ, như khi làm dissertation, thì forme có thay đổi - có đôi chút dễ dãi; nhưng về fond vẫn giữ nguyên nghi ngờ, đề phòng, căm ghét, không làm gì thì chịu vậy đấy thôi! Với Vatican, có tôn trọng, nể nang hơn xưa một chút, không còn coi là kẻ thù, nhưng vẫn còn nghi ngờ, canh chừng.
Ðặt ra các lý do để từ chối việc nọ việc kia. Như xin cho người trong Nam ra làm việc ngoài Bắc, sẽ trả lời: Bắc người ta không thích Nam, hoặc ngoài Bắc đủ người rồi. Lúc khác thì lại nêu miền Nam tiến bộ lên, để Bắc noi theo. Những lý do chỗ công khai thì khác, chỗ riêng tư lại khác. Cán bộ lên lớp, phê phán, chỉ trích một người nào đó, hết buổi họp lại ra uống nước vui vẻ với nhau. Làm việc không theo luật lệ, mà chỉ thích theo ý muốn cấp trên khoán cho cấp dưới. Ví dụ, cấp trên không muốn cho tổ chức lễ nọ lễ kia, hay một vị Giám Mục trở về nhiệm sở, cấp dưới bầy đủ ra mọi lý do, có khi rất trẻ con, miễn sao ngăn cản được, và nếu thành công, cấp dưới được khen thưởng. Nếu không, là tại cấp dưới, bởi đó cấp dưới cố công mà làm cho được.
Họ không nhận trách nhiệm bao giờ, chỉ bắt đương sự phải gánh hết, người dân đi lính phải làm đơn xin đi, mặc dầu trốn lính không được. Người phá thai phải làm đơn yêu cầu (thế mà đẻ con thì bị phạt). Ðức Cha Thuận đi Rôma là vì ngài yêu cầu, ngài ở lại là vì ngài yêu cầu (được thu xếp cho yêu cầu). Luận điệu chung, nhà nước rất dễ dàng, khó khăn là ở các ông, ở nội bộ các ông...
II. Nội Tình Công Giáo
Hàng Giám Mục
Giám Mục đoàn yếu, nhiều vị tuổi già, bệnh tật, lại ở những vị trí quan trọng. Thiếu đoàn kết, chia rẽ theo miền, theo địa phương, tuy chưa đến độ trầm trọng. Vị thì chỉ lo cho quyền lợi Giáo phận mình, không quan tâm mấy đến quyền lợi chung: vị khác lo bảo vệ vinh quang (học vị), hầu hết nhút nhát sợ sệt, nhất là các vị miền Nam, vì luôn bị mặc cảm chiến bại. Ðức Giám Mục Mỹ Tho đạo đức chân chính bị coi là lẩm cẩm. Không thiếu những vị kỳ thị Giáo phận nhỏ to, thầm mơ ước, và thậm chí nếu có thể, vận động cách nào đó để được chuyển vào những vị trí cao sang. Ngày trước có một vị linh mục, đi qua viếng Rôma về nói: Sang Rôma về kém cả lòng tin, vì lúc đó có nhiều thói cũ, tệ lạm... Có lẽ vì thế àm những vị nào học Rôma về dễ kém lòng tôn trọng Tòa Thánh, muốn theo ý riêng hơn là đường lối chung. Tất cả đều orthodoxe, nhưng thái độ khác nhau trước Ðoàn Kết, và thường là không dứt khoát. Trong một buổi gặp mặt nọ, một linh mục đứng lên hỏi Ðức Tổng của mình về thái độ phải có trước phong trào đó, Ngài chỉ nói: "Các cha đã biết thái độ của tôi rồi". Thái độ đó nào ai biết !
Các Linh Mục
Vì các vị chủ chăn giáo phận như thế, thì hàng linh mục làm sao hoàn hảo được. Giám mục thế nào, thì linh mục cũng thế, và kém xa nữa.
