Lễ tấn phong tân giám mục Phát Diệm

Niềm hy vọng mới

từ tinh thần Hiệp thông và Phục vụ

 

Lễ tấn phong tân Giám mục Phát Diệm: Niềm hy vọng mới từ tinh thần Hiệp thông và Phục vụ.

Phát Diệm, Việt Nam (WHÐ 8.09.2009) - Như tin đã đưa, Ðức tân giám mục Giuse Nguyễn Năng, nguyên Giám đốc Ðại chủng viện Thánh Giuse (cơ sở II, Xuân Lộc), đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phát Diệm. Châm ngôn mục tử của ngài là "Hiệp thông và phục vụ".


Lễ tấn phong tân Giám mục Phát Diệm: Niềm hy vọng mới từ tinh thần Hiệp thông và Phục vụ.


Lễ tấn phong Ðức tân giám mục Giuse vừa được tổ chức trọng thể tại khuôn viên Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm (quảng trường trước Phương Ðình) vào sáng nay 8-09-2009, lễ kính Sinh nhật Ðức Trinh nữ Maria.

Ðức cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh, giám mục giáo phận Xuân Lộc là chủ phong. Hai vị phụ phong là Ðức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hóa, nguyên giám quản Phát Diệm và Ðức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên giám mục Phát Diệm (đã nghỉ hưu).

Ðồng tế trong thánh lễ tấn phong có Ðức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Tổng giáo phận Saigòn, Ðức Tổng giám mục Tổng Giáo Phận Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục giáo phận Ðà Lạt, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và 20 Giám mục của 25 giáo phận trên cả nước, trong đó có Ðức tân giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc Tôma Vũ Ðình Hiệu (sẽ được tấn phong vào đầu tháng Mười 2009).

Tham gia đoàn đồng tế còn có hơn 400 linh mục khắp Bắc Trung Nam. Có vị từ cực Nam đất nước cũng có mặt trong thánh lễ đáng nhớ này: linh mục Trần Văn Trông, giáo xứ Hưng Văn (thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) thuộc giáo phận Long Xuyên, bạn đồng môn của Ðức tân giám mục tại Giáo hoàng Học viện Piô X (Ðà Lạt) giai đoạn 1970-1977.

Trong bầu khí hân hoan đón mừng Ðức tân giám mục của giáo phận Phát Diệm, gần hai vạn giáo dân đến từ khắp nơi trong giáo phận, từ vùng núi Hòa Bình, Nho Quan đến vùng biển Kim Sơn, rồi cố đô Hoa Lư và thành phố Ninh Bình, tuôn về khu vực nhà thờ Chính tòa từ mấy ngày trước lễ. Ðồng thời có gần 700 tu sĩ nam nữ, 150 chủng sinh tham dự thánh lễ khai mạc sứ vụ của Ðức tân giám mục. Ðặc biệt có phái đoàn giáo phận Xuân Lộc, nơi Ðức tân giám mục phục vụ từ 1977 đến nay và phái đoàn các linh mục, giáo dân miền Nam gốc Phát Diệm đã hành hương về quê cha đất tổ, mừng giáo phận cố hương vừa được Tòa Thánh gửi đến một vị mục tử mới.

Ngoài ra phái đoàn các tôn giáo bạn tại Ninh Bình cũng đã đến chúc mừng và có mặt trong thánh lễ tấn phong.

Ðúng 8g30 Thánh lễ tấn phong được bắt đầu.

Dẫn vào Thánh lễ là bài thánh ca Trong mến yêu do linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy sáng tác, kính tặng Ðức tân giám mục.

Bài Trong mến yêu đã đưa cộng đoàn phụng vụ vào tâm tình chiêm ngắm và cầu nguyện: "Con vẫn ước mong thông hiệp với Chúa. Chúa ở cùng con, con ở cùng Chúa. Xin cho chúng con thông hiệp trong Chúa, như Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hiệp thông với nhau" (Trích phiên khúc Trong mến yêu - linh mục Nguyễn Duy). Ca từ và giai điệu hân hoan đã giúp mọi người tiến vào cảnh vực linh thánh của các chiều kích hiệp thông được diễn tả trong phụng vụ Nghi lễ tấn phong giám mục của Hội Thánh.

Trong bài giảng Thánh lễ, Ðức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh, đã mở đầu bằng lời chúc mừng giáo phận Phát Diệm có vị mục tử mới và nhấn mạnh Ðức tân giám mục Giuse là "vị giám mục người Việt Nam thứ 100", như vậy Phát Diệm được một vinh dự "kép": có vị giám mục người Việt Nam thứ nhất (Ðức cha GB Nguyễn Bá Tòng) và thứ 100 (Ðức cha Giuse Nguyễn Năng).

Ðức cha Cosma nêu cảm nhận về ý nghĩa châm ngôn mục tử của Ðức tân giám mục "Hiệp thông và Phục vụ":


Lễ tấn phong tân Giám mục Phát Diệm: Niềm hy vọng mới từ tinh thần Hiệp thông và Phục vụ.


