Nhận định về cuộc xung đột

giữa Giáo hội Công giáo và Thủ tướng Ý

 

Nhận định về cuộc xung đột giữa Giáo hội Công giáo và Thủ tướng Ý.

Rome [Hugues Portelli, giáo sư tại Ðại học Paris II, trên báo La Croix 8/09/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Mặc dù một đảng phái mang danh "Công giáo" đã biến mất khỏi chính trường Ý, Công giáo Ý vẫn chưa ra khỏi chính trị tại nước này. Trái lại, mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và chính trị tại đây lại thêm phức tạp hơn mà thôi.

Trên đây là nhận định của giáo dư Hugues Portelli, hiện đang giảng dạy tại Ðại Học Paris II, Pháp.

Theo giáo sư Portelli, mặc dù người Công giáo Ý có mặt trong mọi đảng phái, nhưng không có người nào tự nhận nói thay cho Giáo hội Công giáo Ý. Chính vì thế mà Giáo hội, cách riêng hàng giáo phẩm Công giáo, phải tự mình lên tiếng phát biểu để bênh vực lập trường của mình.

Hiện tình chính trị Ý cho thấy tình trạng mâu thuẫn trên đây.

Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi, và đảng của ông vốn đang chiếm đa số ghế trong chính phủ, trước đây đã không có vấn đề nào đối với với phần lớn người Công giáo và đối với Hội đồng Giám mục Ý. Ông vẫn luôn bênh vực các lập trường chính thức của Giáo hội Công giáo về một số vấn đề nhậy cảm như trường học, viên thuốc có tác dụng phá thai hay đạo đức sinh học. Tuy nhiên, quan hệ này ngày càng xấu đi và cuộc xung đột giữa ông và Giáo hội đã trở thành công khai kể từ khi ông tái cử hồi năm 2008.

Lãnh vực đầu tiên tạo ra xung đột giữa Giáo hội và chính phủ là chính sách chống di dân của chính phủ. Tuần báo Công giáo độc lập có tên là "Famiglia Cristiana" [gia đình Kitô] do Dòng Phaolô điều khiển, đã mạnh mẽ chỉ trích chính sách bài di dân của chính phủ.

Mùa hè vừa qua, quốc hội Ý đã tỏ ra cứng rắn hơn khi thông qua luật cho phép trục xuất những người ngoại quốc đang sống bất hợp pháp tại Ý. Chính quyền Ý cũng tỏ ra dửng dưng trước cái chết thảm thương của 37 người di dân Lybia trong vùng biển Sicilia dạo tháng 8 năm 2009. Giáo hội đã mạnh mẽ lên án chính phủ về thái độ dửng dưng này.

Mới đây, hàng giáo phẩm Công giáo Ý cũng cực lực phản đối những cuộc tấn công của ông Umberto Bossi, chủ tịch của Ðảng bảo thủ có tên là "Liên Minh Phía Bắc", vốn là đồng minh trung thành của thủ tướng Berlusconi.

Những tiết lộ về thói trăng hoa của thủ tướng Berlusconi chỉ là giọt nước làm tràn ly trong cuộc xung đột giữa ông và Giáo hội. Những lời tố cáo của vợ ông, được báo chí thế giới khai thác, đã cho thấy có sự mâu thuẫn sâu xa giữa cuộc sống và giọng điệu đạo đức của ông.

Nhựt Báo "Avvenire" [tương lai] của Hội đồng Giám mục Ý và giám đốc của tờ báo là ông Dino Boffo, đã lên tiếng tố cáo thói trăng hoa của thủ tướng Berlusconi. Ðể phản công, Nhựt Báo "Il Giornale", do gia đình ông làm chủ, đã không ngần ngại bôi nhọ cuộc sống riêng tư của ông Boffo.

Các Ðức giám mục Ý đã trả đủa bằng cách cho đình hoãn cuộc gặp gỡ giữa Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Thủ tướng Ý nhân cuộc hành hương "Tha Thứ" được tổ chức hằng năm tại Aquila.

Về phần mình, Ðức thánh cha Benedicto XVI cũng đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông Boffo, khi ông tuyên bố rút lui khỏi chức giám đốc Báo Avvenire để tránh khỏi làm phiền Hội đồng Giám mục Ý.

Trong lịch sử nước Ý, kể từ khi nền Cộng Hòa được thiết lập, chưa bao giờ có một cuộc xung đột trầm trọng như thế giữa Giáo hội và Thủ tướng. Trong một xứ sở mà Công giáo vẫn còn là sức mạnh chủ yếu về tinh thần và xã hội , không ai muốn thấy một tình trạng như thế kéo dài.

Ðiều khiến cho cuộc xung đột trở nên trực tiếp hơn đó là lổ hổng chính trị hiện nay tại Ý: Phe Trung Hữu đối lập, vốn qui tụ những người Công giáo cánh tả của Ðảng Dân Chủ Kitô, hiện không có lãnh đạo, tổ chức và chương trình hành động. Phe đối lập hầu như im lặng trong cuộc tranh luận công khai hiện nay. Chỉ có hai mặt trận lên tiếng chỉ trích thủ tướng Berlusconi: một là nhóm báo chí Trung Tả mà Nhựt Báo "La Republica" [cộng hòa] là con ngựa đầu tàu, hai là Giáo hội Công giáo, hiện đang mở ra cuộc chiến về đạo đức trong di dân và luân lý trong đời sống công cộng.

Giáo sư Portelli nêu lên nhiều câu hỏi về cuộc xung đột. Trên phương diện chính trị Giáo hội Công giáo xem thời của thủ tướng Berlusconi "như đã sang trang" và công khai đặt vấn đề về thời "hậu Berlusconi".

Về mặt xã hội, 15 năm sau khi Nền Ðệ Nhứt Cộng Hòa sụp đổ, phương cách can thiệp của Giáo hội vào trong một hệ thống chính trị trong đó Giáo hội không có người "tiếp sức" mà phải luôn đứng ở tuyến đầu, là điều cần phải biến hóa không ngừng.

Theo giáo sư Portelli, đây chính là thách đố quan trọng nhứt của Giáo hội tại Ý hiện nay.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page