Miền Bắc ít linh mục, ít phức tạp. Miền Nam, nhất là Sài Gòn, nhiều linh mục, rất phức tạp. Có một số những vị học hành nhiều, nhưng một số coi nhẹ căn tính linh mục, mà nặng về học vị. Cộng sản khi thịnh hành, không sợ trí thức cho bằng tôn giáo. Trí thứ cũng như tư bản hay ngả nghiêng nhất, nên dễ bị lợi dụng. Người Việt Nam lại quý trọng những người bằng cấp, được nhiều sùng bái, bởi đó sự ngả nghiêng của những vị đó có thể tác hại nhiều đối với những người sùng bái.
Sự giầu có đang xâm nhập vào hàng giáo sĩ, cả Nam - Bắc. Các nhà của các vị giáo sĩ đầy đủ tiện nghi hiện đại hơn là giáo dân. Người nghèo khó đến nhà linh mục, không có chỗ mà ngồi.
Người giáo dân
Giáo dân, nói chung đều tốt cả. Người ta nói: Ngày nay Chúa Thánh Thần hoạt động nơi giáo dân hơn là nơi giáo sĩ. Không biết có đúng không, nhưng có hiện tượng như thế. Trong xã hội, người ta lấy dân làm gốc. Trong đạo lúc này đúng là giáo dân được ơn Chúa soi sáng thúc đẩy hơn là giáo sĩ. Ngoài Bắc, thấy cha xứ thiếu tư cách, giáo dân kiện lên Bề Trên, tẩy chay cha không đi xem lễ. Hoặc họ nhắm mắt nói: "Cha có tội mặc kệ cha, mình chỉ tin Chúa". Thái độ thụ động, chịu đựng thành thói quen trong chế độ, cả trong miền Nam. Ở miền Nam, họ đánh linh mục, đuổi linh mục, như ở Hoàng Mai, Xóm Mới, Tân Sa Châu. Giáo quyền đóng cửa nhà thờ, giáo dân đành thiệt phận.
Một định giá có vẻ ngạo mạn: giáo dân tốt hơn linh mục, linh mục hơn Giám Mục. Ðiều đó có thể chứng minh trong việc phong thánh, giới nào vững vàng nhất. Ở trong tù, thường là thế này: giáo dân hơn tu sĩ, tu sĩ hơn linh mục. Trong những vấn đề khó khăn: giáo dân vững vàng, linh mục nhẹ nhàng, Giám Mục im tiếng, hoặc xuê xoa.
III. Phong Trào Giáo Lý
Miền Bắc theo lối cổ truyền: học thuộc lòng kinh bổn, không thấy giải nghĩa. Trước kia, tụ tập học như thế cũng không được, phương chi giảng dạy. Họ vẫn giữ tốt đạo, nhờ ơn Chúa Thánh Linh bù đắp, dù thiếu học hành giáo lý. Ngày nay phong trào giáo lý bắt đầu rầm rộ ở khắp nơi, tuy mới trong trình độ sơ khai, vì cơ chế các giáo lý viên đang hình thành. Tinh thần giáo lý ở miền Bắc nặng về những nguyên tắc luân lý, về đời sống. Nhưng do đó mà trước nay người ta còn giữ được đạo. Nhất là ngày nay trong cái xã hội đang xuống dốc về mặt luân lý. Một vị Tỉnh Ủy kia khen và tỏ lòng biết ơn một linh mục xứ kia, vì ông nói rằng nhờ linh mục xứ mà trẻ em ngoan ngoãn, có nhiều đức tính tốt, mặc dù linh mục đó chỉ giảng đạo trong nhà thờ. Có thể nói một mùa xuân chớm nở, ít người trở lại đạo tự ý, hầu hết là kết bạn. Bù lại, những nơi lơ là về đạo, từ hàng mấy chục năm nay, giờ đây trở lại, tự mình xây dựng lại nhà thờ, đọc kinh, học giáo lý. Ở mạn Bắc Việt Nam, gần Tàu, có hàng chục ngàn người Mèo (Hơ-mông) đang xin tòng giáo, mặc dù bị đánh đập, trục xuất khỏi bản làng, mà họ chỉ có học với đài Vatican.