"Khi hai anh em thánh Giacôbê và Gioan tưởng Chúa Giêsu sẽ làm vua và muốn xin được chỗ bên tả bên hữu, Chúa cho biết Chúa đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ. Chắc chắn đó cũng phải là tâm niệm của mọi môn đệ Chúa Giêsu, nhưng riêng Ðức tân Giám mục Giuse của chúng ta đã muốn coi đó là điểm nhấn trong sứ mệnh mục tử của mình. Có thể ngài có quyền bính và được nhiều người kính trọng, nhưng ngài muốn theo gương Chúa Giêsu đóng vai người tôi tớ. Hình ảnh Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ sẽ là cốt lõi trong đời sống và sứ mệnh mục tử của Ðức tân Giám mục. Ngài sẽ phải giảng dạy, tổ chức, đưa ra những quyết định ảnh hưởng lớn đến đời sống của giáo phận, tất cả chỉ nhằm mục đích duy nhất là phục vụ: phục vụ giáo phận và phục vụ mọi người không kể lương hay giáo, thuộc thành phần này hay thành phần khác trong xã hội. Như Chúa Giêsu, ngài đến để đoàn chiên, không chỉ riêng người Công giáo, mà toàn thể mọi người, "được sống và sống dồi dào". Ðó chắc chắn sẽ là điều chiếm trọn vẹn suy nghĩ và trái tim cũng như thời giờ của ngài. Phục vụ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm vui của người môn đệ được nên giống Thầy Chí Thánh của mình".

Về ý nghĩa của châm ngôn hiệp thông, Ðức cha Cosma chia sẻ: "Chúa Giêsu đã không muốn phục vụ một mình, nhưng đã thiết lập Hội Thánh gồm các môn đệ để phục vụ. Hội Thánh gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng làm nên một thân thể mà mỗi người là một chi thể, mà theo thánh Phaolô thì "tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Ðức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể". Linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân Phát Diệm được mời gọi sống mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh cụ thể bằng việc nên một với giám mục của mình. Có thể do nguồn gốc và hoàn cảnh lịch sử chúng ta suy nghĩ và đánh giá khác nhau về điều này điều nọ, nhưng đáp lại mong ước của vị mục tử, chúng ta chẳng những phải đoàn kết với nhau qua việc nên một với ngài, mà còn phải mở rộng sự hiệp thông đến mọi thành phần khác trong xã hội nữa, vì mọi người đều là con của một Cha trên trời.

Ðức cha Cosma gợi lên những suy nghĩ về huyền nhiệm của sứ mạng mục tử nơi Ðức tân Giám mục.

Ðức tân Giám mục Giuse Nguyễn Năng sinh trưởng tại Phát Diệm nhưng lớn lên và phục vụ tại giáo phận Xuân Lộc, nay trở về quê hương thực thi nhiệm vụ của mục tử. Nhiệm vụ này đã được Chúa chuẩn bị rất lâu dài, như vun trồng một cây quý. Ðức tân Giám mục như "một cây quý giá được vun xới trong vườn Xuân Lộc sẽ đem lại cho giáo phận Phát Diệm một Mùa Xuân đầy Phúc Lộc".

Niềm cảm động còn đang đọng lại sau các Nghi thức tấn phong và Nghi thức Thánh lễ, đến khi lời nguyện Hiệp lễ vừa chấm dứt, không gian cổ kính của quần thể kiến trúc nhà thờ Chính tòa bỗng tràn ngập niềm cảm kích sâu xa lúc Ðức tân giám mục đi đến với cộng đoàn Dân Chúa, ban phép lành mục tử đầu tiên của ngài.

Cuối thánh lễ, thay mặt các Giám mục trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Ðức cha Chủ tịch Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chào mừng vị Giám mục thành viên mới của Hội đồng. Ðức cha Chủ tịch tin tưởng, với tài năng và tinh thần huynh đệ, Ðức tân Giám mục sẽ có nhiều đóng góp vào sứ mạng lãnh đạo cộng đoàn Dân Chúa tại Phát Diệm nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trước sự kiện Ðức tân Giám mục khai mạc sứ vụ mục tử, cộng đoàn Dân Chúa tại Phát Diệm, qua linh mục Tổng đại diện Phạm Ngọc Khuê, đã bày tỏ niềm vui và tinh thần vâng phục vị mục tử được Thiên Chúa gửi đến dẫn dắt đoàn chiên. Ðại gia đình giáo phận đã cùng chung tâm tình tạ ơn Chúa trong sự kiện đáng nhớ này.

Trong phần đáp từ, Ðức tân Giám mục bày tỏ lòng biết ơn đối với Tòa Thánh, tình huynh đệ với quý Ðức cha trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, tình cảm trân trọng đối với đại biểu đã đến chúc mừng và tham dự Thánh lễ, đặc biệt tấm lòng yêu mến đối với giáo phận Xuân Lộc và toàn thể cộng đồng Dân Chúa giáo phận Phát Diệm.

Thánh lễ tấn phong kết thúc vào lúc 10g30 cùng ngày.

Ðức cha Giuse Nguyễn Năng chính thức bắt đầu sứ vụ mục tử, mở ra một giai đoạn mới trong hành trình của lịch sử giáo phận Phát Diệm. Hành trình sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng. Hành trình "Phục vụ và Hiệp thông".

Thánh lễ tấn phong như lời diễn đạt về một niềm hy vọng mới. Niềm hy vọng của cộng đoàn tín hữu có 108 năm lịch sử (1901-2009), vừa được tái khẳng định từ tinh thần "Hiệp thông và Phục vụ" của vị mục tử mới.

 

PV

(nguồn: Bản tin điện tử của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam hdgmvietnam.org)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page