Tự do tôn giáo là khí cụ

của tiến bộ và ổn định

 

Tự do tôn giáo là khí cụ của tiến bộ và ổn định.

Ấn độ [Asianews 27/08/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Những ngày cuối tháng 8 năm 2009 đánh dấu đúng một năm các nhóm Ấn giáo quá khích tại bang Orissa, Ấn độ, tung ra các cuộc tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô. Các cuộc bạo động đã làm cho hằng trăm người chết và khiến cho hàng chục ngàn người phải đi lánh nạn.

Tưởng niệm biến cố này, Giáo hội tại Ấn Ðộ đã tổ chức các buổi cầu nguyện, canh thức và gặp gỡ văn hóa để tranh đấu cho tự do tôn giáo của các tín hữu Kitô và yêu cầu chính phủ nỗ lực để phục hồi danh dự cho một đất nước vốn nổi tiếng là tôn trọng và khoan nhượng đối với văn hóa và tôn giáo này.

Tuy nhiên, các cuộc bạo động vì lý do tôn giáo vẫn chưa chấm dứt: cách đây không lâu, một linh mục thuộc bang Karnataka là cha James Mukalel đã bị sát hại và lột trần truồng trên đường đi dâng lễ từ một làng quê trở về. Và mới đây, tại làng Gojra, thuộc bang Punjab, Pakistan, một nhóm Hồi giáo quá khích có đến trên 3 ngàn người đã tấn công vào một làng Công giáo. 8 tín hữu Công giáo trong đó có 4 phụ nữ và một trẻ em 7 tuổi, đã bị thiêu sống và 20 người khác bị thương; trên 50 ngôi nhà của các tín hữu Kitô bị thiêu hủy và hàng ngàn người bị buộc phải trốn chạy để tránh các cuộc hành quyết tập thể do các thanh niên quá khích thực hiện dưới sự điều động của các đảng phái chính trị và các giáo trưởng Hồi giáo.

Trong khi đó, cũng tại Pakistan, tại các quận nằm ở Tây Bắc giáp giới với Afghanistan, các cuộc bạo động do Phong Trào Taliban chủ xướng và việc áp đặt luật Hồi giáo Sharia đã khiến cho các nhóm thiểu số ngoài Hồi giáo phải lên đường đi lánh nạn.

Theo nhận định của hãng thông tấn Asianews, "nếu chúng ta nhìn vào toàn bộ Á châu, chúng ta sẽ thấy rằng lục địa rộng lớn này là lục địa phải đau khổ nhiều nhứt vì thiếu tự do tôn giáo và các nạn nhân đầu tiên chính là các tín hữu Kitô".

Hiện nay Á Châu có tất cả 52 quốc gia. Trong số này ít nhứt có 32 nước hạn chế việc truyền giáo của các tín hữu Kitô. Các quốc gia Hồi giáo, từ Trung Ðông đến Pakistan, Indonesia va Malaysia, luôn tìm cách làm khó dễ những ai muốn trở lại kito giáo. Ấn độ và Sri Lanka cũng ngày càng tiến tới việc áp dụng các luật chống cải đạo. Các nước Trung Á, ngoại trừ Kazakhstan, đều hạn chế tự do tôn giáo. Và dĩ nhiên, tại các nước cộng sản như Trung quốc, Lào, Việt nam và Bắc Hàn, nếu Giáo hội không bị bách hại thì tự do tôn giáo cũng bị giới hạn.

Thông thường, sự kỳ thị tôn giáo không biến thành cuộc chiến công khai chống lại tôn giáo, nhưng là một hiện tượng thấm nhập vào xã hội và thỉnh thoảng trồi lên trong những cách ứng xử tàn bạo nhứt.

Một trong những trường hợp mới nhứt, theo ghi nhận của hãng thông tấn Asianews, đã xảy ra tại giáo xứ Tam Tòa, giáo phận Vinh, Việt nam trong những tuần lễ vừa qua: nhiều giáo dân bị bắt giữ, hai linh mục bị hành hung trong các cuộc biểu tình ôn hòa đòi chính quyền địa phương trả đất đai lại cho Giáo hội.

Trong bối cảnh này, ý chỉ cầu nguyện của Ðức thánh cha trong tháng Tám năm 2009 thật ý nghĩa. Ðức thánh cha kêu gọi cầu nguyện cho tự do tôn giáo. Thật vậy, Ðức thánh cha đã xin các tín hữu cầu nguyện cho "nhân quyền, bình đẳng và tự do tôn giáo của các tín hữu Kitô đang bị kỳ thị và bách hại vì Danh Chúa Kitô tại nhiều nước, được nhìn nhận, ngõ hầu họ có thể sống và thực thi niềm tin của mình một cách tự do".

Lời kêu gọi của Ðức thánh cha thúc đẩy chúng ta cầu nguyện và tỏ tình liên đới giữa các tín hữu Kitô với nhau. Lời kêu gọi này cũng được ngỏ với các chính phủ và xã hội Tây Phương. Theo hãng thông tấn Asianews, người ta có cảm tưởng là các nước Tây Phương chỉ xem tự do tôn giáo như một món hàng để đổi chác. Chẳng hạn họ nói nhiều đến các cuộc bách hại Kitô giáo tại các nước Hồi giáo, nhưng lại hoàn toàn thinh lặng trước các cuộc bách hại tôn giáo tại các nước cộng sản như Trung Quốc và Việt nam. Lý do khiến các nước Tây Phương không màng đến các cuộc bách hại tôn giáo tại các nước cộng sản này là bởi vì họ đang làm ăn với các nước này và hy vọng thủ lợi từ sự phát triển kinh tế của các nước này.

Nhưng theo linh mục Bernado Cervellera, giám đốc hãng thông tấn Asianews, "cần phải quan tâm đến tự do tôn giáo, nhứt là của các tín hữu Kitô, bởi vì chính tự do tôn giáo mới phục vụ cho sự phát triển kinh tế của các nước mà họ là thành phần. Các tín hữu Kitô là những trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột xã hội và đồng thời cũng là chất xúc tác cho sự biến đổi nhân bản có lợi cho kinh tế, một sự biến đổi hữu hiệu hơn cả những hành động thỏa hiệp với các chế độ độc tài".

Sự ổn định của một xã hội phát sinh từ việc tôn trọng tự do tôn giáo hơn là từ sức mạnh của quân đội và sự kiểm soát của lực lượng an ninh.

Ðức thánh cha đã tái khẳng định điều đó trong thông điệp "Bác Ái trong sự thật" (Caritas in Veritate), mà nhiều chính trị gia nói rằng mình đã đọc, nhưng liền sau đó ném sang một bên.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page