Miền Nam, nơi được tự do từ lâu, có nhiều giáo lý viên, các lớp giáo lý rất thịnh hành. Họ có đời sống đạo ở mức cao và rộng rãi, nhờ được học tập nhiều. Học tập nặng về tri thức, kiến thức hơn là về đời sống luân lý, có lẽ nhiễm ảnh hưởng Tây Phương nhiều.
IV. Chủ Nghĩa Thực Dụng (pragmatisme)
Giáo Hội Bắc và Nam khác nhau ở điểm đón nhận đời sống. Miền Bắc, bị Chủ nghĩa xã hội ảnh hưởng, bị tước đoạt tất cả, chỉ lo giữ cái cốt yếu, giữ nguyên tắc, còn các cái khác không đáng kể. Một câu trả lời tiêu biểu cho khuynh hướng đó. Một cán bộ hỏi một người nghèo khó: "Ðạo anh là đạo thế nào?" - "Ðạo tôi là đạo thà chết chẳng thà bỏ đạo". Bởi ít nhẹ nhàng uyển chuyển, nên bị coi là cứng nhắc, hoặc bảo thủ. Nhưng có bảo thủ như thế mới giữ được tới ngày nay. Ít chịu mua chuộc bởi lợi lộc, hay nói đúng, không chịu để bị mua chuộc bởi lợi lộc.
Miên Nam, chịu ảnh hưởng Chủ nghĩa thực dụng của Mỹ, làm sao được lợi nhiều, nặng về quyền lợi hơn là nguyên tắc. Ở đây không phê phán lối sống đó, nhưng chỉ nêu một số nhận xét: lo lắng làm sao giữ được quyền lợi, làm được một việc gì đó, mặc dù vì thế ảnh hưởng không hay đến nguyên tắc. Ví dụ nhóm tiến bộ yêu nước được coi là cần thiết, ích lợi cho Giáo Hội, vì nhờ có họ mà Giáo Hội được dễ dàng. Các tác phẩm văn hóa được xuất bản dưới bảo trợ của Ðoàn Kết, vì có thế mới ra đời được, nhất là tên tuổi tác giả... không nghĩ rằng những việc vào loại đó ảnh hưởng đến sự hợp nhất trong Giáo Hội, sự hợp nhất phải gìn giữ như con ngươi trong mắt. Tham gia việc nọ việc kia để được ra Bắc du lịch, được xuất ngoại, sang được cả My. Do đó mà phong trào đoàn kết có đất sống vậy.
V. Phong Trào Các Patriotes
Ở miền Bắc trước đây là "Hội liên lạc những người Công giáo yêu nước và hòa bình". Giáo Hội khổ nhiều nhất vì nhóm đó trong nhiều năm, vì đó là công cụ để phá đạo, bách hại đạo, giống kiểu Julien Apostats: lấy đạo chống đạo, lấy người có đạo đập người có đạo, lấy con cái chống lại cha mẹ. Người ta bảo:
Nhà nước tôn trọng tôn giáo, những xích mích là do nội bộ các anh. Thế mà ai không theo nhóm đó là không theo chế độ, chống lại nhóm đó là chống lại nhà nước, được mang danh hiệu là đội lốt tôn giáo, phản quốc, vì chống lại những người yêu nước. Người Công giáo chịu bao khốn khó, tù đầy cũng là do nhóm này. Cũng may là những linh mục hay giáo dân lãnh đạo được lựa chọn ở những thành phần không đạo đức, nên ít ai theo; nhưng họ lại có quyền của nhà nước, mà họ dốt nát, nên càng dữ tợn, người ta vừa sợ, vừa biết bộ mặt của họ. Vì thế, nó đã sắp tàn nếu không có miền Nam đến tiếp sức và hồi phục nó dưới nhãn hiệu mới "Ban Ðoàn Kết".
