Lời kêu gọi của các vị đại diện
các tôn giáo lớn tại Auschwitz
Các đoàn đại biểu đều đặt một vòng hoa tưởng niệm
tại đài tưởng niệm, bên cạnh bốn lò sát sinh đổ nát.
Lời kêu gọi của các vị đại diện các tôn giáo lớn tại Auschwitz.
Balan
[La Croix 8/09/2009] - Kính
thưa quí vị, các bạn thân mến. Tại Birkenau, Balan, các tôn giáo lớn trên thế giới đã đáp
lại lời mời gọi cùng nhau xây dựng hòa bình của cộng
đồng thánh Egidio.
Ðại biểu các tôn giáo lớn viếng thăm "lò sát tế" các nạn nhân Do Thái và cầu nguyện cho hòa bình tại Auschwitz - Birkenau. |
Tại đây, chỉ có sự thinh lặng mới có thể là lời cầu nguyện. Dưới ánh nắng chói chan, hàng trăm đại diện các tôn giáo đến từ khắp thế giới đã đáp lại lời mời gọi của Cộng đồng thánh Egidio để tiến về trại tập trung Auschwitz, cách thành phố Krakow khoảng 60 cây số.
Tại đây, một số vị đại diện tôn giáo đã cảm nghiệm được tính cách dã man và khủng khiếp của cuộc sát tế người Do thái do Ðức quốc xã chủ trương.
Một đại diện đến từ Malaysia là ông Gerald Pereira, người sáng lập Liên Hiệp các luật sư Kitô. Bao nhiêu câu hỏi không ngừng được gợi lên trong đầu ông khi ông đi qua giữa các dảy nhà giam. Tựu trung, chỉ có một câu hỏi đáng được đặt ra là: "Làm sao điều đó đã có thể xảy ra?"
Một đại diện Ấn giáo đến từ Ấn Ðộ thì lại nêu ra câu hỏi: "Làm sao Thiên Chúa của các bạn có thể để cho điều đó xảy ra?"
Ðứng trước "bức tường xử bắn", là nơi hằng chục ngàn người đã bị sát hại, Ðức hồng y Stanislaw Dziwisz, Tổng giám mục Krakow, đã cùng với một người sống sót từ trại tập trung đến quì và cầu nguyện trong thinh lặng.
Phía sau ngài, ông Michael Schudrich, đại Giáo trưởng Do thái tại Balan, với giọng nói uất nghẹn thốt lên: "Tôi chỉ có một lời cầu nguyện: ước gì cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây, tại chính nơi diễn ra cuộc diệt chủng khủng khiếp nhứt trong lịch sử nhân loại mà nạn nhân không chỉ là người Do thái, mà còn cả những người Tsiganes, người Balan và bao nhiêu dân tộc khác, cho phép chúng ta cùng nhau bước tới một bước để điều đó không bao giờ lập lại nữa. Nếu cách đây 70 năm chúng ta đã có thể gặp nhau ở đây thì có lẽ tính vô nhân đạo đã lùi bước".
Cách đó vài bước, Ðức hồng y Franciszek Marcharski, cựu Tổng giám mục Krakow, đi vào phòng biệt giam của thánh Maximiliano Kolbe.
Bên cạnh những hàng rào kẽm gai là phòng hơi ngạt đầu tiên. Ðức Cha Vincenzo Paglia, Giám mục Terni, Ý, và linh hướng của cộng đồng thánh Egidio, thốt lên: "Ðây quả là một cuộc đi xuống hỏa ngục. Trong thinh lặng chúng ta tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa Kitô, của con người, của mọi người không phân biệt tôn giáo, văn hóa. Ði xuống tận đáy có lẽ là cách thế duy nhứt để múc lấy sức mạnh ngõ hầu hy vọng xây dựng được một thế giới không bạo động, không man rợ. Ở đây chúng ta nghe được tiếng kêu khóc của hằng triệu người trên khắp thế giới đang tiếp tục đau khổ".
Tại nơi tập họp của trại, ông David Brodman, Giáo trưởng Do thái tại Israel, vốn cũng là một người sống sót từ trại tập trung trở về, như muốn kêu gọi: "Sự sống phải mạnh hơn cái chết".
Ngày hôm trước, trong một cuộc hội thảo về chủ đề "Ðừng quên Auschwitz, Giáo trưởng Brodman đã nói: "Chúng tôi không đòi hỏi báo thù: chỉ có Thiên Chúa mới có thể xét xử. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng cuộc sát tế ấy đã được qui hoạch bởi một trong những nước văn minh nhứt thời đó".
Ông Martin Salm, chủ tịch của Sáng hội "Ký ức, trách nhiệm và tương lai" có trụ sở tại Ðức, chia sẻ: "Cha mẹ tôi còn quá trẻ để trở thành thành viên của Ðức Quốc Xã, nhưng hai vị luôn tranh luận nhau: cha tôi nói rằng chúng tôi cần phải biết, còn mẹ tôi thì cho rằng chúng tôi không nên biết".
Trưa thứ Ba 8 tháng 9 năm 2009, tại Auschwitz - Birkenau, trại "sát tế có tính cách kỷ nghệ", cuộc tuần hành dài đã diễn ra. Trên đoạn đường sắt dài một cây số mà Ðức quốc xã đã dùng để chuyển các tù nhân vào trại tử thần, cộng đồng thánh Egidio đã qui tụ hằng trăm bạn trẻ Balan, Ðức và Ý. Theo lời mời gọi của giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên Cộng Ðồng Thánh Egidio, các bạn trẻ đã "đặt chân họ vào dấu chân của các nạn nhân".
Dẫn đầu cuộc tuần hành là đại diện các tôn giáo, các Giáo hội thuộc mọi lục địa. Người sáng lập cộng đồng thánh Egidio sánh vai với Ðức hồng y người Pháp Roger Etchegaray. Bên cạnh họ là Ðức hồng y Paul Poupard, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa, ông Mohamed Esslimani, nhà thần học của Hồi giáo tại Á rập Saudi, một thành viên của Hội đồng Hồi giáo Cote d'Ivoire và ông Meir Lau, đại Giáo trưởng Do thái tại Israel. Tất cả đều liên kết trong thinh lặng tại địa điểm có tính cách trượng trưng cao độ này. Nhiều chức sắc Á Châu đi bên cạnh một đại diện của Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama.
Khi đến trước đài tưởng niệm, bên cạnh bốn lò sát sinh đổ nát, tất cả các đoàn đại biểu đều đặt một vòng hoa tưởng niệm.
Tính cách đa diện của các Giáo hội Kitô gây ấn tượng đã đành, nhưng cũng đáng chú ý không kém đó là sự hiện diện của các vị đại diện Hồi giáo đến từ Ấn độ, Ai cập, Indonesia, Maroc, Á rập Saudi... Tất cả đều quì gối, nắm tay nhau.
Ðại Giáo trưởng Meir Lau hô lớn: "Ðừng bao giờ để tái diễn". Và tất cả mọi người hiện diện đều đồng thanh lập lại.
Vị đại Giáo trưởng nói thêm: "Ðừng bao giờ để cho bất cứ nhà máy chết chóc nào được xây dựng. Hãy sống chung với nhau, trong tình thân hữu, bằng tình yêu. Ðây sẽ là cuộc trả đủa tốt đẹp nhứt của chúng ta".
Chu Văn