Ủy ban này có lãnh đạo trí thức (các linh mục bằng cấp), tìm được đất màu mỡ ở miền Nam và sống mạnh, nhờ vào việc thay đổi chiến thuật: tế nhị, hiền từ chứ không hung hăng như ở miền Bắc xưa, lại thêm tính thực dụng trong đời sống, cộng với tinh thần sợ sệt coi mình như chiến bại (đi với họ, có lợi, không phải sợ gì; ở Bắc xưa, họ tuyển người ở nhóm ngụy quân ngụy quyền, những người bỏ đạo hoặc có mâu thuẫn với đạo, như thế dễ sai, sai gì cũng phải làm).
Forme có đổi, fond vẫn không thay đổi. Tuyên bố không tách khỏi Giáo Hội, lại còn giúp in những sách đạo, phổ biến Phúc Âm giáo lý, giúp cho các cha các xứ được quyền lợi nọ kia, đạo được dễ dàng, nhưng thực tế vẫn là tách khỏi Giáo Hội, vì họ làm mọi việc đó nhân danh họ, người quyền bính chính thức của Giáo Hội. Chê trách Tòa Thánh càng biểu lộ rõ rệt hơn nữa: điều cốt yếu hay xảy ra trong đạo, báo chí của họ chẳng nói gì tới, nhưng nếu có một chuyện scandale ở đau, hoặc trong một chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng nếu có người nào đứng lên phản đối, thì họ không bỏ sót, Họ là những người trí thức thì họ phải biết mỗi tờ báo của họ đều có một ủy viên Trung Ương làm chủ nhiệm ở đằng sau.
Họ phải thừa hiểu rằng: được chín cái lợi mà hy sinh một điều thôi, có thể là hết tất cả. Hy sinh đó cũng lợi nữa. Ví dụ chỉ chấp nhận thế này: "Ông là bạn tốt của tôi, ông giúp đỡ tôi rất nhiều. Chúng ta là bạn tốt với nhau!". Ðã là bạn tốt với nhau, đâu còn dám làm phật ý nhau, làm khác ý ông bạn của mình, phương chi làm ngược ý bạn, thế mà ông bạn kia lại là người tham lam, cho đi tất cả để lấy lại tất cả. nhận thuộc về người bạn đó, là hiến cả đời sống cho người đó, cả Giáo Hội, nếu có thể.
Nhưng một khi đã trót rồi, không thể rút ra được nữa. kinh nghiệm xưa là thế, nay vẫn thế. Nào mất quyền lợi, nào nguy cơ tưởng tượng, nào sĩ diện. nay mọi cái mọi nơi đều thay đổi, chỉ con người có tinh thần ly khai, chống Giáo hội thì vẫn y nguyên. Một Ðức giám Mục nói về Tổng Ðại diện của mình đang thao túng mọi việc trong Giáo phận mà vị đó đã là và nay vẫn còn tinh thần patriot. Tòa thánh đã biết, dư luận chống đối, muốn vị đó từ chức. Ðức Giám Mục nói: "Ông ấy tốt, giúp nhiều việc, làm sao bãi chức ông được. Khi nào tôi chết tức khắc ông ấy hết quyền". Bi đát làm sao! Truyện thật %!
Những ấn loát muốn được ra mắt, phải dán nhãn hiệu "Ðoàn kết". Các tác phẩm mất giá một phần, bị nghi ngờ. Nay dưới nhãn hiệu "Xuất bản của Tòa Tổng Giám Mục". Lãnh tụ đã vào ngự tòa rồi. Hết kỳ thị!
Giáo phận Thanh Hóa, có một linh mục làm tổng thư ký Ðoàn Kết (Ðức cố Giám Mục ở đó cũng rất thân với nhóm). Về Ðức Cha Lâm (Ðà Lạt) người ta nói nhà nước không ưa (trước thì ưa, và đã có lần người ta giới thiệu với Ðức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn đưa về làm Phó Tổng Giám Mục, hồi Ðức Cha Sang chưa được chọn) thế mà nghe nói nay sắp được về thanh Hóa. Trước khi có tin này, nhân viên Bộ Nội Vụ sửng sốt loan báo Ðức Giám Mục Hà Nội: "Cụ có biết ông Lâm ra Thanh Hóa để làm bàn đạp lên Hà Nội không? Và bây giờ họ mới tin!".
Có dư luận rằng: miền Bắc nói chung, Hà nội nói riêng, không thích cho người Nam Ra Bắc. Ðiều đó không đúng. Nếu miền Bắc có sợ, thì sợ điều này: ví dụ, Ðức Cha Lâm mà mang theo sự nhẹ nhàng, dễ dãi với Ðoàn kết, dễ thân người quyền thế, thì sợ thật. Ðức Cha Sang đi Thái Bình, nhẹ cho Hà Nội một phần, vì ngài nhẹ nhàng dễ dãi với Ðoàn Kết mà ở Ðịa phận thủ đô thì tai hại cho toàn thể giáo đoàn Việt Nam. Miền Bắc, nhất là Hà Nội, đã trải qua bao vất vả để giữ toàn vẹn lòng trung thành, bây giờ thảng hoặc lại lâm cảnh như Sài Gòn, thì khốn khổ. Mong muốn miền Nam, nhưng phải là những đấng có orthodoxie hẳn hoi, đã có được thử thách. Khốn nỗi, những vị được thử thách, trung kiên thì lại không có cơ hội may mắn. Thành ra miền Bắc phải chịu cái tiếng oan là không thích miền Nam. Ước muốn của người viết những dòng này là phải sàn bằng cái hố Nam Bắc. Làm gì có nhóm của Apollo, nhóm của Phaolô... của người thông thái, của người thấp kém, của người giầu, của người nghèo. Chỉ có một Ðức Kitô, nhưng thương ôi! Cái thế gian tính, cái loài người tính, cái địa phương tính nó vẫn bám chặt vào con người, không kể cấp bậc nào!
Kết Luận
Không phải kết luận theo những dòng đầy bi đát ở trên. Nhưng phải là tin tưởng, tươi vui sáng sủa. Trong xã hội người ta vẫn chê cái lối hành động này "Làm láo, báo cáo thì hay". Thói đó, đời người ta cũng chê. Thì làm sao khi nói về những hành vi con người trước mặt Chúa mà lại chỉ có là tốt đẹp cả.
Bi quan hay lạc quan? Những cái bóng tối chỉ là giới hạn, cá thể nhiều hơn, tuy có tác hại nhiều. Luôn phải nhớ. Ngọn gió Chúa Thánh Linh đã và đang nổi lên mạnh mẽ trong Giáo Ðoàn Việt Nam. Lửa Chúa Thánh Linh hằng tác động nơi lòng người tín hữu. Trên 90% người tín hữu cố gắng sống đức tin. Ơn kêu gọi tu sĩ, linh mục rất nhiều, trung thành gắn bó với Giáo Hội Mẹ, lòng tôn sùng Ðức Mẹ nồng nàn khắp nơi. Mấy nước trên thế giới được như thế! Những kết quả đó không ai gây nên được, không lớp người hay thế hệ nào gây nên được. Hoàn toàn do hồng ân Thiên Chúa ban cho đất Việt Nam, qua lời bầu cử của Mẹ Maria, của các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Phải hết lòng tạ ơn.
Bầu khí chung: an bình, chuẩn bị cho ngày mai, không sốt ruột mong thay đổi. Chăm lo xây dựng con người, xây dựng người tín hữu, xây dựng đời sống đạo đức, xây dựng văn hóa Kitô, để dù sống trong hoàn cảnh nào, có những thay đổi nào đi nữa, Giáo Hội tồn tại và tồn tại xứng đáng.
+ Gm Phaolô Lê Ðắc Trọng